Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhanh chóng giúp họ trở lại!

Nhanh chóng giúp họ trở lại!

Nhanh chóng giúp họ trở lại!

“Chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời”.—GIĂNG 6:68.

1. Phi-e-rơ nói gì khi nhiều môn đồ từ bỏ Chúa Giê-su?

Có lần, nhiều môn đồ đã từ bỏ Chúa Giê-su vì không chấp nhận một lời dạy của ngài. Chúa Giê-su hỏi các sứ đồ: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”. Phi-e-rơ đáp: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:51-69). Câu trả lời là không có nơi nào khác. Lúc đó Do Thái giáo không có “những lời của sự sống đời đời”, và ngày nay chắc chắn không thể tìm thấy những lời đó trong Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm. Đối với ai đã lạc khỏi bầy của Đức Chúa Trời nhưng muốn làm đẹp lòng Ngài thì ‘đã đến lúc phải thức tỉnh’ và trở lại bầy.—Rô 13:11, Bản Diễn Ý.

2. Cần nhớ điều gì trong những chuyện liên quan đến vấn đề tư pháp hoặc việc riêng tư?

2 Đức Giê-hô-va thể hiện lòng quan tâm đối với những con chiên đã mất của nhà Y-sơ-ra-ên. (Đọc Ê-xê-chi-ên 34:15, 16). Tương tự, các trưởng lão đạo Đấng Christ có lòng mong muốn và có bổn phận giúp đỡ người giống như chiên đã lạc khỏi bầy. Họ có thể sắp đặt một người công bố học với người đã ngưng hoạt động nhưng muốn được giúp đỡ. Nếu biết người đó đã phạm tội trọng, người hướng dẫn nên làm gì? Thay vì đưa ra lời khuyên về vấn đề tư pháp hoặc việc riêng tư, người công bố nên đề nghị người ấy đến gặp trưởng lão. Nếu người ấy không làm, người công bố nên báo cho trưởng lão biết.—Lê 5:1; Ga 6:1.

3. Người có 100 con chiên cảm thấy thế nào khi tìm được con bị lạc?

3 Bài trước đã đề cập đến minh họa của Chúa Giê-su về người có 100 con chiên. Khi một con lạc bầy, ông để 99 con kia lại và đi tìm con bị lạc. Ông vui mừng biết bao khi tìm được nó! (Lu 15:4-7). Chúng ta cũng có niềm vui tương tự khi một chiên lạc của Đức Chúa Trời trở về bầy. Vì tình yêu thương, trưởng lão và các thành viên khác trong hội thánh có lẽ đã viếng thăm người đó. Họ cũng muốn thấy người đó trở về với bầy và nhận được sự nâng đỡ, bảo vệ và ân phước của Đức Giê-hô-va (Phục 33:27; Thi 91:14; Châm 10:22). Nếu có cơ hội giúp đỡ về phương diện này, họ có thể làm gì?

4. Chúng ta có thể rút ra điều gì từ Ga-la-ti 6:2, 5?

4 Họ có thể khuyến khích một người trở lại với hội thánh bằng cách ân cần cho người ấy biết Đức Giê-hô-va yêu thương chiên của Ngài và chỉ đòi hỏi những gì chúng ta có thể làm. Điều này bao gồm việc học hỏi Kinh Thánh, tham dự nhóm họp và rao giảng tin mừng Nước Trời. Có lẽ cũng thích hợp để đọc Ga-la-ti 6:2, 5 và giải thích rằng tín đồ Đấng Christ có thể chia sẻ gánh nặng cho nhau, nhưng về trách nhiệm đối với Đức Giê-hô-va thì “ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy”. Không ai có thể trung thành với Đức Chúa Trời thế cho chúng ta.

“Sự lo-lắng đời nầy” có phải là nguyên do không?

5, 6. (a) Tại sao lắng nghe người đã ngưng hoạt động thổ lộ nỗi lòng là điều quan trọng? (b) Làm thế nào bạn có thể giúp người đã ngưng hoạt động thấy rằng thiếu kết hợp với dân Đức Chúa Trời là điều bất lợi cho họ?

5 Để biết cách giúp đỡ các anh chị đã ngưng hoạt động, trưởng lão và những người công bố thành thục khác cần lắng nghe anh hay chị ấy thổ lộ nỗi lòng. Giả sử bạn là trưởng lão viếng thăm một cặp vợ chồng lâu nay vắng mặt ở hội thánh vì “sự lo-lắng đời nầy” (Lu 21:34). Vấn đề tài chính hoặc nhiều trách nhiệm gia đình có thể đã khiến họ dần dần ngưng hoạt động về thiêng liêng. Họ có lẽ nghĩ họ cần giảm bớt áp lực, nhưng bạn có thể cho thấy việc tự cô lập không giải quyết được vấn đề. (Đọc Châm-ngôn 18:1). Bạn có thể khéo léo hỏi: “Anh chị có thấy hạnh phúc hơn khi ngưng đi nhóm không? Đời sống gia đình anh chị có tốt hơn không? Sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va có còn là sức lực của anh chị không?”.—Nê 8:10.

6 Suy ngẫm về những câu hỏi đó có thể giúp những người đã ngưng hoạt động thấy rằng vì thiếu kết hợp với hội thánh nên tình trạng thiêng liêng và niềm vui của họ bị sa sút (Mat 5:3, NW; Hê 10:24, 25). Cũng có thể giúp họ nhận ra rằng họ mất đi niềm vui vì không rao giảng tin mừng (Mat 28:19, 20). Vậy họ nên làm gì?

7. Chúng ta có thể khuyến khích người đã bị lạc khỏi bầy làm gì?

7 Chúa Giê-su phán: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng. . . Vậy, hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra” (Lu 21:34-36). Với những người đã bị lạc khỏi bầy nhưng muốn có lại niềm hạnh phúc trước đây, chúng ta có thể khuyến khích họ cầu xin thánh linh và sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, rồi hành động phù hợp với lời cầu nguyện của mình.—Lu 11:13.

Phải chăng họ đã bị vấp phạm?

8, 9. Một trưởng lão có thể lý luận thế nào với người bị vấp phạm?

8 Vì con người bất toàn nên đôi khi xảy ra những xích mích, khiến một người vấp phạm. Một số người có thể bị vấp phạm khi một anh hay chị được kính trọng trong hội thánh hành động trái với Kinh Thánh. Nếu một người đã ngưng hoạt động vì lý do như thế, trưởng lão viếng thăm có thể cho thấy rằng Đức Giê-hô-va không làm ai vấp phạm. Vậy tại sao lại cắt đứt quan hệ với Đức Chúa Trời và dân Ngài? Chẳng phải người đó nên tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời, tin chắc rằng “Đấng đoán-xét toàn thế-gian” biết chuyện gì xảy ra và sẽ xử lý vấn đề đúng cách sao? (Sáng 18:25; Cô 3:23-25). Nếu một người bị vấp té, người ấy sẽ không cố tình nằm yên dưới đất mà không thèm đứng dậy.

9 Khi cố gắng giúp người bị vấp phạm trở lại, trưởng lão có thể cho thấy rằng với thời gian, một số người cảm thấy điều làm họ vấp phạm dường như không còn quan trọng. Thậm chí vấn đề đó có thể không còn nữa. Nếu một người đã ngưng hoạt động vì sự sửa trị, việc cầu nguyện và suy ngẫm có thể giúp người ấy nhận ra mình cũng có lỗi phần nào và lẽ ra không nên phản ứng như thế.—Thi 119:165; Hê 12:5-13.

Vì không đồng ý với một dạy dỗ chăng?

10, 11. Cách lý luận nào có thể hữu hiệu khi cố gắng giúp người bất đồng ý kiến với một dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh?

10 Một số người có lẽ đã rời bỏ bầy của Đức Chúa Trời vì không đồng ý với một dạy dỗ nào đó dựa trên Kinh Thánh. Dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập đã “quên các công-việc [Đức Chúa Trời]” làm vì lợi ích của họ và “không chờ-đợi lời chỉ-giáo Ngài” (Thi 106:13). Có thể hữu ích để nhắc người đã ngưng hoạt động nhớ rằng lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp đồ ăn thiêng liêng quý báu (Mat 24:45). Nhờ đó mà người ấy đã biết được lẽ thật. Vậy tại sao không quyết tâm tiếp tục bước theo lẽ thật?—2 Giăng 4.

11 Khi cố gắng giúp những người đã bị lạc khỏi bầy, trưởng lão có thể nói đến các môn đồ đã từ bỏ Chúa Giê-su vì không chấp nhận một lời dạy của ngài (Giăng 6:53, 66). Khi cắt đứt quan hệ với Đấng Christ và các môn đồ trung thành của ngài, họ đánh mất lòng quý trọng những điều thiêng liêng và niềm vui của mình. Những ai đã ngưng kết hợp với hội thánh đạo Đấng Christ có tìm được nơi nào khác cung cấp đồ ăn thiêng liêng bổ ích không? Chắc chắn không nơi nào khác!

Đã phạm hành vi sai trái?

12, 13. Nếu một người bị lạc khỏi bầy thú nhận đã phạm tội trọng, người ấy có thể được giúp đỡ thế nào?

12 Một số người ngưng rao giảng và nhóm họp vì đã phạm tội trọng. Có lẽ họ nghĩ rằng nếu thú tội với trưởng lão thì sẽ bị khai trừ. Nhưng họ sẽ không bị khai trừ khỏi hội thánh nếu đã ngưng làm điều trái với Kinh Thánh và thật lòng ăn năn (2 Cô 7:10, 11). Họ sẽ được đón nhận và được các trưởng lão giúp đỡ về thiêng liêng.

13 Nếu bạn là người công bố thành thục được yêu cầu giúp người đã ngưng hoạt động, bạn sẽ làm gì nếu người đó thú nhận đã phạm một tội trọng? Như đã nói ở trên, thay vì tự tìm cách giúp, hãy khuyên người ấy đến gặp trưởng lão. Nếu người ấy không muốn làm thế, bạn sẽ cho thấy mình quan tâm đến danh của Đức Giê-hô-va và lợi ích thiêng liêng của hội thánh bằng cách hành động phù hợp với sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong vấn đề này. (Đọc Lê-vi Ký 5:1). Các trưởng lão sẽ biết cách giúp người muốn trở lại để sống phù hợp với ý của Đức Chúa Trời. Có thể cần yêu thương áp dụng biện pháp kỷ luật (Hê 12:7-11). Nếu người ấy nhìn nhận mình đã phạm tội với Đức Chúa Trời, ngưng làm điều sai trái và thật lòng ăn năn, các trưởng lão sẽ giúp đỡ và người ấy có thể được Đức Giê-hô-va tha thứ.—Ê-sai 1:18; 55:7; Gia 5:13-16.

Vui mừng khi con trở lại

14. Hãy dùng lời lẽ riêng kể lại minh họa của Chúa Giê-su về người con hoang đàng.

14 Khi cố gắng giúp đỡ một con chiên lạc, người công bố có thể nói đến minh họa của Chúa Giê-su ghi nơi Lu-ca 15: 11-24. Trong minh họa này, một thanh niên phung phí gia tài của mình vào lối sống trác táng. Cuối cùng, anh cảm thấy ghê tởm lối sống ăn chơi hoang đàng. Bụng đói, nhớ nhà, anh quyết định trở về! Khi anh còn ở đằng xa, người cha nhìn thấy liền chạy ra ôm lấy cổ anh mà hôn và rất đỗi vui mừng. Suy ngẫm minh họa này có thể thúc đẩy người đã trôi dạt trở về với bầy. Vì thế gian này sắp sửa bị hủy diệt, người ấy phải nhanh chóng “trở về nhà”.

15. Tại sao một số người trôi dạt khỏi hội thánh?

15 Đa số những người trôi dạt khỏi hội thánh không giống như người con hoang đàng. Với một số người, sự trôi dạt diễn ra dần dần, giống như chiếc thuyền từ từ trôi xa khỏi bờ. Những người khác sao lãng điều thiêng liêng vì sự lo lắng đời này. Có người thì để mình bị vấp phạm bởi một ai đó trong hội thánh, hoặc rời bỏ vì không đồng ý với một dạy dỗ của Kinh Thánh. Vài người phạm hành vi trái với Kinh Thánh. Tuy nhiên, với lời đề nghị được trình bày cho mỗi trường hợp này, bạn có thể giúp đỡ những người đã rời khỏi bầy vì những lý do này hay lý do khác để họ quay về trước khi quá trễ.

“Con đã trở về!”

16-18. (a) Một trưởng lão giúp một người đã ngưng hoạt động trong nhiều năm như thế nào? (b) Tại sao anh này ngưng hoạt động? Anh được giúp đỡ ra sao, và anh đã được hội thánh đón nhận lại như thế nào?

16 Một trưởng lão nói: “Hội đồng trưởng lão chúng tôi rất quan tâm đến việc thăm viếng những người đã ngưng hoạt động. Tôi nghĩ đến một anh mà tôi đã hướng dẫn và giúp học biết lẽ thật. Anh ấy ngưng hoạt động khoảng 25 năm và đang trải qua một tình cảnh rất khó khăn, vì thế tôi giải thích việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp anh như thế nào. Sau một thời gian, anh bắt đầu đến Phòng Nước Trời và đồng ý học Kinh Thánh lại để củng cố lòng quyết tâm trở về với bầy”.

17 Tại sao anh này ngưng hoạt động? Anh kể: “Tôi đã bắt đầu chú tâm đến những việc của thế gian nhiều hơn điều thiêng liêng. Rồi tôi ngưng học hỏi, rao giảng và đi nhóm. Tôi ngưng kết hợp với hội thánh hồi nào không hay. Nhưng anh trưởng lão đã tỏ lòng quan tâm chân thành và giúp tôi trở lại hội thánh”. Sau khi chấp nhận học Kinh Thánh lại, những vấn đề trong đời sống của anh bắt đầu giảm bớt. Anh nói: “Tôi nhận ra điều thiếu vắng trong đời sống tôi là tình yêu thương và sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va cũng như của tổ chức Ngài”.

18 Anh này được hội thánh đón nhận như thế nào? Anh cho biết: “Tôi thấy mình giống người con hoang đàng trong minh họa của Chúa Giê-su. Thật vậy, một chị lớn tuổi đã ở hội thánh 30 năm qua và hiện vẫn tích cực hoạt động, nói với tôi: “Con đã trở về!”. Câu nói đó làm tôi hết sức cảm động. Quả thật, tôi đã “trở về nhà”. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành về tình yêu thương, sự nồng ấm, lòng kiên nhẫn và sự quan tâm mà anh trưởng lão đó và cả hội thánh dành cho tôi. Tình yêu thương của các anh chị ấy dành cho Đức Giê-hô-va và người lân cận quả giúp tôi trở về với bầy”.

Khuyến khích họ hành động ngay!

19, 20. Làm thế nào bạn có thể khuyến khích những người đã ngưng hoạt động trở về với bầy ngay, và làm sao để cho thấy Đức Chúa Trời không đòi hỏi điều gì quá sức chúng ta?

19 Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng và thế gian này sắp kết thúc. Vì thế, hãy động viên những người đã ngưng hoạt động đến dự các buổi nhóm. Khuyến khích họ bắt đầu tham dự ngay. Cho họ thấy rằng Sa-tan đang nỗ lực hủy hoại mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời và khiến họ nghĩ rằng từ bỏ sự thờ phượng thật sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng trong đời sống. Bạn có thể bảo đảm với họ rằng chỉ những môn đồ trung thành của Chúa Giê-su mới thật sự được sảng khoái, thanh thản.—Đọc Ma-thi-ơ 11:28-30.

20 Nhắc người ngưng hoạt động rằng Đức Chúa Trời chỉ đòi hỏi chúng ta những gì mình có thể làm. Khi Ma-ri bị chỉ trích vì lấy dầu thơm đắt tiền xức cho Chúa Giê-su không lâu trước khi ngài chết, ngài phán: “Hãy để mặc người. . . Người đã làm điều mình có thể làm được” (Mác 14:6-8). Chúa Giê-su khen bà góa nghèo dù bà đóng góp rất ít cho đền thờ. Bà cũng đã làm điều mình có thể làm (Lu 21:1-4). Hầu hết chúng ta đều có thể đi nhóm họp và tham gia công việc rao giảng về Nước Trời. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, nhiều người hiện đã ngưng hoạt động cũng có thể làm thế.

21, 22. Bạn có thể nói gì để những người lạc bầy yên tâm trở về với Đức Giê-hô-va?

21 Nếu một người giống như chiên bị lạc khỏi bầy ngại gặp lại anh chị em, bạn có thể nhắc người ấy về sự vui mừng khi người con hoang đàng trở về nhà. Những người quay về với hội thánh cũng mang lại niềm vui như thế. Khuyến khích họ hành động ngay để kháng cự Ma-quỉ và đến gần Đức Chúa Trời.—Gia 4:7, 8.

22 Những người quay về với Đức Giê-hô-va sẽ được hội thánh hân hoan chào đón (Ca 3:40). Trước kia, họ hẳn đã có được nhiều niềm vui khi phụng sự Đức Giê-hô-va. Trong tương lai, vô vàn ân phước đang chờ đón những ai nhanh chóng trở lại với bầy!

Bạn trả lời thế nào?

• Làm thế nào bạn có thể giúp một tín đồ Đấng Christ đã ngưng hoạt động vì bị vấp phạm?

• Cách lý luận nào có thể giúp một người đã lìa bỏ bầy của Đức Chúa Trời vì không đồng ý với một dạy dỗ nào đó?

• Làm thế nào có thể giúp đỡ một người ngần ngại trở về với hội thánh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Hãy lắng nghe người anh em đã ngưng hoạt động thổ lộ nỗi lòng

[Hình nơi trang 15]

Suy ngẫm minh họa của Chúa Giê-su về người con hoang đàng có thể thúc đẩy một số người trở về với bầy