Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi còn trẻ, hãy quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va

Khi còn trẻ, hãy quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va

Khi còn trẻ, hãy quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va

“Hãy cứ ở trong những điều con đã học, đã tin chắc”.—2 TI 3:14, Ghi-đê-ôn.

1. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về thánh chức của những Nhân Chứng trẻ tuổi?

Thánh chức của người trẻ rất quan trọng đối với Đức Giê-hô-va nên Ngài đã soi dẫn để viết một lời tiên tri về họ. Người viết Thi-thiên hát: “Trong ngày quyền-thế Chúa, dân Chúa tình-nguyện lại đến; những kẻ trẻ tuổi ngươi mặc trang-sức thánh cũng đến cùng ngươi như giọt sương bởi lòng rạng-đông mà ra” (Thi 110:3). Thật thế, Đức Giê-hô-va yêu quý những người trẻ sẵn lòng phụng sự Ngài.

2. Liên quan đến tương lai, người trẻ ngày nay chịu ảnh hưởng nào của thế gian?

2 Hỡi các bạn trẻ trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, bạn đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va chưa? Nhiều người trẻ nhận thấy thật khó để quyết định phụng sự Đức Chúa Trời. Giới doanh nghiệp, các nhà giáo dục và đôi khi các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè khuyến khích người trẻ theo đuổi mục tiêu vật chất. Khi theo đuổi mục tiêu thiêng liêng, người trẻ thường bị thế gian chê bai. Tuy nhiên, phụng sự Đức Chúa Trời mới thật sự là lối sống tốt nhất để theo đuổi (Thi 27:4). Về điều này, hãy xem xét ba câu hỏi: Tại sao nên phụng sự Đức Chúa Trời? Làm sao bạn có thể thành công trong đời sống đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, bất kể người khác nói hoặc làm gì? Trong thánh chức, có những cơ hội tuyệt diệu nào mở ra cho bạn?

Phụng sự Đức Giê-hô-va là điều phải làm

3. Công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va tác động thế nào đến chúng ta?

3 Tại sao bạn nên phụng sự Đức Chúa Trời hằng sống? Khải-huyền 4:11 cho biết lý do chính: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”. Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa tuyệt vời của mọi vật. Trái đất thật xinh đẹp biết bao! Nào cây cỏ, hoa lá, thú vật, núi non, thác ghềnh và đại dương, tất cả đều do Đức Giê-hô-va tạo nên. Thi-thiên 104:24 nói: “Trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài”. Chúng ta biết ơn xiết bao vì Đức Giê-hô-va đã yêu thương ban cho chúng ta thân thể và trí óc để có thể thưởng thức mọi vật tốt đẹp trên đất! Chẳng phải lòng biết ơn chân thành về những tạo vật kỳ diệu ấy khiến chúng ta muốn phụng sự Ngài hay sao?

4, 5. Đức Giê-hô-va đã làm những gì khiến Giô-suê đến gần Ngài?

4 Qua lời của vị lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên là Giô-suê, chúng ta nhận thấy một lý do khác để phụng sự Đức Giê-hô-va. Gần cuối đời, Giô-suê nói với dân Đức Chúa Trời: “Hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng-nghiệm cho các ngươi”. Tại sao Giô-suê có thể nói như vậy?—Giô-suê 23:14.

5 Lớn lên trong xứ Ê-díp-tô, Giô-suê hẳn biết về lời hứa Đức Giê-hô-va sẽ ban cho dân Y-sơ-ra-ên một xứ sở riêng (Sáng 12:7; 50:24, 25; Xuất 3:8). Sau đó, ông chứng kiến Đức Giê-hô-va bắt đầu thực hiện lời hứa của Ngài bằng cách giáng Mười Tai Vạ trên xứ Ê-díp-tô và buộc Pha-ra-ôn ương ngạnh phải thả dân Y-sơ-ra-ên. Giô-suê là một trong số những người được giải thoát qua Biển Đỏ, và rồi nhìn thấy biển nhận chìm Pha-ra-ôn cùng đạo binh của ông. Trong cuộc hành trình qua “đồng vắng mênh-mông gớm-ghiếc” Si-na-i, Giô-suê đã chứng kiến Đức Giê-hô-va cung cấp mọi thứ cần thiết cho dân Y-sơ-ra-ên. Không một ai chết vì đói hoặc khát (Phục 8:3-5, 14-16; Giô-suê 24:5-7). Khi đến thời điểm dân Y-sơ-ra-ên chinh phục các nước hùng mạnh thuộc Ca-na-an và chiếm Đất Hứa, Giô-suê thấy Đức Chúa Trời—Đấng mà họ thờ phượng—đã hỗ trợ họ như thế nào trong cuộc chinh phục này.—Giô-suê 10:14, 42.

6. Điều gì giúp bạn vun trồng ước muốn phụng sự Đức Chúa Trời?

6 Giô-suê biết Đức Giê-hô-va đã giữ mọi lời Ngài hứa. Vì thế, ông tuyên bố: “Ta và nhà ta sẽ phục-sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15). Còn bạn thì sao? Khi nghĩ đến những lời hứa mà Đức Chúa Trời đã thực hiện và những lời hứa mà Ngài sẽ thực hiện, bạn có muốn phụng sự Ngài như Giô-suê không?

7. Tại sao làm báp têm trong nước là bước quan trọng phải thực hiện?

7 Khi suy ngẫm về công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va và nghĩ đến những lời hứa tuyệt diệu và hoàn toàn đáng tin cậy, chúng ta không những được thôi thúc dâng mình cho Đức Giê-hô-va mà còn muốn biểu trưng sự dâng mình qua việc làm báp têm trong nước. Báp têm là bước quan trọng mà người muốn phụng sự Đức Chúa Trời phải thực hiện. Đấng Gương Mẫu của chúng ta là Chúa Giê-su đã cho thấy rõ điều này. Trước khi thi hành nhiệm vụ là Đấng Mê-si, ngài đã đến với Giăng Báp-tít để làm báp têm. Tại sao Chúa Giê-su đã thực hiện bước đó? Về sau Ngài nói: “Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38). Nhằm cho thấy ngài dâng mình để thi hành ý muốn của Cha, Chúa Giê-su đã làm báp têm.—Mat 3:13-17.

8. Tại sao Ti-mô-thê quyết định thờ phượng Đức Chúa Trời, và có thể bạn phải làm gì?

8 Cũng hãy xem trường hợp của Ti-mô-thê, một tín đồ trẻ tuổi, về sau được Đức Giê-hô-va giao nhiều công việc và ban nhiều đặc ân. Tại sao Ti-mô-thê quyết định thờ phượng Đức Chúa Trời? Kinh Thánh cho chúng ta biết Ti-mô-thê “đã học, đã tin chắc” Lời Ngài (2 Ti 3:14, Ghi). Nếu bạn đã học Lời Đức Chúa Trời và tin chắc rằng sự dạy dỗ ấy là đúng, bạn cũng ở trong trường hợp như Ti-mô-thê. Giờ đây, bạn cần phải quyết định. Sao bạn không cho cha mẹ biết ước muốn của mình? Cùng với các trưởng lão trong hội thánh, cha mẹ có thể giúp bạn hiểu những điều kiện dựa trên Kinh Thánh để làm báp têm.—Đọc Công-vụ 8:12.

9. Khi bạn thực hiện bước làm báp têm, người khác có thể phản ứng thế nào?

9 Nếu bạn làm báp têm, đây sẽ là một khởi đầu tốt trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Khi thực hiện bước này, bạn bắt đầu cuộc chạy đua đường dài mà phần thưởng là sự sống vĩnh cửu, và bạn cũng có niềm vui trong hiện tại nhờ làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (Hê 12:2, 3). Bạn cũng sẽ mang lại niềm vui cho những thành viên trong gia đình đã nhập cuộc đua và cho bạn bè trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Điều quan trọng hơn hết là bạn làm cho Đức Giê-hô-va vui lòng. (Đọc Châm-ngôn 23:15). Thật thế, người khác có thể không hiểu tại sao bạn lại quyết định thờ phượng Đức Giê-hô-va và họ có thể nghĩ rằng quyết định của bạn không đúng. Thậm chí họ có thể chống đối bạn. Nhưng bạn có thể đối phó được với những thách đố này.

Khi người khác chất vấn hoặc chống đối

10, 11. (a) Người ta có thể đặt những câu hỏi nào về việc bạn quyết định phụng sự Đức Chúa Trời? (b) Bạn học được gì qua cách Chúa Giê-su trả lời các câu hỏi về sự thờ phượng thật?

10 Quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va của bạn có thể khiến bạn học, hàng xóm và người thân cảm thấy khó hiểu. Họ có thể hỏi tại sao bạn lại chọn con đường đó và chất vấn về niềm tin của bạn. Bạn nên trả lời thế nào? Dĩ nhiên bạn cần phải xem xét cảm xúc và lối suy nghĩ của mình để có thể giải thích tại sao bạn quyết định như thế. Về việc trả lời những câu hỏi liên quan đến niềm tin của bạn, Chúa Giê-su chẳng phải là gương tốt nhất để chúng ta noi theo hay sao?

11 Khi các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái chất vấn Chúa Giê-su về sự sống lại, ngài hướng họ đến một câu Kinh Thánh mà họ không để ý (Xuất 3:6; Mat 22:23, 31-33). Khi một thầy thông giáo hỏi ngài điều răn nào là lớn hơn hết, Chúa Giê-su trích dẫn những câu Kinh Thánh thích hợp. Ông ấy rất cảm kích trước câu trả lời của ngài (Lê 19:18; Phục 6:5; Mác 12:28-34). Cách Chúa Giê-su nói và dùng Kinh Thánh khiến “dân-chúng cãi lẽ nhau về Ngài”, còn những kẻ chống đối thì không thể hại ngài (Giăng 7:32-46). Khi trả lời câu hỏi về niềm tin, bạn hãy dùng Kinh Thánh và thể hiện thái độ “hiền-hòa và kính-sợ” (1 Phi 3:15). Nếu không biết câu trả lời, hãy thừa nhận và nói rằng bạn cần nghiên cứu thêm. Sau đó, hãy tìm hiểu đề tài ấy bằng cách dùng “Mục lục các bài trong Tháp Canh” của tháng 12 mỗi năm, hoặc nếu có trong ngôn ngữ bạn hiểu được, hãy dùng Danh mục ấn phẩm Hội Tháp Canh (Watch Tower Publications Index) hoặc Thư viện Tháp Canh trong CD-ROM (Watchtower Library on CD-ROM). Nếu chuẩn bị kỹ, bạn sẽ “biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”.—Cô 4:6.

12. Tại sao bạn không nên để sự ngược đãi làm mình nản lòng?

12 Có thể bạn không chỉ bị chất vấn về lập trường và niềm tin mà còn phải đương đầu với những thách đố gay go hơn. Suy cho cùng, kẻ thù của Đức Chúa Trời, Sa-tan Ma-quỉ, là kẻ kiểm soát thế gian này. (Đọc 1 Giăng 5:19). Mong được mọi người khen ngợi và chấp nhận là điều thiếu thực tế. Bạn có thể phải đương đầu với sự chống đối. Một số người có thể “gièm-chê” và cứ chế giễu bạn (1 Phi 4:4). Nhưng hãy nhớ rằng không chỉ mình bạn gặp vấn đề này. Chính Chúa Giê-su cũng bị ngược đãi. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng gặp hoàn cảnh tương tự và ông viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử-thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương-khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui-mừng bấy nhiêu”.—1 Phi 4:12, 13.

13. Tại sao tín đồ Đấng Christ vui mừng khi bị ngược đãi?

13 Khi chịu đựng sự ngược đãi hoặc chống đối vì là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có lý do để vui mừng. Tại sao? Vì nếu được thế gian chấp nhận thì có nghĩa là bạn đang sống theo tiêu chuẩn của Sa-tan chứ không phải của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cảnh báo: “Khốn cho các ngươi, khi mọi người sẽ khen các ngươi, vì tổ-phụ họ cũng xử với các tiên-tri giả như vậy!” (Lu 6:26). Sự ngược đãi cho thấy Sa-tan và thế gian của hắn đang giận dữ với bạn vì bạn phụng sự Đức Giê-hô-va. (Đọc Ma-thi-ơ 5:11, 12). Thật thế, “vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ-nhục” là lý do để vui mừng.—1 Phi 4:14.

14. Khi một người giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va dù bị chống đối, điều này có thể dẫn đến lợi ích nào?

14 Khi bạn giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va dù bị chống đối, điều này sẽ dẫn đến ít nhất bốn lợi ích. Bạn làm chứng về Đức Chúa Trời và Con Ngài. Lòng trung thành nhịn nhục của bạn sẽ khích lệ anh em đồng đạo. Một số người chưa biết Đức Giê-hô-va, nhưng khi thấy đức tin của bạn thì họ có thể được thúc đẩy để tìm kiếm Ngài. (Đọc Phi-líp 1:12-14). Và khi cảm nhận được sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va để chịu đựng thử thách, bạn càng yêu mến Ngài hơn.

“Cái cửa lớn” mở ra cho bạn

15. “Cái cửa lớn” nào đã mở ra cho sứ đồ Phao-lô?

15 Nói về thánh chức của mình ở Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô viết: “Có một cái cửa lớn mở toang ra cho công-việc tôi” (1 Cô 16:8, 9). Đó là cánh cửa mở ra cho công việc rộng lớn là rao truyền tin mừng và đào tạo môn đồ tại thành ấy. Khi bước qua cánh cửa đó, Phao-lô giúp cho nhiều người biết về Đức Giê-hô-va và thờ phượng Ngài.

16. Những người được xức dầu còn sót lại đã đi qua “một cái cửa” vào năm 1919 như thế nào?

16 Vào năm 1919, Chúa Giê-su vinh hiển đã ‘mở một cái cửa’ cho những người được xức dầu còn sót lại (Khải 3:8). Họ đã đi qua cánh cửa ấy và bắt đầu rao giảng tin mừng, dạy lẽ thật của Kinh Thánh với lòng sốt sắng hơn bao giờ hết. Thánh chức của họ đạt được thành quả nào? Giờ đây tin mừng được rao truyền đến cùng trái đất, và khoảng bảy triệu người có hy vọng nhận được sự sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.

17. Làm thế nào bạn có thể đi qua “một cái cửa lớn mở toang ra cho công-việc”?

17 “Một cái cửa lớn mở toang ra cho công-việc” vẫn rộng mở cho tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Những ai bước qua cánh cửa đó sẽ tìm được niềm vui và sự thỏa nguyện khi tham gia nhiều hơn vào công việc rao truyền tin mừng. Giúp người khác chấp nhận tin mừng là một đặc ân không gì sánh bằng. Hỡi các bạn trẻ đang phụng sự Đức Giê-hô-va, bạn quý trọng đặc ân ấy đến mức nào? (Mác 1:14, 15). Bạn đã nghĩ đến việc làm tiên phong đều đều hoặc tiên phong phụ trợ chưa? Công việc xây cất Phòng Nước Trời, phục vụ tại nhà Bê-tên, làm giáo sĩ và tiên phong đặc biệt có thể là những cơ hội mở ra cho nhiều người trong các bạn. Vì thế gian hung ác của Sa-tan không còn tồn tại bao lâu nữa, nên việc tham gia những đặc ân phụng sự này ngày càng cấp bách. Liệu bạn có đi qua “cái cửa lớn” ấy khi vẫn còn thời gian không?

“Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao!”

18, 19. (a) Điều gì giúp Đa-vít luôn luôn muốn phụng sự Đức Giê-hô-va? (b) Điều gì cho thấy Đa-vít không bao giờ hối tiếc vì đã phụng sự Ngài?

18 Người được soi dẫn để viết Thi-thiên là Đa-vít đã khuyến khích người khác hãy “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao!” (Thi 34:8). Khi Đa-vít còn là một chàng chăn chiên, Đức Giê-hô-va đã cứu ông khỏi nanh vuốt của thú dữ. Đức Chúa Trời đã hỗ trợ ông chiến đấu với Gô-li-át và giải cứu ông khỏi nhiều tai họa khác (1 Sa 17:32-51; Thi 18:1-50, lời ghi chú ở đầu bài). Cảm kích trước lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời, Đa-vít viết: “Lạy Chúa, Đức Chúa Trời của tôi. Chính Ngài đã làm nhiều việc diệu kỳ và suy nghĩ nhiều về chúng tôi. Không ai có thể so sánh với Ngài”.—Thi 40:5, Bản Dịch Mới.

19 Đa-vít dần dần yêu mến Đức Giê-hô-va sâu đậm và muốn ngợi khen Ngài hết lòng hết trí. (Đọc Thi-thiên 40:8-10). Qua năm tháng, Đa-vít không bao giờ hối tiếc vì đã dành đời sống mình để thờ phượng Đức Chúa Trời. Đối với ông, đời sống tin kính là điều quý giá nhất—nguồn hạnh phúc không gì sánh bằng. Khi về già, ông nói: “Chúa Giê-hô-va ôi, Chúa là sự trông-đợi tôi, và là sự tin-cậy tôi từ buổi thơ-ấu. Hỡi Đức Chúa Trời, dầu khi tôi đã già và tóc bạc rồi, xin chớ bỏ tôi” (Thi 71:5, 18). Lòng tin cậy của Đa-vít đối với Đức Giê-hô-va và tình bạn với Ngài càng sâu đậm, dù sức lực ông đã suy yếu.

20. Tại sao việc dành đời sống để phụng sự Đức Chúa Trời là con đường tốt nhất cho bạn?

20 Cuộc đời của Giô-suê, Đa-vít và Ti-mô-thê cung cấp thêm bằng chứng cho thấy việc dành đời sống để phụng sự Đức Giê-hô-va là con đường tốt nhất cho bạn. Những thuận lợi nhất thời về vật chất mà nghề nghiệp trong thế gian mang lại không thể sánh bằng lợi ích lâu dài bạn nhận được khi “hết lòng hết ý phục-sự Ngài” (Giô-suê 22:5). Nếu bạn chưa dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, hãy tự hỏi: “Điều gì ngăn cản tôi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va?” Nếu đã báp têm để phụng sự Đức Giê-hô-va, bạn muốn có thêm niềm vui trong cuộc sống không? Vậy, hãy nới rộng thánh chức và tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng. Bài tiếp theo sẽ cho thấy làm thế nào bạn có thể tiến bộ về thiêng liêng khi noi gương sứ đồ Phao-lô.

Bạn trả lời thế nào?

• Hãy nêu hai lý do tại sao chúng ta nên phụng sự Đức Chúa Trời?

• Điều gì giúp Ti-mô-thê quyết định phụng sự Đức Chúa Trời?

• Tại sao bạn nên đứng vững khi bị ngược đãi?

• Những cơ hội phục vụ nào có thể mở ra cho bạn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Phụng sự Đức Giê-hô-va là lối sống tốt nhất

[Hình nơi trang 19]

Bạn có thể trả lời những câu hỏi về niềm tin của mình không?