“Bài ca của biển”—Bản chép tay nối kết hai giai đoạn lịch sử
“Bài ca của biển”—Bản chép tay nối kết hai giai đoạn lịch sử
Ngày 22-5-2007, một mảnh của cuộn sách tiếng Hê-bơ-rơ có niên đại từ thế kỷ thứ bảy hoặc thứ tám CN được đưa ra trưng bày tại viện bảo tàng Do Thái ở Giê-ru-sa-lem. Đây là một bản chép tay đoạn Xuất Ê-díp-tô Ký 13:19–16:1, trong đó có phần gọi là “Bài ca của biển”—bài ca chiến thắng của dân Y-sơ-ra-ên sau khi được giải thoát bằng phép lạ ở Biển Đỏ. Tại sao việc trưng bày mảnh sách này là đáng chú ý?
Câu trả lời liên quan đến niên đại của bản chép tay này. Các cuộn Biển Chết được viết khoảng giữa thế kỷ thứ ba TCN và thế kỷ thứ nhất CN. Trước khi các cuộn này được phát hiện, cách đây độ 60 năm, bản chép tay tiếng Hê-bơ-rơ xưa nhất là sách Aleppo Codex, có niên đại 930 CN. Trừ ra vài mảnh thì không có bản chép tay tiếng Hê-bơ-rơ nào đã được phát hiện có niên đại trong khoảng thời gian hàng trăm năm giữa hai giai đoạn đó.
Giám đốc viện bảo tàng Do Thái là James S. Snyder nói: “Bản chép tay Bài ca của biển. . . nối kết hai giai đoạn lịch sử giữa các cuộn Biển Chết. . . và sách Aleppo Codex”. Theo ông, bản chép tay này cùng với những bản văn cổ xưa khác thuộc Kinh Thánh “là một thí dụ đặc sắc về tính không thay đổi của bản văn qua thời gian”.
Mảnh sách này được cho là một trong nhiều bản chép tay được phát hiện vào cuối thế kỷ 19 trong một nhà hội ở Cairo, Ai Cập. Tuy nhiên, một người sưu tầm các bản chép tay cổ tiếng Hê-bơ-rơ đã không biết giá trị của nó cho đến khi ông hỏi ý kiến của một chuyên gia vào cuối thập niên 1970. Lúc ấy, mảnh sách được xác định niên đại bằng cacbon và lưu trữ đến khi đưa ra trưng bày trong viện bảo tàng Do Thái.
Bình luận về mảnh sách này, ông Adolfo Roitman, người quản lý Điện Sách Thánh (Shrine of the Book, thuộc viện bảo tàng Do Thái) và các cuộn Biển Chết, nói: “Bản chép tay Bài ca của biển cho thấy độ trung thực rất cao của bản Kinh Thánh mà nhóm Masorete đã sao chép lại qua nhiều thế kỷ. Điều phi thường là vần luật đặc trưng chúng ta thấy trong Bài ca của biển ngày nay cũng giống như trong thế kỷ thứ 7 và 8”.
Kinh Thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, và Đức Giê-hô-va đóng vai trò chính yếu trong việc gìn giữ Lời Ngài. Ngoài ra, Kinh Thánh đã được sao chép lại kỹ lưỡng. Vì thế, không có gì phải nghi ngờ, văn bản Kinh Thánh chúng ta dùng ngày nay hoàn toàn đáng tin cậy.
[Nguồn tư liệu nơi trang 32]
Courtesy of Israel Museum, Jerusalem