Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va sẽ đáp một lời cầu nguyện chân thành

Đức Giê-hô-va sẽ đáp một lời cầu nguyện chân thành

Đức Giê-hô-va sẽ đáp một lời cầu nguyện chân thành

“Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”.—THI 83:18.

1, 2. Nhiều người đã có kinh nghiệm nào, và những câu hỏi nào được nêu lên?

Cách đây vài năm, một phụ nữ rất đau xót bởi một thảm kịch đã xảy ra trong khu xóm. Vì sinh ra trong gia đình Công giáo La Mã, bà đến gặp linh mục xin giúp đỡ nhưng ông lại không muốn tiếp bà. Vì thế, bà cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Con không biết Ngài là ai. . . nhưng con biết Ngài hiện hữu. Xin cho con biết về Ngài!”. Ít lâu sau, Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà. Họ an ủi và cho bà biết những điều mà bà đã tìm kiếm. Họ cũng cho bà biết Đức Chúa Trời có một danh riêng là Giê-hô-va. Khi biết danh Ngài, bà xúc động thốt lên: “Thật không ngờ! Đây là Đức Chúa Trời mà tôi mong mỏi được biết từ khi còn nhỏ!”.

2 Nhiều người cũng có kinh nghiệm tương tự. Họ thường nhìn thấy danh Giê-hô-va lần đầu tiên khi đọc Thi-thiên 83:18 trong Kinh Thánh: “Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao bài Thi-thiên 83 được viết ra không? Những sự kiện nào sẽ buộc mọi người phải nhận biết Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có một và thật? Bài Thi-thiên này chứa đựng thông điệp nào cho chúng ta ngày nay? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi trên trong bài này *.

Âm mưu chống lại dân Đức Giê-hô-va

3, 4. Bài Thi-thiên 83 do ai viết ra, và ông nói về mối đe dọa nào?

3 Theo lời ghi chú ở đầu bài Thi-thiên 83, đây là “thơ A-sáp làm”. Người viết bài này rất có thể là hậu duệ của A-sáp người Lê-vi, một nhạc sĩ nổi tiếng trong triều đại vua Đa-vít. Trong bài Thi-thiên này, người viết nài xin Đức Giê-hô-va ra tay hành động nhằm biện minh quyền cai trị của Ngài và làm vinh danh Ngài. Bài này hẳn đã được soạn sau khi vua Sa-lô-môn qua đời. Tại sao có thể nói thế? Vì trong triều đại của Đa-vít và Sa-lô-môn, vua Ty-rơ thân thiện với dân Y-sơ-ra-ên. Vào thời điểm bài Thi-thiên 83 được viết ra, dân thành Ty-rơ đã nghịch lại dân Y-sơ-ra-ên và liên minh với kẻ thù của họ.

4 Người viết Thi-thiên nêu tên mười dân tộc đang âm mưu tiêu diệt dân Đức Chúa Trời. Những kẻ thù này sống chung quanh nước Y-sơ-ra-ên và được liệt kê như sau: “Các trại Ê-đôm và người Ích-ma-ên, Mô-áp và người Ha-ga-rít. Ghê-banh, Am-môn, và A-ma-léc, người Phi-li-tin, với dân Ty-rơ; A-si-ri cũng hiệp với chúng nó” (Thi 83:6-8). Bài Thi-thiên này ám chỉ sự kiện lịch sử nào? Một số người cho rằng bài này nói về cuộc tấn công của quân đồng minh Am-môn, Mô-áp và dân ở núi Sê-i-rơ vào nước Y-sơ-ra-ên trong thời Giô-sa-phát (2 Sử 20:1-26). Số khác thì nghĩ bài này nói về sự thù địch của các nước láng giềng đối với dân Y-sơ-ra-ên trong suốt lịch sử.

5. Tín đồ Đấng Christ ngày nay được lợi ích nào từ bài Thi-thiên 83?

5 Dù trường hợp nào đi nữa, rõ ràng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã soi dẫn để bài cầu nguyện này được viết vào thời điểm dân Ngài bị lâm nguy. Bài Thi-thiên này cũng mang lại sự khích lệ cho tôi tớ Đức Chúa Trời thời nay vì trong suốt lịch sử, họ bị kẻ thù tấn công hết lần này đến lần khác nhằm tiêu diệt họ. Bài Thi-thiên 83 chắc chắn sẽ làm chúng ta vững mạnh trong tương lai gần đây, khi Gót ở đất Ma-gốc tập trung lực lượng trong cuộc tấn công cuối cùng nhằm tiêu diệt tất cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm thần và lẽ thật.—Đọc Ê-xê-chi-ên 38:2, 8, 9, 16.

Mối quan tâm hàng đầu

6, 7. (a) Người viết Thi-thiên cầu nguyện về điều gì trong những lời mở đầu của bài Thi-thiên 83? (b) Mối quan tâm hàng đầu của người viết Thi-thiên là gì?

6 Hãy lắng nghe người viết Thi-thiên dốc đổ cảm xúc của ông trong lời cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ôi! xin chớ làm thinh. Đức Chúa Trời ôi! xin chớ nín-lặng, chớ đứng yên. Vì, kìa, các kẻ thù-nghịch Chúa náo-loạn, và những kẻ ghét Chúa ngước đầu lên. Chúng nó toan mưu độc hại dân-sự Chúa. . . Vì chúng nó một lòng bàn-nghị nhau, lập giao-ước nghịch cùng Chúa”.—Thi 83:1-3, 5.

7 Mối quan tâm hàng đầu của người viết Thi-thiên là gì? Tất nhiên ông hẳn rất lo lắng về sự an toàn của mình và gia đình. Nhưng trọng tâm của lời cầu nguyện là vấn đề danh Đức Giê-hô-va bị sỉ nhục và dân tộc mang danh Ngài bị đe dọa. Mong sao tất cả chúng ta cũng có quan điểm thăng bằng như thế khi chịu đựng những ngày cuối cùng đầy khó khăn của thế gian này.—Đọc Ma-thi-ơ 6:9, 10.

8. Các dân tộc âm mưu chống lại dân Y-sơ-ra-ên vì mục đích gì?

8 Người viết Thi-thiên trích lời các kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy đến tuyệt-diệt chúng nó đến nỗi không còn làm nước, hầu cho danh Y-sơ-ra-ên không còn được kỷ-niệm nữa” (Thi 83:4). Những dân tộc này quả căm ghét dân được chọn của Đức Chúa Trời biết bao! Nhưng âm mưu của chúng cũng có một động cơ khác. Chúng thèm muốn đất đai của Y-sơ-ra-ên và khoác lác: “Ta hãy chiếm lấy làm của các nơi-ở Đức Chúa Trời” (Thi 83:12). Có điều gì tương tự vào thời chúng ta không? Có!

“Nơi ở thánh của Ngài”

9, 10. (a) Thời xưa, nơi ở thánh của Đức Chúa Trời là gì? (b) Thời nay, lớp người xức dầu còn sót lại và “chiên khác” hưởng ân phước nào?

9 Vào thời xưa, Đất Hứa được xem là nơi ở thánh của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ lại bài ca chiến thắng mà dân Y-sơ-ra-ên đã hát sau khi được giải cứu khỏi nước Ai Cập: “Ngài lấy lòng thương-xót dìu-dắt dân nầy mà Ngài đã chuộc lại; Ngài đã dùng năng-lực đưa nó về nơi ở thánh của Ngài” (Xuất 15:13). Về sau, “nơi ở thánh” bao gồm đền thờ với các thầy tế lễ và thủ đô là thành Giê-ru-sa-lem với các vua thuộc dòng họ Đa-vít được ngồi trên ngôi của Đức Giê-hô-va (1 Sử 29:23). Thật thích hợp khi Chúa Giê-su gọi Giê-ru-sa-lem là “thành của Vua lớn”.—Mat 5:35.

10 Còn ngày nay thì sao? Vào năm 33 CN, một dân tộc mới được ra đời, đó là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga 6:16). Dân tộc này, gồm những anh em được xức dầu của Chúa Giê-su, hoàn thành nhiệm vụ mà dân Y-sơ-ra-ên xác thịt cuối cùng đã thất bại, đó là làm chứng về danh Đức Chúa Trời (Ê-sai 43:10; 1 Phi 2:9). Đức Giê-hô-va cũng hứa với họ như đã hứa với dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta” (2 Cô 6:16; Lê 26:12). Vào năm 1919, lớp người xức dầu còn sót lại thuộc “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” được hưởng ân huệ của Đức Giê-hô-va và họ chiếm lấy một “nước”, tức lĩnh vực hoạt động về thiêng liêng, nhờ thế họ vui hưởng một địa đàng thiêng liêng (Ê-sai 66:8). Kể từ thập niên 1930, hàng triệu “chiên khác” đã kết hợp với họ (Giăng 10:16). Niềm hạnh phúc và sự thịnh vượng thiêng liêng của tín đồ Đấng Christ thời hiện đại cung cấp thêm bằng chứng hùng hồn về tính chính đáng của quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. (Đọc Thi-thiên 91:1, 2). Điều này khiến Sa-tan vô cùng giận dữ!

11. Mục tiêu chính của kẻ thù Đức Chúa Trời vẫn là gì?

11 Trong suốt thời kỳ cuối cùng, Sa-tan xúi giục tay sai trên đất của hắn chống đối những người được xức dầu còn sót lại và bạn đồng hành của họ thuộc lớp chiên khác. Điều này xảy ra ở Tây Âu dưới chế độ quốc xã và Đông Âu dưới chế độ vô thần. Sự chống đối cũng xảy ra ở nhiều nơi khác và sẽ xảy ra nữa, đặc biệt trong cuộc tấn công cuối cùng của Gót ở đất Ma-gốc. Trong cuộc tấn công đó, những kẻ chống đối có thể tham lam chiếm lấy tài sản của dân Đức Giê-hô-va, như kẻ thù đã làm trong quá khứ. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Sa-tan vẫn luôn là tiêu diệt dân sự Đức Chúa Trời để danh Ngài ban cho chúng ta không còn được nhớ đến nữa. Đức Giê-hô-va sẽ phản ứng ra sao trước sự thách thức như thế đối với quyền cai trị của Ngài? Hãy xem lại lời của người viết Thi-thiên.

Đức Giê-hô-va luôn chiến thắng

12-14. Người viết Thi-thiên nhắc lại hai chiến thắng lịch sử nào diễn ra gần thành Mê-ghi-đô?

12 Hãy chú ý đức tin mạnh mẽ của người viết Thi-thiên nơi khả năng của Đức Giê-hô-va để phá vỡ kế hoạch của các nước thù địch. Ông đề cập đến hai chiến thắng quyết định của dân Y-sơ-ra-ên đối với kẻ thù gần thành Mê-ghi-đô cổ xưa, nơi có vị trí nổi trội nhất trong vùng đồng bằng cùng tên. Vào mùa hè, người ta có thể nhìn thấy đáy sông Ki-sôn khô cạn uốn lượn qua đồng bằng này. Sau một cơn mưa trút nước của mùa đông, nước sông tràn khắp đồng bằng. Có lẽ vì lý do đó mà con sông này cũng được gọi là “nước Mê-ghi-đô”.—Quan 4:13; 5:19.

13 Bên kia đồng bằng, cách Mê-ghi-đô khoảng 15km là ngọn đồi Mô-rê, tại đó vào thời quan xét Ghê-đê-ôn, lực lượng phối hợp của Ma-đi-an, A-ma-léc và người phương Đông đã tập họp lại để tranh chiến (Quan 7:1, 12). Đội quân ít ỏi của Ghê-đê-ôn cuối cùng chỉ có 300 người. Nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, họ đã đánh tan lực lượng kẻ thù đông đảo. Bằng cách nào? Theo chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, họ vây quanh trại quân địch vào ban đêm, tay cầm cái bình có giấu ngọn đuốc. Khi Ghê-đê-ôn ra hiệu, quân lính của ông đập vỡ bình và để lộ ngọn đuốc ra. Cùng lúc ấy, họ thổi kèn và la lớn: “Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn!”. Quân thù bị náo loạn và quay lại giết lẫn nhau, những tên còn sống sót bỏ chạy qua sông Giô-đanh. Trong khi đó, nhiều người Y-sơ-ra-ên khác cũng đuổi theo kẻ thù. Tổng cộng 120.000 quân địch đã bị giết.—Quan 7:19-25; 8:10.

14 Cách đồi Mô-rê khoảng 6km là núi Tha-bô. Trước đó, quan xét Ba-rác đã tập họp tại đây 10.000 quân Y-sơ-ra-ên để đối đầu với lực lượng của Gia-bin, vua thành Hát-so thuộc xứ Ca-na-an, dưới sự chỉ huy của tướng Si-sê-ra. Đội quân Ca-na-an này có 900 cỗ xe được trang bị những lưỡi dao sắt dài chết người xoay theo trục bánh xe. Khi quân đội nghèo nàn của Y-sơ-ra-ên tập trung tại núi Tha-bô, lực lượng của Si-sê-ra rất tự tin nơi sức mạnh của mình nên đã kéo xuống đồng bằng. Rồi “Đức Giê-hô-va dùng mũi gươm làm cho Si-sê-ra và hết thảy xe-cộ cùng toàn quân-lính người vỡ chạy”. Rất có thể, một trận mưa to thình lình đổ xuống làm nước sông Ki-sôn dâng lên khiến các cỗ xe bị sa lầy. Cả đội quân Si-sê-ra bị người Y-sơ-ra-ên giết chết.—Quan 4:13-16; 5:19-21.

15. (a) Người viết Thi-thiên cầu xin Đức Giê-hô-va làm gì? (b) Tên trận chiến cuối cùng của Đức Chúa Trời nhắc chúng ta nhớ đến điều gì?

15 Người viết Thi-thiên nài xin Đức Giê-hô-va cũng làm thế đối với các nước đang đe dọa sự sống còn của dân Y-sơ-ra-ên vào thời ông. Ông cầu nguyện: “Hãy đãi chúng nó như Ma-đi-an, như Si-sê-ra, như Gia-bin tại khe Ki-sôn, là kẻ bị hư-nát tại Ên-đô-rơ, trở thành phân cho đất” (Thi 83:9, 10). Điều đáng chú ý là trận chiến cuối cùng của Đức Chúa Trời để hủy diệt thế gian của Sa-tan được gọi là Ha-ma-ghê-đôn (nghĩa là “núi Mê-ghi-đô”). Tên này nhắc chúng ta nhớ lại những trận chiến quyết định đã diễn ra gần Mê-ghi-đô. Chiến thắng của Đức Giê-hô-va trong các trận chiến thời xưa bảo đảm với chúng ta rằng Ngài chắc chắn sẽ chiến thắng trong trận Ha-ma-ghê-đôn.—Khải 16:13-16.

Cầu xin cho quyền cai trị của Đức Giê-hô-va được biện minh

16. Thời nay, mặt của những kẻ chống đối “đầy nhuốc-nhơ” như thế nào?

16 Trong “ngày sau-rốt” này, Đức Giê-hô-va ngăn trở mọi mưu đồ nhằm diệt trừ dân Ngài (2 Ti 3:1). Kết quả là những kẻ chống đối bị hổ thẹn. Thi 83:16 đã báo trước điều này như sau: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy làm mặt chúng nó đầy nhuốc-nhơ, để chúng nó tìm-cầu danh-Ngài”. Tại hết nước này đến nước khác, những kẻ chống đối đã thất bại thê thảm trong nỗ lực bịt miệng Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong những nước ấy, qua sự bền đỗ và chịu đựng, những người thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật đã làm chứng cho những người có lòng thành thật, và nhiều người đã ‘tìm-cầu danh Đức Giê-hô-va’. Tại một số nước mà Nhân Chứng từng bị bắt bớ dữ dội, nay có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người vui mừng ca ngợi Đức Giê-hô-va. Quả là một chiến thắng vẻ vang cho Đức Giê-hô-va! Còn kẻ thù Ngài hổ thẹn biết bao!—Đọc Giê-rê-mi 1:19.

17. Nhân loại đối mặt với tình trạng nghiêm trọng nào, và không lâu nữa chúng ta sẽ nhớ đến những lời nào?

17 Dĩ nhiên chúng ta biết cuộc chiến này chưa kết thúc. Chúng ta vẫn đang tiếp tục rao giảng tin mừng, ngay cả cho những người chống đối (Mat 24:14, 21). Tuy nhiên, cơ hội hiện nay cho những kẻ chống đối ấy ăn năn để được cứu sắp chấm dứt. Việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va quan trọng hơn nhiều so với sự cứu rỗi con người. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:23). Kinh Thánh báo trước các nước thế gian sẽ nhóm lại trong nỗ lực toàn cầu để hủy diệt dân Đức Chúa Trời. Khi ấy, chúng ta sẽ nhớ lời cầu nguyện này của người viết Thi-thiên: “Nguyện chúng nó bị hổ-thẹn và thất-kinh đến đời đời; nguyện chúng nó bị hổ-ngươi và hư-mất”.—Thi 83:17.

18, 19. (a) Điều gì đang chờ đợi những kẻ nhất quyết chống lại sự cai trị của Đức Giê-hô-va? (b) Việc Đức Giê-hô-va sắp biện minh lần cuối cùng cho quyền cai trị của Ngài tác động thế nào đến bạn?

18 Một kết cuộc nhục nhã đang chờ đợi những kẻ nhất quyết chống lại quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Lời Đức Chúa Trời cho biết rằng những người ‘không vâng-phục tin mừng’—và vì thế bị hành quyết tại Ha-ma-ghê-đôn—sẽ chịu “hình-phạt hư-mất đời đời” (2 Tê 1:7-9). Việc họ bị hủy diệt và sự sống sót của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va bằng lẽ thật sẽ là bằng chứng thuyết phục cho thấy chỉ một mình Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật. Trong thế giới mới, chiến thắng vĩ đại đó sẽ không bao giờ chìm vào quên lãng. Những người được sống lại sẽ học biết về hành động vĩ đại của Đức Giê-hô-va (Công 24:15). Trong thế giới mới, họ sẽ thấy rõ rằng việc sống dưới quyền cai trị của Đức Giê-hô-va là điều khôn ngoan. Những người nhu mì trong số đó sẽ nhanh chóng tin chắc rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có một và thật.

19 Quả là một tương lai tuyệt diệu mà Cha yêu thương trên trời đã chuẩn bị cho những người trung thành thờ phượng Ngài! Chẳng phải bạn được thúc đẩy để cầu xin Đức Giê-hô-va sớm đáp lời cầu nguyện của người viết Thi-thiên: “Nguyện [kẻ thù Ngài] bị hổ-ngươi và hư-mất; hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”?—Thi 83:17, 18.

[Chú thích]

^ đ. 2 Trước khi xem xét bài học này, bạn sẽ được lợi ích qua việc đọc bài Thi-thiên 83 để quen thuộc với nội dung.

Bạn giải thích thế nào?

• Dân Y-sơ-ra-ên gặp phải tình trạng nào khi bài Thi-thiên 83 được viết ra?

• Mối quan tâm hàng đầu của người viết bài Thi-thiên 83 là gì?

• Thời nay, ai là mục tiêu tấn công của Sa-tan?

• Cuối cùng, Đức Giê-hô-va sẽ đáp lại lời cầu nguyện ghi nơi Thi-thiên 83:18 như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Bản đồ nơi trang 15]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Những trận chiến đã diễn ra gần Mê-ghi-đô xưa liên quan thế nào đến tương lai chúng ta?

sông Ki-sôn

Ha-rô-sết

núi Cạt-mên

trũng Gít-rê-ên

Mê-ghi-đô

Tha-a-nác

núi Ghinh-bô-a

suối Ha-rốt

Mô-rê

Ên-Đô-rơ

núi Tha-bô

biển Ga-li-lê

sông Giô-đanh

[Hình nơi trang 12]

Điều gì khiến người viết Thi-thiên soạn một bài cầu nguyện chân thành?