Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy đến mà theo ta”

“Hãy đến mà theo ta”

“Hãy đến mà theo ta”

“Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi... mà theo ta”.​—LU 9:23.

1, 2. (a) Chúa Giê-su đưa ra lời mời chân thành nào? (b) Bạn đã đáp lại lời mời của Chúa Giê-su như thế nào?

Gần cuối thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su làm chứng ở Phê-rê, một vùng gần sông Giô-đanh, đông bắc xứ Giu-đê. Một người trẻ đến hỏi ngài rằng phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời. Sau khi biết người này vâng giữ Luật pháp Môi-se, Chúa Giê-su đưa ra một lời mời đặc biệt. Ngài phán: “Hãy đi, bán hết gia-tài mình, bố thí cho kẻ nghèo-khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo ta” (Mác 10:21). Hãy suy nghĩ điều này: Đây là lời mời đi theo Chúa Giê-su, Con độc sanh của Đức Chúa Trời Tối Cao!

2 Người trẻ đó đã khước từ lời mời, nhưng những người khác thì nhận lời. Trước đó, Chúa Giê-su nói với Phi-líp: “Hãy theo ta” (Giăng 1:43). Phi-líp nhận lời và về sau trở thành một sứ đồ. Chúa Giê-su cũng mời Ma-thi-ơ theo ngài, và ông đã chấp nhận (Mat 9:9; 10:2-4). Thật vậy, Chúa Giê-su đưa ra lời mời đó cho tất cả những ai yêu công bình khi ngài phán: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi... mà theo ta” (Lu 9:23). Vì vậy, nếu thật lòng muốn, bất cứ ai cũng có thể đi theo Chúa Giê-su. Bạn có ước muốn đó không? Đa số chúng ta đã hưởng ứng lời mời chân thành của Chúa Giê-su, và trong thánh chức, chúng ta cũng mời người khác làm thế.

3. Làm thế nào để tránh bị trôi lạc, không còn đi theo Chúa Giê-su?

3 Tuy nhiên, điều đáng buồn là một số người đã từng chú ý đến lẽ thật Kinh Thánh nhưng nay không còn tiếp tục nữa. Họ mất dần lòng sốt sắng và cuối cùng “trôi lạc”, không còn đi theo Chúa Giê-su (Hê 2:1). Làm thế nào chúng ta có thể tránh rơi vào tình trạng đó? Chúng ta sẽ được lợi ích nếu tự hỏi: “Tại sao tôi đã chọn đi theo Chúa Giê-su? Đi theo ngài có nghĩa gì?”. Ghi nhớ câu trả lời cho hai câu hỏi trên sẽ giúp chúng ta củng cố quyết tâm tiếp tục con đường khôn ngoan mà mình đã chọn, đồng thời cũng giúp chúng ta khuyến khích người khác đi theo Chúa Giê-su.

Tại sao nên theo Chúa Giê-su?

4, 5. Tại sao Chúa Giê-su đủ tư cách để lãnh đạo chúng ta?

4 Nhà tiên tri Giê-rê-mi nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê 10:23). Lịch sử đã xác minh những lời này của Giê-rê-mi. Ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy con người bất toàn không thể thành công trong việc tự cai trị. Chúng ta nhận lời theo Chúa Giê-su vì biết ngài có đủ tư cách để làm Đấng Lãnh Đạo của chúng ta và không một người nào có thể lãnh đạo giống như ngài. Hãy xem xét một số điều khiến Chúa Giê-su đủ tư cách thực hiện vai trò này.

5 Thứ nhất, Chúa Giê-su được chính Đức Giê-hô-va lựa chọn làm Đấng Mê-si, Đấng Lãnh Đạo. Trong việc chọn Vị Lãnh Đạo cho chúng ta, còn ai biết rõ hơn Đấng Tạo Hóa? Thứ hai, Chúa Giê-su có những đức tính đáng để chúng ta thán phục và noi theo. (Đọc Ê-sai 11:2, 3). Ngài là gương mẫu hoàn hảo (1 Phi 2:21). Thứ ba, Chúa Giê-su quan tâm sâu xa đến những người theo ngài, và ngài đã thể hiện điều này qua việc hy sinh mạng sống cho họ. (Đọc Giăng 10:14, 15). Ngoài ra, ngài còn cho thấy mình là người chăn chiên ân cần khi hướng dẫn chúng ta đến một lối sống mang lại hạnh phúc trong hiện tại và đến một tương lai vĩnh cửu, huy hoàng (Giăng 10:10, 11; Khải 7:16, 17). Vì những lý do này và các lý do khác, chúng ta đã quyết định khôn ngoan khi chọn theo Chúa Giê-su. Nhưng đi theo Chúa Giê-su bao hàm điều gì?

6. Đi theo Chúa Giê-su bao hàm điều gì?

6 Đi theo Chúa Giê-su không chỉ có nghĩa xưng mình là tín đồ Đấng Christ. Khoảng hai tỉ người ngày nay xưng mình là tín đồ Đấng Christ, nhưng hành động của họ lại cho thấy họ là “kẻ làm gian-ác”. (Đọc Ma-thi-ơ 7:21-23). Khi có người chú ý đến lời mời đi theo Chúa Giê-su, chúng ta giải thích cho họ rằng tín đồ Đấng Christ chân chính luôn sống phù hợp với lời dạy và gương mẫu của ngài—họ thể hiện điều đó qua đời sống thường ngày. Để hiểu rõ hơn, hãy xem xét một số điều chúng ta biết về Chúa Giê-su.

Noi theo sự khôn ngoan của Chúa Giê-su

7, 8. (a) Khôn ngoan là gì, và tại sao Chúa Giê-su có sự khôn ngoan sâu rộng? (b) Chúa Giê-su thể hiện sự khôn ngoan như thế nào, và làm sao chúng ta có thể noi gương ngài?

7 Chúa Giê-su biểu lộ nhiều đức tính tuyệt vời, nhưng chúng ta sẽ tập trung vào bốn đức tính: khôn ngoan, khiêm nhường, sốt sắng và yêu thương. Trước hết, hãy xem xét sự khôn ngoan của ngài—đây là khả năng của ngài trong việc áp dụng kiến thức và sự hiểu biết một cách thực tế. Sứ đồ Phao-lô viết: “Trong Ngài đã giấu-kín mọi sự quí-báu về khôn-ngoan thông-sáng” (Cô 2:3). Nhờ đâu Chúa Giê-su có được sự khôn ngoan như thế? Chính ngài cho biết: “[Ta] nói điều Cha ta đã dạy” (Giăng 8:28). Sự khôn ngoan của Chúa Giê-su đến từ Đức Giê-hô-va, vì thế chúng ta không ngạc nhiên trước sự sáng suốt của Chúa Giê-su.

8 Thí dụ, Chúa Giê-su sáng suốt khi lựa chọn lối sống. Ngài quyết định giữ đời sống đơn giản, tập trung vào một điều duy nhất: làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Ngài khôn ngoan dành hết thời gian và năng lực cho công việc Nước Trời. Chúng ta theo gương Chúa Giê-su bằng cách cố gắng giữ ‘mắt sáng-sủa’ và nhờ đó tránh được những gánh nặng không cần thiết, những điều khiến chúng ta phí sức lực và bị phân tâm (Mat 6:22). Nhiều tín đồ Đấng Christ đã đơn giản hóa đời sống để có thể dành nhiều thời gian hơn cho thánh chức. Một số anh chị còn tham gia vào công việc tiên phong. Nếu là một người trong số đó, bạn thật đáng khen! ‘Tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết’ mang lại nhiều niềm vui và thỏa nguyện.—Mat 6:33.

Khiêm nhường như Chúa Giê-su

9, 10. Chúa Giê-su thể hiện tính khiêm nhường như thế nào?

9 Khía cạnh thứ hai trong nhân cách của Chúa Giê-su mà chúng ta sẽ xem xét là tính khiêm nhường. Khi được giao quyền hành, con người bất toàn thường trở nên tự cao. Chúa Giê-su thì khác biệt làm sao! Dù có vai trò then chốt trong việc thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su không hề tỏ ra kiêu ngạo. Chúng ta được khuyến khích noi theo ngài về khía cạnh này. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy có đồng một tâm-tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm-giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:5-7). Điều này có nghĩa gì?

10 Chúa Giê-su đã có đặc ân vinh hiển là ở bên cạnh Cha ngài trên trời, nhưng ngài sẵn sàng “tự bỏ mình đi”. Sự sống của ngài được chuyển vào bụng một trinh nữ Do Thái, sau chín tháng, ngài được sinh ra trong gia đình một thợ mộc khiêm tốn. Trong nhà Giô-sép, từ một hài nhi yếu ớt, Chúa Giê-su dần lớn lên thành một đứa bé, cậu bé, rồi thành một thiếu niên. Ngài là người hoàn toàn. Thế nhưng suốt thời niên thiếu, ngài vẫn phục tùng cha mẹ, là những người bất toàn (Lu 2:51, 52). Thật là một gương xuất sắc về tính khiêm nhường!

11. Chúng ta có thể noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su qua những cách nào?

11 Chúng ta noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su khi sẵn sàng đảm nhận những công việc có vẻ thấp kém. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến việc rao giảng tin mừng. Công việc này có vẻ bị khinh thường, đặc biệt khi người ta thờ ơ, chế giễu hoặc chống đối. Tuy nhiên, khi kiên trì rao giảng, chúng ta giúp người khác hưởng ứng lời mời đi theo Chúa Giê-su. Qua đó, chúng ta góp phần trong việc cứu người. (Đọc 2 Ti-mô-thê 4:1-5). Một thí dụ khác là việc bảo trì Phòng Nước Trời. Công việc này có thể bao gồm đổ rác, lau sàn và làm sạch nhà vệ sinh—tất cả đều là những việc tầm thường! Tuy nhiên, chúng ta biết rằng bảo trì Phòng Nước Trời—trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch tại địa phương—là một phần trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Bằng cách sẵn sàng chu toàn những việc có vẻ thấp kém, chúng ta thể hiện tính khiêm nhường và như thế bước theo dấu chân Chúa Giê-su.

Sốt sắng như Chúa Giê-su

12, 13. (a) Chúa Giê-su thể hiện lòng sốt sắng như thế nào, và động lực của ngài là gì? (b) Điều gì sẽ thúc đẩy chúng ta sốt sắng trong thánh chức?

12 Hãy xem lòng sốt sắng của Chúa Giê-su trong thánh chức. Ngài đã làm nhiều điều khi sống trên đất. Rất có thể từ nhỏ Chúa Giê-su đã cùng làm việc với cha nuôi là Giô-sép trong nghề thợ mộc. Trong thánh chức, Chúa Giê-su thực hiện những phép lạ, gồm việc chữa bệnh và làm người chết sống lại. Tuy nhiên, công việc chính của ngài là rao giảng tin mừng và dạy dỗ những người sẵn sàng lắng nghe (Mat 4:23). Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta cũng làm công việc ấy. Làm thế nào để noi gương ngài? Một cách là phải có động lực giống như Chúa Giê-su.

13 Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời là động lực chính thúc đẩy Chúa Giê-su rao giảng và dạy dỗ. Nhưng Chúa Giê-su cũng yêu quý lẽ thật ngài dạy. Đối với ngài, những lẽ thật ấy là bảo vật vô giá, và ngài nhiệt tình chia sẻ với người khác. Là người dạy Lời Đức Chúa Trời, chúng ta cũng có cảm nghĩ như thế. Hãy nghĩ đến một số lẽ thật quý giá chúng ta đã học được từ Lời Đức Chúa Trời! Chúng ta biết vấn đề về quyền cai trị hoàn vũ và vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào. Chúng ta hiểu rõ Kinh Thánh dạy gì về tình trạng người chết và những ân phước trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Dù chúng ta học những lẽ thật này mới đây hay từ lâu rồi, chúng vẫn không bao giờ mất giá trị. Thật vậy, những lẽ thật này, dù cũ hay mới, vẫn là những bảo vật vô giá. (Đọc Ma-thi-ơ 13:52 *). Qua việc nhiệt tâm rao giảng, chúng ta truyền cho người khác lòng yêu mến của mình đối với những gì Đức Giê-hô-va dạy.

14. Chúng ta có thể noi theo cách dạy dỗ của Chúa Giê-su như thế nào?

14 Cũng hãy chú ý đến cách Chúa Giê-su dạy dỗ. Ngài luôn hướng người nghe đến Kinh Thánh. Chúa Giê-su thường giới thiệu một điểm quan trọng bằng cách nói: “Có lời chép rằng” (Mat 4:4; 21:13). Qua những lời phán được ghi lại của Chúa Giê-su, chúng ta thấy ngài đề cập hoặc trích dẫn từ nhiều sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Như Chúa Giê-su, chúng ta luôn dựa vào Kinh Thánh khi làm thánh chức và cố gắng đưa ra câu Kinh Thánh mỗi khi có cơ hội. Nhờ đó, chúng ta giúp những người có lòng ngay thẳng thấy rõ chúng ta dạy theo ý Đức Chúa Trời chứ không phải theo ý riêng. Chúng ta thật vui khi có người đồng ý đọc những câu Kinh Thánh, và thảo luận về giá trị cũng như ý nghĩa của Lời Đức Chúa Trời! Và khi người ấy nhận lời mời theo Chúa Giê-su, chúng ta vui mừng không kể xiết.

Đi theo Chúa Giê-su nghĩa là yêu thương người khác

15. Chúa Giê-su có đức tính tuyệt vời nào, và suy ngẫm về đức tính này tác động thế nào đến chúng ta?

15 Khía cạnh cuối cùng trong nhân cách của Chúa Giê-su mà chúng ta sẽ xem xét là một đức tính làm ấm lòng nhất—tình yêu thương đối với nhân loại. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tình yêu-thương của Đấng Christ cảm-động chúng tôi” (2 Cô 5:14). Khi suy ngẫm về tình yêu thương của Chúa Giê-su đối với nhân loại nói chung và với mỗi người trong chúng ta nói riêng, chúng ta thật cảm động và muốn noi gương ngài.

16, 17. Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương đối với người khác qua những cách nào?

16 Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương đối với người khác như thế nào? Việc ngài sẵn sàng phó sự sống mình vì nhân loại chính là biểu hiện cao cả nhất của tình yêu thương (Giăng 15:13). Tuy nhiên, trong thánh chức, Chúa Giê-su cũng thể hiện tình yêu thương qua những cách khác. Chẳng hạn, ngài đồng cảm với những người đau khổ. Khi thấy Ma-ri và những người khác khóc thương về cái chết của La-xa-rơ, ngài cảm nhận sâu sắc nỗi đau của họ. Dù sắp làm La-xa-rơ sống lại, Chúa Giê-su vẫn xúc động đến độ ngài đã khóc.—Giăng 11:32-35.

17 Trong giai đoạn đầu làm thánh chức, có một người phung đến gặp Chúa Giê-su và xin rằng: “Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được”. Ngài phản ứng thế nào? Kinh Thánh nói: “Chúa Jêsus động lòng thương-xót”. Rồi ngài làm một điều khác thường. Chúa Giê-su “giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. Liền khi đó, phung lặn mất, người trở nên sạch”. Theo Luật pháp Môi-se, người mắc bệnh phung là ô uế, và chắc chắn Chúa Giê-su có khả năng chữa lành mà không chạm vào ông. Tuy nhiên, khi chữa lành người phung này, ngài đã cho ông cảm nhận được cảm giác khi người khác chạm vào mình, có lẽ là lần đầu tiên sau bao năm. Đó quả là hành động tràn đầy lòng trắc ẩn!—Mác 1:40-42.

18. Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ lòng cảm thông?

18 Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta phải thể hiện tình yêu thương bằng cách bày tỏ lòng “cảm thông” (1 Phi 3:8, Bản Dịch Mới). Có lẽ không dễ để hiểu cảm xúc của một anh em đồng đạo đang chịu đựng căn bệnh kinh niên hoặc chứng trầm cảm—đặc biệt nếu cá nhân chúng ta chưa bao giờ trải qua những bệnh đó. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cảm thông với người bị bệnh dù bản thân ngài chưa bao giờ mắc bệnh. Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng tính đồng cảm như ngài? Bằng cách kiên nhẫn lắng nghe khi người bệnh thổ lộ nỗi lòng với mình. Chúng ta cũng có thể tự hỏi: “Nếu ở trong hoàn cảnh của họ, tôi cảm thấy thế nào?”. Nếu biết thông cảm người khác, chúng ta mới có thể dễ “yên-ủi những kẻ ngã lòng” (1 Tê 5:14). Như thế, chúng ta noi gương Chúa Giê-su.

19. Gương mẫu của Chúa Giê-su tác động thế nào đến chúng ta?

19 Học hỏi về lời nói và hành động của Chúa Giê-su quả là lý thú! Càng học về ngài, chúng ta càng muốn noi gương ngài và càng muốn giúp người khác cũng làm thế. Vậy, chúng ta hãy vui mừng đi theo Vua Mê-si—từ nay cho đến mãi mãi!

[Chú thích]

^ đ. 13 Ma-thi-ơ 13:52 (Tòa Tổng Giám Mục): “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.

Bạn giải thích thế nào?

• Làm thế nào chúng ta thể hiện sự khôn ngoan như Chúa Giê-su?

• Chúng ta thể hiện tính khiêm nhường qua những cách nào?

• Làm sao chúng ta có thể vun trồng lòng sốt sắng trong thánh chức?

• Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào trong việc thể hiện tình yêu thương đối với người khác?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 5]

Một Ấn Phẩm Giúp Chúng Ta Noi Theo Chúa Giê-su

Trong chương trình hội nghị địa hạt năm 2007, một cuốn sách dày 192 trang có tựa đề “Come Be My Follower” (“Hãy đến mà theo ta”) đã được ra mắt. Sách này được biên soạn nhằm giúp tín đồ Đấng Christ chú tâm đến Chúa Giê-su, đặc biệt là những đức tính và việc làm cụ thể của ngài. Sau hai chương giới thiệu, phần thứ nhất tóm lược những đức tính tuyệt vời của Chúa Giê-su—khiêm nhường, can đảm, khôn ngoan, vâng phục và nhịn nhục.

Tiếp đó là hai phần nói về hoạt động dạy dỗ và rao giảng tin mừng của Chúa Giê-su, cũng như một số cách mà ngài thể hiện tình yêu thương cao cả của ngài. Trong sách này, các thông tin được trình bày nhằm giúp tín đồ Đấng Christ noi theo gương Chúa Giê-su.

Chúng tôi tin rằng ấn phẩm này sẽ thúc đẩy tất cả chúng ta tự xét mình: “Tôi có thật sự theo Chúa Giê-su không? Làm sao tôi có thể tiến bộ hơn trong việc đi theo ngài?”. Sách này cũng giúp “những người sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu” trở thành môn đồ của Chúa Giê-su.—Công 13:48, Bản Diễn Ý.

[Hình nơi trang 4]

Chúa Giê-su chấp nhận xuống thế và được sinh ra như một em bé. Điều này đòi hỏi đức tính nào?

[Hình nơi trang 6]

Điều gì thúc đẩy chúng ta sốt sắng trong thánh chức?