Những điểm nổi bật trong thư gửi cho các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca và cho Ti-mô-thê
Lời Đức Giê-hô-va là lời sống
Những điểm nổi bật trong thư gửi cho các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca và cho Ti-mô-thê
Sứ đồ Phao-lô rao giảng ở Tê-sa-lô-ni-ca và hội thánh được thành lập ở đấy. Từ ban đầu, hội thánh này đã gặp nhiều bắt bớ. Vì vậy, khi Ti-mô-thê—có lẽ ngoài 20 tuổi—từ Tê-sa-lô-ni-ca trở về với những báo cáo tốt, Phao-lô đã viết một lá thư để khen và khích lệ các tín đồ Đấng Christ ở đấy. Lá thư đó có lẽ được viết vào cuối năm 50 CN và là thư đầu tiên mà Phao-lô được soi dẫn. Không lâu sau, ông viết cho các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca lá thư thứ hai. Trong thư này, ông sửa lại quan điểm sai lầm của một số người và khuyến giục anh em đứng vững trong đức tin.
Khoảng mười năm sau, Phao-lô ở Ma-xê-đoan còn Ti-mô-thê thì ở Ê-phê-sô. Phao-lô viết thư khuyến khích Ti-mô-thê ở lại Ê-phê-sô giúp anh em đứng vững về thiêng liêng bất kể ảnh hưởng của các giáo sư giả trong hội thánh. Sau trận hỏa hoạn hủy phá thành Rô-ma vào năm 64 CN, tín đồ Đấng Christ bị bắt bớ dữ dội, Phao-lô viết lá thư thứ hai cho Ti-mô-thê. Đó là thư cuối cùng mà ông được soi dẫn. Ngày nay chúng ta có thể được lợi ích từ sự khích lệ và lời khuyên trong bốn lá thư này của Phao-lô.—Hê 4:12.
“PHẢI TỈNH-THỨC”
Phao-lô khen tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca vì ‘công-việc của đức-tin, công-lao của lòng yêu-thương, sự bền-đỗ của họ’. Ông nói với họ rằng họ là “sự trông-cậy, vui-mừng và mão triều-thiên vinh-hiển” của ông.—1 Tê 1:3; 2:19.
Sau khi khuyên các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca yên ủi nhau bằng hy vọng về sự sống lại, Phao-lô nói: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm”. Ông khuyên họ “phải tỉnh-thức” và dè giữ.—1 Tê 4:16-18; 5:2, 6.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
4:15-17—Ai ‘được cất lên giữa đám mây, tại nơi không-trung mà gặp Chúa’, và điều này diễn ra như thế nào? Đó là những tín đồ được xức dầu sống vào thời kỳ Đấng Christ hiện diện trong vương quyền Nước Trời. Họ “gặp Chúa” Giê-su nơi cõi vô hình trên trời. Tuy nhiên, để có được điều này trước tiên họ phải chết và được sống lại trong thể thần linh (Rô 6:3-5; 1 Cô 15:35, 44). Thời kỳ Đấng Christ hiện diện đã bắt đầu, vì thế tín đồ được xức dầu nào chết vào ngày nay thì không ở lâu trong sự chết. Họ “được cất lên” hay được sống lại ngay lập tức.—1 Cô 15:51, 52.
5:23—Phao-lô có ý nói gì khi cầu nguyện cho “tâm-thần, linh-hồn, và thân-thể của anh em đều được giữ vẹn”? Phao-lô có ý nói đến tâm thần, linh hồn và thân thể của hội thánh tín đồ Đấng Christ, bao gồm các tín đồ được xức dầu bằng thánh linh ở Tê-sa-lô-ni-ca. Thay vì chỉ cầu nguyện cho hội thánh được giữ vẹn, ông cầu nguyện cho “tâm-thần” hay tinh thần của hội thánh được giữ vẹn. Ông cũng cầu nguyện cho “linh-hồn”, tức sự sống hay sự tồn tại của hội thánh, và cho “thân-thể”—tập thể các tín đồ được xức dầu (1 Cô 12:12, 13). Do đó, lời cầu nguyện này của Phao-lô cho thấy rõ mối quan tâm sâu xa của ông đối với hội thánh.
Bài học cho chúng ta:
1:3, 7; 2:13; 4:1-12; 5:15. Một cách hữu hiệu để cho lời khuyên là vừa khen thành thật vừa khuyến khích để một người làm tốt hơn.
4:1, 9, 10. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va nên tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng.
5:1-3, 8, 20, 21. Vì ngày Đức Giê-hô-va gần đến, chúng ta phải “dè-giữ, mặc áo-giáp bằng đức-tin và lòng yêu-thương, lấy sự trông-cậy về sự cứu-rỗi làm mão-trụ”. Ngoài ra, chúng ta phải chú trọng đến Lời có tính tiên tri của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh.
“HÃY ĐỨNG VỮNG”
Bóp méo lời của Phao-lô viết trong lá thư thứ nhất, một số người trong hội thánh dường như cho rằng “sự đến của Đức Chúa Jêsus” gần kề. Để sửa sai quan điểm này, Phao-lô cho biết điều gì phải “đến trước”.—2 Tê 2:1-3.
Phao-lô khuyên giục: “Hãy đứng vững, hãy vâng-giữ những điều dạy-dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em”. Ông bảo họ “phải lánh người anh em nào không biết tu đức-hạnh mình”.—2 Tê 2:15; 3:6.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
2:3, 8—Ai là “kẻ nghịch cùng luật-pháp”, và sẽ bị hủy diệt như thế nào? “Kẻ” này là hàng giáo phẩm của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. Đấng được ủy quyền tuyên bố sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với kẻ ác và ra lệnh thi hành sự phán xét ấy là “Ngôi-Lời”—Phát Ngôn Viên chính của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su (Giăng 1:14). Vì thế có thể nói rằng Chúa Giê-su sẽ ‘dùng hơi [lực] miệng ngài’ để hủy diệt kẻ nghịch cùng luật pháp.
2:13, 14—Làm thế nào những tín đồ chịu xức dầu đã được chọn từ lúc ban đầu để nhận sự cứu rỗi? Lớp người chịu xức dầu đã được định trước vào lúc Đức Giê-hô-va nêu ra ý định là dòng dõi người nữ giày đạp đầu của Sa-tan (Sáng 3:15). Đức Giê-hô-va cũng cho biết họ phải hội đủ những điều kiện nào, sẽ làm công việc gì và trải qua thử thách nào. Theo đó, Ngài kêu gọi họ để thực hiện sự định trước này.
Bài học cho chúng ta:
1:6-9. Sự phán xét của Đức Giê-hô-va là có chọn lọc.
3:8-12. Không nên viện lý do ngày của Đức Giê-hô-va gần kề để không chịu làm việc nuôi thân trong lúc thi hành thánh chức. Tình trạng không công ăn việc làm có thể khiến chúng ta lười biếng và trở thành “kẻ thày-lay việc người khác”.—1 Phi 4:15.
“HÃY GIỮ LẤY SỰ GIAO-PHÓ ĐÃ NẤY CHO CON”
Phao-lô dạy Ti-mô-thê hãy “đánh trận tốt-lành, cầm-giữ đức-tin và lương-tâm tốt”. Phao-lô nêu ra những tiêu chuẩn để bổ nhiệm các anh trong hội thánh. Ông cũng bảo Ti-mô-thê ‘hãy bỏ đi những lời hư-ngụy phàm-tục’.—1 Ti 1:18, 19; 3:1-10, 12, 13; 4:7.
Phao-lô viết: “Chớ quở nặng người già-cả”. Ông khuyên Ti-mô-thê: “Hãy giữ lấy sự giao-phó đã nấy cho con, tránh những lời hư-không phàm-tục và những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức”.—1 Ti 5:1; 6:20.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:18; 4:14—Những “lời tiên-tri” nào đã chỉ về Ti-mô-thê? Có lẽ đó là những lời tiên tri liên quan đến vai trò sau này của Ti-mô-thê trong hội thánh đạo Đấng Christ, đã được nói dưới sự soi dẫn khi Phao-lô viếng thăm thành Lít-trơ trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai (Công 16:1, 2). Dựa trên “các lời tiên-tri” này, các trưởng lão đã “đặt tay” trên tín đồ trẻ Ti-mô-thê để giao một nhiệm vụ đặc biệt.
2:15—Đàn bà “nhân đẻ con mà được cứu-rỗi”, hàm ý gì? Việc sinh con, chăm sóc chúng và coi sóc gia đình có thể “cứu” người nữ khỏi việc “thày-lay thóc-mách” vì hay ở không.—1 Ti 5:11-15.
3:16—Sự mầu nhiệm của sự tin kính là gì? Con người có thể hoàn toàn vâng phục quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va hay không, từ lâu đó là một sự mầu nhiệm hay bí ẩn. Chúa Giê-su đã đưa ra câu trả lời qua việc giữ vẹn lòng trung kiên với Đức Chúa Trời cho đến chết.
6:15, 16—Những lời này nói đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời hay Chúa Giê-su? Những lời này miêu tả sự hiện ra của Chúa Giê-su, vì thế nói đến Chúa Giê-su (1 Ti 6:14). So sánh với vua chúa loài người, Chúa Giê-su là ‘Đấng Chủ-tể có một’, và chỉ mình ngài có sự không hề chết (Đa 7:14; Rô 6:9). Từ lúc Chúa Giê-su lên trời, không người nào trên đất “thấy được” ngài bằng mắt thường.
Bài học cho chúng ta:
4:15. Dù mới trở thành tín đồ Đấng Christ hay đã lâu năm trong đạo, chúng ta phải luôn cố gắng tiến bộ về thiêng liêng.
6:2. Nếu làm việc cho một anh em đồng đạo, thay vì tìm cách lợi dụng, chúng ta càng nên hết lòng làm việc cho người anh em ấy hơn là khi làm việc cho người ngoại.
‘HÃY GIẢNG ĐẠO, BẤT-LUẬN GẶP THỜI HAY KHÔNG GẶP THỜI’
Để giúp Ti-mô-thê chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn trước mắt, Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm-thần nhút-nhát, bèn là tâm-thần mạnh-mẽ, có tình thương-yêu và dè-giữ”. Ti-mô-thê được khuyên: “Tôi-tớ của Chúa không nên ưa sự tranh-cạnh; nhưng phải ở tử-tế với mọi người, có tài dạy dỗ”.—2 Ti 1:7; 2:24.
Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “Hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy”. Những dạy dỗ bội đạo đang lan tràn, vì vậy sứ đồ khuyên người giám thị trẻ này: “Hãy giảng đạo. . . bất-luận gặp thời hay không gặp thời. . . [hãy] bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị”.—2 Ti 3:14; 4:2.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:13—“Mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” là gì? “Các sự dạy-dỗ có ích” là “lời có ích của Đức Chúa Jêsus-Christ”—sự dạy dỗ đúng đắn của đạo Đấng Christ (1 Ti 6:3). Những gì Chúa Giê-su dạy và làm đều phù hợp với Lời Đức Chúa Trời, vì thế cụm từ “các sự dạy-dỗ có ích” cũng có thể hiểu rộng là tất cả những dạy dỗ của Kinh Thánh. Vậy những dạy dỗ này có thể giúp chúng ta biết Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta. Chúng ta giữ mẫu mực này bằng cách thực hành những gì mình học được trong Kinh Thánh.
4:13—“Những sách bằng giấy da” là những sách nào? Có thể Phao-lô nhờ mang đến cho ông một số cuộn sách thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ để ông nghiên cứu trong thời gian bị tù ở Rô-ma. Một số cuộn sách có thể là giấy cói còn những sách khác là giấy da.
Bài học cho chúng ta:
1:5; 3:15. Lý do cơ bản cho thấy tại sao Ti-mô-thê có đức tin nơi Chúa Giê-su—đức tin này ảnh hưởng đến mọi điều ông làm—đó là sự giáo dục về Kinh Thánh mà ông nhận được từ gia đình khi còn thơ ấu. Đối với các thành viên trong gia đình, suy nghĩ nghiêm túc về việc làm tròn trách nhiệm với Đức Chúa Trời và với con cái là điều quan trọng biết bao!
1:16-18. Khi anh em đồng đạo trải qua thử thách, bị bắt bớ hay bị tù, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và gắng sức làm mọi điều để giúp họ.—Châm 3:27; 1 Tê 5:25.
2:22. Các tín đồ Đấng Christ, đặc biệt là những người trẻ, không nên quá chú tâm đến việc luyện tập thể hình, đến thể thao, âm nhạc, giải trí, sở thích riêng, du lịch, những cuộc trò chuyện vô bổ và những điều tương tự, khiến họ không còn nhiều thời gian cho những hoạt động thiêng liêng.
[Hình nơi trang 31]
Thư nào là thư cuối cùng mà sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết?