Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Đức Giê-hô-va là sức-mạnh của tôi’

‘Đức Giê-hô-va là sức-mạnh của tôi’

‘Đức Giê-hô-va là sức-mạnh của tôi’

Do Joan Coville kể lại

Tôi sinh vào tháng 7 năm 1925 tại Huddersfield, Anh Quốc. Tôi là con một, sức khỏe lại yếu kém. Thật vậy, cha tôi thường nói: “Hễ con gặp gió là bị bệnh”. Điều đó dường như là đúng!

Lúc còn nhỏ, tôi thường nghe linh mục tha thiết cầu nguyện cho hòa bình, nhưng khi Thế Chiến II bùng nổ, họ lại cầu xin chiến thắng. Điều này khiến tôi hoang mang và nảy sinh nhiều mối nghi ngờ. Chính vào lúc đó, cô Annie Ratcliffe đến nhà chúng tôi. Cô là Nhân Chứng Giê-hô-va duy nhất sống trong vùng đó.

Được tiếp xúc với lẽ thật

Cô Annie để sách Salvation (Sự cứu rỗi) lại cho chúng tôi và mời mẹ tôi tham dự buổi thảo luận Kinh Thánh tại nhà cô *. Mẹ bảo tôi đi cùng. Tôi vẫn nhớ buổi thảo luận đầu tiên đó bàn về giá chuộc. Tôi ngạc nhiên là buổi thảo luận không nhàm chán chút nào. Nhiều thắc mắc của tôi đã được giải đáp. Vào tuần kế tiếp chúng tôi lại đến dự, buổi thảo luận lần này giải thích lời Chúa Giê-su tiên tri về điềm của ngày sau rốt. Nhìn tình trạng ảm đạm của thế giới này, mẹ và tôi nhận ra ngay đây là lẽ thật. Cũng ngày hôm đó, chúng tôi được mời đến Phòng Nước Trời.

Tại Phòng Nước Trời, tôi gặp một vài người tiên phong trẻ, trong số đó là chị Joyce Barber (nay là Joyce Ellis), hiện vẫn cùng chồng là anh Peter phụng sự tại nhà Bê-tên Luân Đôn. Tôi tưởng tiên phong là công việc mọi người đều làm. Thế nên, tôi lập tức bắt đầu rao giảng 60 giờ một tháng, dù vẫn còn đi học.

Năm tháng sau, vào ngày 11-2-1940, mẹ và tôi báp têm tại hội nghị vòng quanh ở Bradford. Cha tôi không chống đối tôn giáo mới của chúng tôi, nhưng ông cũng không bao giờ quyết định theo lẽ thật. Vào khoảng thời gian tôi báp têm, việc làm chứng tại góc đường được bắt đầu. Tôi mang túi đựng tạp chí và đeo áp phích để tham gia. Một thứ bảy nọ, tôi được chỉ định đứng ở nơi có nhiều người qua lại nhất của một khu buôn bán. Tôi vẫn còn sợ người ta và quả đúng như vậy, tôi có cảm tưởng là tất cả bạn học của tôi đều đi ngang qua đó!

Vào năm 1940, hội thánh của chúng tôi cần phải chia ra. Sau đó, gần như mọi người đồng lứa tuổi của tôi đều ở trong hội thánh kia. Tôi đến than phiền với anh giám thị chủ tọa, anh nói: “Nếu em muốn có bạn trẻ thì hãy đi rao giảng để tìm họ”. Và tôi đã làm y như vậy! Không lâu sau, tôi gặp Elsie Noble. Cô ấy chấp nhận lẽ thật và trở thành một người bạn thân trong đời tôi.

Công việc tiên phong và những ân phước

Sau khi học xong, tôi làm việc cho một kế toán viên. Tuy nhiên, khi càng nhìn thấy niềm vui của những người phụng sự trọn thời gian, tôi càng ao ước làm tiên phong để phụng sự Đức Giê-hô-va. Vào tháng 5 năm 1945, tôi vui mừng khởi sự công việc tiên phong đặc biệt. Trong ngày đầu tiên, trời mưa tầm tả suốt ngày. Nhưng tôi rất vui vì được đi rao giảng nên chẳng quan tâm đến gì đến mưa gió. Thật ra, ở ngoài trời mỗi ngày và thường xuyên đi rao giảng bằng xe đạp lại tốt cho sức khỏe của tôi. Tôi chưa từng cân nặng hơn 42 kí. Tuy ốm yếu nhưng tôi chưa bao giờ ngưng công việc tiên phong. Qua năm tháng, tôi đã cảm nghiệm được rằng ‘Đức Giê-hô-va là sức-mạnh của tôi’.—Thi 28:7.

Là tiên phong đặc biệt, tôi được gửi đến những thị trấn không có Nhân Chứng, với mục tiêu thành lập các hội thánh mới. Ban đầu, tôi phụng sự ba năm ở Anh và ba năm ở Ireland. Trong lúc làm tiên phong tại Lisburn, Ireland, tôi hướng dẫn một phụ tá của mục sư Tin lành học Kinh Thánh. Khi học biết sự thật về những giáo lý căn bản của Kinh Thánh, ông chia sẻ những điều ấy với hội thánh của mình. Một số tín đồ than phiền với những người có thẩm quyền trong nhà thờ và thế là ông được yêu cầu phải giải thích. Ông nói rằng với tư cách tín đồ Đấng Christ, ông cảm thấy mình có trách nhiệm phải nói với các con chiên rằng ông đã dạy nhiều điều sai lầm. Dù bị gia đình chống đối dữ dội, ông đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và trung thành phụng sự Ngài cho đến khi qua đời.

Năm 1950, khi người bạn tiên phong đi New York dự Hội nghị Thần Quyền Tăng Tiến, tôi đã đi rao giảng một mình trong sáu tuần lễ ở Larne, nhiệm sở tiên phong thứ hai ở Ireland. Đó là một khoảng thời gian khó khăn cho tôi vì tôi cũng muốn được dự hội nghị. Nhưng trong những tuần lễ đó, tôi có nhiều kinh nghiệm khích lệ khi rao giảng. Tôi gặp một người cao tuổi đã nhận một ấn phẩm của chúng ta hơn 20 năm trước. Từ đó, ông đã đọc đi đọc lại nó nhiều lần đến độ gần như thuộc lòng. Ông cùng với hai người con, một trai một gái, đã chấp nhận lẽ thật.

Được huấn luyện tại Trường Ga-la-át

Vào năm 1951, tôi cùng với mười người tiên phong ở Anh được mời dự khóa thứ 17 của Trường Ga-la-át ở South Lansing, New York. Sự hướng dẫn Kinh Thánh chúng tôi nhận được trong những tháng ấy thật thích thú biết bao! Vào lúc đó, các chị chưa tham gia Trường Thánh Chức tại hội thánh địa phương. Nhưng ở Trường Ga-la-át, các chị được giao làm bài giảng và các bài báo cáo. Chúng tôi hồi hộp run sợ làm sao! Suốt bài giảng đầu tiên, tay tôi run rẩy trong khi đang cầm tờ giấy ghi chú. Anh giảng viên Maxwell Friend hài hước nói: “Những diễn giả giỏi thường hồi hộp lúc mới bắt đầu, chị chẳng những thế mà còn run cho đến hết bài”. Trong suốt khóa học, tất cả chúng tôi đã trau dồi khả năng diễn đạt trước lớp. Mới đó mà khóa học đã kết thúc, chúng tôi tốt nghiệp và được bổ nhiệm đến một số nước. Nhiệm sở của tôi là Thái Lan!

“Xứ sở của những nụ cười”

Tôi xem chị Astrid Anderson, người được bổ nhiệm làm chung với tôi tại Thái Lan, là món quà đến từ Đức Giê-hô-va. Phải mất bảy tuần trên một chuyến tàu chở hàng để đi đến đó. Khi đến thủ đô Bangkok, chúng tôi thấy một thành phố với nhiều khu chợ náo nhiệt và hệ thống kênh rạch để giao thông. Vào năm 1952, chưa có tới 150 người công bố tại Thái Lan.

Lần đầu tiên nhìn thấy Tháp Canh bằng tiếng Thái, chúng tôi tự hỏi: “Đến bao giờ chúng ta mới nói được thứ tiếng này?”. Đặc biệt khó để phát âm từ cho đúng thanh điệu. Chẳng hạn, chữ khaù khi nói với giọng lên cao và rồi hạ xuống thì có nghĩa là “gạo”, nhưng với giọng trầm thì nghĩa là “tin tức”. Vì thế, khi đi rao giảng, lúc đầu chúng tôi rất hăm hở nói với người ta là “Tôi mang đến cho ông gạo ngon” thay vì “tin mừng”! Nhưng dần dần—sau nhiều lần cười ngất—chúng tôi đã thành công.

Người Thái rất thân thiện. Thật thích hợp khi Thái Lan được gọi là xứ sở của những nụ cười. Nhiệm sở đầu tiên là thành phố Khorat (nay gọi là Nakhon Ratchasima), nơi chúng tôi phục vụ trong hai năm. Về sau, chúng tôi được cử đến thành phố Chiang Mai. Phần lớn người Thái theo đạo Phật nên không biết nhiều Kinh Thánh. Ở Khorat, tôi hướng dẫn một người quản lý bưu điện học Kinh Thánh. Chúng tôi thảo luận về tộc trưởng Áp-ra-ham. Vì đã nghe qua cái tên Áp-ra-ham nên ông gật gù tỏ vẻ đồng tình. Nhưng chỉ ít phút sau, tôi nhận ra rằng chúng tôi không đang nói về cùng một ông Áp-ra-ham. Ông ta nghĩ đến Abraham Lincoln, cố tổng thống Hoa Kỳ!

Chúng tôi vui thích dạy Kinh Thánh cho những người Thái có lòng thành thật, nhưng đồng thời họ dạy lại chúng tôi cách sống giản dị và hạnh phúc. Đó là một bài học hữu ích vì trong nhà giáo sĩ đầu tiên tại Khorat không có điện hoặc hệ thống nước. Trong những nhiệm sở như thế, chúng tôi “tập cả. . . dư hay thiếu cũng được”. Giống sứ đồ Phao-lô, chúng tôi cảm nghiệm được ý nghĩa của câu: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:12, 13.

Người bạn mới và nhiệm sở mới

Vào năm 1945, tôi đến thăm Luân Đôn. Vào dịp đó, tôi cùng một số anh chị tiên phong và thành viên nhà Bê-tên đến thăm Viện bảo tàng Anh Quốc. Trong số đó có anh Allan Coville, không lâu sau anh được dự khóa thứ 11 của Trường Ga-la-át. Anh được bổ nhiệm đi Pháp, và rồi sang Bỉ *. Sau này, lúc tôi vẫn đang làm giáo sĩ ở Thái Lan, anh ngỏ lời cầu hôn và tôi đã chấp nhận.

Chúng tôi kết hôn vào ngày 9-7-1955 tại Brussels, Bỉ. Tôi hằng mơ được hưởng tuần trăng mật ở Paris, nên anh Allan sắp xếp để chúng tôi đi dự hội nghị tại đó vào tuần kế tiếp. Tuy nhiên, khi vừa đến nơi, anh Allan được nhờ giúp thông dịch trong suốt hội nghị. Mỗi ngày, anh phải đi từ sáng sớm và đến khuya chúng tôi mới trở về chỗ trọ. Thế là tôi đã được hưởng tuần trăng mật ở Paris, nhưng hầu như tôi chỉ nhìn thấy anh Allan từ xa—trên bục giảng! Dù vậy, tôi rất vui vì thấy chồng mình được dùng để phục vụ các anh chị em, và tôi cũng nhận biết rõ rằng nếu xem Đức Giê-hô-va có vai trò trọng yếu trong hôn nhân thì chúng tôi sẽ thật sự hạnh phúc.

Hôn nhân cũng mang lại cho tôi một khu vực rao giảng mới—nước Bỉ. Hầu như tôi chỉ biết nước Bỉ là nơi từng diễn ra nhiều cuộc chiến, nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ra rằng đa số người Bỉ thật sự yêu chuộng hòa bình. Nhiệm sở này đòi hỏi tôi phải học tiếng Pháp, một ngôn ngữ được sử dụng ở miền nam nước Bỉ.

Năm 1955, có khoảng 4.500 người công bố ở Bỉ. Trong gần 50 năm, anh Allan và tôi phục vụ tại nhà Bê-tên và trong công tác lưu động. Hai năm rưỡi đầu, chúng tôi đi bằng xe đạp, băng qua những ngọn đồi, bất kể mưa nắng. Trong nhiều năm, chúng tôi đã ngủ đêm tại hơn 2.000 nhà anh chị Nhân Chứng! Tôi thường gặp các anh chị có sức khỏe yếu kém nhưng đều phụng sự Đức Giê-hô-va với hết sức lực mình. Gương của họ khuyến khích tôi không từ bỏ công việc của mình. Vào cuối mỗi tuần viếng thăm các hội thánh, chúng tôi luôn cảm thấy được khích lệ (Rô 1:11, 12). Anh Allan quả là một người bạn đích thực. Câu Kinh Thánh ghi nơi Truyền 4:9, 10 thật đúng biết bao: “Hai người hơn một. . . Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên”!

Được ân phước nhờ phụng sự bằng sức mạnh của Đức Giê-hô-va

Qua nhiều năm, tôi và anh Allan có nhiều kinh nghiệm vui trong việc giúp người khác phụng sự Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, năm 1983, chúng tôi viếng thăm một hội thánh nói tiếng Pháp ở Antwerp và trọ lại nhà của một gia đình. Họ cũng cho Benjamin Bandiwila ở trọ, đây là một anh trẻ đến từ Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo). Benjamin đến Bỉ để học lên cao. Anh nói với chúng tôi: “Cháu thật sự thích lối sống của cô chú, dâng trọn đời sống cho việc phụng sự Đức Giê-hô-va”. Anh Allan đáp: “Cháu nói cháu thích lối sống của cô chú, nhưng cháu lại theo đuổi một sự nghiệp trong thế gian. Cháu không nghĩ điều đó thật mâu thuẫn sao?”. Những lời thẳng thắng đó đã khiến Benjamin suy nghĩ về đời sống của mình. Sau đó, anh trở về Zaire, bắt đầu làm tiên phong và hiện phụng sự với tư cách là thành viên của Ủy ban chi nhánh.

Năm 1999, tôi phải phẫu thuật vì bị loét thực quản. Từ đó, tôi chỉ còn nặng 30 kí. Tôi đúng là cái “chậu bằng đất” mỏng manh, dễ vỡ. Nhưng tôi vô cùng biết ơn vì Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi sức lực phi thường. Sau khi phẫu thuật, Ngài lại giúp tôi có thể đi cùng anh Allan trong công tác lưu động (2 Cô 4:7). Thế rồi, vào tháng 3 năm 2004, anh Allan qua đời trong giấc ngủ. Dù nhớ anh rất nhiều, nhưng tôi được an ủi vì biết anh ở trong trí nhớ của Đức Giê-hô-va.

Giờ đây, ở tuổi 83, tôi đã phụng sự hơn 63 năm trong thánh chức trọn thời gian. Tôi vẫn tham gia công việc rao giảng, điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà và tận dụng cơ hội mỗi ngày để nói về ý định tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Đôi khi tôi tự hỏi: “Không biết đời mình ra sao nếu đã không bắt đầu làm tiên phong vào năm 1945?”. Khi ấy, sức khỏe yếu kém dường như là lý do chính đáng để tôi không làm tiên phong. Nhưng tôi thật biết ơn đã chọn công việc đó ngay từ khi còn trẻ! Tôi đã có đặc ân cảm nghiệm được rằng nếu đặt Đức Giê-hô-va trên hết, Ngài sẽ là sức mạnh của chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 6 Sách Salvation được xuất bản năm 1939, và hiện nay không còn được ấn hành.

^ đ. 22 Tự truyện của anh Allan Coville được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-3-1961.

[Hình nơi trang 18]

Với bạn giáo sĩ, Astrid Anderson (bên phải)

[Hình nơi trang 18]

Trong công tác lưu động với chồng, năm 1956

[Hình nơi trang 20]

Với anh Allan vào năm 2000