Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn sẽ lấy gì để đổi mạng sống mình?

Bạn sẽ lấy gì để đổi mạng sống mình?

Bạn sẽ lấy gì để đổi mạng sống mình?

“Người lấy chi mà đổi linh-hồn mình?”.—MAT 16:26.

1. Tại sao Chúa Giê-su bác bỏ lời can gián của Phi-e-rơ?

Sứ đồ Phi-e-rơ không thể tin vào tai mình. Chúa Giê-su, Vị Lãnh Đạo yêu dấu của ông, “nói tỏ-tường” rằng ngài sắp phải chịu đau đớn và chết! Phi-e-rơ hẳn có nhã ý nên đã can gián Chúa Giê-su: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!”. Chúa Giê-su quay lưng về phía Phi-e-rơ và nhìn các môn đồ kia. Rất có thể họ cũng có quan điểm sai lầm như thế. Rồi ngài phán với Phi-e-rơ: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta”.—Mác 8:32, 33; Mat 16:21-23.

2. Chúa Giê-su cho thấy rõ một môn đồ chân chính phải làm gì?

2 Những lời kế tiếp của Chúa Giê-su có thể đã giúp Phi-e-rơ hiểu tại sao ngài phản ứng mạnh mẽ trước lời can gián của ông. Chúa Giê-su “kêu dân-chúng và môn-đồ” rồi phán: ‘Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và tin mừng mà mất sự sống, thì sẽ cứu’ (Mác 8:34, 35). Rõ ràng, không những Chúa Giê-su sắp hy sinh sự sống mà ngài còn muốn những người theo ngài cũng phải sẵn sàng hy sinh đời sống để phụng sự Đức Chúa Trời. Nếu làm thế họ sẽ nhận được một phần thưởng lớn.—Đọc Ma-thi-ơ 16:27.

3. (a) Chúa Giê-su nêu ra những câu hỏi nào cho người nghe? (b) Câu hỏi thứ hai của Chúa Giê-su nhắc người nghe nhớ đến điều gì?

3 Cũng vào dịp ấy, Chúa Giê-su nêu lên hai câu hỏi gợi suy nghĩ: “Người nào nếu được cả thiên-hạ mà mất linh-hồn mình, thì có ích gì?” và “Có người nào lấy chi mà đổi linh-hồn mình?” (Mác 8:36, 37). Đối với quan điểm của con người, lời giải đáp cho câu hỏi thứ nhất quá rõ ràng. Một người được cả thiên hạ mà mất sự sống hay linh hồn mình thì chẳng ích gì. Của cải chỉ có ích khi một người còn sống để hưởng thụ. Câu hỏi thứ hai của Chúa Giê-su: “Có người nào lấy chi mà đổi linh-hồn mình?”. Câu hỏi này có lẽ nhắc người nghe nhớ lại luận điệu của Sa-tan vào thời ông Gióp: “Phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình” (Gióp 2:4). Đối với một số người không thờ phượng Đức Giê-hô-va, lời của Sa-tan có lẽ đúng. Để giữ mạng sống, nhiều người sẽ làm bất cứ điều gì, vi phạm bất cứ nguyên tắc đạo đức nào. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ không có quan điểm như thế.

4. Tại sao những câu hỏi của Chúa Giê-su có ý nghĩa sâu sắc đối với tín đồ Đấng Christ?

4 Chúng ta biết Chúa Giê-su đã không xuống đất để ban cho chúng ta sức khỏe, sự giàu có và sự trường thọ trong thế gian này. Ngài đến để mở ra cơ hội sống đời đời trong thế giới mới, và chúng ta rất quý triển vọng đó (Giăng 3:16). Tín đồ Đấng Christ sẽ hiểu câu hỏi thứ nhất của Chúa Giê-su có nghĩa là “Một người được cả thiên-hạ mà mất hy vọng sống đời đời thì có ích gì?”. Câu trả lời là chẳng ích lợi gì cả (1 Giăng 2:15-17). Để trả lời câu hỏi thứ hai của Chúa Giê-su, chúng ta hãy tự hỏi: “Hiện nay, tôi sẵn lòng hy sinh đến mức nào để nắm chắc hy vọng được sống trong thế giới mới?”. Lời đáp cho câu hỏi này, được thể hiện qua lối sống, cho thấy sức mạnh của niềm hy vọng đó trong lòng chúng ta.—So sánh Giăng 12:25.

5. Làm thế nào chúng ta có thể nhận được món quà sự sống vĩnh cửu?

5 Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không có ý nói người ta có thể giành được sự sống vĩnh cửu nhờ nỗ lực của bản thân. Sự sống—thậm chí sự sống tương đối ngắn ngủi trong thế gian này—là một món quà. Chúng ta không thể mua hoặc làm bất cứ điều gì để xứng đáng được sự sống. Cách duy nhất để nhận được món quà sự sống vĩnh cửu là “tin Đức Chúa Jêsus-Christ” và tin Đức Giê-hô-va, “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Ga 2:16; Hê 11:6). Tuy nhiên, đức tin phải được thể hiện qua hành động, vì “đức-tin không có việc làm cũng chết” (Gia 2:26). Vì thế, khi suy ngẫm thêm về câu hỏi của Chúa Giê-su, chúng ta nên nghiêm túc xem xét mình sẵn sàng hy sinh đến mức nào trong thế gian này, và chúng ta sẵn sàng làm gì trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va để chứng tỏ đức tin mình thật sự sống.

‘Đấng Christ không làm cho đẹp lòng mình’

6. Chúa Giê-su đặt ưu tiên cho điều gì?

6 Thay vì chú tâm vào cơ hội thành công trong thế gian, Chúa Giê-su tập trung vào những điều quan trọng và cưỡng lại cám dỗ theo đuổi lối sống duy vật tư kỷ. Ngài sống một cuộc đời hy sinh và vâng lời Đức Chúa Trời. Thay vì làm vừa lòng mình, Chúa Giê-su nói: “Ta hằng làm sự đẹp lòng [Đức Chúa Trời]” (Giăng 8:29). Chúa Giê-su sẵn sàng làm gì để Đức Chúa Trời được đẹp lòng?

7, 8. (a) Chúa Giê-su hy sinh điều gì, và ngài được tưởng thưởng thế nào? (b) Chúng ta nên tự hỏi điều gì?

7 Vào một dịp nọ, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mat 20:28). Trước đó, khi Chúa Giê-su báo cho các môn đồ biết ngài sắp “phó sự sống mình”, Phi-e-rơ khuyên Chúa Giê-su đừng quá khắt khe với bản thân. Nhưng Chúa Giê-su không dao động. Ngài sẵn sàng hy sinh sự sống hoàn toàn của mình cho nhân loại. Nhờ lối sống bất vị kỷ, tương lai của Chúa Giê-su được đảm bảo. Ngài đã được sống lại và “được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời” (Công 2:32, 33). Vì thế, Chúa Giê-su trở thành một gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta.

8 Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma “chớ làm cho đẹp lòng mình” và nhắc họ rằng ngay cả “Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình” (Rô 15:1-3). Vậy, chúng ta áp dụng lời khuyên này của Phao-lô và sẵn sàng hy sinh đến mức nào để noi gương Chúa Giê-su?

Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dâng điều tốt nhất

9. Một tín đồ Đấng Christ thật sự làm gì khi dâng mình cho Đức Chúa Trời?

9 Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, Luật pháp Môi-se quy định rằng những nô lệ người Hê-bơ-rơ phải được trả tự do, hoặc trong năm thứ bảy làm nô lệ hoặc vào Năm Hân hỉ. Tuy nhiên, họ có một lựa chọn khác. Nếu thương chủ, một người nô lệ có thể quyết định tiếp tục làm nô lệ trong gia đình đó cho đến hết đời. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:12, 16, 17). Chúng ta có quyết định tương tự khi dâng mình cho Đức Chúa Trời. Chúng ta tự nguyện làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, chứ không chiều theo xu hướng riêng. Khi làm thế, chúng ta thể hiện tình yêu thương sâu đậm đối với Đức Giê-hô-va và ước muốn phụng sự Ngài mãi mãi.

10. Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời theo nghĩa nào, và điều này nên tác động thế nào đến tư tưởng và hành động của chúng ta?

10 Nếu bạn hiện đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, tham gia rao giảng tin mừng và tham dự nhóm họp thì thật đáng khen. Chúng tôi hy vọng rằng không lâu nữa lòng bạn sẽ cảm thấy được thôi thúc dâng mình cho Đức Giê-hô-va và có câu hỏi như viên quan người Ê-thi-ô-bi đã hỏi Phi-líp: “Có sự gì ngăn-cấm tôi chịu phép báp-têm chăng?” (Công 8:35, 36). Lúc đó, bạn sẽ có mối quan hệ với Đức Chúa Trời giống như những tín đồ Đấng Christ mà Phao-lô đã viết cho họ: ‘Anh em chẳng phải thuộc về chính mình. Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi’ (1 Cô 6:19, 20). Dù có hy vọng sống trên trời hay trên đất, nếu đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va thì Ngài là Chủ của chúng ta. Vậy, thật quan trọng biết bao để chúng ta kiềm chế những ước muốn ích kỷ và không “trở nên tôi-mọi của người ta”! (1 Cô 7:23). Quả là đặc ân khi được làm một tôi tớ trung thành mà Đức Giê-hô-va có thể dùng theo ý Ngài!

11. Tín đồ Đấng Christ được khuyên dâng của-lễ nào, và điều này thật sự có nghĩa gì, như được minh họa qua của-lễ dưới Luật pháp Môi-se?

11 Phao-lô khuyên các anh em đồng đạo “dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ” (Rô 12:1). Những lời này có lẽ đã nhắc tín đồ Đấng Christ người Do Thái nhớ đến những của-lễ trong sự thờ phượng của họ trước khi trở thành môn đồ Chúa Giê-su. Họ hẳn biết rằng Luật pháp Môi-se quy định chỉ dâng những con vật tốt nhất lên bàn thờ của Đức Giê-hô-va. Nếu không, của-lễ đó sẽ không được chấp nhận (Mal 1:8, 13). Nguyên tắc này cũng áp dụng cho chúng ta khi dâng thân thể mình làm “của-lễ sống”. Chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất, không phải những gì còn thừa lại sau khi đã thỏa mãn mọi ước muốn cá nhân. Khi dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta hiến dâng trọn đời sống cho Ngài, bao gồm sức lực, của cải và năng lực (Cô 3:23). Chúng ta áp dụng điều này như thế nào trong đời sống?

Khôn ngoan sử dụng thì giờ

12, 13. Một cách để chúng ta dâng điều tốt nhất cho Đức Giê-hô-va là gì?

12 Một cách để dâng điều tốt nhất cho Đức Giê-hô-va là khôn ngoan sử dụng thì giờ. (Đọc Ê-phê-sô 5:15, 16). Điều này đòi hỏi phải có tính tự chủ. Ảnh hưởng của thế gian cùng với sự bất toàn bẩm sinh khiến chúng ta có khuynh hướng dành hết thì giờ cho những điều mình thích hoặc lợi ích cá nhân. Đành rằng mọi sự đều “có thì-tiết”, kể cả việc nghỉ ngơi giải trí và đi làm để có thể chu toàn bổn phận tín đồ Đấng Christ (Truyền 3:1). Tuy nhiên, một tín đồ đã dâng mình cần phải giữ thăng bằng và sử dụng thì giờ một cách khôn ngoan.

13 Khi viếng thăm thành A-thên, Phao-lô để ý thấy “hết thảy người A-thên và người ngoại-quốc ngụ tại thành A-thên chỉ lo nói và nghe việc mới lạ mà thôi” (Công 17:21). Ngày nay, nhiều người cũng lãng phí thời gian như thế. Những cách tiêu khiển, giải trí thời nay là xem truyền hình, chơi trò chơi điện tử và lướt Internet. Ngày càng có nhiều trò giải trí khiến chúng ta lãng phí thời giờ. Nếu không kiềm chế, chúng ta có thể sao lãng nhu cầu thiêng liêng của mình. Thậm chí, chúng ta có thể nghĩ rằng mình quá bận không thể chăm lo cho “những sự tốt-lành hơn”—những điều liên quan đến việc phụng sự Đức Giê-hô-va.—Phi-líp 1:9, 10.

14. Những câu hỏi nào đáng để chúng ta nghiêm túc xem xét?

14 Vì thế, là tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, bạn hãy tự hỏi: “Mỗi ngày, tôi có dành thời gian đọc Kinh Thánh, suy ngẫm và cầu nguyện không?” (Thi 77:12; 119:97; 1 Tê 5:17). “Tôi có sắp xếp thì giờ để chuẩn bị cho các buổi họp không? Tôi có khích lệ người khác bằng cách bình luận trong những buổi nhóm không?” (Thi 122:1; Hê 2:12). Lời Đức Chúa Trời nói rằng Phao-lô và Ba-na-ba đã dành “một thời gian dài, tiếp tục giảng về Chúa cách dũng cảm” (Công 14:3, Bản Dịch Mới). Bạn có thể điều chỉnh hoàn cảnh để dành nhiều thì giờ hơn trong công việc rao giảng hay có lẽ làm tiên phong không?—Đọc Hê-bơ-rơ 13:15.

15. Các trưởng lão dùng thì giờ một cách khôn ngoan như thế nào?

15 Khi viếng thăm hội thánh ở An-ti-ốt, sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba “ở tại đó lâu ngày với các môn-đồ” để khuyến khích họ (Công 14:28). Ngày nay cũng thế, các trưởng lão dành ra nhiều thì giờ để củng cố đức tin anh em. Ngoài công việc rao giảng, trưởng lão gắng sức chăn bầy, tìm kiếm những con chiên lạc, trợ giúp người bệnh và chăm lo nhiều trách nhiệm khác trong hội thánh. Nếu là một anh đã báp têm, hoàn cảnh có cho phép bạn vươn tới để nhận thêm những đặc ân phụng sự này không?

16. Một số cách mà chúng ta có thể “làm điều thiện cho. . . anh em chúng ta trong đức-tin” là gì?

16 Nhiều người tìm được niềm vui khi tham gia công việc cứu trợ nạn nhân của những thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra. Chẳng hạn, một chị ngoài 60 tuổi hiện đang phục vụ tại nhà Bê-tên đã nhiều lần tình nguyện đến những nơi xa xôi để làm công việc cứu trợ. Tại sao chị dùng những ngày phép để làm điều này? Chị nói: “Dù không có tay nghề nhưng làm bất cứ điều gì cần thiết là một đặc ân cho tôi. Tôi được khích lệ rất nhiều khi nhìn thấy đức tin mạnh mẽ của những anh chị đã bị thiệt hại rất nhiều về vật chất”. Ngoài ra, hàng ngàn anh chị trên khắp thế giới phụ giúp xây cất Phòng Nước Trời và Phòng hội nghị. Bằng cách tham gia những hoạt động như thế, chúng ta “làm điều thiện cho. . . anh em chúng ta trong đức-tin” một cách vô vị kỷ.—Ga 6:10.

“Ta thường ở cùng các ngươi luôn”

17. Cá nhân bạn sẽ làm gì để có được sống đời đời?

17 Xã hội loài người xa cách Đức Chúa Trời sắp qua đi. Chúng ta không biết chính xác khi nào điều đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta biết “thì-giờ ngắn-ngủi” và “hình-trạng thế-gian nầy [sẽ] qua đi”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:29-31). Điều đó càng nhấn mạnh ý nghĩa của câu hỏi mà Chúa Giê-su đã nêu lên: “Có người nào lấy chi mà đổi linh-hồn mình?”. Chắc chắn chúng ta sẽ hy sinh bất cứ điều gì nếu Đức Giê-hô-va đòi hỏi hầu có được “sự sống thật” (1 Ti 6:19). Vậy, chúng ta cần chú ý đến lời khuyên của Chúa Giê-su là tiếp tục theo ngài và ‘tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết’.—Mat 6:31-33; 24:13.

18. Chúng ta có thể tin chắc điều gì, và tại sao?

18 Đành rằng đi theo Chúa Giê-su không phải lúc nào cũng dễ, và đúng như lời ngài báo trước, một số người đã mất mạng trong thế gian này. Tuy nhiên, như Chúa Giê-su, chúng ta tránh khuynh hướng dễ dãi với bản thân. Chúng ta tin lời Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đồ xức dầu ở thế kỷ thứ nhất: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế” (Mat 28:20). Vậy, hãy tận dụng thì giờ và năng lực trong công việc thánh. Khi làm thế, chúng ta thể hiện lòng tin chắc sẽ được Đức Giê-hô-va gìn giữ qua cơn đại nạn hoặc sẽ được sống lại trong thế giới mới (Hê 6:10). Như thế, chúng ta sẽ cho thấy mình xem trọng món quà sự sống đến mức nào.

Bạn trả lời thế nào?

• Qua cách nào Chúa Giê-su đã thể hiện xuất sắc tinh thần sẵn sàng phục vụ Đức Chúa Trời và con người?

• Tại sao một người phải liều mình, và làm điều này bằng cách nào?

• Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, chỉ có loại của-lễ nào mới đẹp lòng Đức Giê-hô-va, và chúng ta học được gì qua điều này?

• Chúng ta khôn ngoan sử dụng thì giờ qua những cách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 26]

Chúa Giê-su luôn luôn làm Đức Chúa Trời đẹp lòng

[Hình nơi trang 28]

Người Y-sơ-ra-ên có lòng biết ơn đã dâng những gì tốt nhất để ủng hộ sự thờ phượng thật

[Các hình nơi trang 29]

Chúng ta làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng cách khôn ngoan sử dụng thì giờ