Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vượt qua những thách thức của việc rao giảng từng nhà

Vượt qua những thách thức của việc rao giảng từng nhà

Vượt qua những thách thức của việc rao giảng từng nhà

‘Chúng tôi trông-cậy Đức Chúa Trời, cứ rao-truyền tin mừng của Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ giữa cơn đại-chiến’.—1 TÊ 2:2.

1. Giê-rê-mi đương đầu với những thách thức nào, và làm sao ông đã vượt qua được?

Giê-rê-mi là người có cảm xúc như chúng ta. Khi Đức Giê-hô-va giao cho ông sứ mạng làm “tiên-tri cho các nước”, ông thốt lên: “Ôi! Hỡi Chúa Giê-hô-va, nầy tôi chẳng biết nói chi, vì tôi là con trẻ”. Tuy nhiên, vì tin cậy Đức Giê-hô-va nên ông đảm nhận nhiệm vụ đó (Giê 1:4-10). Trong hơn 40 năm, Giê-rê-mi đương đầu với sự lãnh đạm, hắt hủi, chế nhạo, thậm chí bị hành hung (Giê 20:1, 2). Đôi khi ông muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, ông kiên trì rao báo thông điệp cho một dân mà đa số không thích nghe. Với sức mạnh của Đức Chúa Trời, ông hoàn thành những việc không thể nào thực hiện được bằng sức riêng.—Đọc Giê-rê-mi 20:7-9.

2, 3. Các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay đương đầu với những thách thức giống Giê-rê-mi như thế nào?

2 Ngày nay, nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể hiểu được cảm xúc của Giê-rê-mi. Khi hình dung công việc rao giảng từng nhà, không ít người trong chúng ta từng nghĩ: “Tôi không thể nào làm được điều đó”. Thế nhưng, khi nhận ra rằng việc rao truyền tin mừng là ý muốn của Đức Giê-hô-va, chúng ta vượt qua được nỗi lo sợ và tích cực tham gia công việc này. Dù vậy, nhiều người trong chúng ta gặp những hoàn cảnh trong đời sống khiến họ thấy khó tiếp tục rao giảng, ít nhất trong một giai đoạn nào đó. Thật vậy, việc bắt đầu rao giảng từng nhà và tiếp tục công việc này cho đến cuối cùng là một thách thức.—Mat 24:13.

3 Nếu bạn đang tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và đã tham dự các buổi họp hội thánh một thời gian nhưng ngần ngại đi rao giảng từng nhà thì sao? Hoặc nói sao nếu bạn là một Nhân Chứng đã báp têm nhưng thấy khó tham gia việc này, mặc dù có đủ sức khỏe? Bạn hãy yên tâm vì nhiều người thuộc mọi gốc gác, hoàn cảnh và kinh nghiệm khác nhau đang vượt qua những thách thức của công việc rao giảng từng nhà. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, bạn cũng có thể làm được.

Hãy mạnh dạn

4. Điều gì đã giúp sứ đồ Phao-lô mạnh dạn rao truyền tin mừng?

4 Bạn hẳn nhận thấy rằng công việc rao giảng toàn cầu đang được thực hiện, không phải bằng sức mạnh và sự khôn ngoan của con người nhưng bằng thánh linh của Đức Chúa Trời (Xa 4:6). Điều đó cũng đúng đối với thánh chức của mỗi tín đồ Đấng Christ (2 Cô 4:7). Hãy xem trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Nhớ lại lần ông và bạn giáo sĩ bị những kẻ chống đối ngược đãi, ông viết: ‘Sau khi bị đau-đớn và sỉ-nhục tại thành Phi-líp, như anh em đã biết, thì chúng tôi trông-cậy Đức Chúa Trời, cứ rao-truyền tin mừng của Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ giữa cơn đại-chiến’ (1 Tê 2:2; Công 16:22-24). Phao-lô cũng có lúc cảm thấy công việc rao giảng rất khó nhọc. Tuy nhiên, như tất cả chúng ta, Phao-lô cũng phải tin cậy nơi Đức Giê-hô-va để mạnh dạn rao truyền tin mừng. (Đọc Ê-phê-sô 6:18-20 *). Chúng ta có thể noi gương Phao-lô như thế nào?

5. Một cách để giúp chúng ta mạnh dạn rao giảng là gì?

5 Một cách để chúng ta mạnh dạn rao giảng là cầu nguyện. Một chị tiên phong cho biết: “Tôi cầu xin mình có thể nói với sự tin chắc, có thể động đến lòng người ta và tìm được niềm vui trong thánh chức. Suy cho cùng, đây là công việc của Đức Giê-hô-va chứ không phải công việc của chúng ta, nên chúng ta không thể làm gì nếu không có sự giúp đỡ của Ngài” (1 Tê 5:17). Tất cả chúng ta cần thường xuyên cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh giúp chúng ta mạnh dạn rao giảng.—Lu 11:9-13.

6, 7. (a) Ê-xê-chi-ên nhận được sự hiện thấy nào, và nó có nghĩa gì? (b) Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên chứa đựng bài học nào cho các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay?

6 Sách Ê-xê-chi-ên tiết lộ một điều khác có thể giúp chúng ta mạnh dạn rao giảng. Trong một sự hiện thấy, Đức Giê-hô-va đưa cho Ê-xê-chi-ên một cuộn sách cả hai mặt đều có ghi “những lời ca thương, than-thở, khốn-nạn”, và bảo ông hãy ăn cuộn sách ấy, Ngài nói: “Hỡi con người, hãy lấy cuốn ta cho ngươi mà khiến bụng ăn và làm đầy ruột”. Sự hiện thấy này có nghĩa gì? Ê-xê-chi-ên phải hấp thu hết thông điệp mà ông sẽ rao truyền. Nó phải thấm nhuần vào ông, ảnh hưởng đến những cảm xúc tận đáy lòng của ông. Nhà tiên tri này kể tiếp: “Vậy ta ăn lấy, thì trong miệng ngọt như mật”. Đối với Ê-xê-chi-ên, việc tuyên bố thông điệp của Đức Chúa Trời cho công chúng là niềm vui thích—chẳng khác nào được nếm mật ngọt. Ông cảm thấy rất vinh dự được đại diện Đức Giê-hô-va và thi hành nhiệm vụ Ngài giao phó, mặc dù ông phải rao truyền một thông điệp mạnh mẽ cho một dân cứng lòng.—Đọc Ê-xê-chi-ên 2:8–3:4, 7-9.

7 Sự hiện thấy này chứa đựng một bài học bổ ích cho các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay. Chúng ta cũng có một thông điệp mạnh mẽ để rao cho những người không luôn luôn xem trọng nỗ lực của chúng ta. Để tiếp tục xem thánh chức đạo Đấng Christ là đặc ân đến từ Đức Chúa Trời, chúng ta phải đều đặn tiếp thu đồ ăn thiêng liêng. Thói quen học hỏi hời hợt và thất thường không giúp chúng ta hấp thu trọn vẹn Lời Ngài. Bạn có thể đọc và học hỏi Kinh Thánh một cách đều đặn và sâu sắc hơn không? Bạn có thể dành thêm thì giờ để thường xuyên suy ngẫm về những gì mình đọc không?—Thi 1:2, 3.

Bắt đầu cuộc thảo luận Kinh Thánh

8. Phương pháp nào đã giúp một số người công bố bắt đầu cuộc thảo luận về Kinh Thánh khi rao giảng từng nhà?

8 Đối với nhiều người công bố, phần khó nhất của việc rao giảng từng nhà là lúc bắt đầu tiếp xúc với chủ nhà. Phải công nhận trong một số khu vực, việc bắt chuyện là cả một thách thức. Khi đến nhà người khác để rao giảng, một số người công bố thấy thoải mái hơn nếu bắt đầu cuộc nói chuyện bằng những lời khéo chọn, sau đó đưa cho chủ nhà một tờ giấy nhỏ, như được đề cập trong khung bên dưới. Tựa đề của tờ giấy nhỏ hay những hình minh họa đẹp có thể thu hút sự chú ý của chủ nhà, nhờ đó chúng ta có thể nói vắn tắt về mục đích của cuộc viếng thăm và nêu lên một câu hỏi cho chủ nhà. Một cách khác là đưa cho chủ nhà xem ba hay bốn giấy nhỏ khác nhau và mời người ấy chọn một tờ họ thích. Tất nhiên, mục tiêu của chúng ta không chỉ là để phân phát giấy nhỏ hoặc dùng chúng tại mỗi nhà, mà là thảo luận nhằm bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh.

9. Tại sao chuẩn bị kỹ là quan trọng?

9 Dù dùng phương pháp nào, nếu chuẩn bị kỹ bạn sẽ có sự bình tĩnh và nhiệt tình khi rao giảng từng nhà. Một người tiên phong nhận xét: “Khi chuẩn bị kỹ, tôi cảm thấy vui hơn và muốn dùng lời trình bày đã soạn”. Một tiên phong khác nói: “Khi quen thuộc với nội dung của ấn phẩm sẽ mời nhận, tôi háo hức dùng chúng”. Mặc dù ôn thầm những gì mình định nói cũng có lợi, nhưng nhiều người thấy tập lớn tiếng lời trình bày sẽ giúp ích nhiều hơn. Khi làm thế, họ có thể cảm thấy đã hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va.—Cô 3:23; 2 Ti 2:15.

10. Có thể làm gì để các buổi nhóm rao giảng thiết thực và hữu ích?

10 Những buổi nhóm rao giảng thiết thực góp phần giúp chúng ta đạt hiệu quả và có niềm vui khi rao giảng từng nhà. Nếu đoạn Kinh Thánh mỗi ngày bàn trực tiếp về hoạt động rao giảng thì có thể đọc và thảo luận vắn tắt. Tuy nhiên, anh điều khiển buổi họp rao giảng nên dành đủ thời gian để thảo luận hoặc làm một màn trình diễn đơn giản, thích hợp với khu vực, hoặc đề cập đến những thông tin thiết thực có thể dùng trong thánh chức ngày hôm đó. Điều này góp phần giúp những người tham dự làm chứng hữu hiệu. Nhờ chuẩn bị kỹ, trưởng lão và những anh điều khiển buổi họp rao giảng có thể thực hiện điều này mà vẫn kết thúc buổi họp đúng giờ.—Rô 12:8.

Vai trò của việc lắng nghe

11, 12. Lắng nghe với lòng thấu cảm giúp chúng ta thế nào để chia sẻ tin mừng với người khác? Hãy cho thí dụ.

11 Trong thánh chức, điều giúp chúng ta bắt đầu cuộc thảo luận Kinh Thánh và động đến lòng người khác không chỉ có việc chuẩn bị kỹ mà còn là sự quan tâm sâu sắc đến họ. Một cách mà chúng ta có thể biểu lộ sự quan tâm là lắng nghe. Một giám thị lưu động nhận xét: “Nếu tỏ ra kiên nhẫn và sẵn lòng lắng nghe, điều này làm cho người khác muốn nghe tin mừng và là một cách tuyệt vời để biểu lộ lòng quan tâm chân thành”. Lắng nghe với lòng thấu cảm có thể khiến chủ nhà cởi mở, như kinh nghiệm sau đây cho thấy.

12 Trong một thư ngỏ đăng trên tờ Le Progrès, phát hành ở Saint-Étienne, Pháp, một phụ nữ tả về cuộc thăm viếng của hai người gõ cửa nhà bà ít lâu sau khi bà bị mất đứa con gái ba tháng tuổi. Bà viết: “Tôi lập tức nhận ra họ là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi định từ chối cách khéo léo, nhưng rồi tôi để ý thấy họ cầm cuốn sách mỏng về đề tài tại sao Đức Chúa Trời cho phép có đau khổ. Tôi bèn mời họ vào nhà với ý định bác bẻ những lý lẽ của họ. . . Hai Nhân Chứng ở nhà tôi khoảng hơn một giờ. Họ lắng nghe tôi với lòng cảm thông sâu sắc. Khi họ đi, tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều nên nhận lời để họ trở lại viếng thăm” (Rô 12:15). Cuối cùng, người phụ nữ này chấp nhận học Kinh Thánh. Việc người phụ nữ này chỉ nhớ đến cách hai chị Nhân Chứng lắng nghe, chứ không phải những gì họ nói trong lần tiếp xúc đầu tiên, giúp chúng ta rút ra nhiều điều hữu ích.

13. Làm thế nào chúng ta có thể trình bày tin mừng phù hợp với mỗi người mình gặp?

13 Khi lắng nghe với lòng thấu cảm, tức là chúng ta cho người ta cơ hội bày tỏ ý kiến để chúng ta biết tại sao họ cần Nước Trời. Nhờ đó, chúng ta có thể chia sẻ tin mừng hữu hiệu hơn. Có lẽ bạn đã nhận thấy những người rao giảng hiệu quả thường là người biết lắng nghe (Châm 20:5). Họ thật lòng chú ý đến những người mà họ gặp trong thánh chức. Họ không chỉ để ý đến tên và địa chỉ mà còn lưu ý đến mối quan tâm và nhu cầu của người ta. Khi có người đặc biệt chú ý đến một điều nào đó, họ nghiên cứu và sớm trở lại để chia sẻ những gì mình tìm được. Như sứ đồ Phao-lô, họ trình bày thông điệp Nước Trời sao cho phù hợp với mỗi người mình gặp. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 9:19-23). Sự quan tâm chân thành như thế làm cho người ta chú ý đến tin mừng, đồng thời phản ánh sâu sắc lòng thương xót của Đức Chúa Trời.—Lu 1:78.

Duy trì một thái độ tích cực

14. Khi thi hành thánh chức, chúng ta có thể phản ánh các đức tính của Đức Giê-hô-va như thế nào?

14 Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài xem trọng chúng ta qua việc ban cho chúng ta tự do ý chí. Mặc dù là Đức Chúa Trời Toàn Năng, Ngài không bắt ai phụng sự Ngài nhưng thu hút người ta đến với Ngài bằng tình yêu thương, ban phước cho những ai biết quý trọng sự cung cấp tuyệt diệu của Ngài (Rô 2:4). Là người hầu việc Đức Chúa Trời, mỗi khi làm chứng, chúng ta phải sẵn sàng trình bày tin mừng sao cho xứng đáng với Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót (2 Cô 5:20, 21; 6:3-6). Muốn đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần duy trì một thái độ tích cực đối với những người trong khu vực. Đó là một thách thức. Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua thách thức này?

15. (a) Chúa Giê-su bảo các sứ đồ làm gì nếu người ta không nghe thông điệp? (b) Điều gì giúp chúng ta tập trung vào việc tìm kiếm những người xứng đáng?

15 Chúa Giê-su dạy các môn đồ đừng quá quan tâm đến việc người ta không nghe thông điệp, mà hãy tập trung vào việc tìm kiếm những người xứng đáng. (Đọc Ma-thi-ơ 10:11-15). Chúng ta có thể thực hiện điều này nếu đặt những mục tiêu đơn giản, có thể làm được. Một anh ví mình như người tìm vàng. Khẩu hiệu của anh là: “Hôm nay tôi sẽ tìm được vàng”. Một anh khác có mục tiêu “mỗi tuần tìm được một người chú ý và trở lại thăm trong vòng vài ngày”. Một số người công bố cố gắng chia sẻ ít nhất một câu Kinh Thánh ở mỗi nhà, nếu có thể được. Bạn có thể đặt mục tiêu thực tế nào cho mình?

16. Chúng ta có những lý do nào để tiếp tục rao giảng?

16 Thành công của việc rao giảng từng nhà không chỉ tuỳ thuộc vào phản ứng của người trong khu vực. Đành rằng, công việc rao giảng đóng vai trò trọng yếu trong sự cứu rỗi của những người có lòng thành, nhưng nó cũng đáp ứng những mục đích quan trọng khác. Thánh chức đạo Đấng Christ cho chúng ta cơ hội biểu lộ tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va (1 Giăng 5:3). Nó giúp chúng ta tránh mang nợ máu (Công 20:26, 27). Nó cảnh báo những người không tin kính rằng “giờ phán-xét của [Đức Chúa Trời] đã đến” (Khải 14:6, 7). Quan trọng hơn hết, qua công việc rao giảng tin mừng, danh Đức Giê-hô-va được ca ngợi trên khắp đất (Thi 113:3). Vì thế, dù người ta có nghe hay không, chúng ta phải tiếp tục công bố thông điệp Nước Trời. Thật vậy, mọi nỗ lực của chúng ta để rao truyền tin mừng đều tốt đẹp dưới mắt Đức Giê-hô-va.—Rô 10:13-15.

17. Chẳng bao lâu nữa người ta phải nhìn nhận điều gì?

17 Mặc dù nhiều người ngày nay coi thường công việc rao giảng, nhưng chẳng bao lâu nữa họ phải thay đổi quan điểm (Mat 24:37-39). Đức Giê-hô-va bảo đảm với Ê-xê-chi-ên rằng khi sự phán xét Ngài công bố được ứng nghiệm, dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch sẽ “biết rằng ở giữa mình đã có một đấng tiên-tri” (Ê-xê 2:5). Tương tự, khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét trên thế gian hiện nay, người ta sẽ phải nhìn nhận rằng thông điệp mà Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng tại nơi công cộng và từng nhà thật sự đến từ Đức Chúa Trời có một và thật là Đức Giê-hô-va, và Nhân Chứng quả thật là những người đại diện cho Ngài. Quả là một đặc ân khi chúng ta được mang danh Đức Giê-hô-va và công bố thông điệp của Ngài trong thời kỳ trọng đại này! Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, mong sao chúng ta có thể tiếp tục vượt qua những thách thức của việc rao giảng từng nhà.

Bạn trả lời thế nào?

• Làm thế nào chúng ta có thể mạnh dạn rao giảng?

• Điều gì giúp chúng ta bắt đầu cuộc thảo luận Kinh Thánh khi rao giảng từng nhà?

• Làm thế nào chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm chân thành đến người khác?

• Điều gì có thể giúp chúng ta duy trì thái độ tích cực đối với những người trong khu vực?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 9]

Một cách để bắt đầu cuộc thảo luận Kinh Thánh

Mở đầu:

▪ Sau khi chào hỏi, bạn đưa cho chủ nhà một tờ giấy nhỏ và nói: “Hôm nay tôi đến thăm ông/bà để chia sẻ một điều khích lệ về đề tài quan trọng này”.

▪ Hoặc bạn mời nhận giấy nhỏ và nói: “Hôm nay tôi đến thăm và xin ông/bà cho biết ý kiến về đề tài này”.

Nếu chủ nhà nhận giấy nhỏ:

▪ Hãy mời chủ nhà cho biết ý kiến về tựa đề của giấy nhỏ.

▪ Lắng nghe và cố gắng hiểu quan điểm của chủ nhà. Tỏ ra ân cần lưu ý đến lời bình luận của chủ nhà.

Tiếp tục thảo luận:

▪ Đọc và thảo luận một hoặc vài câu Kinh Thánh, trình bày sao cho phù hợp với mối quan tâm và nhu cầu của người đó.

▪ Nếu chủ nhà chú ý, hãy mời nhận ấn phẩm và trình bày cách học Kinh Thánh, nếu có thể được. Hẹn trở lại viếng thăm.

[Chú thích]

^ đ. 4 Đoạn này đọc: ‘Hãy nhờ thánh-linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin. Hãy dùng sự bền-đỗ trọn-vẹn mà tỉnh-thức về điều đó, và cầu-nguyện cho hết thảy các thánh-đồ. Cũng hãy vì tôi mà cầu-nguyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự-do mọi bề, bày-tỏ lẽ mầu-nhiệm của tin mừng, mà tôi vì đạo ấy làm sứ-giả ở trong vòng xiềng-xích, hầu cho tôi nói cách dạn-dĩ như tôi phải nói’.