Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người Tôi Tớ của Đức Giê-hô-va “đã vì tội-lỗi chúng ta mà bị vết”

Người Tôi Tớ của Đức Giê-hô-va “đã vì tội-lỗi chúng ta mà bị vết”

Người Tôi Tớ của Đức Giê-hô-va “đã vì tội-lỗi chúng ta mà bị vết”

“Người đã vì tội-lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian-ác chúng ta mà bị thương... Bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh”.—Ê-SAI 53:5.

1. Chúng ta nên nghĩ đến điều gì khi tham dự Lễ Tưởng Niệm, và lời tiên tri nào sẽ giúp chúng ta làm thế?

Chúng ta tham dự Lễ Tưởng Niệm để tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su, đồng thời nghĩ đến những gì cái chết và sự sống lại của ngài đã thực hiện. Lễ Tưởng Niệm nhắc chúng ta về việc biện minh cho quyền cai trị của Đức Giê-hô-va, việc làm thánh danh Ngài và thực hiện ý định của Ngài, bao gồm sự giải cứu loài người. Về sự hy sinh của Chúa Giê-su và những gì ngài đã thực hiện, có lẽ không lời tiên tri nào khác trong Kinh Thánh mô tả rõ hơn là Ê-sai 53:3-12. Ê-sai báo trước sự khốn khổ mà Người Tôi Tớ phải chịu đựng, cho biết những chi tiết cụ thể về cái chết của Đấng Christ và những ân phước mà sự hy sinh này mang lại cho những anh em được xức dầu cũng như các “chiên khác” của ngài.—Giăng 10:16.

2. Lời tiên tri của Ê-sai là bằng chứng cho điều gì, và sẽ tác động thế nào đến chúng ta?

2 Bảy thế kỷ trước khi Chúa Giê-su sinh ra trên đất, Đức Giê-hô-va đã soi dẫn Ê-sai tiên tri rằng Người Tôi Tớ được Ngài chọn sẽ trung thành ngay cả khi bị thử thách đến cùng. Điều này là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va hoàn toàn tin tưởng nơi sự trung thành của Con Ngài. Khi xem xét lời tiên tri này, chúng ta sẽ tràn đầy lòng biết ơn và đức tin của mình sẽ được củng cố.

‘Bị khinh-dể’ và ‘chẳng coi ra gì’

3. Tại sao dân Do Thái lẽ ra phải đón nhận Chúa Giê-su, nhưng họ lại phản ứng thế nào?

3 Đọc Ê-sai 53:3. Hãy nghĩ đến những gì Con một của Đức Chúa Trời hẳn đã phải trải qua khi từ bỏ niềm vui phụng sự bên cạnh Cha và xuống thế để hy sinh mạng sống hầu cứu nhân loại thoát khỏi tội lỗi và sự chết! (Phi-líp 2:5-8). Sự hy sinh của ngài nhằm mang lại sự tha tội thật sự cho nhân loại, vì việc dâng của-lễ bằng thú vật dưới Luật pháp Môi-se chỉ là hình bóng cho điều này (Hê 10:1-4). Chẳng phải ngài đáng được đón nhận và tôn vinh, ít ra bởi dân Do Thái là những người đang chờ đợi Đấng Mê-si đã hứa từ trước sao? (Giăng 6:14). Thế nhưng, Đấng Christ đã bị dân Do Thái “khinh-dể” và ‘chẳng coi ra gì’, như Ê-sai đã tiên tri. Sứ đồ Giăng viết: “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy” (Giăng 1:11). Sứ đồ Phi-e-rơ nói với người Do Thái: “Đức Chúa Trời của tổ-phụ chúng ta đã làm vinh-hiển đầy-tớ Ngài là Đức Chúa Jêsus, là Đấng mà các ngươi đã bắt nộp và chối-bỏ trước mặt Phi-lát, trong khi người có ý tha Ngài ra. Các ngươi đã chối-bỏ Đấng Thánh và Đấng Công-bình”.—Công 3:13, 14.

4. Làm thế nào Chúa Giê-su “biết sự đau-ốm”?

4 Ê-sai cũng tiên tri rằng Chúa Giê-su sẽ “biết sự đau-ốm”. Trong thánh chức, Chúa Giê-su có lúc mệt mỏi, nhưng không điều gì cho thấy ngài bị bệnh (Giăng 4:6). Tuy nhiên, qua việc rao giảng, ngài “biết sự đau-ốm” của người ta. Ngài thương xót họ và chữa lành nhiều người (Mác 1:32-34). Như thế, Chúa Giê-su làm ứng nghiệm lời tiên tri: “Thật người đã mang sự đau-ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn-bực của chúng ta”.—Ê-sai 53:4a; Mat 8:16, 17.

Như thể “bị Đức Chúa Trời đánh”

5. Nhiều người Do Thái nghĩ gì về cái chết của Chúa Giê-su, và tại sao điều này khiến ngài càng thêm đau đớn?

5 Đọc Ê-sai 53:4b. Nhiều người đồng thời với Chúa Giê-su không hiểu lý do ngài chịu khổ và chết. Họ cho rằng Đức Chúa Trời trừng phạt Chúa Giê-su (Mat 27:38-44). Người Do Thái buộc Chúa Giê-su tội lộng ngôn hay phạm thượng (Mác 14:61-64; Giăng 10:33). Dĩ nhiên Chúa Giê-su không phạm tội cũng chẳng phạm thượng. Nhưng vì rất yêu thương Cha nên ý tưởng phải chết như một kẻ phạm thượng hẳn khiến Người Tôi Tớ của Đức Giê-hô-va càng thêm đau đớn. Dù vậy, ngài sẵn sàng phục tùng ý muốn của Đức Giê-hô-va.—Mat 26:39.

6, 7. Đức Giê-hô-va “làm tổn-thương” Người Tôi Tớ trung thành của Ngài theo nghĩa nào, và tại sao điều này làm Ngài “vừa ý”?

6 Chúng ta hiểu tại sao Ê-sai tiên tri rằng người ta tưởng Đấng Christ “bị Đức Chúa Trời đánh”, nhưng chúng ta có thể ngạc nhiên khi đọc lời tiên tri: “Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn-thương người” (Ê-sai 53:10). Bởi lẽ Đức Giê-hô-va cũng từng phán: “Nầy, đầy-tớ ta đây... là kẻ ta chọn-lựa, là kẻ mà linh-hồn ta lấy làm đẹp lòng”, vậy làm thế nào Ngài có thể “lấy làm vừa ý mà làm tổn-thương người”? (Ê-sai 42:1). Điều này làm Đức Chúa Trời vui theo nghĩa nào?

7 Để hiểu phần này của lời tiên tri, chúng ta nên nhớ rằng khi thách thức quyền cai trị của Đức Giê-hô-va, Sa-tan nêu nghi vấn về lòng trung thành của mọi tôi tớ Ngài, cả trên trời lẫn dưới đất (Gióp 1:9-11; 2:3-5). Qua việc trung thành cho đến chết, Chúa Giê-su đã đưa ra câu trả lời thỏa đáng nhất cho thách thức của Sa-tan. Vì thế, khi để Chúa Giê-su bị kẻ thù giết, Đức Giê-hô-va hẳn rất đau đớn khi nhìn thấy Người Tôi Tớ được Ngài chọn phải chết. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va rất “vừa ý” khi thấy Con Ngài giữ lòng trung kiên trọn vẹn (Châm 27:11). Hơn nữa, Đức Chúa Trời cũng rất vui vì biết những lợi ích mà cái chết của Con Ngài sẽ mang lại cho người biết ăn năn.—Lu 15:7.

‘Bị vết vì tội-lỗi chúng ta’

8, 9. (a) Chúa Giê-su ‘bị vết vì tội-lỗi chúng ta’ như thế nào? (b) Sứ đồ Phi-e-rơ xác nhận điều này ra sao?

8 Đọc Ê-sai 53:6. Như chiên đi lạc, nhân loại tội lỗi luôn tìm cách để thoát khỏi bệnh tật và sự chết mà A-đam truyền lại (1 Phi 2:25). Là người bất toàn, không một con cháu nào của A-đam có thể chuộc lại điều mà ông đã đánh mất (Thi 49:7). Tuy nhiên, vì tình yêu thương cao cả, “Đức Giê-hô-va đã làm cho tội-lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”, là Con yêu dấu và Người Tôi Tớ được chọn của Ngài. Qua việc chấp nhận ‘bị vết vì tội-lỗi chúng ta’ và ‘bị thương vì sự gian-ác chúng ta’, Chúa Giê-su mang tội lỗi ấy lên cây khổ hình và chết cho chúng ta.

9 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài; Ngài gánh tội-lỗi chúng ta trong thân-thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội-lỗi, được sống cho sự công-bình”. Trích lời tiên tri của Ê-sai, Phi-e-rơ nói thêm: “Lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh” (1 Phi 2:21, 24; Ê-sai 53:5). Điều này mở đường cho những người phạm tội được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, như lời sau của Phi-e-rơ: “Đấng Christ cũng vì tội-lỗi chịu chết một lần, là Đấng công-bình thay cho kẻ không công-bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời”.—1 Phi 3:18.

“Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt”

10. (a) Giăng Báp-tít mô tả Chúa Giê-su như thế nào? (b) Tại sao lời của Giăng rất thích hợp?

10 Đọc Ê-sai 53:7, 8. Khi thấy Chúa Giê-su, Giăng Báp-tít thốt lên: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi” (Giăng 1:29). Khi gọi Chúa Giê-su là Chiên con, có lẽ Giăng nghĩ đến lời của Ê-sai: “[Người] như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt” (Ê-sai 53:7). Ê-sai tiên tri: “Người đã đổ mạng-sống mình cho đến chết” (Ê-sai 53:12). Điều đáng chú ý là vào đêm Chúa Giê-su thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của mình, ngài đưa chén rượu cho 11 sứ đồ trung thành và phán: “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao-ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội”.—Mat 26:28.

11, 12. (a) Việc Y-sác sẵn sàng dâng mạng sống mình cho thấy gì về sự hy sinh của Chúa Giê-su? (b) Khi tham dự Lễ Tưởng Niệm, chúng ta nên nhớ gì về Áp-ra-ham Lớn, tức Đức Giê-hô-va?

11 Như Y-sác thời xưa, Chúa Giê-su sẵn lòng dâng mạng sống mình làm của-lễ (Sáng 22:1, 2, 9-13; Hê 10:5-10). Tuy Y-sác sẵn sàng hy sinh, nhưng Áp-ra-ham mới chính là người dâng của-lễ (Hê 11:17). Tương tự thế, Chúa Giê-su sẵn lòng chịu chết, nhưng Đức Giê-hô-va mới là Đấng sắp đặt giá chuộc. Sự hy sinh của Con Ngài là một biểu hiện của tình yêu thương sâu sắc mà Đức Chúa Trời dành cho loài người.

12 Chính Chúa Giê-su đã nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Sứ đồ Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô 5:8). Vì thế, dù tôn vinh Đấng Christ qua việc tưởng nhớ sự chết của ngài, chúng ta chớ bao giờ quên rằng Đấng sắp đặt của-lễ hy sinh là Áp-ra-ham Lớn, tức Đức Giê-hô-va. Chúng ta tham dự Lễ Tưởng Niệm để ngợi khen Ngài.

Người Tôi Tớ “làm cho nhiều người được xưng công-bình”

13, 14. Bằng cách nào Người Tôi Tớ của Đức Giê-hô-va “làm cho nhiều người được xưng công-bình”?

13 Đọc Ê-sai 53:11, 12. Đức Giê-hô-va phán về Người Tôi Tớ được chọn như sau: “Tôi-tớ công-bình của ta sẽ lấy sự thông-biết về mình làm cho nhiều người được xưng công-bình”. Bằng cách nào? Cuối câu 12 cho chúng ta một manh mối. Người Tôi Tớ “cầu thay cho những kẻ phạm tội”. Tất cả con cháu A-đam đều sinh ra trong tội lỗi, đều là “những kẻ phạm tội”, và vì thế nhận “tiền công của tội-lỗi” là sự chết (Rô 5:12; 6:23). Do đó, con người tội lỗi cần hòa thuận lại với Đức Giê-hô-va. Chương 53 của sách tiên tri Ê-sai miêu tả rất cảm động về cách Chúa Giê-su “cầu thay”, đứng ra để cứu nhân loại tội lỗi: “Bởi sự sửa-phạt người chịu chúng ta được bình-an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh”.—Ê-sai 53:5.

14 Qua việc mang tội lỗi của chúng ta và chết cho chúng ta, Chúa Giê-su “làm cho nhiều người được xưng công-bình”. Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy-dẫy của mình chứa trong Ngài [Chúa Giê-su], và bởi huyết Ngài... đã làm nên hòa-bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa-thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời”.—Cô 1:19, 20.

15. (a) ‘Vật trên trời’ mà Phao-lô nói đến là ai? (b) Chỉ có ai được dùng các món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm, và tại sao?

15 ‘Vật trên trời’ được hòa thuận lại với Đức Giê-hô-va nhờ huyết của Đấng Christ là các tín đồ được xức dầu, những người được gọi lên trời để cùng cai trị với Chúa Giê-su. Những tín đồ “dự phần ơn trên trời gọi” được “xưng công-bình, là sự ban sự sống” (Hê 3:1; Rô 5:1, 18). Và Đức Giê-hô-va nhận họ làm con thiêng liêng. Thánh linh làm chứng rằng họ “đồng kế-tự với Đấng Christ”, được kêu gọi để làm vua và thầy tế lễ trong Nước Trời (Rô 8:15-17; Khải 5:9, 10). Họ trở nên thành viên của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, và được dự phần trong “giao-ước mới” (Giê 31:31-34; Ga 6:16). Là thành viên của giao ước mới, họ được dùng các món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm, trong đó có chén rượu đỏ mà Chúa Giê-su đã phán: “Chén nầy là giao-ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra”.—Lu 22:20.

16. “Vật dưới đất” là ai, và làm thế nào họ được xưng công bình trước mắt Đức Giê-hô-va?

16 “Vật dưới đất” là các chiên khác của Đấng Christ, những người có hy vọng sống đời đời trên đất. Người Tôi Tớ mà Đức Giê-hô-va chọn cũng làm cho những người này được xưng công bình trước mắt Đức Chúa Trời. Vì họ tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ và như thế “đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”, nên Đức Giê-hô-va xưng họ là công bình, không là con thiêng liêng nhưng là bạn của Ngài, cho họ triển vọng tuyệt diệu là sống sót qua “cơn đại-nạn” (Khải 7:9, 10, 14; Gia 2:23). Những chiên khác này không ở trong giao ước mới và vì thế không có hy vọng lên trời. Họ không dùng các món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm, nhưng tham dự với lòng tôn kính.

Cảm tạ Đức Giê-hô-va và Người Tôi Tớ làm đẹp lòng Ngài!

17. Việc xem xét những lời tiên tri của Ê-sai về Người Tôi Tớ giúp chúng ta chuẩn bị tâm trí cho Lễ Tưởng Niệm như thế nào?

17 Xem xét những lời tiên tri của Ê-sai về Người Tôi Tớ là cách rất tốt để chúng ta chuẩn bị tâm trí cho Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. Việc này giúp chúng ta “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin” (Hê 12:2). Chúng ta biết được là Con Đức Chúa Trời không phản nghịch. Không như Sa-tan, Chúa Giê-su vui thích được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, nhìn nhận Ngài là Chúa Tối Thượng. Chúng ta đã thấy trong thánh chức trên đất, Chúa Giê-su biểu lộ lòng thương xót đối với những người ngài rao giảng, chữa lành nhiều người trong số họ cả về thể chất lẫn thiêng liêng. Qua đó, Chúa Giê-su cho thấy trước những gì ngài sẽ làm với tư cách là Vua Mê-si trong hệ thống mới, khi ngài “lập xong sự công-bình trên đất” (Ê-sai 42:4). Là “ánh sáng cho các nước”, Chúa Giê-su sốt sắng rao giảng về Nước Trời; điều này nhắc nhở các môn đồ ngài sốt sắng rao truyền tin mừng trên khắp đất.—Ê-sai 42:6, Bản Dịch Mới.

18. Tại sao lời tiên tri Ê-sai làm lòng chúng ta tràn đầy sự biết ơn đối với Đức Giê-hô-va và Người Tôi Tớ trung thành của Ngài?

18 Lời tiên tri của Ê-sai cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự hy sinh lớn lao của Đức Giê-hô-va khi sai Con yêu dấu xuống đất để chịu đau đớn và chết cho chúng ta. Đức Giê-hô-va vui, không phải vì thấy Con Ngài đau đớn, nhưng vì thấy Chúa Giê-su giữ lòng trung kiên trọn vẹn cho đến chết. Chúng ta nên vui mừng như Đức Giê-hô-va, nhận biết tất cả những gì Chúa Giê-su đã làm để chứng minh Sa-tan là dối trá và làm thánh danh Đức Giê-hô-va, nhờ thế biện minh cho quyền cai trị chính đáng của Ngài. Ngoài ra, Đấng Christ mang tội lỗi của chúng ta và chết cho chúng ta. Bằng cách đó, ngài làm cho bầy nhỏ gồm những anh em được xức dầu và cho các chiên khác có được vị thế công bình trước mắt Đức Giê-hô-va. Khi cùng nhau tham dự Lễ Tưởng Niệm, mong sao chúng ta sẽ tràn đầy lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va và Người Tôi Tớ trung thành của Ngài.

Để ôn lại

• Đức Giê-hô-va “lấy làm vừa ý mà làm tổn-thương” Con Ngài theo nghĩa nào?

• Chúa Giê-su ‘bị vết vì tội-lỗi chúng ta’ như thế nào?

• Bằng cách nào Người Tôi Tớ “làm cho nhiều người được xưng công-bình”?

• Việc xem xét những lời tiên tri về Người Tôi Tớ giúp bạn chuẩn bị tâm trí cho Lễ Tưởng Niệm như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

“Người đã bị người ta khinh-dể và... chúng ta cũng chẳng coi người ra gì”

[Hình nơi trang 28]

“Người đã đổ mạng-sống mình cho đến chết”

[Hình nơi trang 29]

Các “chiên khác” tham dự Lễ Tưởng Niệm với lòng tôn kính nhưng không dùng món biểu tượng