Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có nói lưu loát “ngôn ngữ thanh sạch”?

Bạn có nói lưu loát “ngôn ngữ thanh sạch”?

Bạn có nói lưu loát “ngôn ngữ thanh sạch”?

“Ta sẽ ban môi-miếng [“ngôn ngữ”, NW] thanh-sạch cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va”.—SÔ 3:9.

1. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà tuyệt vời nào?

Ngôn ngữ không bắt nguồn từ loài người, nhưng từ Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Xuất 4:11, 12). Ngài không chỉ ban cho người đầu tiên là A-đam khả năng nói mà còn khả năng đặt ra từ mới, nhờ đó vốn từ vựng của ông ngày càng phong phú (Sáng 2:19, 20, 23). Đây quả là một món quà tuyệt vời! Nhờ khả năng này, loài người còn có thể trò chuyện với Cha trên trời và ngợi khen danh vinh hiển của Ngài.

2. Tại sao loài người không còn nói cùng một ngôn ngữ?

2 Trong suốt 17 thế kỷ đầu của lịch sử nhân loại, mọi người chỉ nói “một thứ tiếng” (Sáng 11:1). Sau đó, Nim-rốt đã phản loạn. Làm ngược lại chỉ thị của Đức Giê-hô-va, những người không vâng lời nhóm lại một nơi mà sau này gọi là Ba-bên vì họ nhất quyết sống tập trung một chỗ. Họ bắt đầu xây một cái tháp to lớn, không phải để tôn vinh Đức Giê-hô-va, nhưng để “làm cho rạng danh” họ. Vì vậy, Đức Giê-hô-va làm lộn xộn ngôn ngữ nguyên thủy của những kẻ phản loạn ấy và khiến họ nói những thứ tiếng khác nhau. Do đó, họ tản ra khắp đất.—Đọc Sáng-thế Ký 11:4-8.

3. Điều gì xảy ra khi Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của những kẻ phản loạn ở Ba-bên?

3 Ngày nay, trên thế giới có hàng ngàn ngôn ngữ được sử dụng—một số người cho rằng có hơn 6.800 thứ tiếng. Trong mỗi ngôn ngữ, người ta có lối suy nghĩ khác nhau. Vì vậy, dường như khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm lộn xộn tiếng nói của những kẻ phản loạn, Ngài xóa sạch khỏi ký ức họ về ngôn ngữ mà họ nói trước đây. Ngài không những đặt vào trí họ từ vựng mới mà còn thay đổi lối suy nghĩ và tạo ra ngữ pháp mới. Không lạ gì, nơi có tháp đó sau này được gọi là Ba-bên, nghĩa là “lộn-xộn”! (Sáng 11:9). Điều đáng chú ý là chỉ có Kinh Thánh đưa ra lời giải thích thỏa đáng về lý do tại sao có nhiều ngôn ngữ như ngày nay.

Một ngôn ngữ mới, thanh sạch

4. Đức Giê-hô-va báo trước điều gì sẽ diễn ra vào thời chúng ta?

4 Lời tường thuật trong Kinh Thánh về sự can thiệp của Đức Chúa Trời tại Ba-bên có thể rất hấp dẫn, nhưng có điều còn đáng chú ý và quan trọng hơn đã diễn ra vào thời chúng ta. Qua nhà tiên tri Sô-phô-ni, Đức Giê-hô-va báo trước: “Bấy giờ ta sẽ ban môi-miếng [“ngôn ngữ”, NW] thanh-sạch cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng một lòng hầu việc Ngài” (Sô 3:9). “Ngôn ngữ thanh sạch” đó là gì, và làm thế nào chúng ta có thể nói lưu loát ngôn ngữ ấy?

5. Ngôn ngữ thanh sạch là gì, và việc thay đổi sang ngôn ngữ này mang lại kết quả nào?

5 Ngôn ngữ thanh sạch là lẽ thật về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và ý định của Ngài như ghi trong Lời Ngài là Kinh Thánh. “Ngôn ngữ” đó bao hàm sự hiểu biết chính xác về lẽ thật liên quan đến Nước Trời và làm thế nào Nước ấy sẽ làm thánh danh Đức Giê-hô-va, biện minh quyền thống trị của Ngài và mang lại ân phước vĩnh cửu cho những người trung thành. Việc thay đổi này về ngôn ngữ mang lại kết quả nào? Kinh Thánh cho biết là người ta sẽ “kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va” và “một lòng hầu việc Ngài”. Không như sự kiện xảy ra ở Ba-bên, việc thay đổi sang ngôn ngữ thanh sạch đã mang lại sự ca ngợi cho danh Đức Giê-hô-va cũng như sự hợp nhất cho dân Ngài.

Học ngôn ngữ thanh sạch

6, 7. (a) Học ngoại ngữ bao hàm điều gì, và điều này áp dụng thế nào trong việc học ngôn ngữ thanh sạch? (b) Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét điều gì?

6 Muốn thông thạo một ngôn ngữ khác, một người không chỉ học thuộc lòng từ mới. Việc học ngôn ngữ mới đòi hỏi học lối suy nghĩ mới. Cách suy luận và tính khôi hài của một ngoại ngữ có thể khác. Để phát âm từ mới, phải thay đổi cách dùng những cơ quan phát âm, chẳng hạn như lưỡi. Điều này cũng đúng khi chúng ta bắt đầu học ngôn ngữ thanh sạch của lẽ thật trong Kinh Thánh. Chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ học một vài dạy dỗ cơ bản của Kinh Thánh. Để thông thạo ngôn ngữ mới này, chúng ta phải thay đổi lối suy nghĩ và đổi mới tâm thần mình.—Đọc Rô-ma 12:2; Ê-phê-sô 4:23.

7 Điều gì sẽ giúp chúng ta không chỉ hiểu mà còn nói lưu loát ngôn ngữ thanh sạch? Như học bất cứ một ngôn ngữ nào, một số kỹ thuật cơ bản có thể giúp chúng ta nói thông thạo ngôn ngữ của lẽ thật Kinh Thánh. Hãy xem xét một số bước cơ bản mà những người học ngoại ngữ áp dụng và xem làm thế nào những bước đó có thể giúp chúng ta học “ngôn ngữ” mới này.

Nói lưu loát ngôn ngữ thanh sạch

8, 9. Chúng ta phải làm gì nếu muốn học ngôn ngữ thanh sạch, và tại sao điều này rất quan trọng?

8 Cẩn thận lắng nghe. Khi nghe một ngôn ngữ mới, thoạt đầu người ta có thể nghĩ không thể nào hiểu được (Ê-sai 33:19). Nhưng khi biết tập trung vào những gì mình nghe, một người sẽ bắt đầu phân biệt những từ khác nhau và nhận ra cách nói của ngôn ngữ đó. Tương tự thế, chúng ta được khuyên: “Phải lưu ý hơn nữa đến những điều đã nghe, để khỏi bị trôi lạc” (Hê 2:1, Bản Dịch Mới). Chúa Giê-su đã nhiều lần khuyên các môn đồ: “Ai có tai mà nghe, hãy nghe” (Mat 11:15; 13:43; Mác 4:23; Lu 14:35). Thật vậy, chúng ta cần phải biết “nghe, và hiểu” những gì mình nghe hầu tiến bộ trong việc hiểu ngôn ngữ thanh sạch.—Mat 15:10; Mác 7:14.

9 Muốn lắng nghe thì phải tập trung và nỗ lực này thật đáng công (Lu 8:18). Tại các buổi nhóm họp, chúng ta tập trung vào những điều đang được giải thích hay nghĩ ngợi lan man? Cố gắng tập trung vào những điều đang được trình bày là rất quan trọng, nếu không chúng ta có thể “trở nên chậm hiểu”.—Hê 5:11.

10, 11. (a) Ngoài việc cẩn thận lắng nghe, chúng ta cần phải làm gì? (b) Nói ngôn ngữ thanh sạch cũng bao hàm điều gì?

10 Bắt chước người nói lưu loát. Người học ngôn ngữ mới được khuyến khích nên cẩn thận lắng nghe đồng thời cố gắng bắt chước cách phát âm cũng như cách nói của người nói lưu loát. Điều này giúp học viên tránh phát âm không chuẩn khiến sau này có thể gây trở ngại trong việc giao tiếp. Tương tự, chúng ta nên học từ những người khéo “dạy-dỗ” ngôn ngữ mới (2 Ti 4:2). Hãy nhờ người khác giúp và sẵn lòng chấp nhận khi họ sửa những sai sót của chúng ta.—Đọc Hê-bơ-rơ 12:5, 6, 11.

11 Muốn nói ngôn ngữ thanh sạch, chúng ta không những phải tin và dạy lẽ thật cho người khác, mà còn phải có hạnh kiểm phù hợp với luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Để làm được điều này, chúng ta cần bắt chước những người có thể giúp mình. Điều này bao hàm việc noi theo đức tin và lòng sốt sắng của họ. Chúng ta cũng phải noi theo gương mẫu của Chúa Giê-su (1 Cô 11:1; Hê 12:2; 13:7). Nếu kiên trì làm điều này, dân Đức Chúa Trời sẽ có sự hợp nhất, nhờ thế họ nói ngôn ngữ thanh sạch theo cùng một cách.—1 Cô 4:16, 17.

12. Học thuộc lòng đóng vai trò nào trong việc học ngôn ngữ mới?

12 Học thuộc lòng. Người học ngoại ngữ cần ghi nhớ nhiều điều mới, kể cả từ vựng mới. Đối với tín đồ Đấng Christ, việc ghi nhớ có thể giúp ích rất nhiều trong việc nắm vững ngôn ngữ thanh sạch. Chắc chắn chúng ta nên học thuộc lòng tên các sách Kinh Thánh theo thứ tự. Một số người đặt mục tiêu là nhớ địa chỉ hoặc học thuộc lòng một số câu Kinh Thánh. Người khác thì thấy có lợi khi thuộc các bài hát Nước Trời, tên các chi phái nước Y-sơ-ra-ên, tên 12 sứ đồ và các đặc tính của trái thánh linh. Thời xưa, nhiều người Y-sơ-ra-ên đã học thuộc lòng các bài Thi-thiên. Thời nay, một em trai, khi mới lên sáu đã thuộc lòng hơn 80 câu Kinh Thánh. Chúng ta có tận dụng khả năng vô giá này không?

13. Tại sao việc nhắc lại rất quan trọng?

13 Việc nhắc lại giúp luyện trí nhớ. Những lời nhắc nhở là thiết yếu trong sự dạy dỗ của đạo Đấng Christ. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Dầu anh em biết rõ-ràng và chắc-chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi” (2 Phi 1:12). Tại sao chúng ta cần những lời nhắc nhở? Bởi vì “sự nhắc nhở” giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn, có cái nhìn rộng hơn và củng cố lòng quyết tâm vâng lời Đức Giê-hô-va (Thi 119:129, NW). Thường xuyên ôn lại tiêu chuẩn và nguyên tắc của Đức Chúa Trời giúp chúng ta xem xét bản thân và kháng cự khuynh hướng “nghe rồi quên đi” (Gia 1:22-25). Nếu không tiếp tục tự nhắc nhở mình về lẽ thật, những điều khác sẽ ảnh hưởng đến lòng, và chúng ta có thể sẽ không còn nói lưu loát ngôn ngữ thanh sạch nữa.

14. Điều gì sẽ giúp chúng ta trong việc học ngôn ngữ thanh sạch?

14 Đọc thành tiếng (Khải 1:3). Một số người cố gắng tự học một ngôn ngữ mới mà không tập phát âm. Điều này không mang lại kết quả tốt nhất. Khi học ngôn ngữ thanh sạch, đôi khi chúng ta cần “nhẩm đi nhẩm lại” để dễ tập trung. (Đọc Thi-thiên 1:1, 2 *). Việc này sẽ khắc sâu vào trí những gì chúng ta đọc. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, cụm từ “nhẩm đi nhẩm lại” liên hệ chặt chẽ với việc suy ngẫm. Cũng giống như sự tiêu hóa là cần thiết để hấp thu trọn vẹn thức ăn, việc suy ngẫm cũng cần thiết để hấp thu những gì chúng ta đọc. Chúng ta có dành đủ thời gian để suy ngẫm những gì mình đọc không? Sau khi đọc Kinh Thánh, chúng ta phải suy ngẫm sâu xa về điều mình vừa đọc.

15. Chúng ta có thể học “ngữ pháp” của ngôn ngữ thanh sạch như thế nào?

15 Phân tích ngữ pháp. Đến một lúc nào đó rất có lợi để học ngữ pháp, tức phương thức và qui tắc cấu tạo câu của ngôn ngữ chúng ta đang học. Điều này giúp chúng ta hiểu cấu trúc của ngôn ngữ ấy và có thể nói đúng. Mỗi ngôn ngữ có mẫu mực hay qui tắc riêng để đặt câu, cũng thế, ngôn ngữ thanh sạch của lẽ thật Kinh Thánh có “mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” (2 Ti 1:13). Chúng ta cần làm theo “mẫu-mực” đó.

16. Chúng ta cần khắc phục khuynh hướng nào, và khắc phục như thế nào?

16 Tiếp tục tiến bộ. Một người có thể học ngôn ngữ mới ở chừng mực nào đó để nói những câu đơn giản nhưng rồi không tiến bộ nữa. Vấn đề tương tự cũng có thể nảy sinh đối với những người nói ngôn ngữ thanh sạch. (Đọc Hê-bơ-rơ 5:11-14). Điều gì có thể giúp chúng ta khắc phục khuynh hướng này? Chúng ta phải sẵn lòng mở rộng vốn từ vựng, nói theo nghĩa bóng. ‘Chúng ta phải bỏ qua các điều sơ-học về tin mừng của Đấng Christ, mà tấn-tới sự trọn-lành, chớ nên lập lại nền nữa, tức là: từ-bỏ các việc chết, tin Đức Chúa Trời, sự dạy về phép báp-têm, phép đặt tay, sự kẻ chết sống lại, sự phán-xét đời đời’.—Hê 6:1, 2.

17. Tại sao thói quen học hỏi đều đặn là quan trọng? Hãy minh họa.

17 Qui định thời gian để học. Những buổi học ngắn nhưng đều đặn thì tốt hơn học lâu mà thất thường. Hãy học vào những lúc bạn tỉnh táo và không dễ bị sao lãng. Việc học một ngôn ngữ mới giống như việc băng qua một khu rừng già. Càng đi lại một con đường, cuộc hành trình càng dễ hơn. Nếu không có người đi trong một thời gian, chẳng mấy chốc cây cối sẽ mọc lấn con đường đó. Thế nên, tính kiên trì, bền đỗ rất quan trọng! (Đa 6:16, 20). Về việc nói ngôn ngữ thanh sạch của lẽ thật Kinh Thánh, chúng ta hãy cầu nguyện để bền đỗ và tỉnh thức.—Ê-phê 6:18.

18. Tại sao chúng ta nên nói ngôn ngữ thanh sạch vào mọi dịp?

18 Nói! Nói! Nói! Một số người đang học ngôn ngữ mới có thể ngại nói vì nhút nhát hoặc sợ nói sai. Điều đó sẽ khiến họ chậm tiến bộ. Trong việc học một ngôn ngữ, câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim” là đúng. Càng thực tập, người học càng thấy dễ nói. Tương tự, chúng ta cần nói ngôn ngữ thanh sạch vào mọi dịp. “Vì tin bởi trong lòng mà được sự công-bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu-rỗi” (Rô 10:10). Chúng ta không chỉ “làm chứng” vào lúc báp têm mà còn “làm chứng” khi nói về Đức Giê-hô-va vào mọi dịp, kể cả lúc tham gia thánh chức (Mat 28:19, 20; Hê 13:15). Các buổi nhóm họp là lúc chúng ta nói ngôn ngữ thanh sạch một cách rõ ràng và ngắn gọn.—Đọc Hê-bơ-rơ 10:23-25.

Cùng nhau dùng ngôn ngữ thanh sạch để ngợi khen Đức Giê-hô-va

19, 20. (a) Thời nay, Nhân Chứng Giê-hô-va đang thực hiện điều đáng kinh ngạc nào? (b) Bạn quyết tâm làm gì?

19 Thật hào hứng biết bao nếu có mặt ở Giê-ru-sa-lem vào sáng chủ nhật, ngày 6 tháng Si-van, năm 33 CN! Trước 9 giờ sáng ngày hôm đó, những người nhóm lại tại một phòng cao “khởi-sự nói các thứ tiếng khác” nhờ phép lạ (Công 2:4). Ngày nay, các tôi tớ của Đức Chúa Trời không được ban cho khả năng nói tiếng lạ nữa (1 Cô 13:8). Dù vậy, Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn rao báo tin mừng về Nước Trời trong hơn 430 thứ tiếng.

20 Dù thường nói ngôn ngữ nào, tất cả chúng ta đều hợp nhất nói ngôn ngữ thanh sạch của lẽ thật Kinh Thánh. Chúng ta thật biết ơn Đức Chúa Trời về điều này! Theo một nghĩa nào đó, đây là sự đảo ngược tình thế đã xảy ra ở Ba-bên. Khi nói cùng một “ngôn ngữ”, dân Đức Giê-hô-va đem lại sự ca ngợi cho danh Ngài (1 Cô 1:10). Mong sao chúng ta quyết tâm một lòng phụng sự cùng với các anh chị em trên toàn thế giới khi học nói ngôn ngữ ấy ngày càng lưu loát hơn, để tôn vinh Cha trên trời là Đức Giê-hô-va.—Đọc Thi-thiên 150:1-6.

Bạn trả lời thế nào?

• Ngôn ngữ thanh sạch là gì?

• Việc nói ngôn ngữ thanh sạch bao hàm điều gì?

• Điều gì sẽ giúp chúng ta nói lưu loát ngôn ngữ thanh sạch?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 23]

Để nói lưu loát ngôn ngữ thanh sạch, hãy

cẩn thận lắng nghe.

Lu 8:18; Hê 2:1

bắt chước người nói lưu loát.

1 Cô 11:1; Hê 13:7

học thuộc lòng và nhắc lại.

Gia 1:22-25; 2 Phi 1:12

đọc thành tiếng.

Thi 1:1, 2, TTGM; Khải 1:3

phân tích “ngữ pháp”.

2 Ti 1:13

tiếp tục tiến bộ.

Hê 5:11-14; 6:1, 2

qui định thời gian để học.

Đa 6:16, 20; Ê-phê 6:18

nói vào mọi dịp.

Rô 10:10; Hê 10:23-25

[Các hình nơi trang 24]

Dân Đức Giê-hô-va cùng nhau nói ngôn ngữ thanh sạch

[Chú thích]

^ đ. 14 Thi-thiên 1:1, 2 (Tòa Tổng Giám Mục): “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”.