Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va

Chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va

Chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va

“Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”.—1 GIĂNG 5:3.

1, 2. (a) Tại sao nhiều người ngày nay khó chịu khi nghĩ đến việc phải vâng phục uy quyền? (b) Những người cho rằng mình không sống theo khuôn phép có thật sự độc lập không? Hãy giải thích.

Ngày nay, người ta không thích nghe từ “uy quyền”. Họ khó chịu khi nghĩ đến việc phải vâng phục ý muốn của người khác. “Không ai có thể bảo tôi phải làm điều gì”, đó là thái độ của những người cho rằng mình không sống theo khuôn phép nào cả. Nhưng, những người này có thật sự độc lập, không phụ thuộc vào ai không? Chắc chắn không! Đa số họ thật ra theo tiêu chuẩn của vô số người “làm theo đời nầy” (Rô 12:2). Chẳng những không độc lập, mà theo lời của sứ đồ Phi-e-rơ, họ còn “làm tôi-mọi sự hư-nát” (2 Phi 2:19). Họ “đã học đòi, theo thói-quen đời nầy, vâng-phục vua cầm quyền chốn không-trung”, là Sa-tan Ma-quỉ.—Ê-phê 2:2.

2 Một tác giả đã kiêu ngạo phát biểu: “Tôi không cho phép ai, dù cha mẹ, linh mục, mục sư hay thầy dạy đạo hoặc Kinh Thánh, quyền quyết định điều gì là đúng cho tôi”. Công nhận rằng, một số người lạm dụng uy quyền và không đáng để chúng ta vâng phục. Nhưng, nói rằng mình không cần sự hướng dẫn nào, có phải là giải pháp không? Liếc qua các hàng tít trên báo, chúng ta thấy câu trả lời thật bi quan. Quả là đáng buồn khi vào thời điểm mà nhân loại rất cần sự hướng dẫn, nhưng đa số lại ít có khuynh hướng chấp nhận điều này.

Quan điểm của chúng ta về uy quyền

3. Làm thế nào tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã cho thấy họ không mù quáng phục tùng uy quyền của loài người?

3 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có quan điểm khác với thế gian. Chúng ta không mù quáng làm theo bất cứ điều gì người khác bảo mình. Ngược lại, đôi khi chúng ta phải từ chối phục tùng ý muốn của người khác mặc dù họ có quyền. Đây cũng là trường hợp của tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Chẳng hạn, khi bị cấm rao giảng, các sứ đồ đã không khuất phục trước uy quyền của thầy cả thượng phẩm và những người có địa vị ở Tòa Công Luận. Các sứ đồ đã không ngưng làm điều đúng chỉ để phục tùng uy quyền của loài người.—Đọc Công-vụ 5:27-29.

4. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, có những trường hợp nào cho thấy nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời đã theo đường lối không được người ta ưa thích?

4 Rất nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời trước thời Đấng Christ đã hành động với lòng kiên quyết như thế. Chẳng hạn, Môi-se đã “bỏ danh-hiệu mình là con trai của công-chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà-hiếp”, dù làm như vậy khiến “vua giận” (Hê 11:24, 25, 27). Giô-sép cưỡng lại lời gạ gẫm của vợ Phô-ti-pha, người có thể trả thù và làm hại ông (Sáng 39:7-9). Đa-ni-ên “quyết-định trong lòng rằng không chịu ô-uế bởi đồ ngon vua ăn”, dù lập trường của ông khó được người làm đầu hoạn quan của Ba-by-lôn chấp nhận (Đa 1:8-14). Về phương diện lịch sử, những trường hợp kể trên cho thấy dân Đức Chúa Trời kiên quyết làm điều đúng cho dù hậu quả là thế nào. Họ không chiều theo ý của loài người chỉ để được lòng người ta; chúng ta cũng nên làm thế.

5. Quan điểm của chúng ta về uy quyền khác với thế gian như thế nào?

5 Lập trường can đảm của chúng ta không phải là thái độ ương ngạnh. Chúng ta cũng không giống như những người nổi loạn chỉ để thể hiện quan điểm chính trị. Thay vì thế, chúng ta quyết tâm vâng phục uy quyền của Đức Giê-hô-va hơn bất cứ uy quyền của người nào. Khi luật pháp của loài người đi ngược lại luật pháp Đức Chúa Trời, việc quyết định sẽ làm gì là điều không khó đối với chúng ta. Giống như các sứ đồ vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người.

6. Tại sao vâng theo điều răn của Đức Giê-hô-va luôn là điều tốt nhất?

6 Điều gì giúp chúng ta chấp nhận uy quyền của Đức Chúa Trời? Đó là nhờ chúng ta có quan điểm như được ghi nơi Châm-ngôn 3:5, 6: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Chúng ta tin rằng bất cứ điều gì Đức Chúa Trời đòi hỏi cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13). Thật vậy, Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên về Ngài: “[Ta] là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”. Rồi Ngài phán tiếp: “Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển” (Ê-sai 48:17, 18). Chúng ta tin những lời này. Chúng ta chắc chắn rằng mình luôn nhận được lợi ích tốt nhất khi vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời.

7. Chúng ta nên làm gì nếu không hiểu rõ một mạng lệnh được ghi trong Lời Đức Chúa Trời?

7 Chúng ta chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va và vâng lời Ngài ngay cả khi không hiểu rõ lý do của một số đòi hỏi được ghi trong Kinh Thánh. Đó không phải là nhẹ dạ cả tin mà là sự tin cậy. Nó phản ánh niềm tin chân thành là Đức Giê-hô-va biết điều gì tốt cho chúng ta. Sự vâng lời cũng là biểu hiện tình yêu thương của chúng ta, vì sứ đồ Giăng viết: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài” (1 Giăng 5:3). Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác về việc vâng lời mà chúng ta cũng nên lưu ý.

Rèn luyện khả năng nhận thức

8. “Dụng tâm-tư luyện-tập” liên hệ thế nào đến việc chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va?

8 Kinh Thánh nói chúng ta phải “dụng tâm-tư luyện-tập”, tức dùng khả năng nhận thức đã được rèn luyện, để “phân-biệt điều lành và dữ” (Hê 5:14). Vì vậy, mục tiêu của chúng ta không phải là vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời một cách máy móc; đúng hơn, chúng ta muốn có khả năng “phân-biệt điều lành và dữ” dựa trên các tiêu chuẩn của Ngài. Chúng ta muốn nhận biết sự khôn ngoan của đường lối Đức Giê-hô-va để có thể nói như người viết Thi-thiên: “Luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi”.—Thi 40:8.

9. Làm thế nào để lương tâm của chúng ta hòa hợp với các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, và tại sao đây là điều quan trọng?

9 Để quý trọng luật pháp của Đức Chúa Trời như người viết Thi-thiên, chúng ta cần suy ngẫm những gì mình đọc trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, khi biết một đòi hỏi nào đó của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể hỏi: “Tại sao mạng lệnh hoặc nguyên tắc này là khôn ngoan? Tại sao vâng lời là điều tốt nhất cho tôi? Những người lờ đi lời khuyên của Đức Chúa Trời trong vấn đề này đã gánh lấy hậu quả nào?”. Qua cách đó, lương tâm chúng ta được rèn luyện để hòa hợp với đường lối của Đức Giê-hô-va, và chúng ta dễ có quyết định phù hợp với ý muốn Ngài. Chúng ta có thể “hiểu rõ ý-muốn của Chúa là thế nào” và rồi cố gắng làm theo ý đó bằng cách vâng lời (Ê-phê 5:17). Điều này không phải lúc nào cũng dễ.

Sa-tan cố làm suy yếu uy quyền của Đức Chúa Trời

10. Trong một lĩnh vực nào Sa-tan đã tìm cách làm suy yếu uy quyền của Đức Chúa Trời?

10 Từ lâu, Sa-tan luôn tìm cách làm suy yếu uy quyền của Đức Chúa Trời. Tinh thần độc lập của hắn được thể hiện qua nhiều cách. Chẳng hạn, việc thiếu tôn trọng sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về hôn nhân. Một số cặp chọn sống chung mà không cần kết hôn, trong khi những người khác lại tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc với người hôn phối. Cả hai nhóm người đó có lẽ đồng ý với lời tuyên bố của một nữ diễn viên nổi tiếng: “Chỉ một vợ một chồng là điều không thực tế đối với cả nam lẫn nữ”. Bà nói thêm: “Tôi chưa gặp người nào chung thủy hoặc muốn chung thủy cả”. Nghĩ về các mối quan hệ bị đổ vỡ của mình, một nam diễn viên được quần chúng ái mộ phát biểu: “Tôi không nghĩ rằng sống suốt đời với chỉ một người là bản chất của chúng ta”. Vậy, chúng ta nên tự hỏi: “Trong hôn nhân, tôi có chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va hay là để quan điểm dễ dãi của thế gian ảnh hưởng lối suy nghĩ của mình?”.

11, 12. (a) Tại sao chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va có thể là điều khó đối với người trẻ? (b) Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy không vâng theo luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va là điều dại dột.

11 Bạn có phải là một người trẻ trong tổ chức của Đức Giê-hô-va không? Nếu thế, Sa-tan có thể cố làm bạn nghĩ rằng uy quyền của Đức Giê-hô-va không có lợi cho bạn. “Tình-dục trai-trẻ” cùng với áp lực của bạn đồng lứa có thể khiến bạn kết luận luật pháp Đức Chúa Trời là nặng nề (2 Ti 2:22). Đừng để điều đó xảy ra. Hãy cố gắng nhận ra sự khôn ngoan trong các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Kinh Thánh khuyên bạn “hãy tránh xa sự gian dâm” (1 Cô 6:18, Bản Dịch Mới). Một lần nữa, bạn hãy tự hỏi: “Tại sao mạng lệnh đó là khôn ngoan? Vâng lời trong vấn đề này có lợi gì cho tôi?”. Bạn có lẽ biết một số người đã lờ đi lời khuyên của Đức Chúa Trời và sau đó phải trả một giá rất đắt. Hiện nay họ có thật sự hạnh phúc không? So với lúc còn kết hợp với tổ chức của Đức Giê-hô-va, đời sống hiện tại của họ có tốt hơn không? Họ có thật sự tìm ra bí quyết nào đó để có hạnh phúc trong khi các tôi tớ của Đức Chúa Trời chưa nắm được không?—Đọc Ê-sai 65:14.

12 Hãy xem lời bình luận cách đây không lâu của một tín đồ Đấng Christ tên Sharon: “Vì không vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va, giờ đây tôi mắc căn bệnh AIDS chết người. Tôi thường nhớ lại nhiều năm hạnh phúc được phụng sự Đức Giê-hô-va”. Chị nhận ra rằng thật dại dột khi vi phạm luật pháp của Đức Giê-hô-va mà lẽ ra chị phải hết sức quý trọng. Luật pháp Ngài nhằm mục đích bảo vệ chúng ta. Chỉ bảy tuần sau khi viết những lời trên, chị Sharon đã qua đời. Kinh nghiệm đau thương của chị cho thấy Sa-tan chẳng đưa ra điều gì tốt cho những người thuộc thế gian hung ác này. Là “cha sự nói dối”, hắn hứa hẹn nhiều nhưng không giữ lời, như đã làm với Ê-va (Giăng 8:44). Thật vậy, chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va luôn là điều tốt nhất.

Cẩn thận tránh tinh thần độc lập

13. Chúng ta cần cẩn thận tránh tinh thần độc lập trong lĩnh vực nào?

13 Trong việc chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va, chúng ta cần cẩn thận tránh tinh thần độc lập. Tính kiêu ngạo có thể khiến chúng ta nghĩ rằng mình không cần sự hướng dẫn của bất kỳ ai. Thí dụ, chúng ta có thể từ chối lời khuyên của những người dẫn đầu trong dân của Đức Chúa Trời. Ngài có sự sắp đặt để lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ (Mat 24:45-47). Chúng ta nên khiêm nhường nhìn nhận đây là cách Đức Giê-hô-va chăm sóc dân Ngài ngày nay. Hãy giống như các sứ đồ trung thành. Khi một số môn đồ bị vấp phạm, Chúa Giê-su hỏi các sứ đồ: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”. Phi-e-rơ thưa rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời”.—Giăng 6:66-68.

14, 15. Tại sao chúng ta nên khiêm nhường vâng theo lời khuyên của Kinh Thánh?

14 Chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va bao hàm việc làm theo lời khuyên dựa trên Lời Ngài. Chẳng hạn, lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cảnh báo chúng ta “phải tỉnh-thức và dè-giữ” (1 Tê 5:6). Lời khuyên ấy rất thích hợp trong những ngày sau rốt này, thời kỳ mà nhiều người “tư-kỷ, tham tiền” (2 Ti 3:1, 2). Thái độ phổ biến ấy có thể ảnh hưởng chúng ta không? Có. Những mục tiêu không liên quan đến thánh chức có thể ru ngủ chúng ta về thiêng liêng, hoặc chúng ta có thể bắt đầu có cái nhìn thiên về vật chất (Lu 12:16-21). Vì vậy, thật khôn ngoan biết bao khi chấp nhận lời khuyên của Kinh Thánh và tránh lối sống ích kỷ đang thịnh hành trong thế gian của Sa-tan!—1 Giăng 2:16.

15 Qua các trưởng lão được bổ nhiệm, lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp thức ăn thiêng liêng cho các hội thánh. Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình,—hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em” (Hê 13:17). Phải chăng điều này có nghĩa là các trưởng lão trong hội thánh không thể sai lầm? Chắc chắn không! Đức Chúa Trời thấy sự bất toàn của họ rõ hơn bất cứ người nào. Song, Ngài vẫn muốn chúng ta vâng phục họ. Hợp tác với các trưởng lão, dù họ bất toàn, là bằng chứng cho thấy chúng ta chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va.

Tầm quan trọng của tính khiêm nhường

16. Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ lòng kính trọng đối với Chúa Giê-su là Đầu của hội thánh?

16 Chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa Giê-su thật sự là Đầu của hội thánh (Cô 1:18). Đó là một lý do tại sao chúng ta khiêm nhường vâng phục sự hướng dẫn của các trưởng lão được bổ nhiệm, “lấy lòng rất yêu-thương đối với họ” (1 Tê 5:12, 13). Dĩ nhiên, các trưởng lão có thể cho thấy họ cũng có tinh thần phục tùng bằng cách cẩn thận truyền đạt cho hội thánh thông điệp của Đức Chúa Trời, chứ không phải ý riêng của họ. Họ không “vượt qua lời đã chép” để phổ biến ý kiến cá nhân.—1 Cô 4:6.

17. Tại sao tính tham vọng lại nguy hiểm?

17 Tất cả mọi người trong hội thánh cần cẩn thận tránh tìm kiếm vinh hiển riêng cho mình (Châm 25:27). Đó có lẽ là cái bẫy cho một môn đồ mà sứ đồ Giăng đã từng gặp. Ông viết: “Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội-thánh không muốn tiếp-rước chúng ta. Cho nên, nếu tôi đến, tôi sẽ bới việc xấu người làm, là lấy lời luận độc-ác mà nghịch cùng chúng ta” (3 Giăng 9, 10). Đây cũng là bài học cho chúng ta ngày nay. Chúng ta có lý do để loại bỏ bất cứ tham vọng nào nhen nhóm trong lòng mình. Kinh Thánh nói: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”. Những ai chấp nhận uy quyền của Đức Chúa Trời phải cưỡng lại cạm bẫy của tính kiêu ngạo, nếu không thì điều đó sẽ dẫn đến “sỉ-nhục”.—Châm 11:2; 16:18.

18. Điều gì sẽ giúp chúng ta chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va?

18 Vậy, hãy đặt mục tiêu kháng cự tinh thần độc lập của thế gian và chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va. Thỉnh thoảng, hãy suy ngẫm với lòng biết ơn về đặc ân tuyệt diệu được phụng sự Đức Giê-hô-va. Sự kiện bạn thuộc về dân của Đức Chúa Trời là bằng chứng Ngài đã kéo bạn đến bằng thánh linh (Giăng 6:44). Chớ bao giờ xem nhẹ mối quan hệ giữa bạn với Đức Chúa Trời. Trong mọi khía cạnh của đời sống, hãy cố gắng cho thấy bạn kháng cự tinh thần độc lập và chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va.

Bạn còn nhớ không?

• Chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì?

• Rèn luyện khả năng nhận thức liên hệ thế nào đến việc chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va?

• Trong những lĩnh vực nào, Sa-tan cố làm suy yếu uy quyền của Đức Chúa Trời?

• Tại sao tính khiêm nhường là quan trọng trong việc chấp nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

“Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”

[Hình nơi trang 20]

Làm theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời luôn là điều khôn ngoan