Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Nầy là đường đây, hãy noi theo!”

“Nầy là đường đây, hãy noi theo!”

“Nầy là đường đây, hãy noi theo!”

Câu chuyện về Emilia Pederson

Do Ruth E. Pappas kể lại

Mẹ tôi, tên là Emilia Pederson, sinh năm 1878. Tuy đã trở thành giáo viên, nhưng điều mẹ thật sự ao ước là giúp người khác biết về Đức Chúa Trời. Bằng chứng về điều này là một cái rương to trong nhà chúng tôi tại thị trấn nhỏ Jasper, Minnesota, Hoa Kỳ. Mẹ tính dùng nó để chuyển đồ đạc đến Trung Quốc, nơi mẹ muốn đến làm giáo sĩ. Tuy nhiên, khi bà ngoại tôi qua đời, mẹ phải từ bỏ dự tính và ở nhà chăm sóc các em. Năm 1907, mẹ kết hôn với Theodore Holien. Tôi ra đời ngày 2-12-1925—con út trong bảy người con.

Mẹ có những thắc mắc về Kinh Thánh mà bà tha thiết muốn biết lời giải đáp. Một thắc mắc liên quan đến giáo lý dạy rằng địa ngục là một nơi nóng bỏng để trừng phạt kẻ ác. Mẹ hỏi một giám thị thuộc Giáo hội Lutheran xem bà có thể tìm thấy chỗ nào trong Kinh Thánh ủng hộ giáo lý này. Câu trả lời của ông hàm ý rằng Kinh Thánh nói gì không thành vấn đề—nhưng giáo lý hỏa ngục cần được truyền dạy.

Nhu cầu tâm linh được thỏa mãn

Ít lâu sau năm 1900, em gái của mẹ là dì Emma đến Northfield, Minnesota, để học nhạc. Dì ở nhà của thầy giáo Milius Christianson, có vợ là một Học viên Kinh Thánh (tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ). Dì Emma nói dì có một người chị rất siêng đọc Kinh Thánh. Chẳng bao lâu sau, bà Christianson viết cho mẹ một lá thư giải đáp các thắc mắc Kinh Thánh của mẹ.

Một hôm, có một Học viên Kinh Thánh là Lora Oathout đi xe lửa từ Sioux Falls, South Dakota đến rao giảng ở Jasper. Mẹ tôi nghiên cứu ấn phẩm Kinh Thánh mà bà nhận được, và vào năm 1915, bà bắt đầu chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với người khác, phân phát các ấn phẩm mà cô Lora đưa.

Năm 1916, mẹ nghe nói anh Charles Taze Russell sẽ có mặt tại một hội nghị ở Sioux City, Iowa. Mẹ muốn tham dự. Lúc đó, mẹ tôi đã có năm con, và anh Marvin là nhỏ nhất, mới năm tháng tuổi. Tuy vậy, cùng với đàn con, mẹ đã đi xe lửa khoảng 160 cây số đến Sioux City để dự hội nghị. Mẹ nghe bài giảng của anh Russell, xem “Photo-Drama of Creation” (Kịch ảnh về sự sáng tạo) và làm báp têm. Khi về nhà, mẹ viết một bài về hội nghị đó, và bài này đã được đăng trên tờ Jasper Journal.

Năm 1922, mẹ có mặt trong khoảng 18.000 người tham dự hội nghị ở Cedar Point, Ohio. Sau hội nghị đó, mẹ không bao giờ ngưng rao báo về Nước Trời. Gương của mẹ thôi thúc chúng tôi làm theo lời khuyên: “Nầy là đường đây, hãy noi theo!”.—Ê-sai 30:21.

Thành quả của thánh chức

Đầu thập niên 1920, cha mẹ tôi dọn ra ngoại ô thị trấn Jasper. Cha có công việc kinh doanh phát đạt và một gia đình lớn để chăm lo. Ông không học Kinh Thánh nhiều như mẹ, nhưng ông hết lòng ủng hộ công việc rao giảng và tiếp đãi những người truyền giáo lưu động. Thông thường, khi một trong những anh này nói bài giảng tại nhà chúng tôi, có cả trăm người đến dự—ngồi đầy trong phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ.

Khi tôi khoảng bảy tuổi, em gái của mẹ là dì Lettie gọi đến và nói rằng hàng xóm của dì, ông Ed Larson và vợ, muốn học Kinh Thánh. Họ nhanh chóng chấp nhận lẽ thật và sau đó mời thêm một người khác là bà Martha Van Daalen, có tám người con, cùng học chung. Bà Martha và cả gia đình cũng trở thành Học viên Kinh Thánh *.

Khoảng thời gian đó, Gordon Kammerud, một thanh niên sống cách nhà tôi vài cây số, bắt đầu làm việc với cha tôi. Gordon được cảnh báo: “Coi chừng mấy đứa con gái của ông chủ đó. Chúng theo một đạo lạ lắm”. Tuy nhiên, Gordon bắt đầu học Kinh Thánh và chẳng mấy chốc anh tin rằng mình đã tìm được lẽ thật. Ba tháng sau anh báp têm. Cha mẹ của anh cũng tin đạo, và tất cả chúng tôi—gia đình Holien, Kammerud và Van Daalen—trở nên thân thiết.

Vững mạnh nhờ hội nghị

Mẹ tôi đã được khích lệ rất nhiều từ hội nghị ở Cedar Point, nên sau đó bà không muốn bỏ lỡ bất kỳ hội nghị nào khác. Vì thế, ký ức tuổi thơ của tôi là những chuyến hành trình dài để tham dự những cuộc họp đó. Hội nghị ở Columbus, Ohio, vào năm 1931 thật quan trọng vì đó là thời điểm danh hiệu Nhân Chứng Giê-hô-va chính thức được dùng (Ê-sai 43:10-12). Tôi cũng nhớ hội nghị ở Washington, D.C., năm 1935, khi tôi được nghe bài diễn văn lịch sử nhận diện đám đông “vô-số người”, được nói trong sách Khải-huyền (Khải 7:9). Chị tôi là Lilian và Eunice nằm trong số hơn 800 người đã báp têm vào dịp đó.

Gia đình chúng tôi đi dự hội nghị ở Columbus, Ohio, vào năm 1937; ở Seattle, Washington, năm 1938; và ở thành phố New York năm 1939. Gia đình Van Daalen và Kammerud cũng như những người khác đều cùng đi, chúng tôi cắm trại ở dọc đường. Chị Eunice kết hôn với anh Leo Van Daalen năm 1940, và họ bắt đầu làm tiên phong. Cũng trong năm đó, chị Lilian lấy anh Gordon Kammerud, và hai người cũng làm tiên phong.

Hội nghị năm 1941 được tổ chức ở St. Louis, Missouri là một hội nghị đặc biệt. Vào dịp ấy, hàng ngàn người trẻ đã nhận được sách Children. Hội nghị đó là một bước ngoặt trong đời tôi. Không lâu sau, vào ngày 1-9-1941, tôi cùng với anh Marvin và vợ anh là chị Joyce trở thành người tiên phong. Lúc đó tôi 15 tuổi.

Trong cộng đồng nông nghiệp của chúng tôi, thật khó cho tất cả các anh cùng tham dự hội nghị vì hội nghị thường được tổ chức vào mùa gặt. Thế nên, sau hội nghị, chúng tôi có buổi ôn lại chương trình hội nghị ở sân sau nhà chúng tôi để những người chưa tham dự cũng được lợi ích. Đây là những buổi họp mặt vui vẻ.

Trường Ga-la-át và nhiệm sở ở hải ngoại

Tháng 2 năm 1943, Trường Ga-la-át được thành lập nhằm huấn luyện những tiên phong để phục vụ trong công việc giáo sĩ. Tham dự khóa đầu tiên có cả sáu thành viên gia đình Van Daalen—anh Emil, Arthur, Homer, và Leo; người anh em họ là Donald; và vợ anh Leo là Eunice, chị tôi. Chúng tôi chia tay nhau trong cảm giác vui buồn lẫn lộn vì không biết bao giờ mới gặp lại họ. Sau khi tốt nghiệp, cả sáu người đều được bổ nhiệm đến Puerto Rico, lúc đó chưa có đến một chục Nhân Chứng.

Một năm sau, chị Lilian và anh Gordon cùng với anh Marvin và chị Joyce tham dự khóa thứ ba của Trường Ga-la-át. Họ cũng được phái đến Puerto Rico. Rồi vào tháng 9-1944, ở tuổi 18, tôi được tham dự khóa thứ tư. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 2-1945, tôi cũng đến Puerto Rico để phụng sự cùng với các anh chị mình. Quả là một thế giới thú vị mở ra trước mắt tôi! Tuy học tiếng Tây Ban Nha là một thách đố, nhưng sau một thời gian ngắn vài người trong chúng tôi có hơn 20 học hỏi Kinh Thánh. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho công việc rao giảng ở đây. Ngày nay, có khoảng 25.000 Nhân Chứng ở Puerto Rico!

Bi kịch xảy đến cho gia đình

Anh Leo và chị Eunice tiếp tục ở lại Puerto Rico sau khi sinh con trai là Mark vào năm 1950. Năm 1952, họ dự định trở về quê nhà thăm bà con. Ngày 11 tháng 4, chuyến bay cất cánh. Thật bi thảm thay, chỉ một lúc sau, máy bay đâm xuống đại dương. Anh Leo và chị Eunice đã thiệt mạng. Còn cháu Mark hai tuổi thì được phát hiện là đang trôi nổi trên đại dương. Một người sống sót đã thảy cháu lên chiếc bè cứu sinh, rồi cháu được làm hô hấp nhân tạo. Cháu đã sống sót *.

Năm năm sau, vào ngày 7-3-1957, cha mẹ tôi đang trên đường đến Phòng Nước Trời thì xe bị thủng lốp. Trong khi thay lốp xe bên đường, cha đã bị một chiếc xe hơi tông chết. Khoảng 600 người đến nghe bài diễn văn tang lễ, và đây là một sự làm chứng tốt cho cộng đồng, nơi cha tôi rất được kính trọng.

Nhiệm sở mới

Ngay trước khi cha qua đời, tôi nhận được nhiệm sở ở Argentina. Tháng 8-1957, tôi đến thành phố Mendoza nằm trong vùng đồi núi dưới chân rặng Andes. Năm 1958, anh George Pappas, tốt nghiệp khóa 30 Trường Ga-la-át, được bổ nhiệm đến Argentina. Tôi và anh George trở thành bạn tốt, và chúng tôi kết hôn vào tháng 4-1960. Năm 1961, mẹ tôi qua đời ở tuổi 83. Mẹ đã trung thành bước đi trong sự thờ phượng thật và giúp rất nhiều người cũng làm thế.

Trong mười năm, anh George và tôi đã sống với những giáo sĩ khác trong nhiều nhà giáo sĩ. Sau đó, chúng tôi phụng sự bảy năm trong công tác lưu động. Năm 1975, chúng tôi trở về Hoa Kỳ để chăm sóc người nhà bị bệnh. Đến năm 1980, chồng tôi được mời làm công việc lưu động trong cánh đồng nói tiếng Tây Ban Nha. Lúc đó có khoảng 600 hội thánh nói tiếng Tây Ban Nha ở Hoa Kỳ. Trong 26 năm, chúng tôi viếng thăm nhiều hội thánh và nhìn thấy số hội thánh gia tăng lên đến hơn 3.000.

Họ đã bước đi trong “đường”

Mẹ cũng đã có được niềm vui thấy những thành viên trẻ trong gia đình đảm nhận thánh chức trọn thời gian. Chẳng hạn, cháu Carol, con gái của chị cả Ester, bắt đầu làm tiên phong vào năm 1953. Cháu kết hôn với anh Dennis Trumbore, và kể từ đó cả hai tham gia thánh chức trọn thời gian. Một con gái khác của chị Ester là Lois đã lấy anh Wendell Jensen. Hai cháu tham dự khóa 41 của Trường Ga-la-át và phụng sự 15 năm ở Nigeria. Cháu Mark, mất cha mẹ trong tai nạn máy bay, được em của anh Leo là Ruth La Londe và chồng là Curtiss nhận làm con nuôi. Mark và vợ là Lavonne cũng làm tiên phong nhiều năm và đã nuôi dạy bốn đứa con trong “đường” của Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 30:21.

Các anh chị tôi đã qua đời ngoại trừ anh Orlen, tuổi ngoài 95. Anh vẫn trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Anh George và tôi vui mừng tiếp tục phụng sự trong thánh chức trọn thời gian.

Một tài sản quý mẹ để lại

Tôi hiện giữ một tài sản quý giá của mẹ—cái bàn. Đó là quà cưới của cha dành cho mẹ. Trong ngăn kéo có một cuốn sổ cũ, dán những lá thư và các bài báo mà mẹ đã viết và làm chứng về Nước Trời. Một số tài liệu này được viết từ những năm đầu thế kỷ 20. Cái bàn cũng cất giữ những lá thư quý báu của những người con làm giáo sĩ của mẹ. Tôi rất thích đọc đi đọc lại chúng! Những thư mẹ viết cho chúng tôi luôn khích lệ, đầy những lời tích cực. Mẹ chưa bao giờ thực hiện được mơ ước làm giáo sĩ. Nhưng lòng sốt sắng của mẹ đối với công việc giáo sĩ đã tác động đến lòng của nhiều người thuộc thế hệ sau. Tôi trông mong đến ngày mọi người trong đại gia đình chúng tôi được đoàn tụ với cha mẹ trong địa đàng!—Khải 21:3, 4.

[Chú thích]

^ đ. 13 Xem tự truyện của anh Emil H. Van Daalen trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-6-1983, trang 27-30.

^ đ. 24 Xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-6-1952, trang 3, 4.

[Hình nơi trang 17]

Emilia Pederson

[Hình nơi trang 18]

Năm 1916: mẹ, cha (bế Marvin); bên dưới, từ trái sang phải: Orlen, Ester, Lilian, Mildred

[Hình nơi trang 19]

Anh Leo và chị Eunice, ít lâu trước khi qua đời

[Hình nơi trang 20]

Năm 1950: từ trái sang phải, bên trên: Ester, Mildred, Lilian, Eunice, Ruth; bên dưới: Orlen, mẹ, cha và Marvin

[Hình nơi trang 20]

Anh George và chị Ruth Pappas trong công tác lưu động, năm 2001