Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi đã nhìn thấy sự phát triển ở Hàn Quốc

Tôi đã nhìn thấy sự phát triển ở Hàn Quốc

Tôi đã nhìn thấy sự phát triển ở Hàn Quốc

Do Milton Hamilton kể lại

“Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng chính phủ Hàn Quốc đã thu hồi tất cả visa của các anh chị giáo sĩ và cho biết anh chị không được phép vào nước này... Trước tình hình đó, anh chị được tạm thời bổ nhiệm đến Nhật”.

Gần cuối năm 1954, tôi và vợ nhận được thông báo trên từ Brooklyn, New York, Hoa Kỳ. Vài tháng trước đó, chúng tôi tốt nghiệp khóa thứ 23 của Trường Ga-la-át, nằm ở phía bắc New York. Khi nhận được thư thông báo, chúng tôi đang tạm thời phục vụ tại Indianapolis, Indiana.

Vợ tôi, Liz (trước đây là Liz Semock), và tôi là bạn cùng lớp thời trung học. Sau này, vào năm 1948, chúng tôi kết hôn. Vợ tôi yêu thích công việc phụng sự trọn thời gian nhưng lại ngại rời Hoa Kỳ để phục vụ ở nước ngoài. Điều gì đã làm thay đổi suy nghĩ của vợ tôi?

Liz đồng ý cùng tôi dự buổi họp dành cho những ai muốn tham dự trường Ga-la-át. Buổi họp này được tổ chức trong hội nghị quốc tế tại sân vận động Yankee, New York, vào mùa hè năm 1953. Sau buổi họp đầy khích lệ đó, chúng tôi đã nộp đơn xin học trường Ga-la-át. Thật là ngạc nhiên, chúng tôi được mời tham dự khóa kế tiếp, bắt đầu vào tháng 2 năm 1954.

Chúng tôi được chỉ định đến Hàn Quốc, mặc dù ba năm chiến tranh vừa kết thúc vào mùa hè năm 1953, để lại một đất nước điêu tàn. Như được chỉ dẫn trong lá thư trích ở trên, trước tiên chúng tôi đến Nhật. Sau 20 ngày trên đại dương, chúng tôi đến đó vào tháng 1 năm 1955 cùng với sáu giáo sĩ khác cũng đã được bổ nhiệm đến Hàn Quốc. Anh Lloyd Barry, giám thị chi nhánh Nhật vào thời đó, đến gặp chúng tôi ở bến tàu lúc 6 giờ sáng. Sau đó, chúng tôi đến nhà giáo sĩ ở Yokohama. Cũng trong ngày hôm ấy, chúng tôi tham gia thánh chức.

Chúng tôi được vào Hàn Quốc

Cuối cùng, chúng tôi nhận được visa để vào Hàn Quốc. Ngày 7-3-1955, máy bay chúng tôi cất cánh từ sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo và ba tiếng sau đến sân bay Yoido ở Seoul. Hơn 200 anh chị Nhân Chứng Hàn Quốc chào đón chúng tôi, và chúng tôi đã rơi lệ vì vui mừng. Thời đó, chỉ có 1.000 Nhân Chứng ở khắp Hàn Quốc. Giống như nhiều người Tây phương khác, chúng tôi nghĩ rằng dù gốc gác ở nước nào đi nữa, tất cả người Đông phương đều giống nhau về dáng vẻ và cử chỉ. Chẳng mấy chốc, chúng tôi nhận ra sự thật không phải thế. Người Hàn Quốc không chỉ có ngôn ngữ và bảng chữ cái riêng, mà còn khác biệt về ẩm thực, ngoại hình và trang phục truyền thống cũng như những thứ đặc trưng khác, chẳng hạn cách thiết kế nhà cửa.

Thách thức đầu tiên của chúng tôi là học ngôn ngữ. Không có sách nào để chúng tôi học tiếng Hàn. Chẳng mấy chốc chúng tôi nhận thấy rằng nếu chỉ dùng những âm của tiếng Anh thì không thể nào phát âm chính xác những từ của tiếng Hàn. Chỉ khi nào một người học bảng chữ cái tiếng Hàn thì mới có thể học cách phát âm đúng.

Chúng tôi đã mắc lỗi. Chẳng hạn, Liz hỏi một người chủ nhà xem bà có cuốn Kinh Thánh không. Bà nhìn với vẻ ngạc nhiên khi đi vào và mang ra một hộp diêm. Liz đã hỏi về sungnyang (que diêm) thay vì sungkyung (Kinh Thánh).

Sau vài tháng, chúng tôi được chỉ định lập một nhà giáo sĩ ở Pusan, thành phố cảng ở miền nam. Chúng tôi thuê được ba phòng nhỏ cho vợ chồng tôi và hai chị cùng được bổ nhiệm đến đó. Những phòng này không có hệ thống nước và bồn cầu dội nước. Chỉ vào ban đêm, áp lực nước mới đủ mạnh để đẩy nước lên ống vào tầng hai. Vì thế, chúng tôi thay phiên nhau dậy rất sớm để lấy nước vào những thùng chứa. Chúng tôi phải nấu nước sôi hoặc khử trùng bằng clo để bảo đảm an toàn khi uống.

Cũng có những thử thách khác. Điện thì rất ít nên chúng tôi không thể sử dụng máy giặt hoặc bàn là. Nhà bếp chính là hành lang, và dụng cụ chỉ là một cái bếp dầu hỏa. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã biết cách chuẩn bị bữa ăn vào ngày được phân công. Sau ba năm đến đây, tôi và Liz đều bị viêm gan. Đa số các giáo sĩ trong những năm đó đều mắc bệnh này. Phải mất nhiều tháng chúng tôi mới hồi phục, và rồi lại gặp những vấn đề sức khỏe khác.

Được giúp đỡ để vượt qua khó khăn

Từ 55 năm qua, bán đảo Triều Tiên là một trong những điểm nóng về chính trị ở châu Á. Khu vực phi quân sự (DMZ) chia cắt bán đảo này. Nó cách Seoul, thủ đô Hàn Quốc, 55km về phía bắc. Năm 1971, anh Frederick Franz từ trụ sở trung ương ở Brooklyn đến thăm. Tôi đã đưa anh đến DMZ, vùng biên giới được canh phòng nghiêm ngặt nhất trên đất. Qua nhiều năm, các viên chức Liên Hiệp Quốc thường đến đây gặp đại diện của hai chính phủ.

Dĩ nhiên, chúng ta giữ trung lập về vấn đề chính trị của thế gian này, kể cả trường hợp của bán đảo Triều Tiên (Giăng 17:14). Vì từ chối cầm vũ khí chống người đồng loại, hơn 13.000 Nhân Chứng Hàn Quốc đã ngồi tù tổng cộng 26.000 năm (2 Cô 10:3, 4). Tất cả những anh trẻ ở Hàn Quốc đều biết là sẽ phải đương đầu với vấn đề này, nhưng họ không sợ. Điều đáng buồn là chính phủ đã gọi những người truyền giáo đạo Đấng Christ là “tội phạm” chỉ vì họ từ chối thỏa hiệp lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ.

Trở lại năm 1944, trong Thế Chiến II, tôi cũng đã từ chối nhập ngũ và phải vào tù hai năm rưỡi ở Lewisburg, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Vì thế, tôi cũng hiểu được hoàn cảnh của những anh em Hàn Quốc trẻ này dù họ phải chịu đựng nhiều khó khăn hơn trong tù. Nhiều người được khích lệ khi biết rằng một số người chúng tôi, giáo sĩ ở Hàn Quốc, cũng đã trải qua kinh nghiệm tương tự.—Ê-sai 2:4.

Đương đầu với một thử thách

Lập trường trung lập của chúng tôi bị liên can trong một vấn đề phát sinh năm 1977. Các viên chức nghĩ rằng vì ảnh hưởng của chúng tôi nên những người trẻ Hàn Quốc từ chối nhập ngũ và cầm súng. Do đó, chính phủ quyết định không cấp giấy phép nhập cảnh cho các giáo sĩ đã rời Hàn Quốc vì bất kỳ lý do nào. Hạn chế này kéo dài từ năm 1977 đến 1987. Nếu rời Hàn Quốc trong thời gian đó, chúng tôi đã không được phép trở lại. Vì thế, chúng tôi không hề trở về thăm nhà trong suốt những năm đó.

Chúng tôi nhiều lần gặp các viên chức chính phủ và giải thích về lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ. Cuối cùng, khi thấy rõ chúng tôi không chùn bước, chính phủ đã bãi bỏ hạn chế này—sau mười năm. Trong những năm đó, vài giáo sĩ phải rời Hàn Quốc vì những lý do như vấn đề sức khỏe, nhưng những người khác đều ở lại và chúng tôi thật vui mừng vì đã làm thế.

Giữa thập niên 1980, những kẻ chống đối công việc rao giảng đã vu khống các anh điều hành hiệp hội hợp pháp của chúng ta là dạy thanh niên từ chối nhập ngũ. Vì thế, chính phủ gọi từng người chúng tôi đến thẩm vấn. Ngày 22-1-1987, văn phòng ủy viên công tố đã tuyên bố những cáo buộc ấy là vô căn cứ. Điều này giúp làm sáng tỏ vấn đề để tránh hiểu lầm trong tương lai.

Đức Chúa Trời ban phước cho công việc của chúng tôi

Qua năm tháng, công việc rao giảng ở Hàn Quốc ngày càng bị chống đối vì lập trường trung lập của Nhân Chứng. Do đó, ngày càng khó để tìm được địa điểm thích hợp cho những hội nghị lớn. Vì thế, Nhân Chứng xây một Phòng hội nghị ở Pusan, đây là Phòng hội nghị đầu tiên ở Đông phương. Tôi có đặc ân nói bài giảng dâng hiến vào ngày 5-4-1976 trước 1.300 cử tọa.

Từ năm 1950, có hàng chục ngàn lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Sau khi về Mỹ, nhiều người đã trở thành những Nhân Chứng sốt sắng. Chúng tôi thường nhận thư của họ, và xem việc giúp họ về thiêng liêng là niềm hạnh phúc của chúng tôi.

Buồn thay, người bạn đồng hành yêu dấu của tôi qua đời vào ngày 26-9-2006. Tôi rất nhớ vợ tôi. Trong suốt 51 năm ở đây, Liz sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào và không hề phàn nàn. Vợ tôi chưa bao giờ gợi ý hay ngụ ý về việc trở lại Hoa Kỳ, nơi vợ tôi từng nói không hề muốn rời xa!

Tôi vẫn đang phụng sự với tư cách là thành viên của gia đình Bê-tên Hàn Quốc. Từ chỉ vài người trong những năm đầu, gia đình Bê-tên này hiện nay có đến khoảng 250 người. Tôi có đặc ân phụng sự cùng với sáu anh trong Ủy ban chi nhánh để giám sát công việc ở nước này.

Hàn Quốc là một đất nước nghèo nàn khi chúng tôi mới đến, nhưng nay đã trở thành một trong những nước tiên tiến nhất thế giới. Có hơn 95.000 Nhân Chứng ở Hàn Quốc, gần 40% là tiên phong đều đều hoặc phụ trợ. Tất cả những điều này cho biết thêm lý do tại sao tôi trân trọng đặc ân được phụng sự Đức Chúa Trời tại đây và nhìn thấy bầy của Đức Chúa Trời phát triển.

[Hình nơi trang 24]

Đến Hàn Quốc cùng với các anh chị giáo sĩ khác

[Hình nơi trang 24, 25]

Phụng sự ở Pusan

[Hình nơi trang 25]

Với anh Franz tại DMZ, năm 1971

[Hình nơi trang 26]

Vợ chồng tôi, ít lâu trước khi vợ tôi qua đời

[Hình nơi trang 26]

Chi nhánh Hàn Quốc, nơi tôi vẫn đang phụng sự với tư cách là thành viên gia đình Bê-tên