Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy tìm cách làm nên hòa-thuận”

“Hãy tìm cách làm nên hòa-thuận”

“Hãy tìm cách làm nên hòa-thuận”

Một con đường mới được tráng nhựa trông rất rắn chắc và không thể hư hại. Tuy nhiên, qua thời gian, mặt đường có thể xuất hiện những vết nứt và ổ gà. Nó cần được tu sửa để bảo đảm an toàn và lâu hư.

Tương tự, mối quan hệ của chúng ta với người khác đôi khi bị căng thẳng, thậm chí rạn nứt. Sứ đồ Phao-lô nhận thấy có sự bất đồng quan điểm trong vòng các tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma. Ông khuyên các anh em đồng đạo: “Chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa-thuận và làm gương sáng cho nhau” (Rô 14:13, 19). Tại sao cần phải “tìm cách làm nên hòa-thuận”? Làm thế nào chúng ta có can đảm và hữu hiệu trong việc cố gắng sống hòa thuận?

Tại sao phải cố gắng sống hòa thuận?

Nếu không sửa chữa, những vết nứt nhỏ trên mặt đường có thể biến thành những ổ gà nguy hiểm. Tương tự, không giải quyết những bất đồng có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Sứ đồ Giăng viết: “Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (1 Giăng 4:20). Mối bất đồng cá nhân không được giải quyết có thể dần dần khiến một tín đồ Đấng Christ ghét anh em mình.

Chúa Giê-su cho thấy nếu chúng ta không làm hòa với người khác, Đức Giê-hô-va sẽ không chấp nhận sự thờ phượng của chúng ta. Chúa Giê-su chỉ dạy các môn đồ: “Nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của-lễ” (Mat 5:23, 24). Đúng vậy, lý do chính để chúng ta cố gắng sống hòa thuận là vì muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va *.

Một tình huống trong hội thánh Phi-líp cho thấy rõ lý do khác để cố gắng sống hòa thuận. Một vấn đề không được nêu rõ giữa hai nữ tín đồ, Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ, dường như đã đe dọa đến sự bình an của cả hội thánh (Phi-líp 4:2, 3). Những bất đồng cá nhân không được giải quyết có thể nhanh chóng trở thành vấn đề chung. Khi có ước muốn duy trì tình yêu thương và sự hợp nhất của hội thánh, chúng ta sẽ cố gắng sống hòa thuận với anh em đồng đạo.

Chúa Giê-su phán: “Phước cho những kẻ làm cho người hòa-thuận” (Mat 5:9). Cố gắng sống hòa thuận mang lại niềm vui và sự thỏa nguyện. Hơn nữa, sự hòa thuận góp phần đem lại sức khỏe tốt, vì “lòng bình-tịnh là sự sống của thân-thể” (Châm 14:30). Trái lại, cưu mang hờn giận có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh.

Đa số tín đồ Đấng Christ đồng ý rằng cố gắng sống hòa thuận là cần thiết, nhưng bạn có lẽ tự hỏi làm sao để giải quyết bất đồng cá nhân. Hãy xem xét những nguyên tắc Kinh Thánh có thể hướng dẫn chúng ta.

Bình tĩnh thảo luận giúp hòa thuận trở lại

Những vết nứt nhỏ trên mặt đường thường được sửa bằng cách lấp lại chỗ bị hư hại. Chúng ta có thể tha thứ và bỏ qua những khuyết điểm nhỏ của anh em không? Rất có thể cách này sẽ giải quyết được phần lớn những bất đồng cá nhân, vì sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi”.—1 Phi 4:8.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cảm thấy vấn đề quá nghiêm trọng, không thể chỉ đơn giản bỏ qua. Hãy xem chuyện gì đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên ít lâu sau khi vào Đất Hứa. Trước khi “người Ru-bên, người Gát, và phân nửa chi-phái Ma-na-se” đi qua bên kia sông Giô-đanh, họ lập một ‘bàn-thờ rất cao lớn’. Các chi phái kia nghĩ rằng bàn thờ đó được dùng để thờ hình tượng và họ không thể làm ngơ nên chuẩn bị kéo quân đến đánh.—Giô-suê 22:9-12.

Một số người Y-sơ-ra-ên có thể đã nghĩ rằng họ có đủ bằng chứng của việc làm sai trái và nếu bất ngờ tấn công thì họ sẽ ít bị tổn thất hơn. Tuy nhiên, thay vì hành động hấp tấp, những chi phái ở phía tây sông Giô-đanh đã cử người đến thảo luận vấn đề với anh em. Họ hỏi: “Sự bất-trung nầy mà các ngươi đã phạm cùng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là chi? Vì sao ngày nay các ngươi bỏ Đức Giê-hô-va?”. Thật ra, các chi phái dựng bàn thờ đã không hành động bất trung. Nhưng họ phản ứng thế nào trước lời cáo buộc này? Họ có bực tức la lối hay không thèm nói chuyện với những người buộc tội họ không? Các chi phái này phản ứng hòa nhã, giải thích rõ rằng họ làm thế là vì thật sự muốn phụng sự Đức Giê-hô-va. Lời đáp đó đã giúp gìn giữ mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời và không ai bị thiệt mạng. Bình tĩnh thảo luận giúp họ giải quyết vấn đề và hòa thuận trở lại.—Giô-suê 22:13-34.

Trước khi quyết định kéo quân đến đánh, những người Y-sơ-ra-ên khác đã khôn ngoan thảo luận vấn đề với chi phái Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se. Lời Đức Chúa Trời nói: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội” (Truyền 7:9). Với những bất đồng nghiêm trọng, cách giải quyết phù hợp với Kinh Thánh là thảo luận điềm tĩnh và thẳng thắn. Chúng ta có thể nào mong Đức Giê-hô-va ban phước nếu cưu mang hờn giận và không đến gặp người chúng ta nghĩ đã xúc phạm đến mình?

Còn nói sao nếu một anh em đến trách móc chúng ta về một vấn đề, thậm chí nói oan cho chúng ta? Kinh Thánh viết: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận” (Châm 15:1). Những chi phái Y-sơ-ra-ên bị buộc tội đã giải thích quan điểm của họ một cách hòa nhã nhưng rõ ràng, nhờ thế làm lắng dịu một cuộc đối đầu rất căng thẳng với anh em. Dù chúng ta chủ động đến gặp anh em hay chính người ấy nói ra vấn đề với chúng ta, chúng ta cũng nên tự hỏi: “Lời lẽ, giọng nói và thái độ nào sẽ giúp phát huy sự hòa thuận?”.

Dùng lưỡi một cách khôn ngoan

Đức Giê-hô-va hiểu rằng chúng ta cần bày tỏ những khúc mắc của mình. Vì thế, nếu không giải quyết mối bất đồng cá nhân, chúng ta có thể muốn thổ lộ vấn đề với người khác. Sự hờn giận dễ khiến chúng ta nói lời chỉ trích. Về việc lạm dụng lưỡi, Châm-ngôn 11:11 nói: “Tại miệng kẻ tà-ác, [thành] bị đánh đổ”. Tương tự thế, lời nói không thận trọng về một anh em đồng đạo có thể ảnh hưởng đến sự bình an của hội thánh.

Tuy nhiên, cố gắng sống hòa thuận không có nghĩa là phải tránh nói về anh em. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Miệng lưỡi anh em đừng nói những lời xấu xa tai hại”. Nhưng ông nói thêm: “Hãy nói lời tốt đẹp xây dựng, đem lại ích lợi cho người nghe. . . Phải có lòng nhân từ, yêu mến nhau, phải tha thứ nhau” (Ê-phê 4:29-32, Bản Diễn Ý). Giả sử một anh em đến gặp bạn vì cảm thấy bị xúc phạm bởi lời nói hay hành động của bạn, chẳng phải dễ để xin lỗi và hòa thuận lại nếu trước đây người đó đã từng nói tốt về bạn với người khác hay sao? Vì vậy, có thói quen nói lời xây dựng về anh em sẽ dễ cho chúng ta làm hòa khi nảy sinh vấn đề.—Lu 6:31.

“Một lòng” hầu việc Đức Chúa Trời

Con người bất toàn thường có khuynh hướng tránh mặt những người xúc phạm đến mình bằng cách tự cô lập. Nhưng đó không phải là cách cư xử khôn ngoan (Châm 18:1). Là dân tộc hợp nhất kêu cầu danh Đức Giê-hô-va, chúng ta quyết tâm “một lòng hầu việc Ngài”.—Sô 3:9.

Chớ bao giờ để lời nói và hành động sai trái của người khác khiến chúng ta giảm đi lòng sốt sắng đối với sự thờ phượng thật. Chỉ ít lâu trước khi sự hy sinh của Chúa Giê-su thay thế cho những của-lễ dâng tại đền thờ, và không lâu sau khi thẳng thắn lên án những thầy thông giáo, Chúa Giê-su để ý thấy một bà góa nghèo “dâng hết của mình có để nuôi mình” vào rương đóng góp của đền thờ. Ngài có ngăn cản bà không? Không! Trái lại, ngài khen ngợi bà vì đã trung thành ủng hộ hội thánh của Đức Giê-hô-va lúc bấy giờ (Lu 21:1-4). Hành động không đúng đắn của người khác không miễn trừ cho bà trách nhiệm ủng hộ sắp đặt về sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.

Dù cảm thấy một anh hay chị hành động không đúng, thậm chí bất công, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Chúng ta có để điều đó ảnh hưởng đến sự thờ phượng hết lòng của mình đối với Đức Giê-hô-va không? Hay chúng ta sẽ can đảm giải quyết mọi bất đồng cá nhân để duy trì sự bình an quý giá trong hội thánh Đức Chúa Trời thời nay?

Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người” (Rô 12:18). Mong sao chúng ta quyết tâm làm thế để tiếp tục vững bước trên con đường dẫn đến sự sống.

[Chú thích]

^ đ. 6 Về lời khuyên của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 18:15-17, xin xem Tháp Canh ngày 15-10-1999, trang 17-22.

[Hình nơi trang 17]

Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ cần cố gắng sống hòa thuận với nhau

[Hình nơi trang 18]

Lời lẽ, giọng nói và thái độ nào sẽ giúp duy trì sự hòa thuận?