Noi gương sứ đồ Phao-lô để tiến bộ về thiêng liêng
Noi gương sứ đồ Phao-lô để tiến bộ về thiêng liêng
“Ta đã đánh trận tốt-lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức-tin”.—2 TI 4:7.
1, 2. Ông Sau-lơ, người Tạt-sơ, có những thay đổi nào trong đời sống, và ông đã đảm nhận công việc quan trọng nào?
Ông là người thông minh và kiên quyết. Tuy nhiên, ông “sống theo tư-dục xác-thịt mình” (Ê-phê 2:3). Sau này, ông nhìn nhận mình là “người phạm-thượng, hay bắt-bớ, hung-bạo” (1 Ti 1:13). Đó là Sau-lơ, người Tạt-sơ.
2 Cuối cùng, Sau-lơ đã thay đổi hoàn toàn. Ông từ bỏ nhân cách cũ và cố gắng trở thành người “chẳng tìm ích-lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người” (1 Cô 10:33). Ông trở nên nhu mì và biểu lộ lòng yêu thương với những người từng bị ông xem là kẻ thù. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8). Ông viết: “Tôi đã trở nên kẻ giúp việc [tin mừng]. . . Ân-điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh-đồ, để rao-truyền cho dân ngoại sự giàu-có không dò được của Đấng Christ”.—Ê-phê 3:7, 8.
3. Việc xem xét những lá thư của sứ đồ Phao-lô và lời tường thuật về thánh chức của ông có thể giúp chúng ta như thế nào?
3 Sau-lơ, còn được gọi là Phao-lô, đã tiến bộ vượt bậc về thiêng liêng (Công 13:9). Chắc chắn mỗi người chúng ta có thể nhanh chóng tiến bộ trong lẽ thật khi xem xét những lá thư của Phao-lô và lời tường thuật về thánh chức của ông, rồi noi theo đức tin ông. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 11:1; Hê-bơ-rơ 13:7). Hãy xem làm thế nào phương cách trên thúc đẩy chúng ta luyện tập thói quen học hỏi, vun trồng tình yêu thương chân thật đối với người khác và có quan điểm đúng đắn về chính mình.
Thói quen học hỏi của Phao-lô
4, 5. Việc học hỏi cá nhân mang lại lợi ích nào cho Phao-lô?
4 Từng là một người Pha-ri-si “học nơi chân Ga-ma-li-ên, đúng theo trong luật-pháp của tổ-phụ”, Phao-lô đã biết ít nhiều về Kinh Thánh (Công 22:1-3; Phi-líp 3:4-6). Ngay sau khi làm báp têm, ông “đi qua xứ A-ra-bi”—có thể là sa mạc của xứ Sy-ri hoặc một nơi yên tĩnh nào đó trên bán đảo Ả-rập thuận lợi cho việc suy ngẫm (Ga 1:17). Có lẽ ông muốn ngẫm nghĩ về những phần Kinh Thánh chứng minh Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Ngoài ra, Phao-lô muốn chuẩn bị cho công việc trước mắt. (Đọc Công-vụ 9:15, 16, 20, 22). Ông đã dành thời giờ để suy ngẫm về những điều thiêng liêng.
5 Kiến thức và sự hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh mà ông có được qua việc học hỏi cá nhân đã giúp ông dạy dỗ lẽ thật một cách hữu hiệu. Chẳng hạn, tại nhà hội ở thành An-ti-ốt thuộc xứ Bi-si-đi, Phao-lô đã trích dẫn trực tiếp ít nhất năm câu trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ để chứng minh Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Phao-lô cũng nhiều lần viện dẫn Kinh Thánh. Cách ông lý luận dựa trên Kinh Thánh có sức thuyết phục đến nỗi “nhiều người Giu-đa và người mới theo đạo Giu-đa, đi theo Phao-lô và Ba-na-ba” để học hỏi thêm (Công 13:14-44). Nhiều năm sau, khi một nhóm người Rô-ma gốc Do Thái đến nhà trọ của ông, Phao-lô đã “làm chứng và giảng-giải với họ về nước Đức Chúa Trời, lấy luật-pháp Môi-se và các đấng tiên-tri mà gắng sức khuyên-bảo họ về Đức Chúa Jêsus”.—Công 28:17, 22, 23.
6. Điều gì giúp Phao-lô tiếp tục vững mạnh về thiêng liêng khi đương đầu với thử thách?
6 Khi đương đầu với thử thách, Phao-lô tiếp tục tra cứu Kinh Thánh và nhờ đó ông có được nghị lực (Hê 4:12). Trong thời gian bị giam cầm ở Rô-ma trước khi bị hành hình, Phao-lô nhờ Ti-mô-thê mang đến cho ông “sách-vở” và “những sách bằng giấy da” (2 Ti 4:13). Các tài liệu đó có thể là những sách của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ mà Phao-lô dùng để nghiên cứu sâu về Lời Đức Chúa Trời. Thói quen học hỏi để tiếp thu sự hiểu biết Kinh Thánh là điều thiết yếu giúp Phao-lô đứng vững trước thử thách.
7. Hãy nêu những lợi ích bạn có thể nhận được qua việc học hỏi Kinh Thánh đều đặn.
7 Đều đặn xem xét Kinh Thánh kết hợp với việc suy ngẫm nghiêm túc sẽ giúp chúng ta tiến bộ về thiêng liêng (Hê 5:12-14). Nói về giá trị của Lời Đức Chúa Trời, người viết Thi-thiên hát: “Luật-pháp của miệng Chúa phán là quí cho tôi hơn hằng ngàn đồng vàng và bạc. Các điều-răn Chúa làm cho tôi khôn-ngoan hơn kẻ thù-nghịch tôi, vì các điều-răn ấy ở cùng tôi luôn luôn. Tôi giữ chân tôi khỏi mọi đường tà, để gìn-giữ lời của Chúa” (Thi 119:72, 98, 101). Bạn có thói quen học hỏi Kinh Thánh không? Bạn có đang chuẩn bị để đảm nhận những nhiệm vụ trong thánh chức bằng cách đọc Kinh Thánh hằng ngày và suy ngẫm điều mình đọc không?
Sau-lơ học cách yêu thương người khác
8. Sau-lơ đối xử thế nào với những người không thuộc đạo Do Thái?
8 Trước khi trở thành tín đồ Đấng Christ, Sau-lơ rất sốt sắng với đạo của mình nhưng ông ít quan tâm đến những người không thuộc đạo Do Thái (Công 26:4, 5). Ông đồng tình khi đứng xem một số người Do Thái ném đá Ê-tiên. Chứng kiến cảnh ấy, hẳn Sau-lơ càng cảm thấy kiên quyết hơn trong việc bắt bớ tín đồ Đấng Christ, có lẽ ông cho rằng Ê-tiên đáng bị hành hình như thế (Công 6:8-14; 7:54–8:1). Lời được soi dẫn thuật lại: “Sau-lơ làm tàn-hại Hội-thánh: Sấn vào các nhà, dùng sức-mạnh bắt đàn-ông đàn-bà mà bỏ tù” (Công 8:3). Ông “bắt-bớ họ cho đến các thành ngoại-quốc”.—Công 26:11.
9. Sự kiện nào đã khiến Sau-lơ xem xét lại cách ông đối xử với người khác?
9 Sau-lơ đang trên đường đến thành Đa-mách để bắt bớ môn đồ Đấng Christ ở đấy thì Chúa Giê-su hiện ra. Ánh sáng chói lòa của Con Đức Chúa Trời làm Sau-lơ bị mù và phải nhờ người khác dẫn đường. Từ khi Đức Giê-hô-va phái A-na-nia đến làm cho Sau-lơ sáng mắt trở lại, thái độ của ông đối với người khác hoàn toàn thay đổi (Công 9:1-30). Sau khi trở thành môn đồ của Đấng Christ, ông cố gắng noi gương Chúa Giê-su trong cách cư xử với mọi người. Vậy, ông phải từ bỏ tính hung bạo và trở nên “hòa-thuận với mọi người”.—Đọc Rô-ma 12:17-21.
10, 11. Phao-lô đã biểu lộ lòng yêu thương chân thật với người khác như thế nào?
10 Phao-lô không chỉ muốn hòa thuận với mọi người mà còn muốn biểu lộ lòng yêu thương chân thật đối với họ, và thánh chức của tín đồ Đấng Christ đã cho ông cơ hội đó. Trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất, ông rao giảng tin mừng ở Tiểu Á. Dù bị chống đối dữ dội, Phao-lô và các bạn đồng hành vẫn tập trung vào việc giúp những người nhu mì tiếp nhận đạo Đấng Christ. Họ trở lại viếng thăm thành Lít-trơ và Y-cô-ni dù những kẻ chống đối ở hai thành ấy trước đó đã tìm cách giết Phao-lô.—Công 13:1-3; 14:1-7, 19-23.
11 Sau này, Phao-lô và nhóm của ông tìm kiếm những người có lòng hướng thiện ở thành Phi-líp thuộc vùng Ma-xê-đoan. Một phụ nữ theo đạo Do Thái tên là Ly-đi đã nghe tin mừng và trở thành tín đồ Đấng Christ. Nhà cầm quyền truyền đánh đòn Phao-lô và Si-la rồi bỏ hai người vào ngục. Tuy nhiên, Phao-lô đã giảng cho người đề lao, kết quả là ông ấy cùng cả gia đình làm báp têm và thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Công 16:11-34.
12. Điều gì thúc đẩy người hung bạo Sau-lơ trở thành một sứ đồ nhân từ của Chúa Giê-su?
12 Tại sao Phao-lô lại tiếp nhận niềm tin của những người ông từng bắt bớ? Điều gì thúc đẩy người hung bạo đó trở thành một sứ đồ nhân từ yêu thương, sẵn sàng liều mình để giúp người khác hiểu biết lẽ thật về Đức Chúa Trời và Đấng Christ? Phao-lô giải thích: “Đức Chúa Trời. . . lấy ân-điển gọi tôi, vui lòng bày-tỏ Con của Ngài ra trong tôi” (Ga 1:15, 16). Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Ta đã đội ơn thương-xót, hầu cho Đức Chúa Jêsus-Christ tỏ mọi sự nhịn-nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu, để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời” (1 Ti 1:16). Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho Phao-lô. Nhờ nhận ân điển và lòng thương xót đó, ông được thúc đẩy biểu lộ tình yêu thương đối với người khác bằng cách rao giảng tin mừng cho họ.
13. Điều gì thúc đẩy chúng ta biểu lộ tình yêu thương đối với người khác, và chúng ta làm điều đó như thế nào?
13 Đức Giê-hô-va cũng bỏ qua tội lỗi và những sai lầm của chúng ta (Thi 103:8-14). Người viết Thi-thiên nêu câu hỏi: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?” (Thi 130:3). Không có sự thương xót của Đức Chúa Trời, không ai trong chúng ta có được niềm vui phụng sự Ngài, cũng không thể mong đợi nhận được sự sống đời đời. Ân điển của Đức Chúa Trời rất lớn đối với tất cả chúng ta. Vì vậy, giống như Phao-lô, chúng ta nên có lòng mong muốn biểu lộ tình yêu thương đối với người khác qua việc rao giảng và dạy dỗ lẽ thật cho họ, cũng như làm vững lòng anh em cùng đức tin.—Đọc Công-vụ 14:21-23.
14. Chúng ta có thể nới rộng thánh chức như thế nào?
14 Phao-lô muốn tiến bộ trong công việc rao truyền tin mừng, và gương của Chúa Giê-su đã tác động đến ông. Một trong những cách mà Con Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương cao cả đối với người khác là rao giảng tin mừng. Chúa Giê-su nói: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình” (Mat 9:35-38). Có thể Phao-lô đã cầu xin điều đó, và ông hành động phù hợp với lời cầu xin ấy bằng cách trở thành một thợ gặt sốt sắng. Còn bạn thì sao? Bạn có trau dồi khả năng thi hành thánh chức không? Bạn có thể tham gia nhiều hơn trong công việc rao giảng về Nước Trời, thậm chí sắp xếp để làm tiên phong không? Chúng ta hãy biểu lộ lòng yêu thương chân thành đối với người khác bằng cách giúp họ “giữ lấy đạo sự sống”.—Phi-líp 2:15b.
Quan điểm của Phao-lô về chính mình
15. Liên quan đến các đặc ân nhận được, Phao-lô nghĩ gì về chính mình?
15 Là người truyền giáo của đạo Đấng Christ, Phao-lô cũng nêu gương xuất sắc cho chúng ta qua một cách khác. Dù có nhiều đặc ân trong hội thánh, Phao-lô nhận thức rõ là ông có được những ân phước đó không phải do nỗ lực và khả năng của mình nhưng nhờ ân điển Đức Chúa Trời. Ông biết rằng những tín đồ khác cũng rao truyền tin mừng rất hiệu quả. Dù giữ vai trò quan trọng trong dân sự của Đức Chúa Trời, Phao-lô vẫn khiêm nhường.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:9-11.
16. Trong vấn đề cắt bì, Phao-lô đã thể hiện tính khiêm tốn và nhún nhường như thế nào?
16 Hãy xem cách Phao-lô xử lý một vấn đề nảy sinh ở thành An-ti-ốt, xứ Sy-ri. Hội thánh tín đồ Đấng Christ ở đấy bất đồng ý kiến về vấn đề cắt bì (Công 14:26–15:2). Vì Phao-lô đã được giao nhiệm vụ dẫn đầu công việc rao giảng cho Dân ngoại không cắt bì, ông có thể xem mình là người hiểu biết nhiều trong việc ứng xử với người không thuộc dân Do Thái, và như thế ông có đủ tư cách để giải quyết vấn đề này. (Đọc Ga-la-ti 2:8, 9). Tuy nhiên, khi nỗ lực giải quyết vấn đề dường như không thành công, ông khiêm tốn và nhún nhường làm theo sự sắp đặt là nêu vấn đề đó lên hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem để bàn luận. Phao-lô thể hiện tinh thần hợp tác khi các thành viên trong hội đồng lắng nghe vấn đề, đưa ra quyết định, rồi giao nhiệm vụ đưa tin cho ông cùng những người khác (Công 15:22-31). Như thế, Phao-lô đã “coi người khác trọng hơn mình”.—Rô 12:10b, Tòa Tổng Giám Mục.
17, 18. (a) Sứ đồ Phao-lô có tình cảm nào đối với anh em trong hội thánh? (b) Chúng ta biết được gì về Phao-lô qua phản ứng của các trưởng lão ở Ê-phê-sô khi họ chia tay ông?
17 Sứ đồ Phao-lô khiêm nhường đã không xa cách anh em trong hội thánh nhưng rất gắn bó với họ. Cuối lá thư viết cho người Rô-ma, Phao-lô nêu cụ thể tên hơn 20 người ông gửi Rô 16:1-16.
lời chào thăm. Đa số những người này không được đề cập ở nơi nào khác trong Kinh Thánh, và chỉ vài người là có đặc ân trong thánh chức. Song, tất cả đều là những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, và Phao-lô rất yêu quý họ.—18 Cách cư xử khiêm nhường và thân thiện của Phao-lô đã làm vững mạnh các hội thánh. Sau lần cuối cùng ông gặp gỡ các trưởng lão đến từ thành Ê-phê-sô, họ “ôm lấy cổ Phao-lô mà hôn, lấy làm buồn-bực nhứt là vì nghe người nói rằng anh em sẽ chẳng thấy mặt mình nữa”. Nếu Phao-lô là người kiêu ngạo và lạnh lùng, họ đã không phản ứng như thế khi chia tay ông.—Công 20:37, 38.
19. Chúng ta thể hiện tinh thần “khiêm-nhường” như thế nào đối với anh em đồng đạo?
19 Tất cả những người muốn tiến bộ về thiêng liêng đều phải thể hiện tinh thần khiêm nhường như sứ đồ Phao-lô. Ông khuyên anh em cùng đức tin: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3). Chúng ta làm theo lời khuyên đó như thế nào? Một cách là hợp tác với các trưởng lão trong hội thánh, làm theo sự hướng dẫn và ủng hộ những quyết định của họ về tư pháp. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:17). Cách khác là quý trọng tất cả anh em đồng đức tin. Hội thánh của dân Đức Giê-hô-va thường có nhiều người thuộc các quốc gia, văn hóa, chủng tộc và sắc tộc khác nhau. Dù vậy, chẳng phải chúng ta nên đối xử yêu thương và không thiên vị với mọi người, như sứ đồ Phao-lô hay sao? (Công 17:26; Rô 12:10a) Chúng ta được khuyến khích “hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh-hiển”.—Rô 15:7.
“Lấy lòng nhịn-nhục” tham dự cuộc đua đạt sự sống
20, 21. Điều gì sẽ giúp chúng ta thành công trong cuộc đua đạt sự sống?
20 Đời sống của tín đồ Đấng Christ có thể được ví như một cuộc đua đường dài. Phao-lô viết: “Ta đã đánh trận tốt-lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức-tin. Hiện nay mão triều-thiên của sự công-bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công-bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu-mến sự hiện đến của Ngài”.—2 Ti 4:7, 8.
21 Noi gương Phao-lô sẽ giúp chúng ta thành công trong cuộc đua đạt sự sống vĩnh cửu (Hê 12:1). Vậy, chúng ta hãy tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng bằng cách luyện tập thói quen học hỏi, vun trồng tình yêu thương sâu đậm đối với người khác và luôn giữ thái độ khiêm nhường.
Bạn trả lời thế nào?
• Nhờ thói quen học hỏi Kinh Thánh, Phao-lô nhận được lợi ích nào?
• Tại sao tín đồ thật của Đấng Christ cần phải có lòng yêu thương chân thành với người khác?
• Những đức tính nào sẽ giúp bạn đối xử không thiên vị với người khác?
• Gương của Phao-lô giúp bạn như thế nào để hợp tác với các trưởng lão trong hội thánh?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 23]
Như sứ đồ Phao-lô, hãy tìm sức mạnh qua Kinh Thánh
[Hình nơi trang 24]
Hãy biểu lộ tình yêu thương bằng cách chia sẻ tin mừng với người khác
[Hình nơi trang 25]
Bạn có biết tại sao Phao-lô được anh em yêu mến không?