Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có phải là ‘người quản-lý ơn của Đức Chúa Trời’ không?

Bạn có phải là ‘người quản-lý ơn của Đức Chúa Trời’ không?

Bạn có phải là ‘người quản-lý ơn của Đức Chúa Trời’ không?

“Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau”.—RÔ 12:10.

1. Lời Đức Chúa Trời đảm bảo với chúng ta điều gì?

Lời Đức Chúa Trời nhiều lần đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va sẽ hỗ trợ khi chúng ta bị nản lòng hoặc đau buồn. Chẳng hạn, hãy chú ý những lời an ủi này: “Đức Giê-hô-va nâng-đỡ mọi người sa-ngã, và sửa ngay lại mọi người cong-khom”; Ngài “chữa lành người có lòng đau-thương, và bó vít của họ” (Thi 145:14; 147:3). Ngoài ra, chính Cha trên trời nói: “Ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:13.

2. Đức Giê-hô-va hỗ trợ tôi tớ Ngài qua những cách nào?

2 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va, ở trong cõi vô hình trên trời, ‘nắm tay chúng ta’ như thế nào? Làm thế nào Ngài ‘sửa ngay lại khi chúng ta cong-khom’ vì đau buồn? Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban sự hỗ trợ như thế qua nhiều cách. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va ban cho dân Ngài “quyền-phép lớn” qua thánh linh (2 Cô 4:7; Giăng 14:16, 17). Tôi tớ của Đức Chúa Trời cũng cảm nghiệm được quyền lực nâng đỡ trong Lời được Ngài soi dẫn là Kinh Thánh (Hê 4:12). Đức Giê-hô-va còn làm chúng ta vững mạnh qua cách nào nữa không? Chúng ta tìm được câu trả lời trong sách 1 Phi-e-rơ.

“Các thứ ơn của Đức Chúa Trời”

3. (a) Sứ đồ Phi-e-rơ nói gì về các thử thách? (b) Phần sau lá thư thứ nhất của Phi-e-rơ thảo luận về điều gì?

3 Khi viết cho các anh em đồng đức tin được xức dầu bằng thánh linh, sứ đồ Phi-e-rơ cho biết họ có lý do để vui mừng vì phần thưởng cao quý đang chờ họ. Rồi ông nói thêm: “Dầu hiện nay anh em vì sự thử-thách trăm bề buộc phải buồn-bã ít lâu” (1 Phi 1:1-6). Phi-e-rơ không chỉ nói đến việc anh em phải chịu nhiều loại thử thách rồi để mặc cho họ thắc mắc liệu họ có sức đương đầu hay không. Ông còn cho thấy tín đồ Đấng Christ có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giúp họ đương đầu với mỗi thử thách, dù đó là gì đi nữa. Lời đảm bảo này được Phi-e-rơ viết trong phần sau của lá thư, khi ông thảo luận về những vấn đề liên quan đến “sự cuối-cùng của muôn vật”.—1 Phi 4:7.

4. Tại sao lời nơi 1 Phi-e-rơ 4:10 khích lệ chúng ta?

4 Phi-e-rơ nói: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (1 Phi 4:10). Trong nguyên ngữ, Phi-e-rơ dùng cùng một từ để diễn tả ý “các thứ” của câu này và ý “trăm bề” của 1 Phi-e-rơ 1:6. Qua đó, Phi-e-rơ như thể muốn nói: “Thử thách có nhiều loại, nhưng ơn của Đức Chúa Trời cũng có nhiều dạng”. Tại sao đó là một lời đầy khích lệ? Vì nó ngụ ý rằng dù chúng ta gặp phải thử thách nào, Đức Chúa Trời sẽ luôn tỏ một ơn để giúp chúng ta chịu đựng. Trong lời của Phi-e-rơ, bạn có để ý thấy cách mà ơn của Đức Giê-hô-va được tỏ ra cho chúng ta không? Đó là qua các anh em đồng đạo.

“Giúp lẫn nhau”

5. (a) Mỗi tín đồ Đấng Christ cần phải làm gì? (b) Những câu hỏi nào được nêu ra?

5 Phi-e-rơ nói với toàn thể thành viên của hội thánh đạo Đấng Christ: “Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu-thương sốt-sắng”. Rồi ông thêm: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau” (1 Phi 4:8, 10). Vì thế, mỗi người trong hội thánh phải góp phần gây dựng anh em. Chúng ta được giao nhiệm vụ quản lý điều quý giá của Đức Giê-hô-va và có trách nhiệm chia sẻ điều ấy cho người khác. Vậy, chúng ta được giao cho điều gì? Phi-e-rơ gọi đó là “ơn”. Thế thì ơn ấy là gì? Chúng ta “lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau” như thế nào?

6. Tín đồ Đấng Christ được giao cho một số ơn nào?

6 Lời Đức Chúa Trời nói: “Mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao” (Gia 1:17). Thật vậy, mọi ân điển hay ơn đều đến từ Đức Giê-hô-va. Một ơn nổi bật mà Ngài ban cho chúng ta là thánh linh. Ơn này giúp chúng ta vun trồng những đức tính tin kính như yêu thương, hiền lành và mềm mại. Những tính này thúc đẩy chúng ta biểu lộ tình yêu thương chân thành với anh em đồng đạo và sẵn sàng giúp đỡ họ. Sự khôn ngoan và thông sáng thật cũng là những ơn chúng ta nhận được qua thánh linh (1 Cô 2:10-16; Ga 5:22). Thật ra, mọi khả năng, sức lực và tài năng của chúng ta đều có thể được xem là các ơn mà phải dùng để ca ngợi và tôn vinh Cha trên trời. Chúng ta được Đức Chúa Trời giao trách nhiệm dùng khả năng và đức tính mình có để tỏ các ơn của Ngài cho anh em đồng đạo.

“Lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau”—Như thế nào?

7. (a) Cụm từ “lấy ơn mình đã được” cho thấy điều gì? (b) Chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào, và tại sao?

7 Khi nói: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau”, Phi-e-rơ cho thấy mỗi người trong chúng ta có thể có những đức tính và khả năng khác nhau. Dù vậy, mỗi người đều được kêu gọi lấy “ơn” đó mà “giúp lẫn nhau”. Hơn nữa, đây cũng là một mệnh lệnh. Vì thế, chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có thật sự dùng ơn mà mình đã được giao để làm vững mạnh anh em đồng đạo không?”. (So sánh 1 Ti 5:9, 10). “Hay tôi dùng khả năng Đức Giê-hô-va ban chủ yếu để làm lợi cho bản thân—có lẽ để đạt được giàu có hoặc địa vị trong xã hội?” (1 Cô 4:7). Nếu dùng ơn của mình để “giúp [“phục vụ”, Bản Dịch Mới] lẫn nhau”, chúng ta sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng.—Châm 19:17; đọc Hê-bơ-rơ 13:16 *.

8, 9. (a) Tín đồ Đấng Christ trên khắp thế giới phục vụ anh em đồng đạo qua một số cách nào? (b) Các anh chị trong hội thánh của bạn giúp đỡ nhau như thế nào?

8 Lời Đức Chúa Trời nói đến những cách mà tín đồ Đấng Christ ở thế kỷ thứ nhất đã giúp đỡ, phục vụ lẫn nhau. (Đọc Rô-ma 15:25, 26; 2 Ti-mô-thê 1:16-18). Ngày nay cũng vậy, tín đồ Đấng Christ chân chính hết lòng thi hành mệnh lệnh dùng ơn họ có để phục vụ anh em đồng đạo. Hãy xem một số cách họ làm.

9 Mỗi tháng, nhiều anh dành hàng giờ để chuẩn bị bài cho các buổi nhóm. Khi cố gắng truyền đạt thông tin hữu ích mà họ tìm được trong lúc học Kinh Thánh, những lời sâu sắc của các anh thúc đẩy cả hội thánh bền đỗ (1 Ti 5:17). Nhiều anh chị có tiếng là nhiệt tình và cảm thông với anh em đồng đạo (Rô 12:15). Một số anh chị thường xuyên thăm viếng những người nản lòng và cầu nguyện với họ (1 Tê 5:14). Các anh chị khác thì dành thời gian viết vài lời chân thành để động viên những anh em đang đương đầu với thử thách. Còn một số anh chị sẵn lòng giúp những người có giới hạn về thể chất đến tham dự nhóm họp. Hàng ngàn Nhân Chứng tham gia công tác cứu trợ, giúp anh em xây dựng lại nhà cửa đã bị thiên tai tàn phá. Tình yêu thương trìu mến và sự giúp đỡ thiết thực của những anh chị đầy lòng quan tâm này là sự thể hiện “các thứ ơn của Đức Chúa Trời”.—Đọc 1 Phi-e-rơ 4:11.

Điều nào quan trọng hơn?

10. (a) Phao-lô lưu tâm đến hai khía cạnh nào của việc phụng sự Đức Chúa Trời? (b) Ngày nay, chúng ta noi gương Phao-lô như thế nào?

10 Tôi tớ của Đức Chúa Trời không chỉ được giao cho một ơn để giúp anh em đồng đạo, mà còn một thông điệp để chia sẻ với người đồng loại. Sứ đồ Phao-lô nhận thức hai khía cạnh này của việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Ông viết cho hội thánh Ê-phê-sô: “Chắc hẳn anh chị em đã nghe về việc quản trị ân sủng mà Đức Chúa Trời đã ủy thác cho tôi để giúp ích anh chị em” (Ê-phê 3:2, BDM). Tuy nhiên, ông cũng nói: ‘Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng-đáng giao cho việc giảng tin mừng’ (1 Tê 2:4). Như Phao-lô, chúng ta cũng nhận biết mình được giao nhiệm vụ giảng về Nước Đức Chúa Trời. Qua việc sốt sắng rao giảng, chúng ta cố gắng noi gương Phao-lô, một người công bố tin mừng không mệt mỏi (Công 20:20, 21; 1 Cô 11:1). Chúng ta biết việc rao giảng thông điệp Nước Trời có thể cứu mạng người khác. Đồng thời, chúng ta cũng cố gắng bắt chước Phao-lô bằng cách tìm cơ hội “thông-đồng sự ban-cho thiêng-liêng” với anh em đồng đạo.—Đọc Rô-ma 1:11, 12; 10:13-15.

11. Chúng ta nên có quan điểm nào về nhiệm vụ rao giảng và xây dựng anh em?

11 Trong hai hoạt động này của tín đồ Đấng Christ, hoạt động nào quan trọng hơn? Đặt câu hỏi như thế chẳng khác nào hỏi: Trong hai cánh của chú chim, cánh nào quan trọng hơn? Câu trả lời rất hiển nhiên. Chú chim phải dùng cả hai cánh mới bay được. Tương tự thế, chúng ta cần tham gia vào cả hai khía cạnh của việc phụng sự Đức Chúa Trời mới chu toàn trách nhiệm của người tín đồ Đấng Christ. Do đó, thay vì xem việc rao giảng tin mừng và việc xây dựng anh em đồng đạo là hai nhiệm vụ riêng biệt, chúng ta nên có quan điểm như sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô: Hai trách nhiệm này bổ trợ cho nhau. Như thế nào?

12. Chúng ta là một công cụ của Đức Giê-hô-va như thế nào?

12 Là người truyền giáo, chúng ta áp dụng bất cứ kỹ năng dạy dỗ nào mình có để làm cho thông điệp đầy khích lệ về Nước Trời động đến lòng người khác. Qua cách đó, chúng ta hy vọng giúp họ trở thành môn đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, chúng ta cũng dùng bất kỳ khả năng và ơn nào khác mình có để làm ấm lòng anh em đồng đạo bằng những lời khích lệ và việc làm hữu ích—đây là những biểu hiện của ơn Đức Chúa Trời (Châm 3:27; 12:25). Bằng cách này, chúng ta hy vọng giúp họ tiếp tục làm môn đồ Đấng Christ. Trong cả hai hoạt động—rao giảng cho công chúng và giúp đỡ lẫn nhau—chúng ta có đặc ân tuyệt vời là được làm một công cụ của Đức Giê-hô-va.—Ga 6:10.

“Lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau”

13. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không “giúp lẫn nhau”?

13 Phao-lô khuyến khích anh em đồng đạo: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô 12:10). Thật vậy, tình yêu thương anh em thúc đẩy chúng ta hết lòng phục vụ như người quản lý các ơn của Đức Chúa Trời. Chúng ta nhận biết nếu Sa-tan thành công trong việc khiến chúng ta không giúp đỡ nhau thì hắn sẽ làm suy yếu sự hợp nhất của chúng ta (Cô 3:14). Và một khi mất sự hợp nhất, chúng ta cũng sẽ mất lòng sốt sắng trong thánh chức. Sa-tan biết rõ là hắn chỉ cần làm chúng ta ngừng lại trong một khía cạnh phụng sự, chúng ta sẽ giống như chú chim bị gãy một cánh, không còn “bay” được nữa.

14. Ai được lợi ích từ việc “giúp lẫn nhau”? Hãy cho một thí dụ.

14 “Giúp lẫn nhau” không chỉ đem lại lợi ích cho người nhận ơn Đức Chúa Trời mà còn cho người chia sẻ ơn đó (Châm 11:25). Thí dụ, hãy xem trường hợp của anh Ryan 29 tuổi và vợ là Roni 25 tuổi sống ở Illinois, Hoa Kỳ. Khi biết bão Katrina đã hủy phá hàng trăm ngôi nhà của các anh chị Nhân Chứng, vì tình yêu thương anh em, họ xin nghỉ việc, trả lại căn hộ, mua một xe moóc đã qua sử dụng, sửa sang lại và làm chuyến hành trình dài 1.400 cây số đến Louisiana. Họ ở lại đó hơn một năm, dành thời gian, sức lực và tài chính để giúp anh em đồng đạo. Anh Ryan nói: “Tham gia công việc cứu trợ giúp tôi đến gần Đức Chúa Trời hơn. Tôi nhìn thấy cách Đức Giê-hô-va chăm sóc dân Ngài”. Anh cho biết thêm: “Khi làm việc với những anh lớn tuổi hơn, tôi học được nhiều điều về cách chăm sóc anh em. Tôi cũng biết có nhiều việc để những người trẻ chúng tôi làm trong tổ chức của Đức Giê-hô-va”. Chị Roni kể: “Tôi vô cùng biết ơn vì được góp phần giúp đỡ người khác. Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tôi biết kinh nghiệm tuyệt vời này sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho tôi trong những năm về sau”.

15 Thật vậy, vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là rao giảng tin mừng và xây dựng anh em đồng đạo mang lại ân phước cho mọi người. Những người chúng ta giúp sẽ được mạnh mẽ về thiêng liêng, còn chúng ta thì cảm nghiệm được niềm vui sâu xa mà chỉ sự ban cho mới đem lại (Công 20:35). Hội thánh nói chung sẽ khắng khít hơn khi mỗi thành viên đều yêu thương quan tâm đến người khác. Hơn nữa, tình yêu thương chúng ta bày tỏ với nhau sẽ cho thấy rõ chúng ta là tín đồ Đấng Christ chân chính. Chúa Giê-su đã phán: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Trên hết, Cha đầy lòng quan tâm của chúng ta trên trời, là Đức Giê-hô-va, sẽ được tôn vinh khi các tôi tớ trên đất phản ảnh ý muốn của Ngài là làm vững mạnh những ai cần giúp đỡ. Vậy, chúng ta quả có nhiều lý do để dùng ơn mình có mà “giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời”! Bạn sẽ tiếp tục làm thế không?—Đọc Hê-bơ-rơ 6:10.

[Chú thích]

^ đ. 7 Hê-bơ-rơ 13:16 (BDM): “Đừng quên làm việc lành và chia sẻ cho người khác, vì đó là những tế lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời”.

Bạn còn nhớ không?

• Đức Giê-hô-va làm vững mạnh tôi tớ Ngài qua những cách nào?

• Chúng ta được giao cho điều gì?

• Chúng ta có thể phục vụ anh em đồng đạo bằng những cách nào?

• Điều gì sẽ thúc đẩy chúng ta tiếp tục dùng ơn mình có để “giúp lẫn nhau”?

[Câu hỏi thảo luận]

15. Chúng ta có những lý do nào để tiếp tục phục vụ như người quản lý ơn của Đức Chúa Trời?

[Các hình nơi trang 13]

Bạn dùng “ơn” mình có để phục vụ người khác hay thỏa mãn bản thân?

[Các hình nơi trang 15]

Chúng ta rao giảng tin mừng cho người khác và hỗ trợ anh em đồng đạo

[Các hình nơi trang 16]

Những người tham gia công tác cứu trợ có tinh thần hy sinh thật đáng khen