Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong thư của Giăng và của Giu-đe

Những điểm nổi bật trong thư của Giăng và của Giu-đe

Lời Đức Giê-hô-va là lời sống

Những điểm nổi bật trong thư của Giăng và của Giu-đe

Có lẽ được viết vào năm 98 CN ở Ê-phê-sô, ba thư của sứ đồ Giăng nằm trong số những sách cuối cùng của Kinh Thánh. Hai thư đầu khuyên tín đồ Đấng Christ tiếp tục bước đi trong sự sáng và chống lại sự bội đạo. Trong thư thứ ba, Giăng không chỉ nói về việc làm theo lẽ thật mà còn khuyến khích tín đồ Đấng Christ hợp tác với nhau.

Trong thư viết ở xứ Pha-lê-tin, có lẽ năm 65 CN, người em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su là Giu-đe cảnh báo anh em đồng đạo về những kẻ ác lẻn vào hội thánh, và ông cho lời khuyên về cách chống lại ảnh hưởng xấu. Chú ý đến thông điệp trong ba thư của Giăng và thư của Giu-đe có thể giúp chúng ta giữ vững đức tin dù gặp khó khăn.—Hê 4:12.

TIẾP TỤC ĐI TRONG SỰ SÁNG, TRONG SỰ YÊU THƯƠNG VÀ BỞI ĐỨC TIN

(1 Giăng 1:1–5:21)

Nhắm đến đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ, thư thứ nhất của Giăng đưa ra lời khuyên hữu ích nhằm giúp họ chống lại sự bội đạo, trung thành với lẽ thật và sự công bình. Ông nhấn mạnh cần phải tiếp tục đi trong sự sáng, trong sự yêu thương và bởi đức tin.

Giăng viết: “Nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài [Đức Chúa Trời] ở trong sự sáng, thì chúng ta giao-thông cùng nhau”. Và vì Đức Chúa Trời là Nguồn của tình yêu thương, sứ đồ viết: “Chúng ta hãy yêu-mến lẫn nhau”. “Sự yêu-mến Đức Chúa Trời” thúc đẩy chúng ta “vâng-giữ điều-răn Ngài”, và chúng ta thắng thế gian bởi đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Lời Ngài và Con Ngài.—1 Giăng 1:7; 4:7; 5:3, 4.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:7, 8—Giăng nói đến điều răn nào là “mới” mà cũng là “cũ”? Giăng nói về điều răn liên quan đến tình yêu thương quên mình đối với anh em (Giăng 13:34). Ông nói nó “cũ” vì Chúa Giê-su đã ban ra hơn 60 năm trước khi Giăng được soi dẫn để viết thư thứ nhất. Vì thế, những người tin đạo đã biết điều răn đó “từ lúc ban đầu” trong đời sống làm tín đồ Đấng Christ. Điều răn này cũng “mới” vì nó không chỉ kêu gọi ‘yêu-thương kẻ lân-cận như mình’ mà phải có tình yêu thương quên mình.—Lê 19:18; Giăng 15:12, 13.

5:5-8—Làm thế nào nước, huyết và thánh linh làm chứng rằng Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời”? Nước mang lời chứng vì khi Chúa Giê-su báp têm trong nước, chính Đức Giê-hô-va đã bày tỏ sự hài lòng về Con Ngài (Mat 3:17). Huyết, hay sự sống, của Chúa Giê-su đổ ra “làm giá chuộc mọi người”, cũng cho thấy rằng ngài là Con Đức Chúa Trời (1 Ti 2:5, 6). Và thánh linh chứng thực Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời khi ngự xuống trên ngài lúc báp têm, nhờ đó ngài có thể “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma-quỉ ức-hiếp”.—Giăng 1:29-34; Công 10:38.

Bài học cho chúng ta:

2:9-11; 3:15. Nếu một tín đồ Đấng Christ để bất cứ ai hay điều gì hủy hoại lòng yêu mến đối với anh em, người ấy đang đi trong sự tối tăm về thiêng liêng, không biết mình đang đi đâu.

TIẾP TỤC “LÀM THEO LẼ THẬT”

(2 Giăng 1-13)

Giăng mở đầu thư thứ hai như sau: “Trưởng-lão đạt cho bà được chọn kia cùng con-cái bà”. Ông bày tỏ lòng vui mừng khi thấy “trong con-cái bà có mấy kẻ làm theo lẽ thật”.—2 Giăng 1, 4.

Sau khi khuyến khích vun trồng tình yêu thương, Giăng viết: “Sự yêu-thương là tại làm theo các điều-răn của Đức Chúa Trời”. Giăng cũng cảnh báo về “kẻ dỗ-dành và kẻ địch lại Đấng Christ”.—2 Giăng 5-7.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1, 13—“Bà được chọn” là ai? Giăng có thể ám chỉ một phụ nữ được gọi là Kyria, trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “bà”. Hoặc có lẽ đây là cách nói để ngầm chỉ một hội thánh nào đó nhằm đánh lạc hướng những kẻ bắt bớ. Nếu là trường hợp sau, con cái bà là các thành viên của hội thánh đó và “con-cái của chị em bà” là những thành viên của một hội thánh khác.

7—Ở đây, Giăng muốn nói về sự “đến” nào của Chúa Giê-su, và những kẻ dỗ dành “chẳng xưng” điều này như thế nào? Sự “đến” ở đây không phải là sự đến một cách vô hình của Chúa Giê-su trong tương lai. Đúng hơn, đây là sự đến bằng xác thịt và việc ngài được xức dầu trở thành Đấng Christ (1 Giăng 4:2). Những kẻ dỗ dành chẳng xưng sự đến bằng xác thịt này. Có lẽ họ phủ nhận sự kiện Chúa Giê-su đã từng sống hoặc đã được xức dầu bằng thánh linh.

Bài học cho chúng ta:

2, 4. Hiểu và làm theo “lẽ thật”—toàn bộ sự dạy dỗ của đạo Đấng Christ như được ghi trong Kinh Thánh—là thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta.—3 Giăng 3, 4.

8-11. Nếu không muốn mất đi “ân-điển, sự thương-xót, sự bình-an, bởi Đức Chúa Trời là Cha, và bởi Đức Chúa Jêsus-Christ” cũng như mất sự kết hợp yêu thương với anh em đồng đạo, chúng ta nên “giữ” chính mình về thiêng liêng và tránh xa những kẻ “chẳng bền lòng theo đạo Đấng Christ”.—2 Giăng 3.

“ĐỒNG LÀM VIỆC CHO LẼ THẬT”

(3 Giăng 1-14)

Giăng viết thư thứ ba cho người bạn là Gai-út. Ông nói: “Tôi nghe con-cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui-mừng hơn nữa”.—3 Giăng 4.

Giăng khen ngợi Gai-út vì “trung-tín trong mọi điều” đã làm để giúp các anh đến viếng thăm. Sứ đồ nói: “Chúng ta cũng nên tiếp-đãi những người thể ấy, hầu cho chúng ta với họ đồng làm việc cho lẽ thật”.—3 Giăng 5-8.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

11—Tại sao một số người làm điều dữ? Thiếu thiêng liêng tính, một số người không nhìn thấy Đức Chúa Trời với cặp mắt hiểu biết. Vì không thể nhìn thấy Ngài bằng mắt trần, họ hành động như thể Ngài không thấy họ.—Ê-xê 9:9.

15—Giăng có ý nói đến ai qua cụm từ “các bạn-hữu”? “Các bạn-hữu” ở đây không chỉ là những người có quan hệ thân thiết với nhau. Giăng muốn nói đến anh em đồng đạo nói chung.

Bài học cho chúng ta:

4. Những người thành thục trong hội thánh vui mừng khi thấy các thành viên trẻ “làm theo lẽ thật”. Và những bậc cha mẹ quả có niềm vui không kể xiết khi thành công trong việc giúp con cái trở thành người có thiêng liêng tính!

5-8. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va và anh em, nhiều người làm việc khó nhọc để giúp ích anh em. Trong số đó có các giám thị lưu động, giáo sĩ, những người phục vụ tại nhà Bê-tên hay văn phòng chi nhánh và người tiên phong. Đức tin của họ đáng để noi theo, và họ đáng được chúng ta yêu thương hỗ trợ.

9-12. Chúng ta nên noi gương trung thành của Đê-mê-triu chứ đừng theo Đi-ô-trép, một kẻ vu khống, hay nói xấu.

“HÃY GIỮ MÌNH TRONG SỰ YÊU-MẾN ĐỨC CHÚA TRỜI”

(Giu 1-25)

Giu-đe gọi những kẻ lẻn vào hội thánh là “kẻ hay lằm-bằm, hay phàn-nàn luôn về số-phận mình, làm theo sự ham-muốn mình”. Họ nói “những lời kiêu-căng, và vì lợi mà nịnh-hót người ta”.—Giu 4, 16.

Làm thế nào tín đồ Đấng Christ kháng cự những ảnh hưởng xấu? Giu-đe viết: “Kẻ rất yêu-dấu, hãy nhớ lấy những lời mà các sứ-đồ của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta đã nói trước”. Ông nói thêm: “Hãy giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời”.—Giu 17-21.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

3, 4—Tại sao Giu-đe khuyến giục tín đồ Đấng Christ “vì đạo mà tranh-chiến”? Vì ‘có mấy kẻ chẳng tin-kính lẻn vào hội thánh’. Những kẻ này ‘đổi ơn Đức Chúa Trời ra việc tà-ác’.

20, 21—Làm thế nào để “giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời”? Chúng ta có thể làm điều này qua ba cách: (1) “Tự-lập lấy trên nền đức-tin rất thánh” qua việc siêng năng học Lời Đức Chúa Trời, và sốt sắng tham gia công việc rao giảng; (2) ‘nhân Thánh-Linh’ mà cầu nguyện, tức sống phù hợp với ảnh hưởng của thánh linh; và (3) thực hành đức tin nơi của-lễ chuộc tội của Chúa Giê-su, là điều giúp mình được sống đời đời.—Giăng 3:16, 36.

Bài học cho chúng ta:

5-7. Những kẻ ác có thể nào thoát khỏi sự phán xét của Đức Giê-hô-va không? Theo ba gương cảnh cáo mà Giu-đe liệt kê thì không thể nào.

8-10. Chúng ta nên noi theo gương thiên sứ trưởng Mi-chen và thể hiện lòng kính trọng đối với những người mà Đức Chúa Trời ban quyền hành.

22, 23. Tín đồ Đấng Christ chân chính ghét điều ác. Trong nỗ lực cứu những “kẻ trù-trừ [“nghi ngờ”, Bản Dịch Mới]” khỏi lửa hủy diệt đời đời, những người thành thục trong hội thánh—đặc biệt là các giám thị được bổ nhiệm—giúp đỡ họ về thiêng liêng.

[Các hình nơi trang 28]

Nước, thánh linh và huyết làm chứng rằng “Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời”