Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đặt mục tiêu hợp lý và giữ niềm vui

Đặt mục tiêu hợp lý và giữ niềm vui

Đặt mục tiêu hợp lý và giữ niềm vui

“Lại thất bại nữa rồi!”. Đã bao nhiêu lần bạn thốt lên những lời như thế vì không thực hiện được điều mình trù tính? Một người mẹ trẻ đạo Đấng Christ có thể bày tỏ cảm nghĩ đó vì quá mệt mỏi và căng thẳng khi phải luôn chăm sóc đứa con sơ sinh, và cảm thấy bực bội vì không thể chú tâm nhiều đến việc thờ phượng. Một tín đồ khác có lẽ cảm thấy bị giới hạn vì lối giáo dục của gia đình và nghĩ rằng anh không bao giờ chu toàn hết các trách nhiệm trong hội thánh. Một chị Nhân Chứng lớn tuổi có thể cảm thấy buồn nản vì không thể tham gia đầy đủ các hoạt động đạo Đấng Christ như khi còn sức lực và đi lại dễ dàng. “Đôi khi, một bài giảng khuyến khích việc làm tiên phong cũng đủ làm tôi phát khóc”, đó là lời phát biểu của chị Christiane, người muốn phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép.

Chúng ta có thể làm gì mỗi khi cảm thấy như thế? Làm thế nào một số tín đồ Đấng Christ vun trồng quan điểm thực tế về hoàn cảnh của họ? Có mục tiêu hợp lý đem lại những lợi ích gì?

Phải hợp lý

Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta một bí quyết để duy trì niềm vui, ông nói: “Hãy vui-mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui-mừng đi. Hãy cho mọi người đều biết nết nhu-mì [“tính phải lẽ”, NW] của anh em” (Phi-líp 4:4, 5). Để cảm nghiệm được niềm vui và sự thỏa lòng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta cần có tính phải lẽ, đặt những mục tiêu phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình. Nếu cố đạt đến những mục tiêu không hợp lý bằng mọi giá, chúng ta sẽ rất căng thẳng. Mặt khác, chúng ta cũng phải cẩn thận để không quá dễ dãi với bản thân, dựa vào những điều mình cho là giới hạn để bào chữa cho việc làm ít đi trong thánh chức, dù không cần thiết.

Dù hoàn cảnh của chúng ta như thế nào, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dâng cho Ngài điều tốt nhất—hết lòng phụng sự Ngài (Cô 3:23, 24). Nếu không làm thế, chúng ta không sống đúng với sự dâng mình (Rô 12:1). Ngoài ra, chúng ta cũng mất cơ hội có được sự thỏa nguyện sâu xa, niềm vui thật và những ân phước dồi dào khác trong việc hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va.—Châm 10:22.

Từ được dịch là “phải lẽ” trong Kinh Thánh bao hàm ý cảm thông và quan tâm đến người khác. Từ này có nghĩa đen là “nhân nhượng”. Nó diễn tả ý không quá khắt khe. Vậy, nếu có tính phải lẽ, chúng ta sẽ có quan điểm thăng bằng về hoàn cảnh của mình. Điều đó có khó không? Đối với một số người thì khó, dù họ biết quan tâm đến hoàn cảnh của người khác. Chẳng hạn, nếu một người bạn thân có vẻ kiệt sức vì ôm đồm quá nhiều việc, chẳng lẽ chúng ta không cố giúp anh ấy thấy cần phải khôn ngoan điều chỉnh vài điều trong đời sống hay sao? Tương tự thế, chúng ta phải biết nhận ra khi nào mình đang đi quá giới hạn của bản thân.—Châm 11:17.

Có quan điểm hợp lý về những giới hạn của mình có thể là thách đố nếu chúng ta lớn lên trong gia đình mà cha mẹ đòi hỏi quá nhiều. Một số người cảm thấy lúc còn nhỏ họ luôn phải làm nhiều hơn hoặc tốt hơn để được cha mẹ yêu thương. Nếu đó là trường hợp của chúng ta, có thể chúng ta nghĩ sai về quan điểm của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta. Ngài yêu chúng ta vì chúng ta hết lòng phụng sự Ngài. Lời Đức Chúa Trời cam đoan rằng Đức Giê-hô-va “biết chúng [ta] nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng [ta] bằng bụi-đất” (Thi 103:14). Ngài biết những giới hạn của chúng ta và yêu chúng ta khi chúng ta sốt sắng phụng sự Ngài bất kể những giới hạn đó. Nếu nhớ rằng Đức Chúa Trời không phải là ông chủ hà khắc, chúng ta sẽ khiêm tốn, không đòi hỏi nhiều nơi bản thân vì nhận biết các giới hạn của mình.—Mi 6:8.

Tuy nhiên, một số người thấy khó để vun trồng quan điểm thăng bằng như thế. Nếu bạn ở trong trường hợp đó, sao không tìm sự giúp đỡ của một tín đồ Đấng Christ có kinh nghiệm và hiểu rõ về bạn? (Châm 27:9). Chẳng hạn, bạn có muốn làm tiên phong đều đều không? Đó là một mục tiêu rất tốt! Bạn có thấy khó đạt được mục tiêu ấy không? Có lẽ bạn cần được giúp đỡ để đơn giản hóa đời sống mình. Hoặc một anh em đồng đạo mà bạn tin cậy có thể góp ý về việc làm tiên phong đều đều trong thời điểm này có thực tế không, khi bạn còn có nhiều trách nhiệm gia đình. Anh hay chị ấy có thể giúp bạn thấy mình có đủ khả năng hay không để đảm nhận thêm trách nhiệm, hoặc cần có điều chỉnh nào để có thể làm nhiều hơn. Người chồng cũng có thể giúp vợ biết làm thế nào là phù hợp với khả năng. Thí dụ, anh có thể đề nghị chị dành một ít thời gian để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu tháng mà chị dự tính hoạt động nhiều hơn. Việc này có thể giúp chị có thêm sức lực và giữ được niềm vui trong thánh chức.

Hãy nghĩ đến những điều bạn có thể thực hiện

Tuổi già hoặc sức khỏe suy yếu có thể làm chúng ta bị giới hạn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Nếu là bậc cha mẹ, bạn có lẽ nghĩ rằng mình không nhận được nhiều lợi ích từ việc học hỏi cá nhân hoặc tham dự các buổi họp vì phải dành nhiều thời gian và năng lực cho việc chăm sóc con cái. Tuy nhiên, phải chăng quá chú tâm đến những giới hạn của mình đôi khi khiến bạn không thấy những điều mình có thể làm được?

Hàng ngàn năm trước, một người Lê-vi bày tỏ một ước muốn mà ông không thể đạt được. Mỗi năm, ông được phụng sự hai tuần tại đền thờ. Tuy nhiên, ông có ước muốn tốt là được phụng sự luôn ở đấy (Thi 84:1-3). Điều gì đã giúp người trung thành này hài lòng với điều mình có? Ông nhận ra rằng dù chỉ ở một ngày trong hành lang đền thờ cũng là đặc ân cao quý (Thi 84:4, 5, 10). Tương tự thế, chúng ta nên cố gắng nhận ra và trân trọng những gì mình có thể làm được, thay vì quá chú tâm đến những giới hạn của mình.

Hãy xem trường hợp chị Nerlande, một tín đồ Đấng Christ ở Canada. Chị phải ngồi xe lăn và cảm thấy bị nhiều giới hạn trong thánh chức. Tuy nhiên, chị thay đổi quan điểm bằng cách xem trung tâm thương mại gần nhà là khu vực rao giảng của mình. Chị giải thích: “Tôi ngồi bên cạnh một băng ghế trong trung tâm và tìm được niềm vui khi làm chứng cho những người đến ngồi nghỉ chân ở đấy”. Tham gia khía cạnh quan trọng này của thánh chức mang lại nhiều thỏa nguyện cho chị Nerlande.

Hãy điều chỉnh nếu cần

Một chiếc thuyền có thể đạt tốc độ tối đa khi các cánh buồm căng gió. Tuy nhiên, khi người lái tàu thình lình chạm trán với cơn bão lớn, ông phải điều chỉnh cánh buồm. Ông không thể điều khiển cơn bão, nhưng nhờ làm một số điều chỉnh, ông vẫn có thể điều khiển được con thuyền. Tương tự, chúng ta thường không thể kiểm soát được những hoàn cảnh bất lợi giống như cơn bão trong đời sống. Nhưng, trong một phạm vi nào đó, chúng ta có thể kiểm soát đời sống mình bằng cách điều chỉnh cách dùng sức lực thể chất và tinh thần. Khi lưu tâm đến hoàn cảnh mới, chúng ta có thể giữ được niềm vui cùng sự thỏa lòng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời.—Châm 11:2.

Hãy xem vài thí dụ. Nếu không có nhiều sức lực, có lẽ chúng ta nên tránh những hoạt động làm kiệt sức vào buổi sáng để có đủ sức tham dự nhóm họp vào buổi chiều. Như thế chúng ta có thể hưởng lợi ích trọn vẹn trong việc kết hợp với anh em đồng đạo. Hoặc, nếu một người mẹ không thể đi rao giảng từng nhà vì con bị bệnh, chị có thể mời một chị đến nhà để cả hai cùng làm chứng qua điện thoại trong lúc đứa bé ngủ.

Còn nếu hoàn cảnh không cho phép bạn chuẩn bị trước tất cả các phần sẽ được trình bày tại buổi họp hội thánh thì sao? Bạn có thể quyết định mình chuẩn bị được bao nhiêu và cố gắng làm tốt phần đó. Bằng cách điều chỉnh những mục tiêu trước mắt, chúng ta có thể tiếp tục hoạt động tích cực và giữ được niềm vui.

Điều chỉnh mục tiêu có thể đòi hỏi phải có quyết tâm và nỗ lực. Anh Serge và chị Agnès, một cặp vợ chồng ở Pháp, đã phải thực hiện một thay đổi lớn trong kế hoạch. Anh Serge nói: “Khi biết Agnès có thai, giấc mộng làm giáo sĩ của chúng tôi tan biến”. Giờ đây là cha của hai bé gái hiếu động, anh Serge giải thích làm thế nào cả hai vợ chồng đặt ra một mục tiêu mới. Anh nói: “Không thể phục vụ ở nước ngoài thì chúng tôi quyết định làm “giáo sĩ” ở nước mình. Chúng tôi kết hợp với một nhóm nói tiếng ngoại quốc”. Họ có được lợi ích khi đặt mục tiêu mới này không? Anh Serge cho biết: “Chúng tôi cảm thấy mình rất hữu dụng trong hội thánh này”.

Chị Odile, một tín đồ Đấng Christ ở Pháp ngoài 70 tuổi, bị bệnh viêm khớp mãn tính nơi đầu gối nên không thể đứng lâu. Chị cảm thấy nản lòng vì căn bệnh này khiến chị không thể đi rao giảng từng nhà. Tuy nhiên, chị không bỏ cuộc. Chị đã điều chỉnh hoạt động của mình bằng cách làm chứng qua điện thoại. Chị nói: “Làm cách này dễ và vui hơn là tôi nghĩ!”. Nhờ phương pháp rao giảng này, chị đã vui thích tham gia thánh chức trở lại.

Mục tiêu hợp lý mang lại ân phước

Vun trồng quan điểm hợp lý về những gì có thể làm sẽ giúp chúng ta tránh nhiều thất vọng và bực bội. Khi đặt mục tiêu thiết thực, chúng ta cảm thấy thành công bất kể những giới hạn của mình. Nhờ đó, chúng ta vui về những điều mình có thể đạt được, dù kết quả tương đối khiêm tốn.—Ga 6:4.

Khi có những đòi hỏi vừa phải nơi bản thân, chúng ta sẽ cảm thông hơn với anh em đồng đạo. Ý thức về những giới hạn của họ, chúng ta sẽ luôn quý trọng những gì họ làm cho chúng ta. Bằng cách biểu lộ lòng biết ơn về bất cứ sự giúp đỡ nào, chúng ta góp phần phát huy tinh thần hợp tác và thông cảm với nhau (1 Phi 3:8). Hãy nhớ, là người Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va không bao giờ đòi hỏi quá mức nơi chúng ta. Khi chúng ta có những đòi hỏi hợp lý và mục tiêu có thể đạt được, các hoạt động về thiêng liêng sẽ mang lại nhiều niềm vui và sự thỏa lòng.

[Câu nổi bật nơi trang 29]

Để cảm nghiệm được niềm vui và sự thỏa lòng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta cần đặt những mục tiêu phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình

[Hình nơi trang 30]

Chị Nerlande tìm được niềm vui khi làm những gì mình có thể làm trong thánh chức

[Hình nơi trang 31]

Hãy học cách “điều chỉnh cánh buồm”

[Nguồn tư liệu]

© Wave Royalty Free/age fotostock

[Hình nơi trang 32]

Anh Serge và chị Agnès đã nhận được lợi ích khi đặt mục tiêu mới