Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quý trọng vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời

Quý trọng vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời

Quý trọng vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời

“Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”.—GIĂNG 14:6.

1, 2. Tại sao chúng ta nên chú ý đến vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Chúa Trời?

Qua các thời đại, nhiều người đã nỗ lực để trở nên khác biệt với người xung quanh, nhưng chỉ ít người làm được. Số người có thể khẳng định mình thật sự đặc biệt, có ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử, lại càng ít hơn nữa. Tuy nhiên, Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời, là độc nhất vô nhị, ngài đặc biệt về nhiều phương diện.

2 Tại sao chúng ta nên chú ý đến vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su? Vì điều này có liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với Cha trên trời, Đức Giê-hô-va! Chúa Giê-su phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6; 17:3). Chúng ta hãy xem xét một số phương diện cho thấy Chúa Giê-su rất đặc biệt. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết quý trọng vai trò của ngài trong ý định của Đức Chúa Trời.

“Con một”

3, 4. (a) Tại sao chúng ta có thể nói Chúa Giê-su là đặc biệt trong vai trò Con một? (b) Trong cuộc sáng tạo, vai trò của Chúa Giê-su đặc biệt như thế nào?

3 Chúa Giê-su không chỉ đơn giản là “Con Đức Chúa Trời” như cách Sa-tan gọi Chúa Giê-su khi cám dỗ ngài (Mat 4:3, 6). Ngài được gọi một cách chính xác là “Con một Đức Chúa Trời” (Giăng 3:16, 18). Đức Giê-hô-va có hàng trăm triệu con thần linh. Vậy Chúa Giê-su là Con một hay Con duy nhất theo nghĩa nào?

4 Chúa Giê-su đặc biệt theo nghĩa ngài là tạo vật duy nhất được Cha trực tiếp dựng nên. Chúa Giê-su là Con đầu lòng. Thật vậy, ngài là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” (Cô 1:15). Ngài là “Đấng làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời” (Khải 3:14). Trong cuộc sáng tạo, vai trò của Con một cũng rất đặc biệt. Chúa Giê-su không phải là Đấng Tạo Hóa hay Đấng Sáng Tạo muôn vật. Nhưng Đức Giê-hô-va dùng ngài như một công cụ hay phương tiện để tạo ra mọi vật khác. (Đọc Giăng 1:3). Sứ đồ Phao-lô viết: “Về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus-Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy”.—1 Cô 8:6.

5. Kinh Thánh nhấn mạnh tính đặc biệt của Chúa Giê-su bằng cách nào?

5 Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn đặc biệt trong nhiều phương diện khác. Kinh Thánh gọi ngài bằng nhiều tước hiệu hay danh hiệu nhấn mạnh vai trò đặc biệt của ngài trong ý định của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem xét năm danh hiệu khác được dùng cho Chúa Giê-su trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp *.

“Ngôi-Lời”

6. Tại sao thật thích hợp khi Chúa Giê-su được gọi là “Ngôi Lời”?

6 Đọc Giăng 1:14. Tại sao Chúa Giê-su được gọi “Ngôi-Lời” hay Logos? Danh hiệu này cho thấy công việc ngài thực hiện từ khi các tạo vật thông minh khác được tạo ra. Đức Giê-hô-va dùng Con Ngài để truyền đạt thông tin và sự hướng dẫn cho những con thần linh khác, cũng như truyền thông điệp của Ngài cho loài người trên đất. Sự kiện Chúa Giê-su là Ngôi Lời, hay Phát Ngôn Viên của Đức Chúa Trời, được thấy rõ qua lời ngài nói với người Do Thái: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến. Nếu ai khứng làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo-lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:16, 17). Chúa Giê-su tiếp tục mang danh hiệu “Lời Đức Chúa Trời” ngay cả sau khi trở về địa vị vinh hiển trên trời.—Khải 19:11, 13, 16.

7. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo tính khiêm nhường mà Chúa Giê-su thể hiện qua vai trò “Ngôi-Lời”?

7 Hãy nghĩ xem danh hiệu này hàm ý gì. Dù Chúa Giê-su là khôn ngoan nhất trong tất cả các tạo vật của Đức Giê-hô-va, nhưng ngài không dựa vào sự khôn ngoan của mình. Chúa Giê-su nói những lời Cha đã dạy. Ngài luôn hướng sự chú ý đến Đức Giê-hô-va thay vì chính mình (Giăng 12:50). Quả là gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta! Chúng ta cũng được Đức Chúa Trời giao cho đặc ân cao quý là rao truyền tin mừng (Rô 10:15). Hiểu rõ gương khiêm nhường của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ tránh nói theo ý riêng. Khi truyền đạt thông điệp cứu mạng trong Kinh Thánh, chúng ta chớ nên “vượt qua lời đã chép”.—1 Cô 4:6.

“Đấng A-men”

8, 9. (a) Từ “a-men” có nghĩa gì, và tại sao Chúa Giê-su được gọi là “Đấng A-men”? (b) Chúa Giê-su hoàn thành vai trò “Đấng A-men” như thế nào?

8 Đọc Khải-huyền 3:14. Tại sao Chúa Giê-su được gọi là “Đấng A-men”? “A-men” là chữ phiên âm của một từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “xin được như ý” hay “chắc chắn như vậy”. Gốc từ Hê-bơ-rơ của chữ này có nghĩa “trung thành” hay “đáng tin cậy”. Từ này cũng được dùng để diễn tả sự thành tín của Đức Giê-hô-va (Phục 7:9; Ê-sai 49:7). Vậy danh hiệu “Đấng A-men” cho thấy Chúa Giê-su đặc biệt như thế nào? Hãy lưu ý câu trả lời nơi 2 Cô-rinh-tô 1:19, 20: “Con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jêsus-Christ, mà chúng tôi... đã giảng ra trong anh em, chẳng phải là vừa phải vừa chăng đâu; nhưng trong Ngài chỉ có phải mà thôi. Vì chưng cũng như các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài cả, ấy cũng bởi Ngài mà chúng tôi nói “A-men,” làm sáng danh Đức Chúa Trời”.

9 Chúa Giê-su là “Đấng A-men” trong tất cả lời hứa của Đức Chúa Trời. Đời sống hoàn toàn của ngài trên đất, kể cả sự hy sinh làm của lễ, đã xác nhận và là cơ sở để tất cả lời hứa của Đức Giê-hô-va được thành tựu. Qua việc giữ lòng trung thành, Chúa Giê-su cũng đã chứng minh lời buộc tội của Sa-tan là dối trá; như được ghi trong sách Gióp, hắn nói rằng nếu gặp đau khổ, thiếu thốn và thử thách, tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ từ bỏ Ngài (Gióp 1:6-12; 2:2-7). Trong tất cả các tạo vật của Đức Chúa Trời, Con đầu lòng của Ngài có thể đưa ra câu trả lời có sức thuyết phục nhất cho lời buộc tội đó. Ngoài ra, Chúa Giê-su đã cung cấp bằng chứng tốt nhất cho thấy ngài đứng về phía Cha trong một vấn đề lớn hơn, đó là tính chính đáng của quyền cai trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va.

10. Khi xem xét vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su là “Đấng A-men”, chúng ta có thể noi gương ngài bằng cách nào?

10 Khi xem xét vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su là “Đấng A-men”, chúng ta có thể noi gương ngài bằng cách nào? Bằng cách giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và ủng hộ quyền cai trị hoàn vũ của Ngài. Khi làm thế, chúng ta sẽ đáp ứng lời khuyên nơi Châm-ngôn 27:11: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”.

“Đấng trung-bảo của giao-ước mới”

11, 12. Vai trò Đấng Trung Bảo của Chúa Giê-su đặc biệt như thế nào?

11 Đọc 1 Ti-mô-thê 2:5, 6. Chỉ mình Chúa Giê-su là “Đấng Trung-bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người”. Ngài là “Đấng trung-bảo của giao-ước mới” (Hê 9:15; 12:24). Tuy nhiên, Môi-se cũng được gọi là một người trung bảo—người trung bảo của giao ước Luật pháp (Ga 3:19). Vậy vai trò Đấng Trung Bảo của Chúa Giê-su đặc biệt như thế nào?

12 Trong nguyên ngữ, từ được dịch “người trung bảo” là một thuật ngữ pháp lý. Từ này cho thấy Chúa Giê-su là một Đấng Trung Bảo hợp pháp (hoặc cũng có nghĩa là luật sư) của giao ước mới, mà nhờ đó một dân mới được thành lập, là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga 6:16). Dân này gồm có các tín đồ được xức dầu bằng thánh linh, những người hợp thành “chức thầy tế-lễ nhà vua” ở trên trời (1 Phi 2:9; Xuất 19:6). Còn giao ước Luật pháp, với Môi-se là người trung bảo, thì không thể cho ra đời một dân như thế.

13. Vai trò Đấng Trung Bảo của Chúa Giê-su bao hàm điều gì?

13 Vai trò Đấng Trung Bảo của Chúa Giê-su bao hàm điều gì? Đức Giê-hô-va áp dụng giá trị huyết của Chúa Giê-su cho những người được dự phần trong giao ước mới. Qua cách này, Đức Giê-hô-va chính thức xưng họ là công bình (Rô 3:24; Hê 9:15). Rồi Ngài có thể cho họ vào giao ước mới với triển vọng trở thành vua và thầy tế lễ ở trên trời! Là Đấng Trung Bảo của họ, Chúa Giê-su giúp họ giữ được vị thế trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời.—Hê 2:16.

14. Dù có hy vọng nào đi nữa, tại sao tất cả tín đồ Đấng Christ nên quý trọng vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Trung Bảo?

14 Còn những người không ở trong giao ước mới nhưng có hy vọng sống đời đời trên đất thì sao? Tuy không dự phần vào giao ước mới, nhưng họ được hưởng lợi ích từ giao ước này. Họ được tha tội và được xưng công bình với tư cách là bạn Đức Chúa Trời (Gia 2:23; 1 Giăng 2:1, 2). Dù có hy vọng lên trời hay sống trên đất, mỗi người chúng ta đều có lý do để quý trọng vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Trung Bảo của giao ước mới.

“Thầy tế-lễ thượng-phẩm”

15. Vai trò của Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm khác với tất cả những người từng giữ chức vụ này như thế nào?

15 Thời xưa, nhiều người nam đã phụng sự với tư cách là thầy tế lễ thượng phẩm, tuy nhiên, vai trò của Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm thật sự rất đặc biệt. Tại sao chúng ta nói thế? Phao-lô giải thích: “Không như những thầy tế-lễ thượng-phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế-lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân; Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế-lễ. Vì luật-pháp lập những người vốn yếu-đuối làm thầy tế-lễ thượng-phẩm; nhưng lời thề có sau luật-pháp thì lập Con, là Đấng đã nên trọn-lành đời đời”.—Hê 7:27, 28 *.

16. Tại sao của-lễ hy sinh của Chúa Giê-su rất đặc biệt?

16 Chúa Giê-su là người hoàn toàn, tương đương với A-đam trước khi ông phạm tội (1 Cô 15:45). Thế nên, ngài là người duy nhất có thể dâng một của-lễ hy sinh hoàn hảo, trọn vẹn—không bao giờ cần phải lặp lại. Dưới Luật pháp Môi-se, của-lễ phải được dâng hằng ngày. Nhưng tất cả các của-lễ ấy và công việc của thầy tế lễ chỉ là hình bóng cho những gì Chúa Giê-su sẽ thực hiện (Hê 8:5; 10:1). Do đó, chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Chúa Giê-su là đặc biệt vì vừa có tính hiệu quả vừa lâu dài, cố định.

17. Tại sao chúng ta nên biết ơn Chúa Giê-su về vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, và chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?

17 Chúng ta cần Chúa Giê-su làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm để giúp chúng ta có vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài quả là một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm tuyệt vời! Phao-lô viết: “Chúng ta không có thầy tế-lễ thượng-phẩm chẳng có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta, bèn có một thầy tế-lễ bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê 4:15). Thật vậy, lòng biết ơn về điều này thúc đẩy chúng ta “không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết... cho mình”.—2 Cô 5:14, 15; Lu 9:23.

“Dòng-dõi” được báo trước

18. Lời tiên tri nào được công bố sau khi A-đam phạm tội, và về sau, điều gì được tiết lộ liên quan đến lời tiên tri này?

18 Trong vườn Ê-đen, khi con người dường như mất tất cả—vị thế trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời, sự sống đời đời, hạnh phúc và Địa Đàng—Đức Giê-hô-va báo trước về một Đấng Giải Cứu. Đấng này được gọi là “dòng-dõi” (Sáng 3:15). Qua các thời đại, Dòng Dõi bí ẩn này là chủ đề của rất nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh. Đấng ấy là con cháu của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đấng ấy cũng thuộc dòng dõi của vua Đa-vít.—Sáng 21:12; 22:16-18; 28:14; 2 Sa 7:12-16.

19, 20. (a) Ai là Dòng Dõi đã hứa? (b) Tại sao có thể nói rằng dòng dõi được báo trước không chỉ là Chúa Giê-su, mà còn bao gồm những người khác?

19 Ai là Dòng Dõi đã hứa trước? Câu trả lời có thể được tìm thấy nơi Ga-la-ti 3:16. (Đọc). Tuy nhiên, trong phần sau của chương này, sứ đồ Phao-lô tiếp tục nói với những tín đồ Đấng Christ được xức dầu: “Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng-dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế-tự theo lời hứa” (Ga 3:29). Làm thế nào Dòng Dõi đã hứa là Chúa Giê-su nhưng cũng bao gồm những người khác nữa?

20 Hàng triệu người tự nhận mình thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham, thậm chí một số xưng mình là tiên tri. Một số tôn giáo nói rằng các nhà tiên tri của họ đến từ dòng dõi của Áp-ra-ham, và họ xem điều này rất quan trọng. Nhưng có phải tất cả những người này là Dòng Dõi đã hứa không? Không. Như sứ đồ Phao-lô đã viết dưới sự soi dẫn, không phải tất cả con cháu của Áp-ra-ham có thể xưng mình là Dòng Dõi đã hứa. Con của những người con trai khác của Áp-ra-ham không được dùng để ban phước cho nhân loại. Dòng dõi mang ân phước chỉ ra từ Y-sác (Hê 11:18). Cuối cùng, chỉ một người là Chúa Giê-su Christ, có phả hệ từ Áp-ra-ham được ghi trong Kinh Thánh, là thành phần chính của dòng dõi được báo trước *. Tất cả những người sau này trở thành thành phần phụ của dòng dõi Áp-ra-ham có được đặc ân này bởi vì họ “thuộc về Đấng Christ”. Đúng vậy, Chúa Giê-su có vai trò rất đặc biệt trong việc làm ứng nghiệm lời tiên tri này.

21. Điều gì gây ấn tượng cho bạn về cách Chúa Giê-su thực hiện vai trò đặc biệt của ngài trong ý định của Đức Giê-hô-va?

21 Chúng ta học được gì khi xem qua vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su trong ý định Đức Giê-hô-va? Từ khi được tạo ra, Con một của Đức Chúa Trời quả thật rất đặc biệt, đấng độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, người Con đặc biệt này của Đức Chúa Trời, về sau gọi là Chúa Giê-su, luôn luôn khiêm nhường làm theo ý muốn Cha, không bao giờ tìm vinh hiển riêng cho mình (Giăng 5:41; 8:50). Thật là một gương mẫu tuyệt hảo cho chúng ta ngày nay! Giống như Chúa Giê-su, mong sao trong mọi việc, chúng ta “hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”.—1 Cô 10:31.

[Chú thích]

^ đ. 5 Trong tiếng Hy Lạp, một số tước hiệu này đi kèm với mạo từ xác định và theo lời của một học giả, tước hiệu ấy “mang một ý nghĩa là “đặc biệt hơn cả” ”.

^ đ. 15 Theo một học giả Kinh Thánh, từ được dịch “một lần thì đủ cả” diễn tả một khái niệm quan trọng trong Kinh Thánh, “cho thấy tính chắc chắn, đặc biệt hay duy nhất của cái chết của Chúa Giê-su”.

^ đ. 20 Mặc dù dân Giu-đa vào thế kỷ thứ nhất CN nghĩ rằng vì là con cháu của Áp-ra-ham nên họ là dân được ơn, nhưng họ chỉ trông chờ một người xuất hiện với tư cách là Đấng Mê-si hay Đấng Christ.—Giăng 1:25; 7:40-42; 8:39-41.

Bạn còn nhớ không?

• Bạn học được điều gì về vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su qua những tước hiệu hay danh hiệu của ngài? (Xem khung).

• Làm thế nào bạn có thể noi theo gương người Con đặc biệt của Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 15]

Một số danh hiệu cho thấy vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời

Con một (Giăng 1:3). Chúa Giê-su là tạo vật duy nhất được Cha trực tiếp dựng nên.

Ngôi Lời (Giăng 1:14). Đức Giê-hô-va dùng Con Ngài như một Phát Ngôn Viên để truyền đạt thông tin và sự hướng dẫn cho những tạo vật khác.

Đấng A-men (Khải 3:14). Đời sống hoàn toàn của Chúa Giê-su trên đất, kể cả sự hy sinh làm của lễ, đã xác nhận và là cơ sở để tất cả lời hứa của Đức Giê-hô-va được thành tựu.

Đấng Trung Bảo của giao ước mới (1 Ti 2:5, 6). Chúa Giê-su là Đấng Trung Bảo hợp pháp, nhờ đó một dân mới có thể được thành lập, là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, gồm các tín đồ Đấng Christ hợp thành “chức thầy tế-lễ nhà vua” ở trên trời.—Ga 6:16; 1 Phi 2:9.

Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm (Hê 7:27, 28). Chúa Giê-su là người duy nhất có thể dâng một của-lễ hy sinh hoàn hảo—của-lễ không cần phải lặp lại. Ngài có thể tẩy sạch tội lỗi chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi hậu quả của nó là sự chết.

Dòng Dõi đã hứa trước (Sáng 3:15). Chỉ một người, Chúa Giê-su Christ, là thành phần chính của dòng dõi được báo trước. Tất cả những người sau này trở thành thành phần phụ của dòng dõi Áp-ra-ham đều “thuộc về Đấng Christ”.—Ga 3:29.