Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va nhân từ chăm sóc các tôi tớ cao tuổi

Đức Giê-hô-va nhân từ chăm sóc các tôi tớ cao tuổi

Đức Giê-hô-va nhân từ chăm sóc các tôi tớ cao tuổi

“Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”.—HÊ 6:10.

1, 2. (a) Khi thấy một người có mái tóc bạc, bạn nhớ đến điều gì? (b) Đức Giê-hô-va nghĩ gì về các tín đồ cao tuổi?

Khi thấy những người cao tuổi với mái tóc bạc trong hội thánh, bạn có nhớ đến một lời tường thuật trong sách Đa-ni-ên không? Trong một sự hiện thấy ban cho Đa-ni-ên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho thấy hình ảnh Ngài có mái tóc bạc. Đa-ni-ên viết: “Ta nhìn-xem cho đến chừng các ngôi đã đặt, và có Đấng Thượng-cổ ngồi ở trên. Áo Ngài trắng như tuyết, và tóc trên đầu Ngài như lông chiên sạch”.—Đa 7:9.

2 Lông chiên tự nhiên thường có màu trắng ngà. Vì thế, mái tóc bạc và danh hiệu “Đấng Thượng-cổ” hướng sự chú ý đến tuổi tác và sự khôn ngoan vô tận của Đức Chúa Trời, cả hai điều này khiến chúng ta kính trọng Ngài sâu xa. Vậy, Đấng Thượng Cổ, Đức Giê-hô-va, nghĩ gì về những người cao tuổi trung thành? Lời Đức Chúa Trời nói: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình” (Châm 16:31). Thật vậy, khi một tín đồ Đấng Christ trung thành đến tuổi bạc đầu, điều ấy được xem là vinh hiển trước mắt Đức Chúa Trời. Bạn có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về các anh chị cao tuổi không?

Tại sao họ đáng được quý trọng?

3. Tại sao những anh chị cao tuổi đáng được chúng ta quý trọng?

3 Trong số những tôi tớ cao tuổi đáng yêu quý của Đức Chúa Trời có các thành viên thuộc Hội đồng lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va, các giám thị lưu động hiện nay và trước đây, tiên phong sốt sắng và những người công bố cao niên—các anh chị trung thành phụng sự trong hội thánh. Bạn có lẽ biết những người sốt sắng rao giảng tin mừng hàng chục năm, và gương tốt của họ đã giúp thúc đẩy cũng như uốn nắn đời sống những người trẻ. Một số anh chị cao niên đã gánh nhiều trọng trách và chịu đựng sự ngược đãi vì tin mừng. Đức Giê-hô-va và “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” rất quý trọng mọi nỗ lực của họ trong quá khứ cũng như hiện tại đối với công việc Nước Trời.—Mat 24:45.

4. Tại sao chúng ta nên kính trọng các tín đồ cao tuổi và cầu nguyện cho họ?

4 Những anh chị cao tuổi trung thành đó xứng đáng được các tôi tớ khác của Đức Giê-hô-va biết ơn và kính trọng. Thật thế, Luật Pháp Đức Chúa Trời ban cho Môi-se liên kết sự kính trọng người già cả với sự kính sợ Đức Giê-hô-va (Lê 19:32). Chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện cho những người trung thành này và tạ ơn Đức Chúa Trời về công việc mà họ đã làm vì tình yêu thương. Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho các anh em thân yêu cùng làm việc với ông, già cũng như trẻ.—Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:2, 3.

5. Qua việc kết hợp với những người lớn tuổi thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể nhận lợi ích nào?

5 Hơn nữa, mọi người trong hội thánh có thể được lợi ích khi kết hợp với các tín đồ cao niên. Qua việc học hỏi, quan sát và kinh nghiệm, những người lớn tuổi trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va đã tích lũy được vốn kiến thức vô giá. Họ học được tính kiên nhẫn và cách biểu lộ sự đồng cảm, và khi truyền lại cho thế hệ sau những gì mình học được, họ cảm thấy rất vui và thỏa lòng (Thi 71:18). Hỡi những người trẻ, hãy khôn ngoan và cố gắng tận dụng vốn kiến thức này như khi bạn nỗ lực múc nước nơi giếng sâu.—Châm 20:5.

6. Làm thế nào bạn có thể cho người lớn tuổi thấy bạn thật sự quý trọng họ?

6 Bạn có cho những người cao tuổi biết rằng bạn yêu quý họ như Đức Giê-hô-va yêu quý họ không? Một cách để làm điều này là nói cho các anh chị ấy biết bạn rất yêu mến họ vì sự trung thành của họ và cho thấy bạn xem trọng ý kiến của họ như thế nào. Ngoài ra, khi làm theo lời khuyên của các anh chị ấy, bạn cho thấy mình thật lòng kính trọng họ. Nhiều tín đồ lớn tuổi có thể nhớ lại lời khuyên khôn ngoan mà trước đây họ nhận được từ anh chị cao niên trung thành và họ đã được lợi ích thế nào khi làm theo lời khuyên ấy *.

Biểu lộ lòng quan tâm nhân từ qua những cách thiết thực

7. Đức Giê-hô-va giao cho ai trách nhiệm chính về việc chăm sóc người cao tuổi?

7 Về việc chăm sóc người cao tuổi, Đức Chúa Trời giao trách nhiệm chính cho gia đình của họ. (Đọc 1 Ti-mô-thê 5:4, 8). Đức Giê-hô-va hài lòng khi gia đình làm tròn bổn phận đối với thân nhân lớn tuổi, và điều đó cho thấy họ cũng có lòng quan tâm giống như Ngài đối với người lớn tuổi. Đức Chúa Trời nâng đỡ và ban phước cho những gia đình ấy về các nỗ lực và hy sinh của họ *.

8. Tại sao hội thánh nên biểu lộ mối quan tâm đối với các tín đồ cao tuổi?

8 Tương tự thế, Đức Giê-hô-va hài lòng khi hội thánh giúp đỡ những người cao tuổi trung thành mà không có thân nhân tin đạo hoặc không sẵn lòng chăm sóc họ (1 Ti 5:3, 5, 9, 10). Qua cách đó, hội thánh cho thấy họ “đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhân-từ” đối với người lớn tuổi (1 Phi 3:8). Sự quan tâm dành cho những thành viên cao tuổi trong hội thánh được Phao-lô minh họa rõ khi ông nói nếu một bộ phận trong cơ thể chịu đau đớn thì “các cái khác đều cùng chịu” (1 Cô 12:26). Hành động thiết thực và nhân từ để giúp người cao tuổi biểu thị nguyên tắc trong lời khuyên của Phao-lô: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật-pháp của Đấng Christ”.—Ga 6:2.

9. Một người có thể phải chịu những gánh nặng nào vì tuổi già?

9 Người cao tuổi chịu những gánh nặng nào? Nhiều người dễ bị mệt. Họ có thể cảm thấy làm những việc thông thường như đi đến bác sĩ, xử lý những việc liên quan đến sổ sách giấy tờ, quét dọn nhà cửa, nấu ăn là quá sức họ. Vì người lớn tuổi thường không ăn uống ngon miệng, họ có thể nghĩ rằng mình không cần ăn uống nhiều. Vấn đề đó cũng có thể xảy ra về mặt thiêng liêng. Vì khả năng thị giác và thính giác giảm sút, họ có thể thấy đọc và lắng nghe chương trình các buổi họp là khó nhọc, ngay cả việc chuẩn bị đi nhóm cũng có thể làm họ kiệt sức. Vậy, những người khác có thể làm gì cho các anh chị cao tuổi ấy?

Bạn có thể giúp đỡ như thế nào?

10. Các trưởng lão có thể làm gì để đảm bảo là người cao tuổi nhận được sự giúp đỡ thiết thực?

10 Trong nhiều hội thánh, người cao tuổi đang được chăm sóc chu đáo. Các anh chị tử tế giúp họ đi chợ, nấu nướng và quét dọn. Các anh chị này giúp người cao tuổi học hỏi, chuẩn bị cho các buổi nhóm và đều đặn tham gia thánh chức. Những Nhân Chứng trẻ cùng đi với họ và đưa đón họ. Nếu người cao tuổi không thể ra khỏi nhà, họ có thể nghe chương trình các buổi họp qua điện thoại hoặc qua băng đĩa thu sẵn. Nếu có thể được, các trưởng lão có những sắp xếp thiết thực để đáp ứng nhu cầu của những người lớn tuổi trong hội thánh *.

11. Một gia đình đã giúp đỡ một anh cao tuổi như thế nào?

11 Mỗi tín đồ Đấng Christ cũng có thể biểu lộ lòng hiếu khách và tính hào phóng. Sau khi vợ của một anh lớn tuổi qua đời, anh không đủ khả năng trả tiền thuê nhà vì mất khoản tiền trợ cấp của vợ. Trước đây, vợ chồng anh học Kinh Thánh với một gia đình có hai con gái ở tuổi thanh thiếu niên, họ sống trong một căn nhà lớn. Họ dành cho anh hai phòng để ở. Trong 15 năm, gia đình này và anh cùng chia sẻ những bữa ăn, những giây phút vui vẻ và tình anh em nồng ấm. Hai cô gái học được nhiều điều từ đức tin và kinh nghiệm phong phú của anh, còn anh thì nhận được nhiều lợi ích nhờ sống chung với họ. Anh cao tuổi này sống với họ cho đến lúc qua đời ở tuổi 89. Gia đình này vẫn tạ ơn Đức Chúa Trời về nhiều ân phước mà họ nhận được khi sống chung với anh. Nhờ giúp đỡ một môn đồ của Chúa Giê-su, họ “chẳng mất phần thưởng của mình”.—Mat 10:42 *.

12. Bạn có thể làm gì để biểu lộ lòng quan tâm nhân từ đối với anh chị cao tuổi?

12 Có thể bạn không có điều kiện để giúp một anh chị lớn tuổi như trường hợp của gia đình này, nhưng bạn có thể giúp những người cao tuổi đến các buổi nhóm họp và đi rao giảng. Bạn cũng có thể mời họ đến nhà và đi chơi chung với gia đình. Bạn có thể đến thăm, đặc biệt khi họ bị bệnh hoặc không thể ra khỏi nhà. Ngoài ra, bạn nên luôn xem trọng họ. Khi còn sáng suốt, những người cao tuổi nên được hỏi ý kiến trong mọi quyết định ảnh hưởng đến đời sống họ. Ngay cả những người đã lẫn, họ vẫn cảm nhận được người khác có tôn trọng nhân phẩm của họ hay không.

Đức Giê-hô-va sẽ không quên công việc của bạn

13. Tại sao biểu lộ sự quan tâm đến cảm xúc của các tín đồ cao tuổi là quan trọng?

13 Biểu lộ sự quan tâm đến cảm xúc của người cao tuổi là thiết yếu. Người cao tuổi có thể cảm thấy rất buồn nản vì không thể làm được những gì mà lúc trẻ hơn và khỏe hơn họ đã làm. Chẳng hạn, một chị đã tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va khoảng 50 năm và từng là tiên phong đều đều, nay mắc một chứng bệnh làm suy kiệt dần và rất khó tham dự các buổi họp. Chị bật khóc khi so sánh thánh chức giới hạn hiện nay với thánh chức của mình trước đây. Cúi mặt xuống, chị vừa khóc vừa nói: “Tôi không còn làm được việc gì hết”.

14. Các tôi tớ cao tuổi của Đức Giê-hô-va nhận được sự khích lệ nào qua những bài Thi-thiên?

14 Nếu là một người cao tuổi, bạn có cảm xúc đau buồn như thế không? Có khi nào bạn cảm thấy Đức Giê-hô-va bỏ rơi bạn không? Người viết Thi-thiên có thể đã cảm nghĩ như thế trong những năm cuối đời, vì ông nài xin Đức Giê-hô-va: “Xin Chúa chớ từ-bỏ tôi trong thì già-cả; cũng đừng lìa-khỏi tôi khi sức tôi hao-mòn. . . Hỡi Đức Chúa Trời, dầu khi tôi đã già và tóc bạc rồi, xin chớ bỏ tôi” (Thi 71:9, 18). Chắc chắn Đức Giê-hô-va không từ bỏ người viết bài Thi-thiên đó, và Ngài sẽ không từ bỏ bạn. Trong một bài Thi-thiên khác, Đa-vít bày tỏ lòng tin cậy nơi sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời. (Đọc Thi-thiên 68:19). Bạn có thể vững tin rằng nếu là một tín đồ cao tuổi trung thành, Đức Giê-hô-va ở với bạn và sẽ tiếp tục nâng đỡ bạn hằng ngày.

15. Điều gì có thể giúp người cao tuổi giữ được quan điểm tích cực?

15 Đức Giê-hô-va luôn nhớ đến tất cả những gì mà các Nhân Chứng cao tuổi đã và đang làm vì sự vinh hiển của Ngài. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài” (Hê 6:10). Vậy, hãy tránh quan điểm tiêu cực, lối suy nghĩ sai lệch là vì tuổi tác cao nên bạn không còn hữu dụng cho Đức Giê-hô-va nữa. Hãy cố gắng thay thế ý tưởng bi quan, chán nản bằng ý tưởng tích cực. Hãy vui về những ân phước và niềm hy vọng của bạn cho tương lai! Chúng ta có “sự trông-cậy”—một tương lai và niềm hy vọng tốt nhất—và điều này được Đấng Tạo Hóa đảm bảo (Giê 29:11, 12; Công 17:31; 1 Ti 6:19). Hãy suy ngẫm về niềm hy vọng của bạn, giữ cho tâm hồn trẻ trung và đừng đánh giá thấp sự có mặt của bạn trong hội thánh *!

16. Tại sao một anh lớn tuổi nghĩ rằng mình nên ngưng làm trưởng lão, nhưng hội đồng trưởng lão đã khích lệ anh như thế nào?

16 Hãy xem trường hợp anh Johan; ở tuổi 80, anh dành hết thời gian để chăm sóc người vợ trung thành là chị Sannie hiện nay bị tàn tật *. Các chị thay phiên nhau ở nhà với chị Sannie để anh Johan có thể đi nhóm họp và rao giảng. Tuy nhiên, gần đây anh cảm thấy tinh thần kiệt quệ và bắt đầu nghĩ rằng mình nên ngưng làm trưởng lão. Rưng rưng nước mắt, anh nói: “Tôi làm trưởng lão để làm gì? Tôi không còn làm việc gì hữu ích cho hội thánh nữa”. Các anh trưởng lão khác trấn an rằng kinh nghiệm và sự phán đoán của anh rất có giá trị. Họ khuyến khích anh tiếp tục làm trưởng lão dù sự tham gia của anh có giới hạn. Cảm thấy rất được khích lệ, anh Johan tiếp tục phục vụ với tư cách trưởng lão, giúp ích cho hội thánh.

Đức Giê-hô-va rất quan tâm

17. Kinh Thánh đưa ra những lời khích lệ nào cho các tín đồ cao tuổi?

17 Kinh Thánh cho thấy rõ những người cao tuổi có thể tiếp tục gặt hái kết quả trong việc phụng sự bất kể các vấn đề của tuổi già. Người viết Thi-thiên tuyên bố: “Những kẻ được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va. . . dầu đến buổi già-bạc, họ sẽ còn sanh bông-trái, được thạnh-mậu và xanh-tươi” (Thi 92:13, 14). Sứ đồ Phao-lô có lẽ từng đối phó với vấn đề sức khỏe nhưng đã “chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư-nát”.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:16-18.

18. Tại sao những anh chị cao tuổi và người chăm sóc họ cần sự giúp đỡ của người khác?

18 Nhiều gương thời nay cho thấy người lớn tuổi có thể “còn sanh bông-trái”. Song, những thử thách của bệnh tật và tuổi già có thể làm nản chí, ngay cả đối với những người được người thân chăm sóc chu đáo và tận tâm. Những người chăm sóc họ cũng có thể bị kiệt sức. Hội thánh có đặc ân và trách nhiệm thể hiện tình yêu thương bằng hành động đối với những người cao tuổi và người chăm sóc họ (Ga 6:10). Sự giúp đỡ ấy cho thấy chúng ta không chỉ nói với những người đó là hãy đi, “sưởi cho ấm và ăn cho no” mà không làm điều gì thiết thực cho họ.—Gia 2:15-17.

19. Tại sao tín đồ cao tuổi trung thành có thể nhìn về tương lai với lòng tin chắc?

19 Tuổi già có thể thay đổi phần nào các hoạt động của người tín đồ Đấng Christ, nhưng thời gian không làm giảm đi tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho các tôi tớ cao tuổi trung thành của Ngài. Trái lại, tất cả những tín đồ trung thành này đều đáng quý trọng trước mắt Ngài, và Ngài sẽ không bao giờ từ bỏ họ (Thi 37:28; Ê-sai 46:4). Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ và hướng dẫn họ trong suốt tuổi già.—Thi 48:14.

[Chú thích]

^ đ. 7 Xin xem chương 15, “Tôn kính cha mẹ già” trong sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc.

^ đ. 10 Trong một vài xứ, điều này có thể bao gồm việc giúp người cao tuổi tận dụng những chương trình trợ cấp của chính phủ. Xin xem bài “Đức Chúa Trời chăm sóc người cao tuổi” trong Tháp Canh ngày 1-6-2006.

^ đ. 15 Xin xem bài “Thịnh vượng trong lúc tuổi già” trong Tháp Canh ngày 1-6-2007.

^ đ. 16 Tên đã được đổi.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao bạn xem các tín đồ cao tuổi trung thành là đáng quý trọng?

• Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ lòng quan tâm nhân từ đối với các anh chị cao tuổi?

• Điều gì có thể giúp các tôi tớ cao tuổi của Đức Giê-hô-va có quan điểm tích cực?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 18]

Các thành viên trong hội thánh xem trọng những người cao tuổi