Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong thư gửi cho các tín đồ ở Rô-ma

Những điểm nổi bật trong thư gửi cho các tín đồ ở Rô-ma

Lời Đức Giê-hô-va là lời sống

Những điểm nổi bật trong thư gửi cho các tín đồ ở Rô-ma

Khoảng năm 56 CN, trong chuyến hành trình truyền giáo thứ ba, sứ đồ Phao-lô đến thành Cô-rinh-tô. Ông biết tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái bất đồng quan điểm với các tín đồ thuộc dân ngoại ở thành Rô-ma. Phao-lô viết cho họ một lá thư nhằm giúp họ được hợp nhất trong Đấng Christ.

Trong thư viết cho người Rô-ma, Phao-lô giải thích làm thế nào người ta được xưng công bình và những người đó phải có lối sống nào. Thư này giúp chúng ta gia tăng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và Lời Ngài; thư cũng nêu bật ân điển của Đức Chúa Trời và đề cao vai trò của Đấng Christ trong sự cứu rỗi của chúng ta.—Hê 4:12.

ĐƯỢC XƯNG CÔNG BÌNH—BẰNG CÁCH NÀO?

(Rô 1:1–11:36)

Sứ đồ Phao-lô viết: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân-điển Ngài mà được xưng công-bình nhưng-không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. Phao-lô cũng nói: “Người ta được xưng công-bình bởi đức-tin, chớ không bởi việc làm theo luật-pháp” (Rô 3:23, 24, 28). Qua đức tin nơi “một việc công-bình”, cả các tín đồ được xức dầu lẫn thành viên của đám đông thuộc lớp “chiên khác” có thể được “xưng công-bình”—người chịu xức dầu thì được sống ở trên trời với tư cách là người đồng kế tự với Đấng Christ, và người thuộc đám đông là bạn Đức Chúa Trời, có triển vọng sống qua “cơn đại-nạn”.—Rô 5:18; Khải 7:9, 14; Giăng 10:16; Gia 2:21-24; Mat 25:46.

Phao-lô nêu câu hỏi: “Vì chúng ta không thuộc dưới luật-pháp, nhưng thuộc dưới ân-điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao?” Ông trả lời: “Chẳng hề như vậy!”. Ông giải thích: “[Anh em] là tôi-mọi. . . của tội-lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng-phục để được nên công-bình” (Rô 6:15, 16). Ông nói: “Nếu nhờ Thánh-Linh, làm cho chết các việc của thân-thể, thì anh em sẽ sống”.—Rô 8:13.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:24-32—Hành vi đồi trụy miêu tả ở đây áp dụng cho người Do Thái hay dân ngoại? Tuy lời này có thể áp dụng cho cả hai nhóm người đó, Phao-lô đặc biệt nói đến những người Y-sơ-ra-ên bội đạo. Dù đã biết mạng lệnh công bình của Đức Chúa Trời, “họ không lo nhìn-biết Đức Chúa Trời”. Vì thế họ đáng bị lên án.

3:24, 25—Làm thế nào “sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus-Christ” có thể bỏ qua “các tội phạm trước kia”, trước khi giá chuộc ấy được trả? Lời tiên tri đầu tiên về Đấng Mê-si ghi nơi Sáng-thế Ký 3:15 được ứng nhiệm vào năm 33 CN, khi Chúa Giê-su bị xử tử trên cây khổ hình (Ga 3:13, 16). Tuy nhiên, khi Đức Giê-hô-va nói lời tiên tri đó, Ngài xem giá chuộc như thể đã có hiệu lực, vì không điều gì có thể cản trở Đức Chúa Trời thực hiện ý định Ngài. Vì thế, dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su trong tương lai, Đức Giê-hô-va có thể tha tội cho những con cháu nào của A-đam thực hành đức tin nơi lời hứa ấy. Ngoài ra, nhờ sự chuộc tội hay giá chuộc của Chúa Giê-su, những người sống trước thời Đấng Christ cũng có cơ hội được sống lại.—Công 24:15.

6:3-5—Báp têm trong Chúa Giê-su và báp têm trong sự chết Ngài có nghĩa gì? Khi Đức Giê-hô-va xức dầu cho các môn đồ Đấng Christ bằng thánh linh, họ kết hợp với Chúa Giê-su và trở nên thành viên của hội thánh, là thân thể của Đấng Christ, và ngài là Đầu (1 Cô 12:12, 13, 27; Cô 1:18). Đây là phép báp têm trong Chúa Giê-su Christ. Các tín đồ được xức dầu cũng “báp-têm trong sự chết Ngài”, nghĩa là họ sống một đời hy sinh và từ bỏ hy vọng sống đời đời trên đất. Vì thế, cái chết của họ là sự hy sinh, giống như cái chết của Chúa Giê-su, dù cái chết của họ không có giá trị chuộc tội. Phép báp-têm trong sự chết của Đấng Christ được hoàn tất khi họ chết và sống lại ở trên trời.

7:8-11—“Tội-lỗi đã nhân dịp, dùng điều-răn dỗ-dành tôi” nghĩa là gì? Luật pháp giúp người ta nhận thức rõ tội lỗi là gì, làm họ càng ý thức mình là người tội lỗi. Do đó, họ càng thấy mình đã phạm nhiều tội, và càng có nhiều người nhận ra mình là người tội lỗi. Vì vậy, có thể nói rằng qua Luật pháp Môi-se, tội lỗi đã nhân dịp dỗ dành người ta.

Bài học cho chúng ta:

1:14, 15. Chúng ta có nhiều lý do để sốt sắng công bố tin mừng. Một trong những lý do ấy là chúng ta mắc nợ những người được chuộc bởi huyết của Chúa Giê-su, và có trách nhiệm giúp họ biết về Đức Chúa Trời cùng ý định Ngài.

1:18-20. Những người không tin kính và không công bình thì “không thể chữa mình được”, vì những đức tính không thấy được của Đức Chúa Trời thể hiện rõ qua công trình sáng tạo.

2:28; 3:1, 2; 7:6, 7Sau những lời có vẻ khinh thường người Do Thái, Phao-lô dùng lời lẽ mềm mỏng hơn. Điều này cho chúng ta một gương về cách tế nhị và khéo léo khi bàn về những đề tài nhạy cảm.

3:4. Khi lời của loài người mâu thuẫn với những gì Đức Chúa Trời nói trong Kinh Thánh, chúng ta “xưng Đức Chúa Trời là thật” bằng cách tin nơi Kinh Thánh và hành động phù hợp với ý muốn Ngài. Khi sốt sắng tham gia công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ, chúng ta có thể giúp người khác nhận biết Đức Chúa Trời là thật.

4:9-12. Rất lâu trước khi chịu cắt bì ở tuổi 99, Áp-ra-ham đã được kể là công bình nhờ đức tin của ông (Sáng 12:4; 15:6; 16:3; 17:1, 9, 10). Qua việc đó, Đức Chúa Trời cho thấy rõ nhờ điều gì một người có được vị thế công bình trước mặt Ngài.

4:18. Sự trông cậy hay hy vọng là yếu tố thiết yếu của đức tin. Đức tin của chúng ta dựa trên hy vọng.—Hê 11:1.

5:18, 19. Qua lập luận hợp lý cho thấy Chúa Giê-su tương đương với A-đam như thế nào, Phao-lô giải thích một cách súc tích làm sao một người có thể “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mat 20:28). Lập luận hợp lý và ngắn gọn là phương pháp giảng dạy rất hay mà chúng ta nên áp dụng.—1 Cô 4:17.

7:23. Những bộ phận cơ thể như tay, chân và lưỡi có thể “bắt mình phải làm phu-tù cho luật của tội-lỗi”, vì thế chúng ta phải cẩn thận để tránh lạm dụng chúng.

8:26, 27. Khi gặp hoàn cảnh rắc rối khiến chúng ta không biết nên cầu xin điều gì, thì ‘chính thánh linh cầu-khẩn thay cho chúng ta’. Rồi Đức Giê-hô-va, “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, sẽ xem những lời cầu nguyện thích hợp đã được ghi lại trong Kinh Thánh như là lời của chúng ta.—Thi 65:2.

8:38, 39. Tai họa, các tạo vật thần linh độc ác và nhà cầm quyền không thể ngăn cản Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta, và cũng không thể ngăn cản chúng ta yêu mến Ngài.

9:22-28; 11:1, 5, 17-26. Nhiều lời tiên tri liên quan đến sự phục hưng của dân Y-sơ-ra-ên được ứng nghiệm qua hội thánh các tín đồ được xức dầu, gồm những người “đã [được] gọi, chẳng những từ trong người Giu-đa, mà cũng từ trong dân ngoại nữa”.

10:10, 13, 14. Ngoài tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại, đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va và các lời hứa của Ngài cũng có thể thúc đẩy chúng ta sốt sắng tham gia thánh chức đạo Đấng Christ.

11:16-24, 33. “Sự nhân-từ và sự nghiêm-nhặt của Đức Chúa Trời” hài hòa và tốt đẹp thay! Thật vậy, “công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình”.—Phục 32:4.

SỐNG PHÙ HỢP VỚI VIỆC ĐƯỢC XƯNG CÔNG BÌNH

(Rô 12:1–16:27)

Phao-lô nói: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương-xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô 12:1). “Vậy”, có nghĩa là dựa trên sự kiện tín đồ Đấng Christ được xưng công bình bởi đức tin, những lời sau đó phải ảnh hưởng đến thái độ của họ đối với bản thân, người khác và các nhà cầm quyền.

Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ”. Ông khuyên: “Lòng yêu-thương phải cho thành-thật” (Rô 12:3, 9). “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình” (Rô 13:1). Trong những vấn đề liên quan đến lương tâm, ông khuyến khích tín đồ Đấng Christ “chớ xét-đoán nhau”.—Rô 14:13.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

12:20—Chúng ta “lấy những than lửa đỏ” chất trên đầu kẻ thù theo nghĩa nào? Vào thời Kinh Thánh, quặng kim loại được đặt vào trong lò có lớp than ở trên và phía dưới đáy lò. Sức nóng ở trên làm tan chảy kim loại đó và tách các tạp chất ra. Cũng vậy, chúng ta chất than lửa đỏ trên đầu kẻ thù bằng cách đối xử tử tế với họ, nhờ đó thái độ thù địch sẽ “tan chảy” và họ sẽ thể hiện những tính tốt.

12:21—Chúng ta “lấy điều thiện thắng điều ác” như thế nào? Một cách là tiếp tục dạn dĩ làm công việc Đức Chúa Trời giao phó là rao truyền tin mừng về Nước Trời cho đến khi việc này được hoàn tất theo ý Đức Giê-hô-va.—Mác 13:10.

13:1—Các nhà cầm quyền “đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định” theo nghĩa nào? Câu này có nghĩa là họ được Đức Chúa Trời cho phép cai trị, và trong một số trường hợp Ngài thấy trước sự cai trị của họ. Chúng ta thấy rõ điều này qua những gì Kinh Thánh báo trước về một số nhà cai trị.

Bài học cho chúng ta:

12:17, 19. Trả thù tức là chúng ta tự ý làm điều thuộc quyền của Đức Giê-hô-va. “Lấy ác trả ác” là hành động vượt quá quyền hạn của mình!

14:14, 15. Chúng ta không nên làm anh em mình lo buồn, hay vấp phạm vì đồ ăn thức uống mà chúng ta mời họ.

14:17. Quan hệ tốt với Đức Chúa Trời không chủ yếu tùy thuộc vào đồ ăn thức uống hoặc việc kiêng cử thức ăn, nhưng tùy thuộc vào sự công bình, bình an và vui vẻ.

15:7. Chúng ta không nên có thành kiến mà hãy tiếp nhận vào hội thánh mọi người có lòng thành tìm kiếm lẽ thật, và công bố thông điệp Nước Trời cho tất cả những người chúng ta gặp.

[Các hình nơi trang 31]

Có thể áp dụng giá chuộc để tha những tội đã phạm trước khi giá chuộc được trả không?