Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy để lời giảng của Chúa Giê-su tác động đến bạn

Hãy để lời giảng của Chúa Giê-su tác động đến bạn

Hãy để lời giảng của Chúa Giê-su tác động đến bạn

“Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao-truyền lời của Đức Chúa Trời”.​—GIĂNG 3:34.

1, 2. Tại sao có thể nói rằng Bài giảng trên núi hoàn toàn dựa vào “lời của Đức Chúa Trời”?

Bài giảng trên núi của Chúa Giê-su chứa đựng những lời vàng ngọc vô cùng quý báu. Điều đó không có gì lạ vì lời giảng của ngài đến từ Đức Giê-hô-va! Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su là ‘đấng Đức Chúa Trời đã sai đến rao-truyền lời của Đức Chúa Trời’.—Giăng 3:34-36.

2 Dù được trình bày có lẽ không tới nửa giờ, nhưng trong Bài giảng trên núi có trích dẫn 21 câu thuộc tám sách của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Vì thế, bài giảng này hoàn toàn dựa trên “lời của Đức Chúa Trời”. Bây giờ hãy xem làm thế nào chúng ta có thể áp dụng một số lời dạy vô giá trong bài giảng xuất sắc này của Con Đức Chúa Trời.

“Giảng-hòa với anh em trước”

3. Sau khi cảnh báo môn đồ về hậu quả của lòng oán giận, Chúa Giê-su đã đưa ra lời khuyên bảo nào?

3 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta được hạnh phúc và có tính hiếu hòa nhờ có thánh linh Đức Chúa Trời, vì vui mừng và bình an là những khía cạnh của bông trái thánh linh (Ga 5:22). Chúa Giê-su không muốn các môn đồ ngài mất sự bình an và hạnh phúc, vì thế ngài cảnh báo họ về hậu quả chết người của lòng oán giận. (Đọc Ma-thi-ơ 5:21, 22). Sau đó ngài nói: “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của-lễ”.Mat 5:23, 24.

4, 5. (a) “Của-lễ” mà Chúa Giê-su đề cập nơi Ma-thi-ơ 5:23, 24 là gì? (b) Việc giảng hòa với anh em quan trọng như thế nào?

4 “Của-lễ” mà Chúa Giê-su nói đến là con sinh tế và bất cứ những gì được dâng tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Việc dâng con sinh tế đóng vai trò quan trọng vì đó là một phần trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhấn mạnh một điều quan trọng hơn: Giảng hòa với anh em trước khi dâng của-lễ cho Đức Chúa Trời.

5 Chúng ta có thể rút ra bài học nào qua lời dạy dỗ của Chúa Giê-su? Rõ ràng là cách chúng ta đối xử với người khác ảnh hưởng rất nhiều đến mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va (1 Giăng 4:20). Thật vậy, của-lễ dâng cho Đức Chúa Trời trở nên vô nghĩa nếu người dâng không đối xử tốt với người lân cận.—Đọc Mi-chê 6:6-8.

Cần phải khiêm nhường

6, 7. Khi cố gắng giảng hòa với anh em, tại sao chúng ta cần phải khiêm nhường?

6 Giảng hòa với anh em có thể là một thử thách vì điều đó đòi hỏi tính khiêm nhường. Người khiêm nhường không tranh cãi với anh em đồng đạo để giành phần đúng. Thái độ này sẽ gây ra tình trạng không tốt như đã từng xảy ra giữa các tín đồ ở thành Cô-rinh-tô. Nói về vấn đề đó, sứ đồ Phao-lô nêu lên điểm đáng suy nghĩ sau đây: “Thật vậy, anh em có sự kiện-cáo nhau, là phải tội rồi. Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian-lận là hơn!”.—1 Cô 6:7.

7 Chúa Giê-su không nói chúng ta nên đi gặp anh em chỉ nhằm chứng tỏ mình đúng và người đó sai. Mục tiêu của chúng ta là hòa thuận lại với anh em. Để giảng hòa, phải thành thật nói lên cảm nghĩ của mình và cần hiểu cảm giác tổn thương của người đó. Nếu có lỗi, chắc chắn chúng ta nên khiêm nhường xin lỗi.

“Nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội”

8. Hãy tóm tắt lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Ma-thi-ơ 5:29, 30.

8 Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su cũng đưa ra lời khuyên khôn ngoan về đạo đức. Ngài biết rằng các bộ phận trong cơ thể con người bất toàn có thể gây ảnh hưởng tai hại. Vì thế Chúa Giê-su nói: “Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân-thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân-thể bị ném vào địa-ngục. Lại nếu tay hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân-thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân-thể vào địa-ngục”.—Mat 5:29, 30.

9. Làm thế nào “con mắt” hay “tay” có thể khiến chúng ta “phạm tội”?

9 “Con mắt” mà Chúa Giê-su nói đến tượng trưng cho khả năng tập trung vào điều gì đó, và “tay” là những điều chúng ta làm. Nếu không cẩn thận, những bộ phận này có thể khiến chúng ta “phạm tội” và không còn “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng 5:22; 6:9). Vậy, khi bị cám dỗ cãi lời Đức Giê-hô-va, chúng ta cần phải hành động dứt khoát, như thể móc một mắt hay chặt một tay.

10, 11. Điều gì giúp chúng ta tránh hành vi vô luân?

10 Làm thế nào để giữ mắt chúng ta không tập trung vào những điều vô luân? Ông Gióp, một người kính sợ Đức Chúa Trời, từng nói: “Tôi đã có lập ước với mắt tôi; vậy, làm sao tôi còn dám nhìn người nữ đồng-trinh?” (Gióp 31:1). Là người đã có gia đình, Gióp nhất quyết không vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời về mặt đạo đức. Dù đã lập gia đình hay còn độc thân, chúng ta phải có thái độ như thế. Để tránh sự vô luân, chúng ta cần thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn. Thánh linh giúp những người yêu thương Đức Chúa Trời có sự tiết độ, tức tính tự chủ.—Ga 5:22-25.

11 Để tránh hành vi vô luân, chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có để cho mắt mình tập trung vào những điều khơi dậy lòng ham muốn xem tài liệu khiêu dâm trên sách báo, truyền hình hay Internet không?”. Hãy nhớ lời này của môn đồ Gia-cơ: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết” (Gia 1:14, 15). Thật vậy, nếu người nào đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và cứ nhìn người khác phái với lòng ham muốn, người ấy cần phải dứt khoát loại bỏ ý tưởng đó, giống như móc mắt và quăng nó đi xa.—Đọc Ma-thi-ơ 5:27, 28.

12. Lời khuyên nào của Phao-lô có thể giúp chúng ta kháng cự ham muốn tình dục vô luân?

12 Việc sử dụng bàn tay một cách không đúng đắn có thể khiến chúng ta phạm tội với Đức Giê-hô-va, do đó chúng ta phải nhất quyết giữ trong sạch về mặt đạo đức. Vì thế, chúng ta nên làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Hãy làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng” (Cô 3:5). Từ “làm chết” nhấn mạnh rằng chúng ta phải hành động dứt khoát để kháng cự ham muốn tình dục vô luân.

13, 14. Tại sao chúng ta phải tránh lối suy nghĩ và hành vi vô luân?

13 Để giữ mạng sống, rất có thể một người sẽ sẵn sàng chịu mất một tay hoặc chân. Theo nghĩa bóng, “quăng” mắt và tay là điều cần yếu để tránh lối suy nghĩ và hành vi vô luân có thể khiến chúng ta chết về mặt thiêng liêng. Giữ trong sạch về mặt tâm trí, đạo đức và thiêng liêng là cách duy nhất để thoát khỏi sự hủy diệt đời đời.

14 Vì là người bất toàn và tội lỗi, chúng ta cần phải nỗ lực để giữ trong sạch về mặt đạo đức. Phao-lô nói: “Tôi đãi thân-thể tôi cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng-dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (1 Cô 9:27). Vì thế, chúng ta hãy quyết tâm áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su về đạo đức, không bao giờ làm những điều thể hiện thái độ vô ơn đối với giá chuộc của ngài.—Mat 20:28; Hê 6:4-6.

“Hãy cho”

15, 16. (a) Chúa Giê-su đã nêu gương nào về tinh thần ban cho? (b) Những lời của Chúa Giê-su ghi nơi Lu-ca 6:38 có nghĩa gì?

15 Chúa Giê-su đã giảng dạy và nêu gương mẫu xuất sắc về tinh thần ban cho. Ngài thể hiện lòng rộng rãi bằng cách xuống trái đất vì lợi ích của nhân loại bất toàn. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 8:9). Chúa Giê-su sẵn sàng rời bỏ địa vị vinh hiển ở trên trời để làm người và hy sinh mạng sống cho nhân loại tội lỗi, trong đó có một số người sẽ được hưởng ân phước đồng cai trị với ngài trong Nước Trời (Rô 8:16, 17). Và hẳn Chúa Giê-su đã khuyến khích thể hiện lòng rộng rãi khi nói:

16 “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy” (Lu 6:38). Cụm từ “nộp trong lòng” nói đến thói quen của một số người bán hàng đong đầy vào ngực áo của khách hàng. Các khách hàng này thường mặc áo rộng và buộc ở thắt lưng, tạo thành một cái túi để đựng đồ. Tính rộng rãi xuất phát từ đáy lòng của chúng ta có thể sẽ được đáp lại bằng “đấu lớn”, có lẽ khi chúng ta cần sự giúp đỡ.—Truyền 11:2.

17. Đức Giê-hô-va nêu gương tuyệt hảo như thế nào về việc ban cho, và việc làm nào đem lại niềm vui cho chúng ta?

17 Đức Giê-hô-va yêu thương và ban thưởng những ai cho đi một cách vui lòng. Chính Ngài đã nêu gương tuyệt hảo qua việc ban cho nhân loại Con một của Ngài, “hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Sứ đồ Phao-lô viết: “Ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng” (2 Cô 9:6, 7). Khi hy sinh thời giờ, năng lực và của cải để đẩy mạnh sự thờ phượng thật, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được niềm vui và ân phước dồi dào.—Đọc Châm-ngôn 19:17; Lu-ca 16:9.

“Đừng thổi kèn trước mặt mình”

18. Chúng ta sẽ “chẳng được phần thưởng” từ Cha trên trời nếu làm gì?

18 “Hãy giữ, đừng làm sự công-bình mình trước mặt người ta, cho họ đều thấy. Bằng không, thì các ngươi chẳng được phần thưởng gì của Cha các ngươi ở trên trời” (Mat 6:1). Khi dùng từ “công-bình”, Chúa Giê-su hàm ý nói về hạnh kiểm phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. Ngài không có ý nói rằng chúng ta không nên làm điều tin kính nơi đông người, vì ngài từng bảo các môn đồ: “Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta” (Mat 5:14-16). Tuy nhiên, nếu làm mọi việc để ‘người ta đều thấy’ và ngưỡng mộ như các diễn viên trên sân khấu, chúng ta sẽ “chẳng được phần thưởng” từ Cha trên trời. Nếu có động cơ như thế, chúng ta sẽ không có được mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, cũng chẳng được hưởng ân phước vô tận dưới sự cai trị của Nước Trời.

19, 20. (a) Chúa Giê-su hàm ý gì khi nói “đừng thổi kèn” khi “bố-thí”? b) Làm thế nào chúng ta không để tay trái biết tay phải đang làm gì?

19 Nếu có thái độ đúng đắn, chúng ta sẽ làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su: “Vậy, khi ngươi bố-thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả-hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn-kính. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi” (Mat 6:2). Mục đích của việc “bố thí” là để giúp đỡ những người túng thiếu. (Đọc Ê-sai 58:6, 7). Chúa Giê-su và các sứ đồ có một quỹ để giúp người nghèo (Giăng 12:5-8; 13:29). Trên thực tế, vì không ai thổi kèn trước khi bố thí nên rõ ràng ở đây Chúa Giê-su dùng phép ngoa dụ khi nói chúng ta đừng làm như thế. Khi bố thí, chúng ta không được phô trương như người Pha-ri-si của đạo Do Thái. Chúa Giê-su gọi họ là kẻ giả hình vì họ khoe khoang việc bố thí của mình “trong nhà hội và ngoài đường”. Những kẻ giả hình này “đã được phần thưởng của mình rồi”, đó là những lời ca ngợi và cơ hội được ngồi ở hàng ghế đầu với các thầy ra-bi nổi tiếng trong nhà hội. Ngoài những điều này ra, họ không nhận được gì cả vì Đức Giê-hô-va chẳng ban gì cho họ (Mat 23:6). Tuy nhiên, môn đồ Chúa Giê-su nên hành động như thế nào? Ngài bảo họ, và cho cả chúng ta:

20 “Song khi ngươi bố-thí, đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì, hầu cho sự bố-thí được kín-nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi” (Mat 6:3, 4). Hai tay chúng ta thường làm việc chung với nhau. Vì thế, không cho tay tả biết tay hữu làm việc gì có nghĩa là chúng ta không khoe khoang việc làm bố thí, thậm chí đối với những người kề cận với chúng ta như tay trái gần với tay phải.

21. “Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm” sẽ ban thưởng cho chúng ta những gì?

21 Việc làm bố thí của chúng ta sẽ được kín nhiệm nếu không khoe khoang khi làm điều thiện. Rồi Cha chúng ta là “Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm” sẽ ban thưởng chúng ta. Vì Ngài ngự trên trời và mắt người phàm không thấy được, nên đối với họ, Cha trên trời luôn ở trong “chỗ kín-nhiệm” (Giăng 1:18). Phần thưởng mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta là mối quan hệ mật thiết với Ngài, sự tha tội và đời sống vĩnh cửu (Châm 3:32; Giăng 17:3; Ê-phê 1:7). Điều này tốt hơn gấp bội so với lời khen của con người.

Quý trọng những lời vàng ngọc

22, 23. Tại sao chúng ta nên quý trọng những lời giảng của Chúa Giê-su?

22 Bài giảng trên núi quả có nhiều bài học vô giá mang lại cho chúng ta niềm vui, ngay cả trong thế gian đầy khó khăn này. Thật thế, chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu quý trọng lời giảng của Chúa Giê-su cũng như để những lời ấy tác động đến lối suy nghĩ và đời sống của mình.

23 Người nào “nghe” và “làm theo” những điều Chúa Giê-su dạy sẽ được ban phước. (Đọc Ma-thi-ơ 7:24, 25). Vậy chúng ta hãy cương quyết làm theo lời khuyên bảo của ngài. Trong bài cuối cùng của loạt bài này, chúng ta sẽ thảo luận thêm những lời giảng khác của Chúa Giê-su trong Bài giảng trên núi.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao giảng hòa với anh em đồng đạo là điều quan trọng?

• Làm sao tránh để “mắt bên hữu” xui chúng ta phạm tội?

• Chúng ta nên có thái độ nào về tinh thần ban cho?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 11]

“Giảng-hòa” với anh em đồng đạo thật tốt biết bao!

[Các hình nơi trang 12, 13]

Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai cho đi một cách vui mừng