Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thái độ kính nhường không?

Bạn có thái độ kính nhường không?

Bạn có thái độ kính nhường không?

“Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau”.—RÔ 12:10.

1. Điều gì không còn phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới?

Một số nơi trên thế giới có phong tục là trẻ em tỏ lòng kính trọng người lớn bằng cách lễ phép quỳ gối khi có mặt họ. Như thế, chúng không đứng cao hơn người lớn. Trong những cộng đồng ấy, trẻ con quay lưng về phía người lớn cũng bị xem là vô lễ. Tuy văn hóa mỗi nơi mỗi khác, nhưng việc biểu lộ lòng kính trọng nhắc chúng ta nhớ đến Luật pháp Môi-se. Luật này có mệnh lệnh: “Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già-cả” (Lê 19:32). Đáng buồn thay, tại nhiều nơi việc biểu lộ lòng kính trọng không còn phổ biến nữa. Trên thực tế, thái độ bất kính là chuyện bình thường.

2. Lời Đức Chúa Trời bảo chúng ta kính trọng ai?

2 Lời Đức Chúa Trời đề cao việc biểu lộ lòng kính trọng. Kinh Thánh bảo chúng ta phải tôn kính Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su (Giăng 5:23). Chúng ta cũng phải kính trọng người nhà và anh em đồng đạo cũng như một số người ngoài hội thánh (Rô 12:10; Ê-phê 6:1, 2; 1 Phi 2:17). Chúng ta biểu lộ lòng tôn kính Đức Giê-hô-va qua những cách nào? Làm thế nào để thể hiện lòng kính trọng đối với anh chị em tín đồ Đấng Christ? Chúng ta hãy xem xét những câu hỏi này và một số câu hỏi liên quan.

Tôn kính Đức Giê-hô-va và danh Ngài

3. Một cách quan trọng để tôn kính Đức Giê-hô-va là gì?

3 Một cách quan trọng để tôn kính Đức Giê-hô-va là biểu lộ lòng tôn kính đối với danh Ngài. Xét cho cùng, chúng ta là “dân để dâng cho danh Ngài” (Công 15:14). Thật là một vinh dự để mang danh Đức Chúa Trời toàn năng, Đức Giê-hô-va! Nhà tiên tri Mi-chê nói: “Mọi dân-tộc ai nấy bước theo danh của thần mình; và chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!” (Mi 4:5). Chúng ta “bước theo danh Giê-hô-va” bằng cách mỗi ngày cố gắng sống sao để mang lại tiếng tốt cho danh Ngài. Như Phao-lô nhắc tín đồ Đấng Christ tại thành Rô-ma, nếu chúng ta không sống phù hợp với tin mừng mình rao giảng, danh Đức Chúa Trời sẽ “bị nói phạm”, bị mang tiếng xấu.—Rô 2:21-24.

4. Bạn nghĩ thế nào về đặc ân làm chứng cho Đức Giê-hô-va?

4 Chúng ta cũng tôn kính Đức Giê-hô-va qua công việc làm chứng. Trong quá khứ, Đức Giê-hô-va mời gọi dân Y-sơ-ra-ên làm nhân chứng của Ngài, nhưng họ không hoàn thành vai trò đó (Ê-sai 43:1-12). Họ thường phản nghịch Đức Giê-hô-va và “trêu-chọc Đấng thánh của Y-sơ-ra-ên” (Thi 78:40, 41). Cuối cùng, nước này mất hẳn ân huệ của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta biết ơn về đặc ân làm chứng cho Đức Giê-hô-va và công bố danh Ngài. Chúng ta làm thế vì yêu thương Ngài và mong muốn danh Ngài được thánh. Làm sao chúng ta có thể ngừng rao giảng một khi biết lẽ thật về Cha trên trời và ý định của Ngài? Chúng ta có cùng cảm nghĩ với Phao-lô: ‘Nếu không rao-truyền Tin-lành, thì khốn-khó cho tôi thay’.—1 Cô 9:16.

5. Đức tin nơi Đức Giê-hô-va và việc tôn kính Ngài có liên hệ như thế nào?

5 Người viết Thi-thiên là Đa-vít nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, phàm ai biết danh Ngài sẽ để lòng tin-cậy nơi Ngài; vì Ngài chẳng từ-bỏ kẻ nào tìm-kiếm Ngài” (Thi 9:10). Nếu thật sự biết Đức Giê-hô-va và xem trọng ý nghĩa của danh Ngài, chúng ta sẽ tin cậy Ngài như các tôi tớ trung thành thời xưa. Có lòng tin cậy và đức tin như thế nơi Đức Giê-hô-va là một cách khác để tỏ lòng tôn kính Ngài. Hãy lưu ý Lời Đức Chúa Trời liên kết việc tin cậy Đức Giê-hô-va và việc tôn kính Ngài như thế nào. Khi dân Y-sơ-ra-ên không tin cậy Đức Giê-hô-va, Ngài phán hỏi Môi-se: “Dân nầy khinh ta và không tin ta cho đến chừng nào, mặc dầu các phép lạ ta làm giữa chúng nó?” (Dân 14:11). Ngược lại, khi tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ và nâng đỡ chúng ta ngay cả trong lúc gặp thử thách, chúng ta cho thấy mình tôn kính Ngài.

6. Điều gì thúc đẩy chúng ta tỏ lòng tôn kính Đức Giê-hô-va?

6 Chúa Giê-su cho thấy chúng ta phải tôn kính Đức Giê-hô-va từ trong lòng. Khi nói với những người thờ phượng không thật lòng, Chúa Giê-su đã trích lời Đức Giê-hô-va như sau: “Dân nầy lấy môi-miếng thờ kính ta; nhưng lòng chúng nó xa ta lắm” (Mat 15:8). Sự tôn kính chân thành đối với Đức Giê-hô-va xuất phát từ tình yêu thương chân thật đối với Ngài (1 Giăng 5:3). Chúng ta cũng ghi nhớ lời hứa của Đức Giê-hô-va: “Phàm ai tôn-kính ta, ta sẽ làm cho được tôn-trọng”.—1 Sa 2:30.

Các giám thị trong hội thánh tôn trọng người khác

7. (a) Tại sao những anh có trách nhiệm nên tôn trọng những người mình trông nom? (b) Sứ đồ Phao-lô tỏ lòng tôn trọng anh em đồng đạo như thế nào?

7 Sứ đồ Phao-lô khuyên các anh em đồng đạo: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô 12:10). Những anh có trách nhiệm trong hội thánh phải nêu gương trong việc tôn trọng những người mà họ trông nom. Về phương diện này, những anh ấy nên noi gương sứ đồ Phao-lô. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8). Các anh em trong những hội thánh Phao-lô viếng thăm biết ông không bao giờ yêu cầu họ làm những điều mà chính ông không muốn làm. Phao-lô tỏ lòng tôn trọng anh em đồng đạo và nhờ thế ông được họ kính trọng. Khi Phao-lô nói: ‘Vậy, tôi khuyên anh em: Hãy bắt-chước tôi’, chúng ta có thể chắc chắn rằng nhiều người đã sẵn sàng hưởng ứng vì gương mẫu tốt của ông.—1 Cô 4:16.

8. (a) Chúa Giê-su tỏ lòng tôn trọng môn đồ qua một cách quan trọng nào? (b) Các giám thị thời nay noi gương Chúa Giê-su như thế nào?

8 Cách khác để một anh có trách nhiệm trong hội thánh tỏ lòng tôn trọng những người mình trông nom đó là cho biết lý do khi anh yêu cầu hoặc chỉ dẫn họ làm điều gì. Làm thế, anh noi gương Chúa Giê-su. Chẳng hạn, khi bảo các môn đồ cầu xin thêm thợ gặt, Chúa Giê-su cho họ biết tại sao: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình” (Mat 9:37, 38). Tương tự, khi bảo các môn đồ “hãy tỉnh-thức”, ngài nêu ra lý do: “các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến” (Mat 24:42). Khi chỉ bảo các môn đồ làm gì, Chúa Giê-su thường cho họ biết lý do tại sao. Qua cách đó, ngài tỏ lòng tôn trọng họ. Đây quả là một gương tốt cho các giám thị đạo Đấng Christ!

Tôn trọng tổ chức của Đức Giê-hô-va và sự chỉ dẫn của tổ chức

9. Khi tôn trọng Hội thánh toàn cầu của Đức Giê-hô-va và các anh đại diện, chúng ta cũng cho thấy mình tôn trọng ai? Xin giải thích.

9 Để tôn kính Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng cần tôn trọng Hội thánh của Ngài và các anh đại diện *. Khi làm theo lời khuyên dựa trên Kinh Thánh đến từ lớp đầy tớ trung tín, chúng ta cho thấy mình tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Trong Hội thánh ở thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Giăng thấy cần phải khiển trách những người tỏ ra thiếu tôn trọng các anh được bổ nhiệm. (Đọc 3 Giăng 9-11). Lời của sứ đồ Giăng cho thấy có sự thiếu tôn trọng không chỉ đối với cá nhân các giám thị mà còn với sự dạy dỗ và hướng dẫn của họ nữa. Mừng thay, đa số các tín đồ Đấng Christ không giống như vậy. Khi các sứ đồ còn sống, đoàn thể anh em nói chung đã cho thấy họ kính trọng những người dẫn đầu.—Phi-líp 2:12.

10, 11. Hãy dùng Kinh Thánh để giải thích tại sao việc một số người có quyền hành trong tổ chức của Đức Chúa Trời là điều đúng.

10 Một số người lý luận rằng vì Chúa Giê-su nói với môn đồ “các ngươi hết thảy đều là anh em”, do đó không nên có chức quyền trong tổ chức của Đức Chúa Trời (Mat 23:8). Tuy nhiên, trong cả phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ lẫn Hy Lạp đều có nhiều trường hợp cho thấy những người nam sử dụng quyền hành Đức Chúa Trời ban cho họ. Lịch sử các tộc trưởng, quan xét và vua vào thời người Hê-bơ-rơ xưa cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va ban sự chỉ dẫn qua những người đại diện. Khi dân sự không kính trọng những người được bổ nhiệm này một cách đúng đắn, họ bị Đức Giê-hô-va sửa trị.—2 Vua 1:2-17; 2:19, 23, 24.

11 Tương tự, tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất nhìn nhận quyền hành của các sứ đồ (Công 2:42). Thí dụ, Phao-lô đưa ra chỉ dẫn cho các anh em (1 Cô 16:1; 1 Tê 4:2). Tuy nhiên, ông cũng sẵn sàng vâng phục những người có quyền trên mình (Công 15:22; Ga 2:9, 10). Quả thật, Phao-lô có quan điểm đúng đắn về quyền hành trong Hội thánh của Đức Chúa Trời.

12. Qua Kinh Thánh, chúng ta học được hai điều gì liên quan đến quyền hành?

12 Chúng ta học được hai điều. Thứ nhất, việc Hội đồng lãnh đạo đại diện lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” giao phó trách nhiệm cho các anh và một số anh này có quyền hành trên các anh được bổ nhiệm khác, là phù hợp với Kinh Thánh (Mat 24:45-47; 1 Phi 5:1-3). Thứ nhì, tất cả chúng ta, kể cả những anh được bổ nhiệm, phải kính trọng những người có quyền trên mình. Vậy chúng ta có thể tỏ lòng kính trọng những người giám sát Hội thánh của Đức Chúa Trời trên khắp thế giới qua những cách thực tiễn nào?

Kính trọng các giám thị lưu động

13. Chúng ta có thể tỏ lòng kính trọng những người đại diện hội thánh của Đức Chúa Trời thời nay như thế nào?

13 Phao-lô nói: “Hỡi anh em, xin anh em kính-trọng kẻ có công-khó trong vòng anh em, là kẻ tuân-theo Chúa mà chỉ-dẫn và dạy-bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu-thương đối với họ vì cớ công-việc họ làm. Hãy ở cho hòa-thuận với nhau” (1 Tê 5:12, 13). Các giám thị lưu động chắc chắn đáng được kể trong số những “kẻ có công-khó”. Vì thế, chúng ta hãy “lấy lòng rất yêu-thương đối với họ”. Một cách để làm thế là hết lòng hưởng ứng lời khuyên và sự khích lệ của họ. Khi một giám thị như thế truyền lại cho chúng ta sự chỉ dẫn đến từ lớp đầy tớ trung tín, thì “sự khôn ngoan từ trên” sẽ thúc đẩy chúng ta “thuận phục”, sẵn lòng vâng lời.—Gia 3:17; Bản Dịch Mới.

14. Làm thế nào hội thánh cho thấy lòng kính trọng chân thành đối với các giám thị lưu động, và kết quả là gì?

14 Nhưng nói sao nếu chúng ta được chỉ dẫn tiến hành công việc theo cách mới, khác với cách mình từng làm? Để tỏ lòng tôn trọng, đôi khi chúng ta phải cưỡng lại khuynh hướng phản đối: “Ở đây chúng tôi không làm theo cách đó” hoặc “Cách đó có thể hữu hiệu ở những nơi khác chứ tại hội thánh chúng tôi thì không”. Thay vì thế, chúng ta cố gắng làm theo chỉ dẫn đó. Nếu luôn nhớ rằng hội thánh thuộc về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su là Đấng làm đầu, điều này sẽ giúp chúng ta vâng lời. Khi sự chỉ dẫn của một giám thị lưu động được hội thánh vui mừng đón nhận và thi hành, đó là biểu hiện của lòng kính trọng chân thành. Sứ đồ Phao-lô khen anh em tại thành Cô-rinh-tô vì họ tỏ lòng kính trọng và vâng theo sự chỉ dẫn của trưởng lão đang viếng thăm là Tít (2 Cô 7:13-16). Ngày nay, chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng việc sẵn sàng áp dụng lời hướng dẫn của giám thị lưu động góp phần rất lớn vào niềm vui của chúng ta trong công việc rao giảng.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 13:11.

“Hãy kính mọi người”

15. Chúng ta tỏ lòng tôn trọng anh em đồng đạo qua những cách nào?

15 Phao-lô viết: “Chớ quở nặng người già-cả, nhưng hãy khuyên-dỗ họ như cha, còn kẻ trẻ thì như anh em, đàn-bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu-nữ như chị em, mà phải lấy cách thanh-sạch trọn-vẹn. Hãy kính những người đàn-bà góa thật là góa” (1 Ti 5:1-3). Đúng vậy, Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta kính trọng mọi người trong hội thánh. Tuy nhiên, nói sao nếu có sự bất đồng giữa bạn và một anh hoặc chị? Liệu điều đó có cản trở bạn làm tròn bổn phận kính trọng người anh em đồng đạo không? Hoặc bạn có thể thay đổi thái độ bằng cách nhận biết những đức tính của tín đồ Đấng Christ nơi người anh em ấy? Những người có quyền hành đặc biệt nên giữ thái độ tôn trọng anh em, không bao giờ ‘làm chủ cả bầy’ (1 Phi 5:3, BDM). Thật vậy, trong hội thánh đạo Đấng Christ, được nhận diện bởi tình yêu thương chân thành giữa các thành viên, chúng ta có vô số cơ hội để tỏ lòng tôn trọng lẫn nhau.—Đọc Giăng 13:34, 35.

16, 17. (a) Tại sao chúng ta không những phải tôn trọng những người mình rao giảng mà cả những người chống đối? (b) Chúng ta “kính mọi người” như thế nào?

16 Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ kính trọng những người trong hội thánh. Phao-lô viết cho các tín đồ Đấng Christ thời ông: “Đương lúc có dịp-tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người” (Ga 6:10). Áp dụng nguyên tắc này có thể là một thách thức nếu người đồng nghiệp hoặc bạn học đối xử tệ với chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta hãy nhớ lời sau: “Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ” (Thi 37:1). Áp dụng lời khuyên này sẽ giúp chúng ta cư xử lễ độ, ngay cả với những người chống đối. Tương tự, khi tham gia thánh chức, thái độ khiêm nhường có thể giúp chúng ta đối đáp với mọi người một cách “hiền-hòa và kính-sợ” (1 Phi 3:15). Ngay cả ngoại diện và trang phục cũng có thể cho thấy chúng ta tôn trọng những người mình rao giảng.

17 Thật thế, dù đối xử với anh em đồng đạo hoặc với người ngoài hội thánh, chúng ta nên cố gắng áp dụng lời khuyên này: “Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính-sợ Đức Chúa Trời; tôn-trọng vua”.—1 Phi 2:17.

Bạn trả lời thế nào?

Làm thế nào bạn có thể tỏ lòng kính trọng:

• Đức Giê-hô-va?

• Các trưởng lão trong hội thánh và giám thị lưu động?

• Mỗi thành viên trong hội thánh?

• Những người mình rao giảng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Tín đồ Đấng Christ ở thế kỷ thứ nhất tôn trọng sự giám sát của hội đồng lãnh đạo

[Hình nơi trang 24]

Các trưởng lão ở khắp nơi kính trọng những giám thị lưu động, người được Hội đồng lãnh đạo bổ nhiệm

[Chú thích]

^ đ. 9 Từ “Hội thánh” dùng trong phần này nói đến đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ hay tổ chức của Đức Chúa Trời.