Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời giảng của Chúa Giê-su có tác động đến cách bạn cầu nguyện?

Lời giảng của Chúa Giê-su có tác động đến cách bạn cầu nguyện?

Lời giảng của Chúa Giê-su có tác động đến cách bạn cầu nguyện?

“Khi Đức Chúa Jêsus vừa phán những lời ấy xong, đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ”.—MAT 7:28.

1, 2. Tại sao đám đông ngạc nhiên về cách Chúa Giê-su dạy dỗ?

Chúng ta nên lắng nghe và áp dụng lời dạy của Chúa Giê-su Christ, Con một của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chắc chắn ngài dạy dỗ khác với con người. Bởi vậy, người ta lấy làm lạ về cách ngài dạy dỗ trong Bài giảng trên núi.—Đọc Ma-thi-ơ 7:28, 29.

2 Chúa Giê-su không dạy giống như các thầy thông giáo, vì họ giảng dài dòng và dựa vào những học thuyết của loài người bất toàn. Ngài dạy “như là có quyền” vì nói theo lời Đức Chúa Trời (Giăng 12:50). Vậy, chúng ta hãy xem làm thế nào những lời dạy khác trong Bài giảng trên núi có thể tác động đến cách chúng ta cầu nguyện, và nên tác động ra sao?

Chớ cầu nguyện như kẻ giả hình

3. Hãy tóm tắt lời Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 6:5.

3 Cầu nguyện là một phần quan trọng trong sự thờ phượng thật, chúng ta nên đều đặn cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Và khi cầu nguyện, chúng ta nên làm theo lời Chúa Giê-su dạy trong Bài giảng trên núi: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng làm như bọn giả-hình; vì họ ưa đứng cầu-nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên-hạ đều thấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi”.Mat 6:5.

4-6. (a) Tại sao người Pha-ri-si “ưa đứng cầu-nguyện nơi nhà hội và góc đường”? (b) Những kẻ giả hình đó “đã được phần thưởng của mình” như thế nào?

4 Khi cầu nguyện, môn đồ Chúa Giê-su không được làm theo người Pha-ri-si “giả-hình”, tự cho mình là công bình. Họ làm ra vẻ sùng đạo ở những nơi công cộng (Mat 23:13-32). Những kẻ giả hình này “ưa đứng cầu-nguyện nơi nhà hội và góc đường”. Tại sao? Vì họ muốn “thiên-hạ đều thấy”. Người Do Thái thời thế kỷ thứ nhất có thói quen tập hợp thành từng nhóm để cầu nguyện vào giờ dâng của-lễ thiêu ở đền thờ (khoảng 9 giờ sáng và 3 giờ chiều). Trong thành Giê-ru-sa-lem, nhiều người cầu nguyện chung với nhau trong khuôn viên đền thờ. Bên ngoài thành, những người Do Thái sùng đạo thường “đứng cầu-nguyện nơi nhà hội” mỗi ngày hai lần.—So sánh Lu-ca 18:11, 13.

5 Vì đa số người ta không ở gần đền thờ hoặc nhà hội vào giờ cầu nguyện mỗi ngày, nên vào những giờ này, họ đang ở đâu thì có lẽ cầu nguyện ngay tại đó. Vào giờ cầu nguyện, một số người thích có mặt ở “góc đường” để cầu nguyện cho “thiên-hạ đều thấy”. Những kẻ giả hình này “làm bộ đọc lời cầu-nguyện dài” để được người khác ngưỡng mộ (Lu 20:47). Chúng ta không nên có thái độ như thế.

6 Chúa Giê-su phán rằng những kẻ giả hình đó “đã được phần thưởng của mình rồi”. Họ ham muốn được người khác nhận ra và khen ngợi. Ngoài những điều này, họ chẳng được gì vì Đức Giê-hô-va không nhậm lời cầu nguyện giả hình của họ. Trái lại, Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của những người thật lòng theo Đấng Christ, như lời tiếp theo của Chúa Giê-su cho thấy.

7. Lời khuyên về việc cầu nguyện trong “phòng riêng” có nghĩa gì?

7 “Song khi ngươi cầu-nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu-nguyện Cha ngươi, ở nơi kín-nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi” (Mat 6:6). Lời khuyên của Chúa Giê-su về việc cầu nguyện nơi phòng riêng và đóng cửa kín không có nghĩa là một người không thể đại diện hội thánh để cầu nguyện. Lời khuyên này nhằm nhắc nhở người ta đừng cầu nguyện nơi công cộng với mục đích gây chú ý và muốn người khác khen ngợi mình. Chúng ta nên nhớ điều này khi có đặc ân được đại diện dân Đức Chúa Trời để cầu nguyện. Chúng ta cũng phải làm theo lời khuyên tiếp theo của Chúa Giê-su về việc này.

8. Theo Ma-thi-ơ 6:7, chúng ta nên tránh điều gì khi cầu nguyện?

8 “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng dùng những lời lặp vô-ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm” (Mat 6:7). Chúa Giê-su dẫn chứng một trường hợp khác mà người ta lạm dụng lời cầu nguyện, đó là lặp đi lặp lại. Ngài không có ý nói rằng chúng ta chớ nên lặp lại những lời cầu xin và tạ ơn chân thành. Trong Vườn Ghết-sê-ma-nê vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giê-su đã cầu nguyện “y như lời trước”.—Mác 14:32-39.

9, 10. Chúng ta hiểu sao về lời khuyên không nên dùng những lời cầu nguyện lặp đi lặp lại?

9 Bắt chước cách cầu nguyện lặp đi lặp lại của “người ngoại” là sai. Họ lặp đi lặp lại những câu thuộc lòng với nhiều lời lẽ không cần thiết. Cách cầu nguyện đó chẳng giúp ích gì cho những người thờ thần Ba-anh khi họ kêu cầu tên của thần giả này “từ sớm-mai đến trưa” mà nói rằng: “Hỡi Ba-anh! Xin đáp lời chúng tôi” (1 Vua 18:26). Ngày nay, hàng triệu người lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện dài dòng vì nghĩ rằng làm thế sẽ “được nhậm”, nhưng đó chỉ là điều vô ích. Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu rằng lời cầu nguyện lặp đi lặp lại và “nói nhiều” không có giá trị đối với Đức Giê-hô-va, rồi ngài nói thêm:

10 “Vậy, các ngươi đừng như họ; vì Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài” (Mat 6:8). Nhiều người trong giới lãnh đạo Do Thái giáo đã cầu nguyện dài dòng như dân ngoại. Lời cầu nguyện chân thành—bao gồm sự ngợi khen, tạ ơn và nài xin—là một phần quan trọng của sự thờ phượng thật. (Phi-líp 4:6). Tuy nhiên, thật sai lầm khi nghĩ rằng cần phải lặp đi lặp lại để Đức Chúa Trời biết nhu cầu của mình! Khi cầu nguyện, hãy nhớ rằng Đấng nghe lời cầu nguyện ‘biết chúng ta cần sự gì trước khi xin Ngài’.

11. Chúng ta nên nhớ điều gì nếu có đặc ân được đại diện dâng lời cầu nguyện?

11 Khi xem xét lời giảng của Chúa Giê-su về cách cầu nguyện, chúng ta nên nhớ rằng những lời lẽ khoa trương, dài dòng không tạo được ấn tượng đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng nên nhận thức rằng khi được đại diện dâng lời cầu nguyện, đó không phải là dịp để gây ấn tượng với người nghe hoặc khiến họ nghĩ rằng không biết bao giờ mới nói “A-men”. Dùng lời cầu nguyện để thông báo hay khuyên bảo cử tọa cũng không phù hợp với những gì Chúa Giê-su dạy trong Bài giảng trên núi.

Chúa Giê-su dạy cách cầu nguyện

12. Hãy giải thích ý nghĩa của lời cầu xin cho “danh Cha được thánh”.

12 Ngoài việc cảnh báo việc lạm dụng đặc ân cầu nguyện, Chúa Giê-su cũng dạy các môn đồ cách cầu nguyện. (Đọc Ma-thi-ơ 6:9-13). Không nên học thuộc lòng lời cầu nguyện mẫu để lặp đi lặp lại, đó chỉ là mẫu để chúng ta biết cách cầu nguyện. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nhắc đến Đức Chúa Trời trước nhất trong lời cầu nguyện này: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh” (Mat 6:9). Thật đúng khi chúng ta gọi Đức Giê-hô-va là “Cha” vì Ngài là Đấng Tạo Hóa của chúng ta và ngự “trên trời” (Phục 32:6; 2 Sử 6:21; Công 17:24, 28). Cụm từ “Cha chúng tôi” nhắc chúng ta nhớ rằng các anh em đồng đạo cũng có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Lời cầu xin cho “danh Cha được thánh” nói lên mong muốn Đức Giê-hô-va làm thánh danh Ngài. Ngài thực hiện điều này bằng cách xóa bỏ mọi điều gây sỉ nhục cho danh ấy kể từ cuộc phản loạn trong vườn Ê-đen. Để đáp lại lời cầu nguyện đó, Đức Giê-hô-va sẽ loại trừ kẻ ác khỏi trái đất, và qua đó làm thánh danh Ngài.—Ê-xê 36:23.

13. (a) Lời cầu xin cho “nước Cha được đến” sẽ được thực hiện như thế nào? (b) Việc Đức Chúa Trời thực hiện ý muốn của Ngài trên đất cũng bao hàm điều gì?

13 “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Mat 6:10). “Nước Cha” trong lời cầu xin này là chính phủ trên trời của Đấng Mê-si, Chúa Giê-su Christ. Cùng cai trị với ngài là “các thánh”, tức những người được sống lại để lên trời. (Đa 7:13, 14, 18; Ê-sai 9:5, 6). Cầu xin “Nước Cha được đến” nghĩa là mong nước này loại trừ tất cả những người chống đối quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Điều này sắp xảy ra, mở đường cho một địa đàng đầy dẫy sự công bình, bình an và thịnh vượng (Thi 72:1-15; Đa 2:44; 2 Phi 3:13). Ý muốn của Giê-hô-va đang được thực hiện ở trên trời, và lời cầu xin cho ý Ngài được “nên” ở trên đất có nghĩa là xin Đức Chúa Trời thực hiện ý định Ngài trên hành tinh chúng ta, kể cả việc hủy diệt những kẻ chống đối thời nay như Ngài từng làm trong quá khứ.—Đọc Thi-thiên 83:1, 2, 13-18.

14. Tại sao việc cầu xin “đồ ăn đủ ngày” là điều thích hợp?

14 “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày” (Mat 6:11; Lu 11:3). Lời cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho đồ ăn “đủ ngày” cho thấy chúng ta tin Ngài có khả năng chăm lo nhu cầu hằng ngày của mình. Đây không phải là xin Đức Giê-hô-va cho chúng ta nhiều hơn những gì mình cần. Lời cầu xin này nhắc chúng ta nhớ lời Đức Chúa Trời đã bảo dân Y-sơ-ra-ên lượm ma-na ‘ngày nào đủ cho ngày nấy’.—Xuất 16:4.

15. Hãy giải thích câu: “Xin tha tội-lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi”.

15 Lời cầu xin kế tiếp trong bài cầu nguyện mẫu nói đến điều chúng ta cần phải làm: “Xin tha tội-lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Mat 6:12). Chỉ khi nào chúng ta đã “tha lỗi” cho người khác thì mới mong được Đức Giê-hô-va tha tội mình. (Đọc Ma-thi-ơ 6:14, 15). Vì vậy, chúng ta phải sẵn sàng tha thứ người khác.—Ê-phê 4:32; Cô 3:13.

16. Hãy giải thích hai lời cầu xin liên quan đến sự cám dỗ và sự giải cứu khỏi “Kẻ Ác”.

16 “Xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!” (Mat 6:13). Chúng ta nên hiểu hai lời cầu xin này như thế nào? Câu “xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ” là lời nài xin Đức Giê-hô-va đừng để chúng ta sa ngã khi bị cám dỗ. Ngoài ra, Kinh Thánh cũng cho biết một điều chắc chắn là Đức Chúa Trời không cám dỗ ai. (Đọc Gia-cơ 1:13). Theo Bản Dịch Mới, từ “điều ác” được dịch chính xác là “Kẻ Ác”, tức Sa-tan hay quỉ cám dỗ (Mat 4:3). Vì thế, lời cầu xin “cứu chúng tôi khỏi [Kẻ Ác]” là xin Đức Giê-hô-va không để Sa-tan thắng chúng ta. Hãy tin chắc rằng ‘Đức Chúa Trời chẳng hề cho chúng ta bị cám-dỗ quá sức mình’.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:13.

‘Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ cửa’

17, 18. ‘Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ cửa’ có nghĩa gì?

17 Sứ đồ Phao-lô khuyến khích anh em đồng đạo: “Hãy... bền lòng mà cầu-nguyện” (Rô 12:12). Tương tự thế, Chúa Giê-su cũng khuyên: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở” (Mat 7:7, 8). Thật hợp lý khi bền lòng “xin” bất cứ điều gì theo ý muốn Đức Chúa Trời. Phù hợp với lời Chúa Giê-su, sứ đồ Giăng viết: “Nầy là điều chúng ta dạn-dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý-muốn Ngài mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta”.—1 Giăng 5:14.

18 Lời Chúa Giê-su khuyên ‘hãy xin và tìm’ có nghĩa là chúng ta nên tha thiết cầu nguyện và đừng bỏ cuộc. Chúng ta cũng phải luôn “gõ cửa” để được vào Nước Trời; cũng như hưởng ân phước, lợi ích và phần thưởng do Nước ấy mang lại. Nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ nhậm lời cầu nguyện của mình không? Chắc chắn có, nếu chúng ta trung thành với Ngài, vì Chúa Giê-su đã nói: “Hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở”. Nhiều tôi tớ Đức Giê-hô-va đã trải qua những kinh nghiệm chứng tỏ Ngài quả là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”.—Thi 65:2.

19, 20. Theo lời Chúa Giê-su được ghi nơi Ma-thi-ơ 7:9-11, Đức Giê-hô-va giống một người cha yêu thương như thế nào?

19 Chúa Giê-su ví Đức Chúa Trời như một người cha yêu thương ban những vật tốt cho con mình. Hãy tưởng tượng bạn đang có mặt lúc Chúa Giê-su nói Bài giảng trên núi và nghe ngài nói: “Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con-cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?”.Mat 7:9-11.

20 Dù là người “xấu” vì tội lỗi di truyền, nhưng bản tính tự nhiên của người cha là yêu thương con cái mình. Ông không lừa gạt con mình nhưng cố gắng chu cấp cho con những “vật tốt”. Như cha thương con, Đức Giê-hô-va là Cha trên trời cũng yêu thương ban cho chúng ta “các vật tốt”, chẳng hạn như thánh linh của Ngài (Lu 11:13). Thánh linh giúp chúng ta vững mạnh để phụng sự theo ý muốn Ngài, Đấng ban “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”.—Gia 1:17.

Tiếp tục nhận lợi ích từ lời giảng của Chúa Giê-su

21, 22. Bài giảng trên núi xuất sắc về phương diện nào và bạn cảm thấy thế nào về lời giảng của Chúa Giê-su?

21 Bài giảng trên núi quả là bài giảng xuất sắc nhất từ trước đến nay vì có nội dung rõ ràng dễ hiểu và dạy chúng ta về Đức Chúa Trời. Qua những điểm đã được trình bày trong loạt bài này, chúng ta có thể hưởng nhiều lợi ích nếu áp dụng những lời khuyên trong Bài giảng trên núi. Lời giảng này của Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta cải thiện lối sống và mang lại hy vọng về một tương lai hạnh phúc.

22 Trong loạt bài này, chúng ta chỉ xem xét vài bài học quý giá trong Bài giảng trên núi của Chúa Giê-su. Không lạ gì khi người nghe đều “kinh ngạc về cách dạy dỗ của ngài” (Mat 7:28, NW). Chắc chắn chúng ta cũng phản ứng như thế khi để tâm trí tràn đầy những lời dạy dỗ này cũng như những lời giảng vô giá khác của Thầy Vĩ Đại, Chúa Giê-su Christ.

Bạn trả lời thế nào?

• Chúa Giê-su nói gì về lời cầu nguyện của những kẻ giả hình?

• Tại sao nên tránh dùng những lời cầu nguyện lặp đi lặp lại?

• Bài cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su bao gồm những lời cầu xin nào?

• Làm sao chúng ta tiếp tục ‘xin, tìm, gõ cửa’?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Chúa Giê-su lên án những kẻ giả hình đứng cầu nguyện chỉ để người ta nghe thấy

[Hình nơi trang 17]

Bạn có biết tại sao xin “đồ ăn đủ ngày” là điều thích hợp?