Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy giữ “lòng kính-mến ban đầu”

Hãy giữ “lòng kính-mến ban đầu”

Hãy giữ “lòng kính-mến ban đầu”

“Hãy giữ lấy điều ngươi có”.—KHẢI 3:11.

1, 2. Bạn cảm thấy thế nào khi bắt đầu tin rằng những gì mình học được về Đức Giê-hô-va là lẽ thật?

Bạn có nhớ lần đầu tiên học biết về triển vọng tuyệt diệu mà Đức Giê-hô-va ban cho nhân loại biết vâng lời không? Nếu đã từng theo một tôn giáo khác, bạn cảm thấy thế nào khi được giải thích về ý định của Đức Chúa Trời dựa trên Kinh Thánh, hoặc khi những giáo lý trước đây khó hiểu nay đã sáng tỏ? Có lẽ bạn nhận ra là mình đã không được dạy dỗ đúng về Đức Chúa Trời. Nhưng giờ đây bạn vui mừng biết bao vì đã được soi sáng! Nếu cha mẹ bạn là tín đồ Đấng Christ, bạn cảm thấy thế nào khi bắt đầu tin rằng những gì mình học được về Đức Giê-hô-va là lẽ thật và quyết định sống phù hợp với điều đó?—Rô 12:2.

2 Nhiều anh chị trong hội thánh sẽ nói với bạn là họ cảm thấy rất phấn khởi, gần gũi Đức Giê-hô-va và biết ơn vì Ngài đã kéo họ đến với Ngài (Giăng 6:44). Niềm hạnh phúc này đã thôi thúc họ tham gia vào các hoạt động của đạo Đấng Christ. Lòng đầy vui mừng, họ muốn chia sẻ niềm vui ấy với mọi người. Bạn có kinh nghiệm tương tự không?

3. Khi Chúa Giê-su gửi thông điệp cho hội thánh Ê-phê-sô, họ ở trong tình trạng nào?

3 Khi nói với hội thánh tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su nói về “lòng kính-mến ban đầu”. Các tín đồ ở hội thánh này có nhiều tính tốt, nhưng lòng kính mến mà họ biểu lộ đối với Đức Giê-hô-va đã nguội lạnh. Vì vậy, Chúa Giê-su bảo họ: “Ta biết công-việc ngươi, sự khó-nhọc ngươi, sự nhịn-nhục ngươi; ta biết ngươi không thể dung được những kẻ ác, lại biết ngươi đã thử những kẻ tự xưng là sứ-đồ mà không phải là sứ-đồ, ngươi đã rõ rằng chúng nó giả-dối. Ngươi hay nhịn-nhục và chịu khó vì danh ta, không mệt-nhọc chút nào. Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính-mến ban đầu”.—Khải 2:2-4.

4. Tại sao ngày nay thông điệp của Chúa Giê-su gửi cho các tín đồ ở Ê-phê-sô là quan trọng?

4 Lời khuyên của Chúa Giê-su cho tín đồ ở hội thánh Ê-phê-sô cũng như ở những hội thánh khác được đề cập trong sách Khải-huyền, là thích hợp với tình trạng diễn ra trong một thời gian đối với các tín đồ được xức dầu từ năm 1914 trở đi (Khải 1:10). Nhưng ngay cả ngày nay, một số tín đồ cũng có thể mất “lòng kính-mến ban đầu” đối với Đức Giê-hô-va và lẽ thật đạo Đấng Christ. Liên quan đến điều này, chúng ta hãy xem làm thế nào khi nhớ lại và suy ngẫm về kinh nghiệm riêng, bạn có thể duy trì, khơi lại và củng cố lòng kính mến cùng sự sốt sắng mà bạn từng cảm nhận lúc ban đầu đối với Đức Chúa Trời và lẽ thật.

Tại sao bạn tin đây là lẽ thật?

5, 6. (a) Mỗi tín đồ Đấng Christ phải tin chắc điều gì? (b) Điều gì khiến bạn tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va dạy lẽ thật? (c) Điều gì có thể giúp một người khơi lại lòng kính mến ban đầu?

5 Trước khi quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va, mỗi người phải “thử” để biết chắc “ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô 12:1, 2). Một phần của quá trình này là học biết lẽ thật của Kinh Thánh. Mỗi người có thể có lý do khác nhau để tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va dạy lẽ thật. Một số người nhớ lại họ đã thay đổi quan điểm khi đọc thấy tên Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, hoặc khi hiểu được tình trạng thật sự của người chết (Thi 83:18; Truyền 9:5, 10). Điều gây ấn tượng với người khác là tình yêu thương giữa dân của Đức Giê-hô-va (Giăng 13:34, 35). Còn những người khác thì chấp nhận lẽ thật khi hiểu được không thuộc về thế gian có nghĩa gì. Họ kết luận rằng tín đồ Đấng Christ chân chính không thể tham dự những cuộc tranh cãi về chính trị, cũng không tham gia cuộc chiến của bất cứ nước nào.—Ê-sai 2:4; Giăng 6:15; 17:14-16.

6 Đối với nhiều người, những hiểu biết này cũng như những điều khác đã khơi dậy lòng kính mến đối với Đức Chúa Trời. Hãy dành thời gian để nhớ lại điều gì đã thuyết phục bạn tin nơi lẽ thật. Mỗi người có hoàn cảnh và cá tính khác nhau, vì thế những lý do chính khiến bạn yêu mến Đức Giê-hô-va và tin các lời hứa của Ngài có lẽ không giống với người khác. Rất có thể những lý do mà ngày nay bạn tin nơi lẽ thật cũng giống như lúc bạn mới học biết về điều đó. Lẽ thật không thay đổi. Vì thế, việc hồi tưởng những suy nghĩ và cảm xúc thời ấy có thể là một cách giúp bạn khơi lại lòng yêu mến ban đầu đối với lẽ thật.—Đọc Thi-thiên 119:151, 152; 143:5.

Củng cố lòng kính mến ban đầu

7. Tại sao cần củng cố lòng yêu mến ban đầu đối với lẽ thật, và chúng ta có thể làm điều đó như thế nào?

7 Kể từ khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, có lẽ cuộc đời bạn đã có nhiều thay đổi. Lòng yêu mến ban đầu đối với lẽ thật là quan trọng, nhưng với thời gian, bạn cần có lòng yêu mến sâu đậm hơn để đương đầu với những thử thách mới về đức tin. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va hỗ trợ bạn (1 Cô 10:13). Vì thế, kinh nghiệm bản thân tích lũy được qua năm tháng cũng rất quý giá đối với bạn. Những kinh nghiệm ấy giúp bạn củng cố lòng yêu mến ban đầu, và là một cách khác mà bạn có thể thử để biết ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời.—Giô-suê 23:14; Thi 34:8.

8. Đức Giê-hô-va tỏ cho Môi-se biết thế nào về Ngài? Và làm thế nào dân Y-sơ-ra-ên biết Đức Chúa Trời rõ hơn?

8 Để minh họa, hãy xem xét hoàn cảnh dân Y-sơ-ra-ên khi Đức Giê-hô-va nói về ý định giải thoát họ khỏi cảnh phu tù ở xứ Ê-díp-tô. Đức Chúa Trời tỏ cho Môi-se biết về Ngài khi phán: “Ta sẽ trở thành Đấng ta sẽ trở thành” (Xuất 3:7, 8, 13, 14, NW). Về cơ bản, Đức Giê-hô-va nói rằng Ngài sẽ trở thành bất cứ vai trò cần thiết nào để giải thoát dân Ngài. Qua những sự kiện diễn ra sau đó và khi hoàn cảnh đòi hỏi, dân Y-sơ-ra-ên thấy Đức Giê-hô-va thể hiện nhiều khía cạnh của cá tính Ngài—Ngài là Đấng Toàn Năng, Đấng Phán Xét, Đấng Lãnh Đạo, Đấng Giải Cứu, Chiến Sĩ và là Đấng Cung Cấp.—Xuất 12:12; 13:21; 14:24-31; 16:4; Nê 9:9-15.

9, 10. Hoàn cảnh nào có thể giúp một người biết về Đức Chúa Trời, và tại sao nên nhớ lại những kinh nghiệm ấy?

9 Hoàn cảnh của bạn không giống như dân Y-sơ-ra-ên xưa. Dù vậy, rất có thể bạn đã có những trải nghiệm để tin chắc rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến cá nhân bạn, và điều này củng cố đức tin của bạn. Có lẽ qua một cách nào đó, Đức Giê-hô-va đã trở thành Đấng Cung Cấp, Đấng An Ủi hay Đấng Dạy Dỗ. (Đọc Ê-sai 48:17). Hoặc bạn thấy lời cầu nguyện của mình đã được nhậm một cách rõ ràng. Có thể bạn đang gặp thử thách, và rồi một anh em đồng đạo giúp đỡ bạn. Hoặc qua việc học hỏi cá nhân, bạn thấy những câu Kinh Thánh thích hợp cho hoàn cảnh của mình.

10 Nếu bạn kể lại những kinh nghiệm ấy cho người khác nghe, một số người có lẽ thấy không có gì đặc biệt. Suy cho cùng, những sự việc đó không phải là phép lạ. Nhưng đối với bạn chúng rất có ý nghĩa. Thật vậy, Đức Giê-hô-va trở thành đúng vai trò cần thiết cho bạn. Hãy nghĩ về những năm tháng bạn ở trong lẽ thật. Bạn có thể nhớ lại những lần mà bạn cảm thấy được chính Đức Giê-hô-va chăm sóc không? Nếu có, hãy nhớ xem bạn đã cảm thấy thế nào qua những lần đó. Việc này có thể khơi lại trong lòng bạn cảm xúc yêu mến Đức Giê-hô-va như bạn đã cảm nhận lúc bấy giờ. Hãy quý trọng và suy ngẫm về những kinh nghiệm ấy. Chúng là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến cá nhân bạn, và không ai có thể lấy đi niềm tin ấy.

Tự xét mình

11, 12. Nếu lòng yêu mến của một tín đồ Đấng Christ đối với lẽ thật đã suy giảm, nguyên nhân có thể là gì, và Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên nào?

11 Nếu bạn cảm thấy mình không còn yêu mến Đức Chúa Trời và lẽ thật như trước đây, điều này không phải vì Ngài đã thay đổi. Đức Giê-hô-va không bao giờ thay đổi (Mal 3:6; Gia 1:17). Lúc ấy, Ngài quan tâm đến bạn, và ngày nay cũng thế. Vậy, trong mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, điều gì có thể đã thay đổi? Phải chăng bạn cảm thấy mình gặp nhiều áp lực hơn, có nhiều nỗi lo âu hơn? Có lẽ trong quá khứ bạn đã nhiệt thành cầu nguyện, siêng năng học hỏi và suy ngẫm nhiều hơn. Phải chăng ngày trước bạn đã sốt sắng trong thánh chức và đều đặn tham dự các buổi họp hơn bây giờ?—2 Cô 13:5.

12 Có thể bạn không nhận ra mình có những thay đổi này, nhưng nếu có, nguyên nhân là gì? Phải chăng những mối quan tâm chính đáng như cung cấp đầy đủ cho gia đình, chăm sóc sức khỏe, v.v. . . khiến bạn giảm bớt tinh thần khẩn trương là ngày của Đức Giê-hô-va gần kề? Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy. Vậy, hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra”.—Lu 21:34-36.

13. Gia-cơ đã ví Lời Đức Chúa Trời với cái gì?

13 Người được soi dẫn để viết Kinh Thánh là Gia-cơ khuyên các anh em đồng đạo hãy thành thật xét mình dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Ông viết: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình. Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo, thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. Nhưng kẻ nào xét kĩ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép-tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời”.—Gia 1:22-25.

14, 15. (a) Kinh Thánh có thể giúp bạn như thế nào để tiến bộ về thiêng liêng? (b) Bạn có thể suy nghĩ về những câu hỏi nào?

14 Một người có thể soi gương để biết chắc ngoại diện của mình chỉnh tề. Chẳng hạn, nếu một anh thấy cà vạt của mình không ngay ngắn, anh có thể chỉnh lại. Nếu một chị thấy tóc chưa gọn ghẽ, chị có thể vuốt lại. Tương tự thế, Kinh Thánh giúp chúng ta xem xét về mình. Khi so sánh bản thân với những gì Kinh Thánh khuyên, tức là chúng ta dùng Kinh Thánh như một cái gương. Nhưng nếu nhìn vào gương, thấy khuyết điểm mà không sửa thì có lợi ích gì? Thật khôn ngoan nếu chúng ta hành động dựa trên những gì mình nhận biết qua “luật-pháp trọn-vẹn” của Đức Chúa Trời, trở nên người “làm theo” luật ấy. Vì vậy, người nào nhận ra rằng lòng kính mến ban đầu đối với Đức Giê-hô-va và lẽ thật đã suy giảm, thì nên suy nghĩ về những câu hỏi sau: “Tôi đang gặp những áp lực nào trong đời sống, và tôi phản ứng ra sao? Trong quá khứ tôi phản ứng thế nào? Có điều gì thay đổi không?”. Nếu tự xét mình như thế và thấy bất kỳ nhược điểm nào, thì đừng bỏ qua. Nếu cần phải điều chỉnh, hãy làm ngay.—Hê 12:12, 13.

15 Việc suy ngẫm như thế cũng có thể giúp bạn đặt ra những mục tiêu hợp lý để tiến bộ về thiêng liêng. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết lời khuyên cho người cộng sự là Ti-mô-thê, nhằm giúp người trẻ này tiến bộ trong thánh chức. Phao-lô khuyên: “Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con”. Chúng ta cũng nên “chuyên-lo”, dựa trên Lời Đức Chúa Trời để suy nghĩ xem mình có thể tấn tới như thế nào.—1 Ti 4:15.

16. Khi tự xét mình dựa trên Kinh Thánh, bạn cần cảnh giác mối nguy hiểm nào?

16 Bất cứ khi nào thành thật xét mình, chúng ta cũng thường phát hiện một số nhược điểm. Điều đó có thể khiến bạn nản lòng, nhưng đừng để điều ấy xảy ra cho bạn. Suy cho cùng, mục tiêu của việc xét mình là nhận ra những điểm nào cần trau dồi. Dĩ nhiên, Sa-tan luôn muốn tín đồ Đấng Christ cảm thấy mình vô giá trị vì những thiếu sót của bản thân. Trên thực tế, Sa-tan đã nói rằng Đức Chúa Trời xem thường mọi nỗ lực nhằm phụng sự Ngài (Gióp 15:15, 16; 22:3). Đó là lời dối trá mà Chúa Giê-su đã quyết liệt phủ nhận; Đức Chúa Trời quý trọng mỗi người chúng ta. (Đọc Ma-thi-ơ 10:29-31). Khi ý thức những thiếu sót của mình thì chúng ta nên khiêm nhường và quyết tâm cải thiện, với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va (2 Cô 12:7-10). Nếu bị giới hạn vì bệnh tật hoặc tuổi già, thì hãy đặt những mục tiêu hợp lý, nhưng đừng bỏ cuộc hay để lòng kính mến của mình suy giảm.

Nhiều điều để biết ơn

17, 18. Củng cố lòng kính mến ban đầu mang lại những lợi ích nào?

17 Tiếp tục củng cố lòng kính mến ban đầu sẽ mang lại nhiều lợi ích. Bạn có thể gia tăng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và lòng biết ơn về sự hướng dẫn yêu thương của Ngài. (Đọc Châm-ngôn 2:1-9; 3:5, 6). Người viết Thi-thiên nói: “Ai gìn-giữ [các mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va], được phần thưởng lớn thay”. “Sự chứng-cớ [“sự nhắc nhở”, NW] Đức Giê-hô-va là chắc-chắn, làm cho kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan”. Hơn nữa, “phước cho những người trọn-vẹn trong đường-lối mình, đi theo luật-pháp của Đức Giê-hô-va”.—Thi 19:7, 11; 119:1.

18 Chắc chắn bạn đồng ý rằng mình có nhiều điều để biết ơn. Bạn hiểu được lý do của những biến cố đang xảy ra trên thế giới. Bạn được lợi ích nhờ sự chăm sóc về thiêng liêng mà Đức Chúa Trời thể hiện đối với dân Ngài ngày nay. Chắc hẳn bạn cũng cảm thấy biết ơn về việc Đức Giê-hô-va kéo bạn đến với hội thánh Ngài và ban cho bạn đặc ân được làm Nhân Chứng của Ngài. Hãy biết ơn về những ân phước mình nhận được! Nếu liệt kê các ân phước ấy thì nhiều vô kể. Thường xuyên làm thế hẳn sẽ giúp bạn áp dụng lời khuyên: “Hãy giữ lấy điều ngươi có”.—Khải 3:11.

19. Ngoài việc suy ngẫm về mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời, điều gì là thiết yếu để duy trì tình trạng thiêng liêng tốt?

19 Suy ngẫm về đức tin của bạn đã phát triển như thế nào qua thời gian chỉ là một cách có thể giúp bạn giữ lấy điều mình có. Tạp chí này thường lưu ý về những điều thiết yếu khác để duy trì tình trạng thiêng liêng tốt. Trong số đó phải kể đến việc cầu nguyện, tham dự và góp phần vào các buổi họp của đạo Đấng Christ cũng như sốt sắng thi hành thánh chức. Những việc này có thể giúp bạn tiếp tục khơi lại và củng cố lòng kính mến ban đầu.—Ê-phê 5:10; 1 Phi 3:15; Giu 20, 21.

Bạn trả lời thế nào?

• Làm thế nào những lý do khiến bạn bắt đầu yêu mến Đức Giê-hô-va có thể là nguồn khích lệ cho bạn ngày nay?

• Ngẫm nghĩ về những kinh nghiệm bản thân tích lũy qua năm tháng có thể giúp bạn tin chắc điều gì?

• Tại sao bạn nên xem xét lòng kính mến của mình đối với Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Điều gì trong lẽ thật đã thu hút và thuyết phục bạn?

[Hình nơi trang 25]

Bạn có thấy bản thân có những điểm nào cần phải sửa đổi không?