Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong mọi sự

Tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong mọi sự

Tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong mọi sự

“Đức Chúa Trời nầy là Đức Chúa Trời chúng tôi đến đời đời vô-cùng; Ngài sẽ dẫn chúng tôi cho đến kỳ chết”.—Thi 48:14.

1, 2. Tại sao chúng ta nên theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va hơn là tin nơi sự khôn ngoan của mình, và có những câu hỏi nào được nêu ra?

Chúng ta có thể dễ dàng lầm tưởng những điều phù phiếm, vô giá trị hoặc tai hại là điều đáng ao ước (Châm 12:11, Trịnh Văn Căn). Nếu chúng ta thật sự muốn làm một điều nào đó không phù hợp với tư cách của tín đồ Đấng Christ, lòng chúng ta thường đưa ra lý do để thuyết phục mình làm điều đó (Giê 17:5, 9). Vì vậy, người viết Thi-thiên biểu lộ sự khôn ngoan khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Cầu Chúa phát ánh-sáng và sự chân-thật của Chúa ra: Nó sẽ dẫn tôi” (Thi 43:3). Ông tin cậy Đức Giê-hô-va, chứ không tin nơi sự khôn ngoan hạn hẹp của mình, và ông không thể trông cậy nguồn hướng dẫn nào tốt hơn. Giống như người viết Thi thiên, chúng ta được lợi ích khi trông cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.

2 Vậy, tại sao chúng ta nên tin cậy sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va hơn mọi nguồn hướng dẫn khác? Khi nào chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài? Chúng ta nên vun trồng thái độ nào hầu nhận được lợi ích, và ngày nay Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta như thế nào? Đó là những câu hỏi quan trọng mà chúng ta sẽ thảo luận trong bài này.

Tại sao tin cậy sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va?

3-5. Chúng ta hoàn toàn tin cậy sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va vì những lý do nào?

3 Đức Giê-hô-va là Cha trên trời của chúng ta (1 Cô 8:6). Ngài biết rõ chúng ta và đọc được những suy nghĩ thầm kín trong lòng mỗi người (1 Sa 16:7; Châm 21:2). Vua Đa-vít thưa cùng Đức Chúa Trời: “Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; từ xa Chúa hiểu-biết ý-tưởng tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi” (Thi 139:2, 4). Vì Đức Giê-hô-va biết rõ chúng ta, lẽ nào chúng ta lại nghi ngờ là Ngài không biết điều tốt nhất cho chúng ta? Ngoài ra, Đức Giê-hô-va vô cùng khôn ngoan. Ngài thấy tất cả, nhìn sự việc sâu xa hơn bất cứ người nào, và biết kết cuộc mọi việc ngay từ lúc ban đầu (Ê-sai 46:9-11; Rô 11:33). Ngài là “Đức Chúa Trời khôn-ngoan có một”.—Rô 16:27.

4 Hơn nữa, Đức Giê-hô-va yêu thương và muốn điều tốt nhất cho chúng ta (Giăng 3:16; 1 Giăng 4:8). Là Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài rộng lượng đối với chúng ta. Môn đồ Gia-cơ viết: “Mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng-láng mà xuống” (Gia 1:17). Những ai để Đức Chúa Trời hướng dẫn sẽ nhận được nhiều lợi ích vì Ngài vô cùng rộng lượng.

5 Cuối cùng, Đức Giê-hô-va là Đấng toàn năng. Người viết Thi-thiên cho biết về điều này: “Người nào ở nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn-năng. Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương-náu tôi, và là đồn-lũy tôi; cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin-cậy nơi Ngài” (Thi 91:1, 2). Khi vâng theo lời Đức Giê-hô-va hướng dẫn, chúng ta tìm sự hướng dẫn tốt nhất vì Ngài không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Ngay cả khi gặp sự chống đối, chúng ta cũng được Đức Giê-hô-va hỗ trợ. Ngài không làm chúng ta thất vọng (Thi 71:4, 5; đọc Châm-ngôn 3:19-26). Thật thế, Đức Giê-hô-va biết điều gì tốt nhất cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta có được điều tốt nhất, và Ngài có quyền năng cung cấp điều tốt nhất cho chúng ta. Thật dại dột biết bao nếu chúng ta lờ đi sự hướng dẫn của Ngài! Vậy, khi nào chúng ta cần sự hướng dẫn ấy?

Khi nào chúng ta cần sự hướng dẫn?

6, 7. Khi nào chúng ta cần sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va?

6 Thật sự, chúng ta cần Đức Chúa Trời hướng dẫn suốt đời, từ thuở thanh xuân cho đến lúc bạc đầu. Người viết Thi-thiên nói: “Đức Chúa Trời nầy là Đức Chúa Trời chúng tôi đến đời đời vô-cùng; Ngài sẽ dẫn chúng tôi cho đến kỳ chết” (Thi 48:14). Giống như người viết Thi-thiên, tín đồ Đấng Christ khôn ngoan không ngừng trông cậy nơi Đức Chúa Trời để được Ngài hướng dẫn.

7 Dĩ nhiên, có những lúc chúng ta cảm thấy đặc biệt cần được giúp đỡ một cách cấp bách. Đôi khi chúng ta thấy mình lâm vào cảnh “gian-truân”, có lẽ phải đối đầu với sự ngược đãi, căn bệnh trầm trọng hoặc bất ngờ bị mất việc (Thi 69:16, 17). Trong những lúc như thế, thật ấm lòng nếu chúng ta đến với Đức Giê-hô-va, tin chắc rằng Ngài sẽ thêm sức để chúng ta chịu đựng và hướng dẫn chúng ta biết quyết định khôn ngoan. (Đọc Thi-thiên 102:17). Tuy vậy, trong những hoàn cảnh khác chúng ta cũng cần Ngài trợ giúp. Chẳng hạn, khi nói với người hàng xóm về tin mừng Nước Trời, chúng ta cần sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va nếu muốn việc làm chứng được hữu hiệu. Ngoài ra, bất cứ khi nào cần quyết định—về việc giải trí, cách ăn mặc, trong cách giao tiếp, công ăn việc làm, học vấn hoặc bất cứ điều gì khác—chúng ta sẽ hành động khôn ngoan nếu làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Thật ra, chúng ta cần sự hướng dẫn trong mọi khía cạnh của đời sống.

Mối nguy hiểm khi không tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời

8. Khi bà Ê-va ăn trái cấm, hành động ấy mang ý nghĩa tiềm ẩn nào?

8 Dù cần được Đức Giê-hô-va hướng dẫn, hãy nhớ rằng chúng ta phải sẵn lòng làm theo sự hướng dẫn của Ngài. Ngài không ép chúng ta làm thế nếu chúng ta không muốn. Người đầu tiên quyết định không theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va là bà Ê-va, và trường hợp này cho thấy quyết định sai lầm như thế đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng biết bao! Cũng hãy nghĩ đến ý nghĩa tiềm ẩn trong hành động của bà Ê-va. Bà ăn trái cấm vì muốn “như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (Sáng 3:5). Khi hành động như vậy, bà tự đặt mình vào vị thế của Đức Chúa Trời, tự quyết định điều gì là thiện điều gì là ác thay vì làm theo sự hướng dẫn của Ngài. Thế nên, bà chối bỏ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Bà muốn làm chủ chính mình. Ông A-đam, chồng bà, cũng theo đường lối phản nghịch đó.—Rô 5:12.

9. Nếu chối bỏ sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, thật ra chúng ta đang làm gì? Và tại sao đó quả là điều thiếu khôn ngoan?

9 Ngày nay, nếu không theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng không nhìn nhận quyền tối thượng của Ngài. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến trường hợp của một người có thói quen xem hình ảnh khiêu dâm. Nếu kết hợp với hội thánh tín đồ Đấng Christ, người đó biết sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va về vấn đề này. Đối với tín đồ Đấng Christ, ngay cả những điều ô uế còn không nên nói đến huống chi lấy làm thích thú nhìn chăm chăm những hình ảnh khiêu dâm (Ê-phê 5:3). Người nào chối bỏ sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va là không nhìn nhận quyền tối thượng của Ngài, không chấp nhận quyền làm đầu của Ngài (1 Cô 11:3). Đó quả là điều thiếu khôn ngoan, vì như ông Giê-rê-mi đã nói: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”.—Giê 10:23.

10. Tại sao chúng ta nên biểu lộ thái độ có trách nhiệm khi dùng quyền tự do ý chí?

10 Một số người có thể đặt nghi vấn về lời Giê-rê-mi đã nói. Họ nghĩ rằng vì Đức Giê-hô-va đã ban cho loài người tự do ý chí nên Ngài khó có thể chỉ trích khi chúng ta dùng quyền tự do ấy. Tuy nhiên, chớ quên rằng tự do ý chí đi đôi với trách nhiệm và cũng là một món quà. Chúng ta phải khai trình với Ngài về lời nói và hành động của mình (Rô 14:10). Chúa Giê-su nói: “Do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”. Ngài cũng nói: “Từ nơi lòng mà ra những ác-tưởng, những tội giết người, tà-dâm, dâm-dục, trộm-cướp, làm chứng dối, và lộng-ngôn” (Mat 12:34; 15:19). Vì vậy, lời nói và hành động bộc lộ tâm trạng của chúng ta, cho thấy chúng ta thật sự là người như thế nào. Đó là lý do tại sao tín đồ khôn ngoan tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong mọi việc. Nhờ vậy, Đức Giê-hô-va nhận thấy người ấy “có lòng ngay-thẳng” và Ngài sẽ “làm điều lành” cho người.—Thi 125:4.

11. Chúng ta học được gì qua lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên xưa?

11 Hãy nhớ lại lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên xưa. Khi dân ấy có sự lựa chọn đúng, vâng theo mạng lệnh của Đức Giê-hô-va thì Ngài bảo vệ họ (Giô-suê 24:15, 21, 31). Tuy nhiên, họ thường sử dụng sai sự tự do ý chí. Vào thời của Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va phán về dân này: “Họ chẳng nghe, và chẳng ghé tai vào, cứ bước đi trong mưu của mình, theo sự cứng-cỏi của lòng ác mình, thụt-lùi chẳng bước tới” (Giê 7:24-26). Thật đáng buồn thay! Mong sao chúng ta không bao giờ vì sự ương ngạnh hoặc vì đam mê lạc thú mà chối bỏ sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và làm theo mưu định của mình, và vì thế trở nên “thụt-lùi chẳng bước tới”!

Cần phải làm gì để theo lời khuyên của Đức Chúa Trời?

12, 13. (a) Đức tính nào giúp chúng ta muốn làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va? (b) Tại sao đức tin là quan trọng?

12 Vì lòng yêu thương đối với Đức Giê-hô-va, chúng ta làm theo sự hướng dẫn của Ngài (1 Giăng 5:3). Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô đề cập đến một điều khác cần thiết cho chúng ta khi ông nói: “Chúng ta bước đi bởi đức-tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy” (2 Cô 5:6, 7). Tại sao đức tin là quan trọng? Đức Giê-hô-va dẫn chúng ta “vào các lối công-bình”, nhưng các lối đó không dẫn đến vinh hoa phú quý trong thế gian này (Thi 23:3). Vì lý do đó, con mắt đức tin của chúng ta cần chăm chú nhìn vào phần thưởng thiêng liêng không gì sánh bằng. Phần thưởng ấy đến từ việc phụng sự Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:17, 18). Và đức tin giúp chúng ta thỏa nguyện với những nhu cầu vật chất cơ bản.—1 Ti 6:8.

13 Chúa Giê-su cho thấy sự thờ phượng thật bao hàm tinh thần hy sinh, điều này cũng đòi hỏi phải có đức tin (Lu 9:23, 24). Một số người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va đã hy sinh rất nhiều, chịu nghèo khổ, đàn áp, kỳ thị, thậm chí bị ngược đãi tàn nhẫn (2 Cô 11:23-27; Khải 3:8-10). Chỉ có đức tin mạnh mới giúp họ vui vẻ chịu đựng (Gia 1:2, 3). Đức tin ấy giúp chúng ta tin chắc rằng làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va luôn luôn là con đường tốt nhất và luôn luôn mang lại lợi ích lâu dài cho chúng ta. Chúng ta hoàn toàn tin rằng so với phần thưởng quý giá mà Đức Giê-hô-va ban cho những người trung thành chịu đựng thì sự khốn khổ tạm thời thật không đáng kể.—Hê 11:6.

14. Tại sao nàng A-ga phải thể hiện tính khiêm nhường?

14 Cũng hãy xem xét vai trò của tính khiêm nhường trong việc làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Điều này được thấy rõ qua trường hợp người tớ gái của bà Sa-ra là A-ga. Vì son sẻ đã lâu nên bà Sa-ra đưa A-ga đến với Áp-ra-ham và nàng mang thai. Sau đó, A-ga trở nên kiêu căng với bà chủ mình. Vì thế, bà Sa-ra “hành-hạ A-ga” và nàng trốn đi. Một thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra và nói với nàng: “Hãy trở về chủ ngươi, và chịu-lụy dưới tay người” (Sáng 16:2, 6, 8, 9). Có lẽ A-ga thích nghe một lời hướng dẫn khác nhưng để làm theo lời của thiên sứ, hẳn nàng phải bỏ thái độ kiêu căng. Dù sao đi nữa, A-ga đã khiêm nhường làm theo lời thiên sứ hướng dẫn, nhờ thế con trai nàng là Ích-ma-ên được sinh ra an toàn trong trại của cha mình là Áp-ra-ham.

15. Hãy nêu một số trường hợp cho thấy ngày nay việc làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va có thể đòi hỏi chúng ta phải khiêm nhường?

15 Để làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, có lẽ chúng ta cũng phải thể hiện tính khiêm nhường. Có thể một số người phải chấp nhận quan điểm là có những hình thức giải trí mà họ thích nhưng lại không đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Một tín đồ Đấng Christ có lẽ xúc phạm người nào đó và cần phải xin lỗi. Hoặc có lẽ người đó phạm lỗi và cần phải nhận lỗi. Nếu một người phạm tội trọng thì sao? Người đó cần phải khiêm nhường và thú tội với các trưởng lão. Một người thậm chí có thể bị khai trừ, và để được nhận vào hội thánh trở lại, người đó phải khiêm nhường, tỏ thái độ ăn năn và trở lại con đường đúng. Trong các trường hợp kể trên và những trường hợp tương tự, câu Châm-ngôn 29:23 thật an ủi: “Sự kiêu-ngạo của người sẽ làm hạ người xuống; nhưng ai có lòng khiêm-nhượng sẽ được tôn-vinh”.

Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta như thế nào?

16, 17. Làm sao chúng ta có thể tận dụng Kinh Thánh, nguồn hướng dẫn đến từ Đức Chúa Trời?

16 Nguồn hướng dẫn tốt nhất đến từ Đức Chúa Trời là Kinh Thánh, Lời được Ngài soi dẫn. (Đọc 2 Ti-mô-thê 3:16, 17). Để tận dụng lợi ích từ Lời Đức Chúa Trời, chúng ta khôn ngoan không đợi đến khi gặp thử thách mới tìm kiếm sự hướng dẫn hữu ích trong Kinh Thánh. Thay vì thế, chúng ta nên tập thói quen đọc Kinh Thánh hằng ngày (Thi 1:1-3). Qua cách đó, những lời được soi dẫn ấy trở nên quen thuộc với chúng ta. Ý tưởng của Đức Chúa Trời trở thành ý tưởng của chúng ta, và chúng ta sẵn sàng đối phó ngay cả với những vấn đề xảy ra bất ngờ.

17 Ngoài ra, điều quan trọng là chúng ta suy ngẫm về những gì đọc được trong Kinh Thánh và cầu nguyện liên quan đến những điều ấy. Khi ngẫm nghĩ về những câu Kinh Thánh, chúng ta xem làm thế nào có thể áp dụng những câu đó vào các trường hợp cụ thể (Thi 77:12). Khi đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, chúng ta cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, xin Ngài giúp chúng ta tìm được sự hướng dẫn cần thiết. Thánh linh của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta nhớ lại các nguyên tắc hữu ích mà chúng ta đã đọc trong Kinh Thánh hoặc trong các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh.—Đọc Thi-thiên 25:4, 5.

18. Đức Giê-hô-va dùng đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ để hướng dẫn chúng ta qua những cách nào?

18 Đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ là một nguồn quý báu khác trong việc tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Thành phần quan trọng của đoàn thể anh em ấy là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, đại diện là Hội đồng lãnh đạo, và hội đồng này thường xuyên cung cấp thức ăn thiêng liêng dưới hình thức các ấn phẩm, chương trình nhóm họp và các hội nghị (Mat 24:45-47; so sánh Công-vụ 15:6, 22-31). Ngoài ra, trong vòng đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ có những người thành thục, đặc biệt là các trưởng lão, tức những người có khả năng giúp đỡ và cho lời khuyên dựa trên Kinh Thánh (Ê-sai 32:1). Người trẻ trong gia đình tín đồ Đấng Christ có thêm một nguồn hướng dẫn quý giá. Cha mẹ tin đạo được Đức Chúa Trời giao quyền trông nom con cái, và con cái luôn luôn được khuyến khích đến với cha mẹ để tìm sự hướng dẫn.—Ê-phê 6:1-3.

19. Nhờ luôn tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ nhận những ân phước nào?

19 Thật vậy, Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta qua một số cách, và chúng ta được nhiều lợi ích khi tận dụng những cách ấy. Vua Đa-vít nói về thời dân Y-sơ-ra-ên trung thành với Đức Giê-hô-va như sau: “Tổ-phụ chúng tôi nhờ-cậy nơi Chúa, họ nhờ-cậy, Chúa bèn giải-cứu cho. Họ kêu-cầu cùng Chúa, và được giải-cứu; họ nhờ-cậy nơi Chúa, không bị hổ-thẹn” (Thi 22:3-5). Nếu tin cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng “không bị hổ-thẹn”. Chúng ta sẽ không thất vọng. Nếu “phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va” thay vì dựa vào sự khôn ngoan riêng, kết quả là chúng ta sẽ được ban phước dồi dào ngay bây giờ (Thi 37:5). Và nếu chúng ta trung thành, kiên trì theo đuổi đường lối đó thì những ân phước ấy sẽ còn mãi. Vua Đa-vít viết: “Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình, không từ-bỏ người thánh của Ngài; họ được Ngài gìn-giữ đời đời. . . Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi 37:28, 29.

Bạn trả lời ra sao?

• Tại sao chúng ta tin cậy sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va?

• Nếu chúng ta không làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, điều đó mang ý nghĩa tiềm ẩn nào?

• Hãy nêu một số trường hợp mà tín đồ Đấng Christ cần thể hiện tính khiêm nhường.

• Ngày nay, Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 8]

Bạn có trông cậy Đức Giê-hô-va trong mọi khía cạnh của đời sống không?

[Hình nơi trang 9]

Bà Ê-va chối bỏ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 10]

Nàng A-ga cần thể hiện đức tính nào nếu muốn làm theo sự hướng dẫn của thiên sứ?