Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trau dồi sự hiểu biết với tinh thần cởi mở

Trau dồi sự hiểu biết với tinh thần cởi mở

Trau dồi sự hiểu biết với tinh thần cởi mở

Tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va đều muốn làm đẹp lòng Ngài. Vì muốn như thế, chúng ta sốt sắng trau dồi đức tin và phụng sự Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô lưu ý chúng ta về mối nguy hiểm đã ảnh hưởng đến một số người Do Thái thời ông: “Họ có lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng không theo sự hiểu biết” (Rô 10:2, Bản Dịch Mới). Rõ ràng, đức tin và sự thờ phượng của chúng ta không nên dựa trên cảm xúc mà thôi. Chúng ta cần hiểu biết chính xác về Đấng Tạo Hóa và ý muốn của Ngài.

Trong các lá thư, Phao-lô liên kết hạnh kiểm Đức Chúa Trời chấp nhận với việc sốt sắng thu thập sự hiểu biết. Phao-lô cầu xin cho các tín đồ Đấng Christ được “đầy-dẫy sự hiểu-biết” về ý muốn Đức Chúa Trời để “ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu-biết Đức Chúa Trời” (Cô 1:9, 10). Tại sao chúng ta rất cần sự hiểu biết này? Và tại sao chúng ta nên trau dồi sự hiểu biết ấy?

Chìa khóa của đức tin

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài, như được tiết lộ trong Kinh Thánh, là nền tảng của đức tin chúng ta. Không có sự hiểu biết đáng tin cậy ấy, đức tin của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va sẽ giống như ngôi nhà xếp bằng những lá bài, dễ bị thổi sập bởi một luồng gió nhẹ. Sứ đồ Phao-lô khuyến khích chúng ta hãy dâng cho Đức Chúa Trời sự thờ phượng “phải lẽ” và hãy ‘đổi mới tâm-thần’ (Rô 12:1, 2). Đều đặn học hỏi Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta trong phương diện này.

Chị Ewa, một tiên phong đều đều ở Ba Lan, thừa nhận: “Nếu không đều đặn học hỏi Lời Đức Chúa Trời, tôi sẽ không thể gia tăng sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va. Tôi sẽ dần mất đi phẩm chất của tín đồ Đấng Christ và đức tin nơi Đức Chúa Trời bị yếu đi—Tôi sẽ bị suy sụp về thiêng liêng”. Mong sao điều đó sẽ không bao giờ xảy đến cho chúng ta! Hãy xem xét gương của một người đã trau dồi sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và nhờ đó làm Ngài hài lòng.

“Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao!”

Bài Thi-thiên 119 trong Kinh Thánh là một bài thơ ca, diễn tả cảm xúc của người viết về luật pháp, các chứng cớ (lời nhắc nhở), giềng mối, điều răn và mạng lịnh của Đức Giê-hô-va. Ông viết: “Tôi ưa-thích luật-lệ Chúa. . . Các chứng-cớ Chúa là sự hỉ-lạc tôi”. Ông cũng viết: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy”.—Thi 119:16, 24, 47, 48, 77, 97.

Từ “ưa-thích” và “suy-gẫm” nói lên thái độ vui thích suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời. Hai từ này cho thấy người viết Thi-thiên rất yêu thích học hỏi luật pháp Đức Chúa Trời. Sự yêu thích đó không chỉ là cảm xúc trào dâng trong lòng ông. Đúng hơn, ông tha thiết muốn suy ngẫm luật pháp Đức Chúa Trời để được thông hiểu Lời Ngài. Qua thái độ của ông, chúng ta có thể thấy rằng ông muốn hiểu tường tận về Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài.

Rõ ràng, người viết Thi-thiên yêu mến Lời Đức Chúa Trời từ tận đáy lòng. Chúng ta có thể tự hỏi: “Tôi có giống như vậy không? Tôi có vui thích đọc và phân tích một đoạn Kinh Thánh mỗi ngày không? Tôi có siêng năng đọc Lời Đức Chúa Trời và cầu nguyện trước khi đọc không?”. Nếu trả lời “có” cho những câu hỏi này thì rất có thể chúng ta đang được “thêm lên trong sự hiểu-biết Đức Chúa Trời”.

Chị Ewa cho biết: “Tôi luôn cố gắng cải thiện việc học hỏi cá nhân. Từ khi nhận được ấn phẩm “Hãy xem xứ tốt-tươi”, gần như mỗi lần học hỏi tôi đều sử dụng nó. Càng ngày tôi càng cố gắng tra cứu sách Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh) và những tài liệu tham khảo khác khi cần”.

Cũng hãy xem gương của anh Wojciech và chị Małgorzata, những người có khá nhiều trách nhiệm gia đình. Họ sắp xếp thế nào để có thì giờ học Kinh Thánh cá nhân? Anh chị nói: “Mỗi người chúng tôi cố gắng dành thì giờ học hỏi Lời Đức Chúa Trời riêng. Rồi trong các buổi học gia đình và những cuộc trò chuyện hằng ngày, chúng tôi chia sẻ với nhau những điểm thú vị hoặc khích lệ”. Học hỏi Kinh Thánh cá nhân kỹ lưỡng mang lại nhiều niềm vui và giúp họ “thêm lên trong sự hiểu-biết”.

Học hỏi với tinh thần cởi mở

Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời “muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật” (1 Ti 2:3, 4). Điều này nhấn mạnh giá trị của việc đọc và cố gắng hiểu Kinh Thánh (Mat 15:10). Một cách giúp chúng ta làm điều đó là học hỏi với tinh thần cởi mở. Đây là thái độ mà những người thành Bê-rê xưa đã biểu lộ khi sứ đồ Phao-lô chia sẻ tin mừng với họ: “Những người này cởi mở. . . nhiệt thành tiếp nhận Đạo Chúa, hằng ngày tra cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không”.—Công 17:11, BDM.

Bạn có noi theo tinh thần cởi mở nhiệt thành của những người Bê-rê, và cố gắng không để mình bị phân tâm một cách không cần thiết khi đang học Kinh Thánh không? Một tín đồ Đấng Christ có thể tập noi theo những người Bê-rê, ngay dù trong quá khứ người ấy không xem việc học hỏi là điều thích thú. Ngoài ra, khi càng lớn tuổi, một số người càng ít đọc và học hỏi, nhưng tín đồ Đấng Christ không như thế. Dù ở tuổi nào, một người cũng có thể tập cố gắng không để mình bị phân tâm. Khi đọc, bạn có thể chú ý tìm những điều để chia sẻ với người khác. Thí dụ, bạn có thể chia sẻ cho người hôn phối hoặc một người bạn trong hội thánh những điều bạn đã đọc hay học được trong lúc học hỏi cá nhân không? Làm thế có thể giúp bạn khắc ghi những điều đã học vào tâm trí, đồng thời tác động tích cực đến người khác.

Trong việc học, hãy noi gương một tôi tớ Đức Chúa Trời thời xưa là ông E-xơ-ra. Ông “định chí [“chuẩn bị lòng”, NW] tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va” (E-xơ-ra 7:10). Bạn có thể chuẩn bị lòng bằng cách nào? Bạn có thể sắp xếp một nơi thuận lợi cho việc học hỏi. Sau đó, hãy ngồi xuống, cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn và ban sự khôn ngoan (Gia 1:5). Hãy tự hỏi: “Tôi mong muốn học được điều gì trong buổi học này?”. Khi đọc, hãy để ý đến các ý chính. Bạn có thể ghi chú lại những ý này hoặc đánh dấu những phần mình đặc biệt muốn nhớ. Hãy xem bạn có thể sử dụng tài liệu này như thế nào khi rao giảng, khi quyết định một điều gì hoặc khi khuyến khích anh em đồng đạo. Cuối buổi học, hãy ôn sơ lại những gì đã xem xét. Điều này sẽ giúp bạn nhớ những gì đã học.

Chị Ewa cho biết phương pháp học hỏi của mình: “Khi đọc Kinh Thánh, tôi dùng cột tham khảo ở giữa trang *, Watch Tower Publications Index (Thư mục ấn phẩm Hội Tháp Canh), và Watchtower Library (Thư viện Tháp Canh) trong CD-ROM. Tôi ghi chú lại những điểm mình có thể dùng trong thánh chức”.

Một số người từ lâu rất ham thích nghiên cứu sâu về những điều thiêng liêng (Châm 2:1-5). Dù vậy, họ có nhiều trách nhiệm nên thấy khó sắp xếp thời gian học hỏi cá nhân. Trong trường hợp đó, bạn có thể làm gì để điều chỉnh thời khóa biểu của mình?

Làm sao tìm được thời gian?

Có lẽ bạn đồng ý rằng dễ sắp xếp thời gian để làm những điều mình thích. Nhiều người nhận thấy điều giúp cá nhân họ chăm chú học hỏi là đặt một mục tiêu thực tế, chẳng hạn như đọc toàn bộ Kinh Thánh. Có thể bạn thấy ngao ngán khi đọc những bảng gia phả dài lê thê, lời miêu tả chi tiết về đền thờ thời xưa hoặc những lời tiên tri phức tạp có vẻ như không liên quan gì đến đời sống thường ngày. Vậy hãy cố gắng thực hiện những bước thực tiễn để đạt mục tiêu. Thí dụ, trước khi xem xét một đoạn Kinh Thánh trông có vẻ khó, bạn có thể đọc về bối cảnh lịch sử của đoạn đó hoặc cách áp dụng vào thực tế. Bạn có thể tìm thấy những thông tin này trong sách “Cả Kinh-thánh”—Xác thực và hữu ích, được ấn hành trong gần 50 ngôn ngữ.

Thật hứng thú khi dùng trí tưởng tượng trong lúc đọc Kinh Thánh. Điều này có thể giúp bạn hình dung về các nhân vật và những sự kiện trong lời tường thuật. Chỉ cần áp dụng vài đề nghị này thôi thì việc học hỏi của bạn có thể trở nên thích thú và bổ ích hơn. Nhờ thế, bạn sẽ càng háo hức dành thời gian cho việc học hỏi, và dễ giữ được thói quen đọc Kinh Thánh mỗi ngày.

Những đề nghị trên có thể giúp chúng ta trong phương diện cá nhân, nhưng một gia đình bận rộn có thể làm gì? Sao không ngồi lại với nhau để thảo luận một cách thoải mái về những lợi ích có thể nhận được từ buổi học gia đình? Qua cuộc thảo luận đó, gia đình có thể rút ra những ý kiến thực tiễn, chẳng hạn như dậy sớm hơn vài phút mỗi ngày hoặc những ngày nào đó trong tuần để xem xét một phần Kinh Thánh. Cuộc thảo luận cũng có thể cho thấy cần phải điều chỉnh thời khóa biểu của gia đình. Thí dụ, một số gia đình thấy có ích khi thảo luận câu Kinh Thánh mỗi ngày hoặc đọc một đoạn Kinh Thánh sau bữa ăn chung. Trước khi một người nào dọn dẹp bàn hoặc làm việc khác, cả gia đình dành 10 hay 15 phút để đọc hoặc thảo luận Kinh Thánh. Ban đầu, điều này có thể khó thực hiện, nhưng chỉ ít lâu sau, nó có thể trở thành thông lệ của gia đình và rất thích thú.

Anh Wojciech và chị Małgorzata cho biết điều gì giúp gia đình họ: “Trước đây, chúng tôi mất nhiều thời gian cho những việc lặt vặt, không quan trọng. Chúng tôi quyết định giảm bớt thời gian gửi e-mail. Chúng tôi cũng cắt giảm thời gian giải trí và dành ra một ngày giờ nhất định để nghiên cứu Kinh Thánh”. Gia đình này chắc chắn không hối tiếc về những điều chỉnh đó, và gia đình bạn cũng có thể được như vậy.

Trau dồi sự hiểu biết là đáng công!

Đào sâu vào Lời Đức Chúa Trời có thể “nẩy ra đủ các việc lành” (Cô 1:10). Khi bạn làm các việc lành trong đời sống thì mọi người sẽ thấy sự tiến bộ của bạn. Bạn sẽ có sự hiểu biết toàn diện về lẽ thật Kinh Thánh. Bạn sẽ quyết định thăng bằng hơn và biết cách giúp người khác khéo léo hơn, tránh được thái độ cực đoan thường thấy ở người thiếu hiểu biết. Trên hết, bạn sẽ đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Bạn sẽ quý trọng những đức tính của Ngài sâu xa hơn, và điều này sẽ được thể hiện rõ khi bạn nói với người khác về Ngài.—1 Ti 4:15; Gia 4:8.

Bất kể tuổi tác hoặc kinh nghiệm sống, hãy cố gắng tiếp tục vui thích đọc Lời Đức Chúa Trời và đào sâu vào Kinh Thánh với tinh thần cởi mở. Bạn có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ không quên những nỗ lực của bạn (Hê 6:10). Ngài sẽ ban cho bạn ân phước dồi dào.

[Khung nơi trang 13]

NẾU TRAU DỒI SỰ HIỂU BIẾT

Chúng ta sẽ củng cố đức tin nơi Đức Giê-hô-va và ăn ở xứng đáng với Ngài.—Cô 1:9, 10

Chúng ta sẽ có sự hiểu biết sâu sắc, có khả năng phán đoán và quyết định một cách sáng suốt.—Thi 119:99

Chúng ta sẽ càng vui thích giúp người khác đến gần Đức Giê-hô-va.—Mat 28:19, 20

[Các hình nơi trang 14]

Tìm nơi thuận lợi cho việc học hỏi có thể không dễ nhưng là điều nên làm

[Hình nơi trang 15]

Một số gia đình đọc một đoạn Kinh Thánh sau bữa ăn

[Chú thích]

^ đ. 17 Trong New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới).