Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách thể hiện phẩm cách đáng trọng

Tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách thể hiện phẩm cách đáng trọng

Tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách thể hiện phẩm cách đáng trọng

“Công-việc [Đức Giê-hô-va] có vinh-hiển oai-nghi”.—THI 111:3.

1, 2. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

Miêu tả sự vinh hiển oai nghi của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh nói Ngài “mặc sự sang-trọng” (Thi 104:1). Đối với loài người, thể hiện phẩm cách đáng trọng đôi khi cũng bao hàm việc ăn mặc lịch sự. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô mong muốn nữ tín đồ Đấng Christ “ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình, không dùng những tóc-gióc, vàng, châu-ngọc và áo-quần quí-giá” (1 Ti 2:9). Tuy nhiên, phẩm cách đáng trọng đề cao sự “vinh-hiển oai-nghi” của Đức Giê-hô-va còn bao hàm nhiều điều khác.—Thi 111:3.

2 Trong Kinh Thánh, từ Hê-bơ-rơ nói về “vinh hiển” cũng có thể được dịch là “oai nghi”, “tôn nghiêm”, “tôn trọng”, “tôn vinh”, “danh dự”, “sang trọng”. Không ai xứng đáng được kính trọng và tôn vinh bằng Đức Giê-hô-va. Vì thế, là tôi tớ đã dâng mình của Ngài, chúng ta nên thể hiện phẩm cách đáng trọng qua lời nói và hành động. Nhưng tại sao loài người có thể biểu lộ phẩm cách đó? Sự vinh hiển oai nghi của Đức Giê-hô-va được thể hiện như thế nào? Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời tác động đến chúng ta như thế nào? Chúa Giê-su dạy chúng ta điều gì về cách phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời? Và chúng ta có thể làm điều đó như thế nào?

Tại sao chúng ta có thể biểu lộ phẩm cách đáng trọng?

3, 4. (a) Chúng ta nên đáp lại thế nào về sự vinh hiển mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta? (b) Thi-thiên 8:5-9 tiên tri về ai? (Xem cước chú). (c) Trong quá khứ, Đức Giê-hô-va đã ban vinh hiển cho ai?

3 Vì được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, mọi người có khả năng thể hiện phẩm cách đáng trọng. Đức Giê-hô-va ban cho người đầu tiên “sự vinh-hiển” khi giao cho ông nhiệm vụ coi sóc trái đất (Sáng 1:26, 27). Ngay cả sau khi con người đã mất sự hoàn toàn, Đức Giê-hô-va vẫn lặp lại trách nhiệm đó. Như thế, Đức Chúa Trời vẫn “đội” cho con người sự vinh hiển. (Đọc Thi-thiên 8:5-9) *. Sự vinh hiển này đòi hỏi chúng ta phải đáp lại cách xứng đáng—ngợi khen danh cao cả của Đức Giê-hô-va với lòng tôn kính và phẩm cách đáng trọng.

4 Đức Giê-hô-va đã đặc biệt ban phần nào vinh hiển cho những người phụng sự Ngài. Đức Chúa Trời ban vinh dự cho A-bên khi chấp nhận của-lễ ông dâng và từ chối lễ vật của người anh là Ca-in (Sáng 4:4, 5). Môi-se được chỉ thị ‘trao phần vinh-hiển ông’ cho Giô-suê, người kế nghiệp ông để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên (Dân 27:20). Về phần con trai của Đa-vít là Sa-lô-môn, Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va khiến cho Sa-lô-môn được rất cao-trọng tại trước mặt cả Y-sơ-ra-ên, và ban cho người được oai-nghiêm, đến đỗi trong Y-sơ-ra-ên chẳng có một vua nào trước người được như vậy” (1 Sử 29:25). Đức Chúa Trời sẽ đặc biệt ban sự vinh hiển cho các tín đồ Đấng Christ chịu xức dầu được sống lại, những người trung thành công bố “sự vinh-hiển oai-nghi của nước Ngài” (Thi 145:11-13). Trong việc ca ngợi Đức Giê-hô-va, đám đông “chiên khác” của Chúa Giê-su ngày càng gia tăng cũng được ban cho một vai trò đầy vinh dự.—Giăng 10:16.

Sự vinh hiển oai nghi của Đức Giê-hô-va được thể hiện thế nào?

5. Đức Giê-hô-va oai nghi vĩ đại như thế nào?

5 Trong một bài Thi-thiên nói lên sự tương phản giữa sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và tính chất nhỏ bé của con người, Đa-vít hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va là Chúa chúng tôi, danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao; sự oai-nghi Chúa hiện ra trên các từng trời!” (Thi 8:1). Từ trước khi dựng nên “trời đất” cho đến sau khi Đức Chúa Trời hoàn thành ý định tuyệt diệu là biến trái đất thành địa đàng và đưa gia đình nhân loại đến tình trạng hoàn toàn—từ trước vô cùng cho đến muôn đời—Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng cao cả và oai nghi nhất trong vũ trụ.—Sáng 1:1; 1 Cô 15:24-28; Khải 21:1-5.

6. Tại sao người viết Thi-thiên nói rằng Đức Giê-hô-va mặc sự sang trọng oai nghi?

6 Là người kính sợ Đức Chúa Trời, người viết Thi-thiên hẳn đã cảm kích biết bao khi ngắm vẻ tráng lệ của bầu trời đầy sao lấp lánh như kim cương! Với lòng thán phục về cách Đức Chúa Trời “giương các từng trời ra như cái trại”, ông miêu tả Đức Giê-hô-va mặc sự sang trọng oai nghi bởi khả năng sáng tạo tuyệt vời của Ngài. (Đọc Thi-thiên 104:1, 2). Sự sang trọng oai nghi của Đấng Tạo Hóa toàn năng vô hình được thể hiện qua các công trình hữu hình của Ngài.

7, 8. Chúng ta thấy bằng chứng nào ở trên trời về sự sang trọng oai nghi của Đức Giê-hô-va?

7 Chẳng hạn, hãy xem xét dải Ngân Hà. Trong tập hợp gồm vô vàn các vì sao, hành tinh và hệ mặt trời này, Trái Đất trông nhỏ bé như một hạt cát trên bờ biển rộng lớn. Chỉ riêng thiên hà này có hơn 100 tỉ ngôi sao! Nếu mỗi giây đếm một ngôi sao và liên tục 24 giờ một ngày, bạn phải mất hơn 3.000 năm để đếm đủ 100 tỉ.

8 Nếu chỉ riêng dải Ngân Hà chứa 100 tỉ ngôi sao, nói gì về phần còn lại của vũ trụ? Các nhà thiên văn học ước tính dải Ngân Hà là một trong khoảng 50 đến 125 tỉ thiên hà. Có bao nhiêu vì sao trong toàn vũ trụ? Câu trả lời chắc chắn ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Song, Đức Giê-hô-va “đếm số các vì sao, gọi từng tên hết thảy các vì ấy” (Thi 147:4). Khi nhận biết Đức Giê-hô-va mặc sự sang trọng oai nghi như thế, chẳng phải bạn muốn ca tụng danh vĩ đại của Ngài sao?

9, 10. Làm thế nào bánh mì cho thấy sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa?

9 Giờ đây chúng ta hãy chú ý đến một vật thông thường như bánh mì. Đức Giê-hô-va không chỉ là “Đấng dựng-nên trời đất” mà còn là Đấng “ban bánh cho người đói” (Thi 146:6, 7). Sự “vinh-hiển oai-nghi” của Đức Chúa Trời được phản ánh qua các công việc lớn lao của Ngài, trong số đó có những cây mà người ta dùng để làm bánh mì. (Đọc Thi-thiên 111:1-5). Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện: “Xin cho chúng tôi hôm nay có bánh ngày này” (Mat 6:11, Nguyễn Thế Thuấn). Bánh mì là thức ăn chính của nhiều dân thời xưa, kể cả dân Y-sơ-ra-ên. Tuy bánh mì được xem là món ăn đơn giản, nhưng quá trình hóa học làm biến đổi vài thành phần cơ bản thành bánh mì thơm ngon thì không đơn giản chút nào.

10 Trong thời Kinh Thánh được viết ra, người Y-sơ-ra-ên dùng bột lúa mạch hoặc lúa mì và nước để làm bánh mì. Đôi khi men được thêm vào. Những chất đơn giản này hòa trộn nhau tạo ra một số hợp chất hóa học có tác dụng kết dính. Người ta vẫn chưa hiểu rõ mối quan hệ giữa những hợp chất này. Ngoài ra, bánh mì được tiêu hóa trong cơ thể như thế nào lại là một quá trình phức tạp khác. Không ngạc nhiên gì khi người viết Thi-thiên hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan” (Thi 104:24). Bạn có cảm thấy muốn ngợi khen Đức Giê-hô-va như thế không?

Sự vinh hiển oai nghi của Đức Chúa Trời tác động thế nào đến bạn?

11, 12. Suy ngẫm về các công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời có thể tác động đến chúng ta như thế nào?

11 Chúng ta không cần phải là nhà thiên văn để thán phục bầu trời về đêm, cũng không cần phải là nhà hóa học để thích bánh mì. Tuy nhiên, để hiểu rõ sự oai nghi của Đấng Tạo Hóa, chúng ta cần dành thời gian để suy ngẫm các công trình sáng tạo của Ngài. Sự suy ngẫm đó giúp chúng ta thế nào? Việc này cũng có tác động giống như khi chúng ta suy ngẫm về những công việc khác của Đức Giê-hô-va.

12 Về các công việc vĩ đại mà Đức Giê-hô-va đã làm vì dân Ngài, Đa-vít hát: “Tôi sẽ suy-gẫm về sự tôn-vinh oai-nghi rực-rỡ của Chúa, và về công-việc lạ-lùng của Ngài” (Thi 145:5). Noi gương Đa-vít, chúng ta học Kinh Thánh và dành thời gian để suy ngẫm những gì mình đọc. Sự suy ngẫm này có tác động nào? Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự vinh hiển oai nghi của Đức Chúa Trời. Chắc chắn chúng ta muốn tôn vinh Đức Giê-hô-va giống như Đa-vít: “Tôi sẽ rao-truyền sự cao-cả của Chúa” (Thi 145:6). Việc suy ngẫm những công việc lạ lùng của Đức Chúa Trời giúp chúng ta củng cố mối quan hệ với Ngài và thúc đẩy chúng ta nói cho người khác biết về Ngài một cách nhiệt tình, quả quyết. Bạn có đang sốt sắng công bố tin mừng và giúp người ta hiểu sự vinh hiển oai nghi của Giê-hô-va Đức Chúa Trời không?

Chúa Giê-su hoàn toàn phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời

13. (a) Theo Đa-ni-ên 7:13, 14, Đức Giê-hô-va đã ban cho Con Ngài điều gì? (b) Với tư cách là Vua, Chúa Giê-su đối xử với thần dân như thế nào?

13 Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su sốt sắng công bố tin mừng và tôn vinh Cha oai nghiêm, vinh hiển của ngài. Đức Giê-hô-va ban cho Con độc sinh sự vinh hiển đặc biệt bằng cách cho ngài ‘quyền-thế và nước’. (Đọc Đa-ni-ên 7:13, 14). Song, Chúa Giê-su không ngạo mạn hay kiêu kỳ. Ngược lại, ngài là Đấng cai trị có lòng trắc ẩn, thấu hiểu những giới hạn của thần dân và xem trọng họ. Hãy xem một trường hợp cho thấy cách Chúa Giê-su là Vua được chỉ định đã đối xử thế nào với những người ngài gặp, đặc biệt là những người bị hắt hủi, dường như không được ai yêu mến.

14. Trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, người phung bị đối xử như thế nào?

14 Người mắc bệnh phung thời xưa thường chết dần chết mòn một cách thê thảm. Các bộ phận trên cơ thể dần dần bị hủy hoại. Người ta xem việc chữa bệnh cho người phung chẳng khác nào làm cho người chết sống lại (Dân 12:12; 2 Vua 5:7, 14). Người phung bị xem là ô uế, ghê tởm và bị xã hội ruồng bỏ. Khi đến gần ai họ phải la lên: “Ô-uế! Ô-uế!” (Lê 13:43-46). Người phung bị coi như là người đã chết. Theo sổ ghi chép của các thầy ra-bi, người phung phải đứng cách người khác ít nhất 1,7m. Người ta nói rằng khi thấy một người phung, dù còn ở xa, một người lãnh đạo tôn giáo đã ném đá để không cho người ấy đến gần.

15. Chúa Giê-su đối xử thế nào với một người phung?

15 Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phản ứng của Chúa Giê-su khi một người phung đến với ngài để xin được chữa lành. (Đọc Mác 1:40-42). Thay vì đuổi đi, ngài tỏ lòng thương xót và xem trọng nhân phẩm người bị xã hội xa lánh. Ngài thấy đây là một người đáng thương cần sự giúp đỡ. Chúa Giê-su đã thể hiện lòng trắc ẩn bằng hành động. Ngài giơ tay rờ người phung và chữa lành cho ông.

16. Bạn học được gì qua cách Chúa Giê-su đối xử với người khác?

16 Là môn đồ của Chúa Giê-su, làm sao chúng ta có thể noi theo cách cư xử mà ngài đã phản ánh sự vinh hiển của Cha? Một cách là nhận thức mọi người—bất kể địa vị, sức khỏe hay tuổi tác—đều đáng được tôn trọng (1 Phi 2:17). Đặc biệt những người có trách nhiệm như người chồng, cha mẹ và trưởng lão đạo Đấng Christ, cần phải tôn trọng những người mà họ chăm sóc và giúp những người ấy không đánh mất lòng tự trọng. Nhấn mạnh rằng đây là một đòi hỏi cho tất các tín đồ Đấng Christ, Kinh Thánh nói: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em, hãy lấy lẽ kính nhường nhau”.—Rô 12:10.

Thể hiện phẩm cách đáng trọng trong sự thờ phượng

17. Chúng ta học được gì trong Kinh Thánh về việc thể hiện phẩm cách đáng trọng khi thờ phượng Đức Giê-hô-va?

17 Kinh Thánh cho thấy chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến việc thể hiện phẩm cách đáng trọng qua thái độ tôn kính khi thờ phượng Đức Giê-hô-va. Truyền-đạo 5:1 nói: “Khi ngươi vào nhà Đức Chúa Trời, hãy giữ chừng chân mình”. Cả Môi-se và Giô-suê được lệnh phải cởi giày khi vào nơi thánh (Xuất 3:5; Giô-suê 5:15). Họ phải làm điều đó để biểu lộ lòng tôn kính. Các thầy tế lễ của Y-sơ-ra-ên phải mặc quần lót bằng vải gai “đặng che sự lõa-lồ” (Xuất 28:42, 43). Điều này giúp họ tránh sự hở hang khi phụng sự nơi bàn thờ. Mỗi thành viên trong gia đình thầy tế lễ phải tuân thủ tiêu chuẩn về phẩm cách đáng trọng.

18. Chúng ta thể hiện phẩm cách đáng trọng như thế nào trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va?

18 Vậy, là người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta phải thể hiện phẩm cách đáng trọng trong mọi khía cạnh của đời sống. Chúng ta phải có phong cách lịch sự, lễ độ. Phẩm cách mà chúng ta thể hiện không phải là sự giả vờ hay chỉ là hình thức bên ngoài. Nó phải bao hàm điều mà loài người không thấy nhưng Đức Chúa Trời thấy, đó là lòng chúng ta (1 Sa 16:7; Châm 21:2). Phẩm cách này phải là một phần trong nhân cách của chúng ta, và ảnh hưởng đến cách cư xử, thái độ, mối quan hệ với người khác, cũng như quan điểm và cảm xúc về bản thân. Thật vậy, phẩm cách đó phải luôn được thể hiện trong mọi điều chúng ta nói và làm. Về hạnh kiểm, thái độ và cách ăn mặc, chúng ta ghi nhớ lời của sứ đồ Phao-lô: “Chúng tôi chẳng làm cho ai vấp-phạm, hầu cho chức-vụ của mình khỏi bị một tiếng chê-bai nào. Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời” (2 Cô 6:3, 4). Chúng ta “làm cho tôn-quí đạo Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa chúng ta, trong mọi đường”.—Tít 2:10.

Tiếp tục phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời

19, 20. (a) Chúng ta cho thấy mình xem trọng nhân phẩm người khác qua cách nào? (b) Liên quan đến phẩm cách đáng trọng, chúng ta nên quyết tâm làm gì?

19 Là người “làm chức khâm-sai của Đấng Christ”, các tín đồ được xức dầu thể hiện phẩm cách đáng trọng (2 Cô 5:20). “Chiên khác”, những người trung thành ủng hộ họ, là đặc phái viên đáng trọng của Nước Đấng Mê-si. Một khâm sai (đại sứ) hoặc đặc phái viên đại diện cho chính phủ mình phải nói năng dạn dĩ, đĩnh đạc. Thế nên, để ủng hộ Nước Trời hay sự cai trị của Đức Chúa Trời, chúng ta cần nói năng dạn dĩ, nghiêm túc (Ê-phê 6:19, 20). Khi “đem tin tốt về phước-lành” cho người khác, chẳng phải chúng ta cho thấy mình xem trọng nhân phẩm họ hay sao?—Ê-sai 52:7.

20 Chúng ta phải quyết tâm tôn vinh Đức Chúa Trời qua tư cách phù hợp với sự vinh hiển oai nghi của Ngài (1 Phi 2:12). Hãy luôn biểu lộ lòng tôn kính với Đức Chúa Trời, tôn quý sự thờ phượng và quý trọng anh em đồng đạo. Mong sao Đức Giê-hô-va, Đấng mặc sự vinh hiển oai nghi, hài lòng về phẩm cách của chúng ta khi thờ phượng Ngài.

[Chú thích]

^ đ. 3 Những lời của Đa-vít trong bài Thi-thiên 8 cũng tiên tri về người hoàn toàn là Chúa Giê-su Christ.—Hê 2:5-9.

Bạn trả lời thế nào?

• Hiểu rõ sự vinh hiển oai nghi của Đức Giê-hô-va tác động thế nào đến chúng ta?

• Qua cách Chúa Giê-su đối xử với một người phung, chúng ta học được gì?

• Chúng ta có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va qua những cách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 12]

Đức Giê-hô-va ban vinh dự cho A-bên bằng cách nào?

[Hình nơi trang 14]

Ngay cả bánh mì cũng cho thấy công việc sáng tạo tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 15]

Bạn học được gì qua cách Chúa Giê-su đối xử với một người phung?

[Hình nơi trang 16]

Sự thờ phượng đáng tôn quý phải bao hàm việc tôn kính Đức Giê-hô-va