Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời giảng của Chúa Giê-su mang lại hạnh phúc như thế nào?

Lời giảng của Chúa Giê-su mang lại hạnh phúc như thế nào?

Lời giảng của Chúa Giê-su mang lại hạnh phúc như thế nào?

‘Chúa Jêsus lên núi kia thì các môn-đồ đến gần. Ngài bèn truyền-dạy’.—MAT 5:1, 2.

1, 2. (a) Chúa Giê-su nói Bài giảng trên núi trong bối cảnh nào? (b) Ngài mở đầu bài giảng như thế nào?

Đó là năm 31 CN, Chúa Giê-su tạm ngưng chuyến hành trình rao giảng trong vùng Ga-li-lê để dự Lễ Vượt Qua ở Giê-ru-sa-lem (Giăng 5:1). Trở về Ga-li-lê, ngài cầu nguyện suốt đêm để xin Đức Chúa Trời hướng dẫn việc chọn 12 sứ đồ. Ngày hôm sau, có một đoàn dân tụ tập nơi Chúa Giê-su đang chữa bệnh. Trước mặt các môn đồ và dân chúng, ngài ngồi trên sườn núi rồi bắt đầu dạy dỗ.—Mat 4:23–5:2; Lu 6:12-19.

2 Mở đầu bài giảng này, thường được gọi là Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su cho thấy một người có thể hạnh phúc khi có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời *. (Đọc Ma-thi-ơ 5:1-12). Hạnh phúc là “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Chúa Giê-su nêu ra chín lý do khiến tín đồ Đấng Christ hạnh phúc. Cho đến nay đã gần 2.000 năm, những điều này vẫn có ích cho chúng ta. Giờ đây hãy xem xét từng câu trong bài giảng này.

“Những kẻ có lòng khó-khăn”

3. “Có lòng khó-khăn” nghĩa là gì?

3 “Phước cho những kẻ có lòng khó-khăn, vì nước thiên-đàng là của những kẻ ấy!” (Mat 5:3). “Những kẻ có lòng khó-khăn” trong câu này là những người có ý thức về nhu cầu tâm linh, họ nhận thức mình thiếu thốn về phương diện này và cần được Đức Chúa Trời thương xót.

4, 5. (a) Tại sao những người có ý thức nhu cầu tâm linh được hạnh phúc? (b) Làm sao thỏa mãn nhu cầu tâm linh của chúng ta?

4 Những người có ý thức về nhu cầu tâm linh được hạnh phúc vì “nước thiên-đàng là của những kẻ ấy!”. Nhờ chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, các môn đồ thời ban đầu có cơ hội cùng cai trị với ngài trong “nước thiên-đàng”, hay Nước Trời (Lu 22:28-30). Dù có hy vọng đồng kế tự với Đấng Christ ở trên trời hay mong đợi được sống đời đời trong địa đàng dưới sự cai trị của Nước Trời, chúng ta có thể hạnh phúc nếu thật sự ý thức về nhu cầu tâm linh của mình, và nhận thức rõ rằng chúng ta phụ thuộc nơi Đức Chúa Trời.

5 Không phải ai cũng có ý thức về nhu cầu tâm linh vì nhiều người thiếu đức tin và không quý trọng những điều thánh (2 Tê 3:1, 2; Hê 12:16). Để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, chúng ta nên siêng năng học hỏi Kinh Thánh, sốt sắng trong công việc đào tạo môn đồ và đều đặn tham dự các buổi họp.—Mat 28:19, 20; Hê 10:23-25.

“Kẻ than-khóc” được hạnh phúc

6. Ai là “những kẻ than-khóc”, và tại sao họ hạnh phúc?

6 “Phước cho những kẻ than-khóc, vì sẽ được yên-ủi!” (Mat 5:4). “Những kẻ than-khóc” cũng là những người có ý thức về nhu cầu tâm linh. Họ không than khóc vì oán trách cuộc sống nhưng vì tình trạng tội lỗi của mình và hoàn cảnh của nhân loại bất toàn hiện nay. Tại sao những “kẻ than-khóc” này lại hạnh phúc? Vì họ có đức tin nơi Đức Chúa Trời cùng Đấng Christ, và được yên ủi nhờ có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va.—Giăng 3:36.

7. Chúng ta nên cảm thấy thế nào về thế gian của Sa-tan?

7 Mỗi người chúng ta có “than-khóc” vì tình trạng không công bình đầy dẫy trong thế gian của Sa-tan không? Chúng ta thật sự cảm thấy thế nào về những gì thế gian này mời mọc? Sứ đồ Giăng viết: “Vì mọi sự trong thế-gian, như sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến” (1 Giăng 2:16). Nhưng nói sao nếu chúng ta cảm thấy tình trạng thiêng liêng của mình suy yếu dần bởi tinh thần thế gian đang chi phối xã hội loài người xa cách Đức Chúa Trời? Nếu thế, hãy tha thiết cầu nguyện, học hỏi Lời Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão. Khi đến gần Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ “được an-ủi”, bất kể những gì khiến chúng ta buồn khổ.—1 Cô 2:12; Thi 119:52; Gia 5:14, 15.

“Kẻ nhu-mì” thật hạnh phúc thay!

8, 9. Nhu mì có nghĩa gì và tại sao những người nhu mì hạnh phúc?

8 “Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất!” (Mat 5:5). Tính “nhu-mì”, hay mềm mại, không có ý nói đến sự yếu đuối hoặc ra vẻ dịu dàng (1 Ti 6:11). Nếu là người nhu mì, chúng ta sẽ thể hiện tính này bằng cách làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va và chấp nhận sự hướng dẫn của Ngài. Chúng ta cũng thể hiện tính nhu mì qua cách đối xử với anh em đồng đạo và người khác. Sứ đồ Phao-lô đã khuyên chúng ta làm thế.—Đọc Rô-ma 12:17-19.

9 Tại sao những người nhu mì lại hạnh phúc? Vì Chúa Giê-su, đấng có tính nhu mì, đã nói rằng họ “sẽ hưởng được đất”. Ngài là đấng chính yếu có quyền thừa kế trái đất (Thi 2:8; Mat 11:29; Hê 2:8, 9). Bên cạnh đó, những người nhu mì “đồng kế-tự với Đấng Christ” cũng được hưởng quyền thừa kế với ngài (Rô 8:16, 17). Dưới sự cai trị của Nước Trời do Chúa Giê-su làm vua, nhiều người nhu mì khác sẽ được hưởng sự sống vĩnh cửu trên đất.—Thi 37:10, 11.

10. Tại sao thái độ thiếu nhu mì có thể khiến một người mất đi mối quan hệ tốt với người khác và không được hưởng đặc ân phụng sự?

10 Như Chúa Giê-su, chúng ta phải có tính nhu mì. Nhưng nói sao nếu chúng ta có tiếng là người hay tranh cãi? Thái độ tranh cạnh và dễ gây hấn có thể khiến người khác xa lánh chúng ta. Những anh nào mong muốn có trách nhiệm trong hội thánh mà có tính khí này thì không hội đủ điều kiện (1 Ti 3:1, 3). Phao-lô bảo Tít hãy luôn nhắc nhở tín đồ Đấng Christ ở Cơ-rết “chớ tranh-cạnh, hãy dung-thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn” (Tít 3:1, 2). Người nhu mì như thế khiến người khác cảm thấy thoải mái biết bao!

“Kẻ đói khát sự công-bình”

11-13. (a) Khao khát sự công bình có nghĩa gì? (b) Những người khao khát sự công bình sẽ “được no-đủ” như thế nào?

11 “Phước cho những kẻ đói khát sự công-bình, vì sẽ được no-đủ!” (Mat 5:6). “Công-bình” theo ý Chúa Giê-su là làm theo ý muốn và điều răn của Đức Chúa Trời. Người viết Thi-thiên nói ông “hao-mòn vì mong-ước” các mạng lệnh công bình của Ngài (Thi 119:20). Chúng ta có quý trọng sự công bình đến độ khao khát điều công bình không?

12 Chúa Giê-su nói rằng những người khao khát sự công bình sẽ hạnh phúc vì “được no-đủ”, hay thỏa nguyện. Điều này đã xảy ra sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, vì lúc ấy Đức Giê-hô-va bắt đầu ban thánh linh để giúp “thế gian nhận thức... về lẽ công chính” (Giăng 16:8, Bản Dịch Mới). Qua thánh linh, Đức Chúa Trời soi dẫn việc biên soạn phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, là cuốn sách rất hữu ích để “dạy người trong sự công-bình” (2 Ti 3:16). Thánh linh cũng giúp chúng ta “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình” (Ê-phê 4:24). Thật an ủi khi biết rằng nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su mà những người biết ăn năn và muốn được tha tội có thể hưởng vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời!—Đọc Rô-ma 3:23, 24.

13 Nếu chúng ta có hy vọng sống trên đất, lòng khao khát điều công bình sẽ được thỏa mãn hoàn toàn khi chúng ta vui hưởng sự sống vĩnh cửu trong thế giới công bình. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy quyết tâm sống phù hợp với các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su nói: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài” (Mat 6:33). Khi làm thế, chúng ta sẽ bận rộn trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và khiến lòng mình tràn đầy hạnh phúc.—1 Cô 15:58.

Tại sao “kẻ hay thương-xót” được hạnh phúc?

14, 15. Chúng ta có thể tỏ lòng thương xót bằng cách nào, và tại sao “những kẻ hay thương-xót” được hạnh phúc?

14 “Phước cho những kẻ hay thương-xót, vì sẽ được thương-xót!” (Mat 5:7). “Những kẻ hay thương-xót” có lòng trắc ẩn đối với người khác. Chúa Giê-su dùng phép lạ để xoa dịu nỗi khổ của nhiều người vì ngài thương xót họ (Mat 14:14). Như Đức Giê-hô-va thương xót tha thứ những người biết ăn năn, chúng ta nên noi gương Ngài bằng cách tha lỗi cho người khác (Xuất 34:6, 7; Thi 103:10). Ngoài ra, chúng ta cũng có thể biểu lộ lòng thương xót qua lời lẽ và hành động nhân từ để xoa dịu nỗi khổ của những người ở trong hoàn cảnh khốn khó. Một cách tốt để thể hiện lòng thương xót là nói với người khác về lẽ thật trong Kinh Thánh. Khi Chúa Giê-su động lòng thương xót đoàn dân đông, ngài “khởi-sự dạy-dỗ họ nhiều điều”.—Mác 6:34.

15 Chúng ta có lý do để đồng ý với lời phán của Chúa Giê-su: “Phước cho những kẻ hay thương-xót, vì sẽ được thương-xót!”. Khi cư xử với người khác, nếu chúng ta tỏ lòng thương xót, rất có thể họ cũng đối xử với chúng ta như thế. Đến lúc Đức Chúa Trời phán xét chúng ta, có thể Ngài sẽ phán xét dựa trên lòng thương xót của chúng ta đối với người khác (Gia 2:13). Chỉ những ai có lòng thương xót mới được tha thứ tội lỗi và hưởng sự sống vĩnh cửu.—Mat 6:15.

Tại sao “kẻ có lòng trong-sạch” được hạnh phúc?

16. Điều gì cho thấy một người “có lòng trong-sạch”, và làm sao những người đó “thấy Đức Chúa Trời”?

16 “Phước cho những kẻ có lòng trong-sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!” (Mat 5:8). Nếu chúng ta “có lòng trong-sạch”, điều đó sẽ được thể hiện qua những gì chúng ta yêu mến, ham thích và qua động cơ của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta sẽ thể hiện ‘sự yêu-thương bởi lòng tinh-sạch mà sanh ra’ (1 Ti 1:5). Khi có lòng trong sạch, chúng ta sẽ “thấy Đức Chúa Trời”. Nói như vậy không nhất thiết có nghĩa là chúng ta sẽ thấy Đức Giê-hô-va theo nghĩa đen, vì “không ai thấy mặt [Ngài] mà còn sống” (Xuất 33:20). Tuy nhiên, vì Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo cá tính của Đức Chúa Trời nên ngài có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:7-9). Là những người sống trên đất và thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể “thấy Đức Chúa Trời” khi xem xét những gì Ngài thực hiện vì lợi ích của chúng ta (Gióp 42:5). Đối với các tín đồ Đấng Christ được xức dầu, khi được sống lại trong thể thần linh, họ sẽ thật sự nhìn thấy Cha trên trời của mình.—1 Giăng 3:2.

17. Khi có lòng trong sạch, điều đó sẽ tác động đến chúng ta như thế nào?

17 Người có lòng trong sạch về đạo đức và thiêng liêng thì không để trong lòng những gì ô uế dưới mắt Đức Giê-hô-va (1 Sử 28:9; Ê-sai 52:11). Nếu có lòng trong sạch, những điều chúng ta nói và làm phải biểu lộ sự thanh sạch, và không có điều gì giả dối trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

“Kẻ làm cho người hòa-thuận” sẽ trở thành con Đức Chúa Trời

18, 19. “Kẻ làm cho người hòa-thuận” cư xử như thế nào?

18 “Phước cho những kẻ làm cho người hòa-thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Mat 5:9). Qua hành động của một người, chúng ta có thể nhận biết ai là “kẻ làm cho người hòa-thuận”. Nếu là người như Chúa Giê-su nói đến, chúng ta cố gắng sống hòa thuận và không ‘lấy ác báo ác cho kẻ khác’. Thay vì thế, chúng ta luôn làm điều thiện cho mọi người.—1 Tê 5:15.

19 Để được xem là “kẻ làm cho người hòa-thuận”, chúng ta phải tích cực tìm cách sống hòa thuận với người khác và không làm điều gì để “phân-rẽ những bạn thiết cốt” (Châm 16:28). Là “kẻ làm cho người hòa-thuận”, chúng ta nỗ lực “cầu sự bình-an với mọi người”.—Hê 12:14.

20. Hiện nay ai là “con Đức Chúa Trời”, và ai khác cũng sẽ trở thành con của Ngài trong tương lai?

20 Những người sống hòa thuận được hạnh phúc vì “họ sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!”. Đức Giê-hô-va đã nhận các tín đồ trung thành được xức dầu làm con, và vì thế hiện nay họ là “con Đức Chúa Trời”. Những người con này có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va vì đã thể hiện đức tin nơi Đấng Christ và hết lòng thờ phượng “Đức Chúa Trời sự yêu-thương và sự bình-an” (2 Cô 13:11; Giăng 1:12). Còn về những người hiếu hòa thuộc các “chiên khác” thì sao? Chúa Giê-su sẽ là “Cha Đời đời” của họ trong Triều Đại Một Ngàn Năm, nhưng vào cuối thời kỳ đó, ngài sẽ phục dưới quyền Cha ngài và họ sẽ thật sự trở thành con Đức Chúa Trời.—Giăng 10:16; Ê-sai 9:5; Rô 8:21; 1 Cô 15:27, 28.

21. Nếu “nhờ Thánh-Linh mà sống” thì chúng ta sẽ cư xử như thế nào?

21 Nếu “nhờ Thánh-Linh mà sống”, chúng ta sẽ thể hiện tính hiếu hòa—một trong những đức tính mà người khác có thể dễ dàng nhận thấy. Chúng ta sẽ không “tìm-kiếm danh-vọng giả-dối mà trêu-chọc nhau” (Ga 5:22-26). Trái lại, chúng ta sẽ gắng sức “hòa-thuận với mọi người”.—Rô 12:18.

Hạnh phúc dù bị bắt bớ!

22-24. (a) Lý do nào khiến những ai bị bắt bớ vì sự công bình được hạnh phúc? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong hai bài kế tiếp?

22 “Phước cho những kẻ chịu bắt-bớ vì sự công-bình, vì nước thiên-đàng là của những kẻ ấy!” (Mat 5:10). Giải thích về điều này, Chúa Giê-su nói thêm: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt-bớ các đấng tiên-tri trước các ngươi như vậy”.—Mat 5:11-12.

23 Như các nhà tiên tri thời xưa của Đức Chúa Trời, tín đồ Đấng Christ biết mình sẽ bị mắng nhiếc, bắt bớ và vu điều dữ—tất cả “vì sự công-bình”. Tuy nhiên, bằng cách trung thành chịu đựng những thử thách như thế, chúng ta được thỏa nguyện vì đã làm hài lòng và tôn vinh Đức Giê-hô-va (1 Phi 2:19-21). Sự đau khổ không thể làm chúng ta mất đi niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va ngay bây giờ. Nỗi đau khổ hiện nay sẽ không ảnh hưởng đến niềm hạnh phúc của những người được đồng cai trị với Đấng Christ trên trời hay của những người được sống đời đời dưới sự cai trị đó. Những ân phước đó là bằng chứng về ân huệ, lòng nhân từ và rộng lượng của Đức Chúa Trời.

24 Còn nhiều điều nữa mà chúng ta có thể học từ Bài giảng trên núi. Những bài học khác sẽ được xem xét trong hai bài kế tiếp. Hãy xem cách chúng ta có thể áp dụng lời giảng đó của Chúa Giê-su.

[Chú thích]

^ đ. 2 Thay vì dịch chữ ma·ka’ri·oi trong tiếng Hy Lạp là “phước” như một số bản dịch Kinh Thánh, Bản dịch Thế Giới Mới (New World Translation) và một số bản khác (Jerusalem Bible Today’s English Version) dùng từ chính xác hơn là “hạnh phúc”.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao những người có ý thức về nhu cầu tâm linh được hạnh phúc?

• Lý do nào khiến “những kẻ nhu-mì” được hạnh phúc?

• Tại sao tín đồ Đấng Christ hạnh phúc dù bị bắt bớ?

• Bạn đặc biệt ấn tượng trước lời giảng nào của Chúa Giê-su về hạnh phúc?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 7]

Chín lý do mang lại hạnh phúc mà Chúa Giê-su đã nói đến có ích cho thời xưa cũng như thời nay

[Hình nơi trang 8]

Một cách tốt để thể hiện lòng thương xót là nói với người khác về lẽ thật trong Kinh Thánh