Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Rao giảng từng nhà—Tại sao quan trọng ngày nay?

Rao giảng từng nhà—Tại sao quan trọng ngày nay?

Rao giảng từng nhà—Tại sao quan trọng ngày nay?

“Ngày nào cũng vậy, tại trong đền-thờ hoặc từng nhà, sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về. . . Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”.—CÔNG 5:42.

1, 2. (a) Nhân Chứng Giê-hô-va được biết đến qua phương pháp rao giảng nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Hầu như ở bất cứ quốc gia nào, người ta cũng thường thấy hai người ăn mặc gọn ghẽ đến một căn nhà và cố gắng chia sẻ vắn tắt một thông điệp trong Kinh Thánh liên quan đến Nước Trời. Nếu chủ nhà chú ý, họ có thể giới thiệu ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh và mời học Kinh Thánh miễn phí tại nhà. Sau đó, họ sang nhà kế tiếp. Nếu tham gia vào công việc này, bạn có thể thấy rằng người ta thường nhận ra bạn là Nhân Chứng Giê-hô-va ngay cả trước khi bạn nói. Thật vậy, rao giảng từng nhà là nét đặc trưng của chúng ta.

2 Chúng ta dùng nhiều phương pháp khác nhau để thi hành sứ mạng Chúa Giê-su giao là rao giảng và đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20). Chúng ta làm chứng ở chợ, các góc phố và những nơi công cộng khác (Công 17:17). Chúng ta liên lạc với nhiều người qua điện thoại và qua thư từ. Trong các sinh hoạt hàng ngày, chúng ta chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với những người mình gặp. Thậm chí chúng ta có một website chính thức mà người ta có thể truy cập thông tin về Kinh Thánh trong hơn 300 thứ tiếng *. Tất cả các phương pháp này đều đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, ở hầu hết mọi nơi, phương pháp chính mà chúng ta dùng để phổ biến tin mừng là rao giảng từng nhà. Phương pháp này dựa trên cơ sở nào? Làm thế nào phương pháp này đã được dân Đức Chúa Trời sử dụng rộng rãi vào thời nay? Và tại sao cách này quan trọng ngày nay?

Phương pháp của các sứ đồ

3. Chúa Giê-su đưa ra những chỉ dẫn nào cho các sứ đồ về việc rao giảng, và điều này cho thấy họ phải rao giảng theo cách nào?

3 Rao giảng từng nhà là phương pháp dựa trên Kinh Thánh. Khi sai các sứ đồ đi rao giảng, Chúa Giê-su chỉ dẫn: “Các ngươi vào thành nào hay là làng nào, hãy hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước mình”. Họ tìm những người xứng đáng như thế nào? Chúa Giê-su bảo họ đến nhà người ta, ngài nói: “Khi vào nhà nào, hãy cầu bình-an cho nhà ấy; nếu nhà đó xứng-đáng, thì sự bình-an các ngươi xuống cho”. Họ có phải đợi người ta mời thì mới đến không? Hãy lưu ý những lời tiếp theo của Chúa Giê-su: “Nếu ai không tiếp-rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chân các ngươi” (Mat 10:11-14). Những lời chỉ dẫn này cho thấy rõ là khi các sứ đồ đi rao giảng tin mừng “từ làng nầy tới làng kia”, họ phải chủ động đến nhà người ta.—Lu 9:6.

4. Việc rao giảng từng nhà được nói rõ ở đâu trong Kinh Thánh?

4 Kinh Thánh nói rõ là các sứ đồ đi rao giảng từng nhà. Thí dụ, Công-vụ 5:42 nói về họ: “Ngày nào cũng vậy, tại trong đền-thờ hoặc từng nhà, sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về. . . Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”. Khoảng 20 năm sau, sứ đồ Phao-lô nhắc các trưởng lão của hội thánh ở Ê-phê-sô: “Tôi chẳng trễ-nải rao-truyền mọi điều ích-lợi cho anh em, chẳng giấu điều chi hết, lại biết tôi đã dạy anh em hoặc giữa công-chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia”. Phao-lô có đến nhà các trưởng lão đó trước khi họ tin đạo không? Ông hẳn đã đến nhà họ, vì ông đã dạy họ “sự ăn-năn đối với Đức Chúa Trời, và đức-tin trong Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta” (Công 20:20, 21). Bình luận về câu Công-vụ 20:20, một quyển sách (Robertson’s Word Pictures in the New Testament) viết: “Điều đáng chú ý là người truyền giáo vĩ đại nhất này đã rao giảng từng nhà”.

Đội quân cào cào thời nay

5. Công việc rao giảng được miêu tả thế nào trong lời tiên tri của Giô-ên?

5 Việc làm chứng được thực hiện vào thế kỷ thứ nhất cho thấy trước công việc vĩ đại hơn diễn ra thời nay. Nhà tiên tri Giô-ên ví hoạt động rao giảng của các tín đồ được xức dầu như dịch sâu bọ tàn phá, trong đó có dịch cào cào (Giô-ên 1:4). Di chuyển như một đội quân, cào cào vượt qua các chướng ngại vật, tràn vào nhà và ngốn mọi thứ trên đường đi của chúng. (Đọc Giô-ên 2:2, 7-9). Thật là một minh họa sống động về tính bền bỉ và chu đáo của dân Đức Chúa Trời trong việc làm chứng vào thời nay! Rao giảng từng nhà là phương pháp quan trọng nhất mà các tín đồ được xức dầu và bạn đồng hành thuộc lớp “chiên khác” sử dụng để làm ứng nghiệm lời tiên tri đó (Giăng 10:16). Chúng ta, những Nhân Chứng Giê-hô-va, đã bắt đầu sử dụng phương pháp của các sứ đồ như thế nào?

6. Vào năm 1922, có sự khích lệ nào đối với công việc rao giảng từng nhà, nhưng một số người đã phản ứng thế nào?

6 Kể từ năm 1919, trách nhiệm được nhấn mạnh của mỗi tín đồ là phải tham gia vào công việc làm chứng. Thí dụ, một bài có tựa đề “Thánh chức là trọng yếu” (Service Essential) trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-8-1922 nhắc nhở các tín đồ được xức dầu về tầm quan trọng của việc “tích cực mang các ấn phẩm Kinh Thánh đến cho mọi người và nói chuyện với người ta tại nhà của họ, làm chứng rằng Nước Trời sắp đến”. Chi tiết về cách trình bày được in trong tờ Bulletin (nay là Thánh Chức Nước Trời). Tuy nhiên, lúc đầu chỉ có ít người thật sự rao giảng từng nhà. Có một số người không tham gia. Họ đưa ra nhiều ý kiến phản đối, nhưng vấn đề cơ bản là một số người nghĩ rằng việc rao giảng từng nhà không xứng với phẩm cách của họ. Khi công việc thánh chức ngày càng được nhấn mạnh, nhiều người trong số đó đã dần dần ngưng kết hợp với tổ chức của Đức Giê-hô-va.

7. Trong thập niên 1950, công việc rao giảng từng nhà rõ ràng đòi hỏi điều gì?

7 Trong nhiều thập niên sau đó, phạm vi của công việc rao giảng ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, công việc rao giảng từng nhà rõ ràng đòi hỏi phải có sự huấn luyện thêm. Hãy xem trường hợp ở Hoa Kỳ. Trong đầu thập niên 1950, có 28% Nhân Chứng ở nước này chỉ rao giảng bằng cách phân phát giấy mời, hoặc cầm tạp chí đứng ở ngoài đường. Hơn 40% không rao giảng đều đặn, không làm chứng gì cả trong nhiều tháng. Điều gì có thể giúp tất cả tín đồ đã dâng mình tham gia công việc rao giảng từng nhà?

8, 9. Chương trình huấn luyện nào đã bắt đầu vào năm 1953, và kết quả là gì?

8 Tại hội nghị quốc tế ở thành phố New York vào năm 1953, công việc rao giảng từng nhà được đặc biệt chú ý. Anh Nathan H. Knorr tuyên bố rằng công việc chính của các giám thị đạo Đấng Christ là giúp mỗi Nhân Chứng trở thành người truyền giáo, đều đặn rao giảng từng nhà. Anh nói: “Mỗi người phải biết cách rao giảng tin mừng từng nhà”. Để thực hiện mục tiêu này, một chương trình huấn luyện toàn cầu đã được bắt đầu. Những ai chưa rao giảng từng nhà đã được huấn luyện để tiếp cận với người ta tại nhà của họ, lý luận dựa trên Kinh Thánh và trả lời những câu hỏi của họ.

9 Chương trình huấn luyện này mang lại kết quả tuyệt vời. Trong vòng một thập niên, số người công bố trên thế giới tăng 100%, số viếng thăm lại gia tăng 126% và số học hỏi Kinh Thánh tăng 150%. Ngày nay, có gần bảy triệu người công bố Nước Trời đang rao giảng tin mừng trên khắp thế giới. Sự gia tăng đáng kể này là một bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Ngài trong nỗ lực rao giảng từng nhà.—Ê-sai 60:22.

Ghi dấu để người ta được sống

10, 11. (a) Tiên tri Ê-xê-chi-ên nhận được sự hiện thấy nào như ghi nơi sách Ê-xê-chi-ên chương 9? (b) Sự hiện thấy ấy đang được ứng nghiệm thế nào vào thời chúng ta?

10 Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của thánh chức rao giảng từng nhà qua sự hiện thấy mà tiên tri Ê-xê-chi-ên nhận được. Trong sự hiện thấy đó, Ê-xê-chi-ên thấy sáu người cầm khí giới và người thứ bảy mặc vải gai, lưng đeo sừng mực. Người thứ bảy được lệnh “hãy trải qua giữa thành” và “ghi dấu trên trán những người nào than-thở khóc-lóc về mọi sự gớm-ghiếc đã phạm giữa thành nầy”. Sau việc ghi dấu đó, sáu người cầm khí giới được lệnh giết hết những ai không được ghi dấu.—Đọc Ê-xê-chi-ên 9:1-6.

11 Chúng ta hiểu rằng trong sự ứng nghiệm của lời tiên tri này, người “mặc vải gai” tượng trưng cho những tín đồ Đấng Christ được xức dầu còn sót lại. Qua công việc rao giảng và đào tạo môn đồ, lớp người được xức dầu “ghi dấu” trên những người thuộc lớp “chiên khác” của Đấng Christ (Giăng 10:16). Dấu đó là gì? Nó là bằng chứng, như thể được phô bày trên trán, cho thấy những chiên đó là những người đã dâng mình và làm báp têm để trở thành môn đồ của Chúa Giê-su và họ đã mặc lấy nhân cách mới giống như ngài (Ê-phê 4:20-24). Những người giống như chiên này trở thành một bầy với các tín đồ được xức dầu và giúp họ trong công việc rất quan trọng là ghi dấu những người khác.—Khải 22:17.

12. Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về việc ghi dấu trên trán cho thấy rõ thế nào về tầm quan trọng của việc tiếp tục tìm kiếm những người giống như chiên?

12 Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên cho thấy rõ một lý do tại sao chúng ta cần cấp thiết tìm kiếm những người đang “than-thở khóc-lóc”. Sự sống của họ tùy thuộc vào việc này. Không lâu nữa, lực lượng hành quyết của Đức Giê-hô-va từ trên trời, tượng trưng bởi sáu người cầm khí giới, sẽ hủy diệt những ai không được “ghi dấu”. Nói về sự phán xét sắp đến, sứ đồ Phao-lô viết rằng Chúa Giê-su, hiện đến với “các thiên-sứ của quyền-phép Ngài”, sẽ ‘báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục tin mừng của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta’ (2 Tê 1:7, 8). Hãy lưu ý rằng người ta sẽ bị phán xét dựa trên cách họ phản ứng đối với tin mừng. Vì thế, việc công bố thông điệp của Đức Chúa Trời phải được tiếp tục cho đến cuối cùng mà không suy giảm (Khải 14:6, 7). Đây là một trách nhiệm hệ trọng đối với tất cả tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va.—Đọc Ê-xê-chi-ên 3:17-19.

13. (a) Sứ đồ Phao-lô cảm thấy ông có trách nhiệm nào và tại sao? (b) Bạn cảm thấy có trách nhiệm nào đối với những người trong khu vực của bạn?

13 Sứ đồ Phao-lô thấy mình có trách nhiệm chia sẻ tin mừng với người khác. Ông viết: ‘Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã-man, cả người thông-thái lẫn người ngu-dốt. Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao tin mừng cho anh em, là người ở thành Rô-ma’ (Rô 1:14, 15). Biết ơn vì đã được Đức Chúa Trời thương xót, Phao-lô thấy cần phải cố gắng giúp người khác nhận được ân điển của Ngài giống như ông (1 Ti 1:12-16). Ông cảm thấy như thể mắc nợ mỗi người mà mình gặp, và ông chỉ có thể trả món nợ đó bằng cách chia sẻ tin mừng với họ. Bạn có cảm thấy mình có một món nợ như thế đối với những người trong khu vực của bạn không?—Đọc Công-vụ 20:26, 27.

14. Lý do chính để chúng ta công khai rao giảng từng nhà là gì?

14 Mặc dù việc bảo toàn mạng sống của con người là quan trọng, nhưng còn có một lý do quan trọng hơn nữa để đi rao giảng từng nhà. Trong lời tiên tri ghi nơi Ma-la-chi 1:11, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn, danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại. . . người ta sẽ dâng hương và của-lễ thanh-sạch cho danh ta; vì danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại”. Lời tiên tri này được ứng nghiệm khi các tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va công khai ca ngợi danh Ngài trên khắp đất qua việc khiêm nhường thi hành thánh chức (Thi 109:30; Mat 24:14). “Dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen” cho Đức Giê-hô-va là lý do chính để chúng ta công khai rao giảng từng nhà.—Hê 13:15.

Những sự kiện quan trọng sắp xảy ra

15. (a) Dân Y-sơ-ra-ên tăng cường hoạt động như thế nào khi họ đi xung quanh thành Giê-ri-cô vào ngày thứ bảy? (b) Điều này cho thấy gì về công việc rao giảng?

15 Có những diễn biến nào sẽ xảy ra trong công việc rao giảng? Sự vây hãm thành Giê-ri-cô được ghi lại trong sách Giô-suê cho chúng ta một minh họa. Ngay trước khi Đức Chúa Trời hủy diệt thành Giê-ri-cô, dân Y-sơ-ra-ên được lệnh phải đi xung quanh thành mỗi ngày một lần và liên tục trong sáu ngày. Tuy nhiên vào ngày thứ bảy, hoạt động của họ phải tăng lên một cách rõ rệt. Đức Giê-hô-va phán với Giô-suê: “Các ngươi phải đi vòng chung-quanh thành bảy bận, và bảy thầy tế-lễ sẽ thổi kèn lên. Khi những thầy tế-lễ thổi kèn vang. . . hết thảy dân-sự phải la tiếng lớn lên, thì vách thành sẽ sập xuống” (Giô-suê 6:2-5). Có thể sẽ có sự phát triển tương tự trong công việc rao giảng của chúng ta. Chắc chắn trước khi thế gian này bị hủy diệt, chúng ta sẽ thấy sự làm chứng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới về danh Đức Chúa Trời và Nước Trời.

16, 17. (a) Việc gì sẽ được thực hiện trước khi “cơn đại-nạn” kết thúc? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài tới?

16 Có thể sẽ có thời điểm mà thông điệp chúng ta rao báo giống như ‘tiếng la lớn’. Trong sách Khải-huyền, những thông điệp phán xét mạnh mẽ được ví như “những cục mưa đá lớn, [“mỗi cục”, Ghi-đê-ôn] nặng bằng một ta-lâng” *. Ngoài ra, Khải-huyền 16:21 nói: “[Đó] là một tai-nạn gớm-ghê”. Chúng ta chưa biết công việc rao giảng từng nhà sẽ đóng vai trò nào trong việc công bố thông điệp phán xét mang tính cao điểm đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng trước khi “cơn đại-nạn” kết thúc, danh Đức Giê-hô-va sẽ được rao ra trên phạm vi rộng lớn chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.—Khải 7:14; Ê-xê 38:23.

17 Trong khi chờ đợi những sự kiện quan trọng sắp xảy ra, chúng ta hãy tiếp tục sốt sắng rao báo tin mừng về Nước Trời. Khi thi hành nhiệm vụ đó, chúng ta đương đầu với những thách thức nào trong việc rao giảng từng nhà, và làm sao có thể vượt qua được những thách thức đó? Những câu hỏi này sẽ được thảo luận trong bài tới.

[Chú thích]

^ đ. 2 Website: www.watchtower.org.

^ đ. 16 Nếu đây là đơn vị ta-lâng của Hy Lạp, mỗi cục mưa đá có thể nặng khoảng 20kg.

Bạn trả lời thế nào?

• Đoạn Kinh Thánh nào nói đến việc rao giảng từng nhà?

• Việc rao giảng từng nhà được nhấn mạnh thế nào trong thời hiện đại?

• Tại sao các tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va có trách nhiệm rao giảng?

• Những sự kiện quan trọng nào sắp xảy ra?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 4]

Giống như sứ đồ Phao-lô, bạn có cảm thấy mình có trách nhiệm rao giảng cho người khác không?

[Hình nơi trang 5]

Anh Knorr, năm 1953