Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn sẽ giữ lòng trung kiên không?

Bạn sẽ giữ lòng trung kiên không?

Bạn sẽ giữ lòng trung kiên không?

“Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, không bao giờ tôi từ bỏ sự vẹn toàn của tôi”.—GIÓP 27:5, Tòa Tổng Giám Mục.

1, 2. Chúng ta cần nỗ lực trong việc gì, và những câu hỏi nào sẽ được xem xét?

Hãy tưởng tượng bạn đang xem xét bản vẽ của một ngôi nhà. Bạn thán phục tính thiết thực của kiểu nhà như vậy. Bạn vui thích nghĩ về những tiện ích cho mình và gia đình. Nhưng chẳng phải bạn đồng ý rằng chỉ xem bản vẽ và nghĩ đến thiết kế đó thôi thì không có ích gì mấy trừ khi bạn thật sự xây ngôi nhà, dọn vào sống và bảo quản nó sao?

2 Tương tự, chúng ta có thể nghĩ trung kiên là một đức tính rất quan trọng, có lợi cho chính mình và những người thân yêu. Nhưng việc đề cao tính trung kiên chẳng ích lợi gì mấy trừ khi chúng ta vun trồng và gìn giữ lòng trung kiên của tín đồ Đấng Christ. Trong thế gian này, một dự án xây dựng thường rất tốn kém (Lu 14:28, 29). Cũng vậy, vun trồng lòng trung kiên tốn nhiều thời gian và nỗ lực, nhưng rất đáng công. Vậy, chúng ta hãy thảo luận ba câu hỏi: Làm thế nào để trở thành người có tính trung kiên? Làm sao để gìn giữ lòng trung kiên của tín đồ Đấng Christ? Một người có thể làm gì nếu đã có lúc không giữ vững lòng trung kiên?

Làm thế nào để có tính trung kiên?

3, 4. (a) Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vun trồng lòng trung kiên bằng cách nào? (b) Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng lòng trung kiên theo gương của Chúa Giê-su?

3 Bài trước cho thấy Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta đặc ân tự quyết định mình sẽ trở thành người trung kiên hay không. Nhưng điều đáng mừng là Ngài không bỏ mặc chúng ta trong vấn đề này. Ngài dạy chúng ta cách vun trồng đức tính quý giá này và rộng rãi ban thánh linh giúp chúng ta áp dụng các dạy dỗ của Ngài (Lu 11:13). Đức Giê-hô-va thậm chí còn bảo vệ về thiêng liêng cho những ai cố gắng “sống thanh liêm”, tức giữ lòng trung kiên.—Châm 2:7, TTGM.

4 Làm thế nào Đức Giê-hô-va dạy chúng ta trở thành người giữ lòng trung kiên? Trước hết là qua việc sai Con Ngài xuống đất. Trong đời sống, Chúa Giê-su luôn luôn vâng lời Cha trên trời. Ngài “vâng-phục cho đến chết” (Phi-líp 2:8). Chúa Giê-su vâng lời ngay cả lúc vô cùng khó khăn. Ngài nói với Đức Giê-hô-va: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu 22:42). Mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có tinh thần vâng phục như thế không?”. Bằng cách sống theo đường lối vâng lời với động cơ đúng đắn, chúng ta sẽ là người giữ lòng trung kiên. Hãy xem xét vài khía cạnh trong đời sống mà chúng ta đặc biệt cần thể hiện tinh thần vâng phục.

5, 6. (a) Đa-vít nhấn mạnh thế nào về tầm quan trọng của việc giữ lòng trung kiên ngay cả khi không người nào nhìn thấy chúng ta? (b) Ngày nay, tín đồ Đấng Christ đương đầu với những thử thách nào về lòng trung kiên khi ở một mình?

5 Chúng ta cần vâng lời Đức Giê-hô-va ngay cả khi ở một mình. Người viết Thi-thiên là Đa-vít lưu ý đến tầm quan trọng của tấm lòng trọn vẹn hay trung kiên trong những lúc ông có lẽ ở một mình. (Đọc Thi-thiên 101:2). Là vua, Đa-vít thường có nhiều người xung quanh. Chắc chắn nhiều khi có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người quan sát ông. (So sánh Thi-thiên 26:12). Giữ lòng trung kiên trong những lúc như thế là quan trọng vì vua phải nêu gương tốt cho dân sự (Phục 17:18, 19). Tuy nhiên, Đa-vít nhận biết rằng khi dường như chỉ có một mình—‘trong nhà ông’—ông vẫn phải ăn ở với lòng trung kiên. Còn chúng ta thì sao?

6 Nơi Thi-thiên 101:3, Đa-vít nói: “Tôi sẽ chẳng để điều gì đê-mạt trước mặt tôi”. Ngày nay, có nhiều tình huống khiến chúng ta đối mặt với những điều đê mạt xấu xa, nhất là khi ở một mình. Việc truy cập Internet đưa ra thử thách cho nhiều người. Rất dễ bị lôi cuốn để xem tài liệu không đứng đắn, ngay cả khiêu dâm. Nhưng làm thế có cho thấy mình vâng lời Đức Chúa Trời, Đấng đã soi dẫn Đa-vít viết những lời trên không? Tài liệu khiêu dâm rất độc hại, vì nó kích thích dục vọng sai trái, hủy hoại lương tâm, làm rạn nứt hôn nhân và làm mất phẩm cách con người.—Châm 4:23; 2 Cô 7:1; 1 Tê 4:3-5.

7. Ý thức điều gì có thể giúp chúng ta giữ lòng trung kiên khi ở một mình?

7 Dĩ nhiên, không khi nào một tôi tớ của Đức Giê-hô-va thật sự một mình. Cha yêu thương trên trời luôn quan sát chúng ta. (Đọc Thi-thiên 11:4). Đức Giê-hô-va hẳn vui lòng biết bao khi thấy bạn kháng cự cám dỗ! Khi làm thế, bạn nghe theo lời cảnh báo ngụ ý trong lời Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 5:28. Vậy, hãy quyết tâm không nhìn những hình ảnh cám dỗ bạn làm điều sai trái. Đừng đánh đổi lòng trung kiên quý giá của bạn với hành vi đáng hổ thẹn là đọc hoặc xem tài liệu khiêu dâm!

8, 9. (a) Đa-ni-ên và những người bạn đã đương đầu với thử thách nào về lòng trung kiên? (b) Ngày nay, làm thế nào các tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi là niềm vui cho Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo?

8 Chúng ta cũng có thể giữ lòng trung kiên bằng cách vâng lời Đức Giê-hô-va khi ở giữa những người không cùng đức tin. Hãy nghĩ đến Đa-ni-ên và ba người bạn. Khi còn trẻ, họ bị dẫn qua Ba-by-lôn làm phu tù. Ở đó, xung quanh là những người không cùng đức tin và biết rất ít hoặc không biết gì về Đức Giê-hô-va, bốn chàng trai trẻ Hê-bơ-rơ bị áp lực phải ăn những thức ăn mà Luật pháp Đức Chúa Trời cấm. Những chàng trai này có thể dễ dàng lý luận rằng thỏa hiệp trong trường hợp này không có gì sai lắm. Hơn nữa, cha mẹ, các trưởng lão và những thầy tế lễ không thể nhìn thấy họ đang làm gì. Nhưng ai biết? Chính Đức Giê-hô-va. Vì thế, họ giữ vững lập trường và vâng lời Ngài dù bị áp lực và nguy hiểm đến tính mạng.—Đa 1:3-9.

9 Trên khắp thế giới, những Nhân Chứng Giê-hô-va trẻ tuổi cũng có lập trường đó, giữ vững tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời dành cho tín đồ Đấng Christ và không nhượng bộ trước áp lực có hại của bạn đồng lứa. Hỡi các bạn trẻ, khi từ chối dùng ma túy, tránh hành vi bạo lực, chửi thề, vô luân và những điều sai trái khác, các bạn đang vâng lời Đức Giê-hô-va. Và như thế, các bạn đang giữ lòng trung kiên. Bản thân các bạn sẽ được lợi ích, và bạn sẽ là niềm vui cho Đức Giê-hô-va cũng như anh em đồng đạo!—Thi 110:3.

10. (a) Quan điểm sai lầm nào về tà dâm khiến một số người trẻ không giữ lòng trung kiên? (b) Lòng trung kiên giúp chúng ta hành động thế nào trong vấn đề liên quan đến mối nguy hiểm của sự tà dâm?

10 Chúng ta cũng cần thể hiện tinh thần vâng lời Đức Chúa Trời khi giao tiếp với người khác phái. Chúng ta biết Lời Đức Chúa Trời cấm tà dâm. Tuy nhiên, cũng dễ cho chúng ta thay đổi thái độ vâng lời và có thái độ dễ dãi, phóng khoáng. Chẳng hạn, một số người trẻ quan hệ tình dục qua đường miệng hoặc hậu môn hay thủ dâm lẫn nhau, họ cho rằng những thực hành này không hẳn là xấu, vì họ nghĩ đó không thực sự là “quan hệ tình dục”. Những người trẻ ấy quên rằng—hay cố tình lờ đi—từ Kinh Thánh được dịch là tà dâm, gian dâm hay dâm dục bao gồm cả những thực hành này, là những hành vi sai trái mà một người có thể bị khai trừ nếu vi phạm *. Tệ hơn nữa, họ lờ đi việc cần phải giữ lòng trung kiên. Vì cố gắng giữ trung kiên, chúng ta không cố tìm kẽ hở. Chúng ta không tìm cách đến gần tội lỗi miễn sao không bị phạt. Chúng ta không chỉ nghĩ đến hình phạt của một hành động sai trái, mà tập trung làm điều Đức Giê-hô-va hài lòng, tránh làm buồn lòng Ngài. Thay vì xem mình có thể gần tội lỗi đến mức nào, chúng ta “tránh xa” nó, kể cả tội gian dâm (1 Cô 6:18, TTGM). Như thế, chúng ta chứng tỏ mình thật sự là người trung kiên.

Làm sao để gìn giữ lòng trung kiên?

11. Tại sao mỗi một hành động vâng lời là quan trọng? Xin minh họa.

11 Chúng ta vun trồng lòng trung kiên qua việc vâng lời, vì thế cách gìn giữ lòng trung kiên là kiên trì trong đường lối vâng lời. Một hành động vâng lời có vẻ chỉ là một việc nhỏ, không đáng kể. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều hành động như thế sẽ khẳng định tính trung kiên của một người. Hãy xem minh họa: Một viên gạch có thể không đáng kể, nhưng với nhiều viên gạch, chúng ta có thể xây một căn nhà đẹp. Vì thế, khi kiên trì vâng lời, chúng ta gìn giữ lòng trung kiên.—Lu 16:10.

12. Đa-vít nêu gương mẫu nào trong việc gìn giữ lòng trung kiên khi chịu đựng ngược đãi và bất công?

12 Lòng trung kiên đặc biệt được thấy rõ khi chúng ta kiên trì chịu đựng sự khó khăn, ngược đãi hoặc bất công. Hãy xem một gương trong Kinh Thánh là Đa-vít. Khi còn trẻ, ông chịu đựng sự ngược đãi của một vị vua được xem là đại diện cho uy quyền của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, vua Sau-lơ đã đánh mất ân huệ của Đức Giê-hô-va và vô cùng ganh ghét Đa-vít, người được Ngài chấp nhận. Nhưng Sau-lơ vẫn nắm quyền trong một thời gian và dùng quân đội Y-sơ-ra-ên để săn đuổi Đa-vít. Đức Giê-hô-va để sự bất công này diễn ra trong nhiều năm. Đa-vít có tỏ ra cay đắng với Đức Chúa Trời không? Ông có nghĩ rằng chịu đựng là vô ích không? Không. Trái lại, ông giữ lòng tôn trọng sâu xa đối với địa vị của Sau-lơ, người chịu xức dầu của Đức Chúa Trời, không trả thù Sau-lơ ngay cả khi có cơ hội.—1 Sa 24:3-8.

13. Làm thế nào chúng ta có thể giữ lòng trung kiên khi cảm thấy bị tổn thương hoặc xúc phạm?

13 Gương mẫu của Đa-vít quả tác động mạnh mẽ đến chúng ta ngày nay! Chúng ta thuộc về một hội thánh toàn cầu gồm những con người bất toàn, bất cứ ai cũng có thể đối xử bất công với chúng ta hoặc thậm chí từ bỏ lẽ thật. Dĩ nhiên, chúng ta được ân phước sống trong thời kỳ mà dân của Đức Giê-hô-va, với tư cách một tổ chức, không bao giờ bị tha hóa (Ê-sai 54:17). Tuy nhiên, chúng ta phản ứng thế nào nếu một người làm mình thất vọng hoặc tổn thương? Nếu nuôi lòng oán giận cay đắng đối với anh em đồng đạo, chúng ta có thể đánh mất lòng trung kiên với Đức Chúa Trời. Đừng bao giờ để hành động của người khác là cái cớ để chúng ta cay đắng với Đức Chúa Trời hoặc từ bỏ đường lối trung thành (Thi 119:165). Kiên trì ngay cả khi gặp thử thách sẽ giúp chúng ta gìn giữ lòng trung kiên.

14. Những người giữ lòng trung kiên phản ứng thế nào khi có thay đổi trong tổ chức và sự điều chỉnh về mặt giáo lý?

14 Chúng ta cũng có thể gìn giữ lòng trung kiên bằng cách tránh thái độ chỉ trích, hay bắt lỗi. Dĩ nhiên, điều đó có nghĩa là phải trung thành với Đức Giê-hô-va. Ngài đang ban phước cho dân Ngài hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ trong lịch sử, sự thờ phượng thanh sạch được nâng cao trên khắp đất như hiện nay (Ê-sai 2:2-4). Khi có điều chỉnh trong cách giải thích Kinh Thánh hoặc trong các sắp đặt thần quyền, chúng ta nên chấp nhận. Chúng ta vui mừng khi thấy có bằng chứng là ánh sáng thiêng liêng vẫn đang ngày càng chiếu rạng (Châm 4:18). Nếu cảm thấy khó hiểu một thay đổi nào đó, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va giúp hiểu thấu vấn đề. Trong khi chờ đợi, chúng ta kiên trì trong đường lối vâng lời, tiếp tục giữ lòng trung kiên.

Nói sao nếu một người không giữ lòng trung kiên?

15. Chỉ ai mới có thể làm bạn từ bỏ lòng trung kiên?

15 Đó là một câu hỏi đáng suy nghĩ nghiêm túc phải không? Như đã học trong bài trước, lòng trung kiên là điều thiết yếu. Không có nó, chúng ta không có mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và không có niềm hy vọng. Hãy nhớ điều này: Chỉ một người trong vũ trụ có thể làm bạn từ bỏ lòng trung kiên. Đó là chính bạn. Ông Gióp đã hiểu rõ sự thật này. Ông nói: “Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, không bao giờ tôi từ bỏ sự vẹn toàn của tôi” (Gióp 27:5, TTGM). Nếu có cùng quyết tâm như thế và nếu tiếp tục gắn bó với Đức Giê-hô-va, bạn sẽ không bao giờ đánh mất lòng trung kiên.—Gia 4:8.

16, 17. (a) Nếu phạm tội trọng, đường lối nào là sai lầm? (b) Người phạm tội nên làm theo hướng dẫn nào?

16 Tuy nhiên, một số người không giữ được lòng trung kiên. Như đã xảy ra vào thời các sứ đồ, một số người ngày nay cũng nhiều lần phạm tội nghiêm trọng. Nếu chuyện này xảy ra với bạn, có phải là vô vọng không? Không nhất thiết là vậy. Bạn có thể làm gì? Trước tiên, hãy xem điều không nên làm. Con người có khuynh hướng giấu tội với cha mẹ, anh em đồng đạo hoặc các trưởng lão. Tuy nhiên, Kinh Thánh nhắc chúng ta: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót” (Châm 28:13). Những người cố che giấu tội lỗi đang phạm một sai lầm nghiêm trọng, vì không thể giấu kín điều gì với Đức Chúa Trời được. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:13). Một số người thậm chí có lối sống hai mặt, giả vờ phụng sự Đức Giê-hô-va trong khi thực hành tội lỗi. Lối sống ấy không có sự trung kiên—trên thực tế là đã mất hẳn lòng trung kiên. Đức Giê-hô-va không vui về sự thờ phượng của những ai che giấu tội trọng. Trái lại, sự giả hình như thế khiến Ngài nổi giận.—Châm 21:27; Ê-sai 1:11-16.

17 Khi một tín đồ Đấng Christ phạm tội trọng, Kinh Thánh đưa ra hướng dẫn rõ ràng. Đó là lúc tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão. Đức Giê-hô-va có sự sắp đặt để xử lý những trường hợp bệnh nặng về thiêng liêng. (Đọc Gia-cơ 5:14). Đừng vì sợ bị kỷ luật hoặc sửa phạt mà không tìm cách chữa bệnh về thiêng liêng. Suy cho cùng, một người khôn ngoan có vì sợ bị tiêm chích hoặc phẫu thuật mà không chữa trị căn bệnh hiểm nghèo của mình không?—Hê 12:11.

18, 19. (a) Làm thế nào trường hợp của Đa-vít cho thấy có thể phục hồi lòng trung kiên? (b) Về sự trung kiên, bạn quyết tâm làm gì?

18 Có hy vọng hoàn toàn hồi phục không? Một khi đã mất lòng trung kiên, có thể nào khôi phục được không? Hãy xem lại gương của Đa-vít. Ông đã phạm tội trọng. Ông tham muốn vợ của người khác, phạm tội ngoại tình và sắp đặt cho người chồng vô tội bị giết. Thật khó để nghĩ rằng Đa-vít khi ấy là một người trung kiên, phải không? Nhưng trường hợp của ông có vô vọng không? Đa-vít cần và đã bị nghiêm trị. Ông thành thật ăn năn và được Đức Giê-hô-va thương xót. Đa-vít rút ra bài học từ sự sửa trị đó và phục hồi lòng trung kiên bằng cách vâng lời Đức Chúa Trời và kiên trì đi theo đường lối ấy. Cuộc đời của Đa-vít chứng thực lời ghi nơi Châm-ngôn 24:16: “Người công-bình dầu sa-ngã bảy lần, cũng chỗi-dậy”. Kết quả là gì? Hãy xem Đức Giê-hô-va đã nói gì về Đa-vít với Sa-lô-môn sau khi Đa-vít qua đời. (Đọc 1 Các Vua 9:4). Đức Chúa Trời nhớ đến Đa-vít như một người trung kiên. Thật vậy, Đức Giê-hô-va có thể rửa sạch mọi vết nhơ cho người biết ăn năn, ngay dù đã phạm tội trọng.—Ê-sai 1:18.

19 Thật vậy, bạn có thể là người trung kiên bằng cách yêu thương vâng lời Đức Chúa Trời. Hãy kiên trì trong đường lối vâng phục, và nếu phạm tội trọng, hãy thành thật ăn năn. Tính trung kiên quả là điều vô cùng quý giá! Mong sao mỗi người chúng ta có cùng quyết tâm như Đa-vít: “Còn tôi, tôi sẽ bước đi trong sự thanh-liêm [trung kiên]”.—Thi 26:11.

[Chú thích]

Bạn trả lời thế nào?

• Làm thế nào để trở thành người có tính trung kiên?

• Bạn có thể gìn giữ lòng trung kiên bằng cách nào?

• Làm thế nào để phục hồi lòng trung kiên?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 8]

“MỘT NGHĨA CỬ CAO ĐẸP”

Một phụ nữ có thai năm tháng đã phát biểu như thế về lòng tử tế và trung thực của một người lạ. Cô đến một quán cà phê, vài giờ sau nhận ra mình đã bỏ quên ví tại đó. Trong ví có 2.000 USD, thường thì cô không mang theo số tiền lớn như thế. Sau này, cô nói với nhà báo: “Tôi hoảng hốt, tức tối”. Nhưng rồi một phụ nữ trẻ đã tìm thấy cái ví và lập tức đi tìm nguyên chủ. Không tìm được, cô đem đến trạm cảnh sát và họ đã tìm được người phụ nữ có thai. Với lòng biết ơn, người phụ nữ này nói: “Đó là một nghĩa cử cao đẹp”. Tại sao phụ nữ trẻ kia đã bỏ công để hoàn lại món tiền đó? Tờ báo ghi nhận rằng là một Nhân Chứng Giê-hô-va, cô có hành động trung thực “là nhờ từ nhỏ đã được dạy giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời”.

[Hình nơi trang 9]

Những người trẻ có thể giữ trung kiên khi bị thử thách

[Hình nơi trang 10]

Có một giai đoạn Đa-vít không giữ được lòng trung kiên, nhưng ông đã phục hồi