Tang lễ của tín đồ Đấng Christ—Trang nghiêm, đơn giản và đẹp lòng Đức Chúa Trời
Tang lễ của tín đồ Đấng Christ—Trang nghiêm, đơn giản và đẹp lòng Đức Chúa Trời
Tiếng than khóc bao trùm cả một không gian. Những người mặc y phục đen đang vật vã khóc lóc thảm thiết. Các vũ công nhảy múa theo điệu nhạc dồn dập. Số khác thì ăn uống, cười đùa và vui chơi. Vài người nằm sóng soài trên đất vì uống rượu bia đến say khướt. Cảnh gì đang diễn ra vậy? Ở một số nơi trên thế giới, đó là những nét đặc trưng của một đám tang, nơi hàng trăm người tụ tập để nói lời từ biệt với người đã khuất.
Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va sống trong những cộng đồng mà họ hàng, xóm giềng rất mê tín và sợ người chết. Hàng triệu người tin rằng vong hồn người chết có thể giúp đỡ hoặc làm hại người sống. Niềm tin này gắn liền với nhiều tục lệ mai táng. Dĩ nhiên, khóc thương một người qua đời là điều bình thường. Có lần, Chúa Giê-su và các môn đồ khóc thương người thân đã qua đời (Giăng 11:33-35, 38; Công 8:2; 9:39). Tuy nhiên, họ không hề khóc lóc thảm thiết như những người cùng thời (Lu 23:27, 28; 1 Tê 4:13). Tại sao? Một lý do là vì họ biết sự thật về tình trạng của người chết.
Kinh Thánh nói rõ: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết... sự yêu, sự ghét, sự ganh gỗ của họ thảy đều tiêu-mất từ lâu... vì dưới Âm-phủ [mồ mả chung của nhân loại], là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan” (Truyền 9:5, 6, 10). Những lời được soi dẫn này trong Kinh Thánh cho thấy rõ rằng, khi chết một người không còn ý thức gì nữa. Người ấy không có cảm giác, không thể suy nghĩ, trò chuyện hoặc hiểu gì cả. Việc hiểu lẽ thật quan trọng này trong Kinh Thánh ảnh hưởng thế nào đến cách tín đồ Đấng Christ tổ chức tang lễ?
“Đừng đá-động đến đồ ô-uế”
Dù thuộc chủng tộc hoặc nền văn hóa nào, Nhân Chứng Giê-hô-va cẩn thận tránh bất cứ tục lệ nào liên quan đến niềm tin cho rằng vong hồn người chết vẫn còn ý thức và có thể ảnh hưởng đến người sống. Những tục lệ như thức canh xác, bày cỗ linh đình, làm giỗ, cúng kiếng, nghi lễ tôn giáo dành cho các góa phụ đều là những tục lệ ô uế và không làm hài lòng Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì chúng liên quan đến niềm tin cho rằng linh hồn không hề chết, một giáo lý trái ngược với Kinh Thánh và bắt nguồn từ Ma-quỉ (Ê-xê 18:4). Tín đồ thật của Đấng Christ “chẳng có thể dự tiệc của Chúa, lại dự tiệc của các quỉ”, vì thế họ không tham gia những tục lệ này (1 Cô 10:21). Họ vâng theo mệnh lệnh: “Hãy phân-rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá-động đến đồ ô-uế” (2 Cô 6:17). Tuy nhiên, giữ lập trường như thế không phải lúc nào cũng dễ.
Ở châu Phi và những nơi khác, nhiều người tin rằng nếu không theo một số tục lệ nào đó thì sẽ làm ông bà tổ tiên nổi giận. Hành động đó bị xem là lỗi nặng vì có thể khiến cả cộng đồng bị nguyền rủa hoặc xui xẻo. Vì từ chối tham gia các nghi lễ trái ngược với Kinh Thánh, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va bị chỉ trích, sỉ nhục, bị làng xóm và
họ hàng ruồng bỏ. Một số người bị lên án là lập dị và bất kính với người đã khuất. Đôi khi những người không tin đạo lại giành quyền tổ chức tang lễ của tín đồ Đấng Christ. Vì vậy, làm sao chúng ta có thể tránh đối đầu với những người khăng khăng đòi làm theo các tục lệ khiến Đức Chúa Trời phật lòng? Quan trọng hơn nữa, để tách biệt khỏi những nghi thức và thực hành ô uế có thể hủy hoại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể làm gì?Nói rõ lập trường
Theo phong tục ở một số nơi trên thế giới, các bô lão trong làng và bà con họ hàng của người quá cố cũng có quyền trong việc tổ chức lễ mai táng. Vì thế, một tín đồ trung thành phải nói rõ cho mọi người biết rằng mình muốn Nhân Chứng Giê-hô-va tổ chức tang lễ theo nguyên tắc Kinh Thánh (2 Cô 6:14-16). Không nên để tang lễ của một tín đồ Đấng Christ khiến anh em đồng đạo áy náy lương tâm hoặc gây vấp phạm cho những người đã biết chúng ta tin và dạy gì về người chết.
Khi có ai yêu cầu một người đại diện hội thánh tổ chức tang lễ, các trưởng lão có thể đưa ra những lời đề nghị hữu ích, đồng thời giúp người đó biết cách tổ chức tang lễ phù hợp với Kinh Thánh. Nếu một số người không phải là Nhân Chứng mà muốn làm điều gì trái với Kinh Thánh, bạn phải giữ vững lập trường và can đảm giải thích quan điểm của tín đồ Đấng Christ với thái độ tôn trọng, tử tế (1 Phi 3:15). Nói sao nếu họ hàng không tin đạo vẫn khăng khăng muốn làm những nghi lễ sai trái? Lúc ấy, gia đình của người tin đạo có thể quyết định không tham dự tang lễ nữa (1 Cô 10:20). Trong trường hợp đó, một buổi lễ đơn giản có thể được tổ chức tại Phòng Nước Trời, hoặc một nơi thích hợp nào khác, để chia sẻ “sự yên-ủi của Kinh-thánh” với những người thật sự đau buồn trước cái chết của người thân (Rô 15:4). Dù không có thi hài, buổi lễ như thế cũng đủ trang nghiêm và được tôn trọng (Phục 34:5, 6, 8). Sự can thiệp thiếu tế nhị của những người không tin đạo có lẽ càng làm cho không khí tang lễ trở nên nặng nề và đau buồn hơn. Tuy nhiên, chúng ta cảm thấy được an ủi khi hiểu rằng Đức Chúa Trời biết chúng ta đang quyết tâm làm điều đúng. Ngài là Đấng có thể ban cho chúng ta “sức lực vượt quá mức bình thường”.—2 Cô 4:7, NW.
Viết ra nguyện vọng của bạn
Người ta thường tôn trọng nguyện vọng của người quá cố. Vì thế, khi một người viết ra nguyện vọng của mình về cách tổ chức tang lễ, điều này giúp cho việc lý luận với thân nhân không phải là Nhân Chứng trở nên dễ dàng hơn. Nên viết ra những chi tiết quan trọng như: ở đâu, ai là người duy nhất có quyền sắp đặt và tổ chức tang lễ (Sáng ). Tốt nhất là viết một tờ di nguyện có ký tên và người làm chứng. Đối với những người nhìn xa và có sự khôn ngoan dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh, họ biết rằng không cần phải đợi đến già hay khi bệnh ở giai đoạn cuối mới nghĩ đến việc này.— 50:5Châm 22:3; Truyền 9:12.
Một số người cảm thấy không thoải mái khi phải viết di nguyện. Tuy nhiên, việc làm như thế chứng tỏ người ấy là một tín đồ thành thục và quan tâm đến người khác (Phi-líp 2:4). Thay vì để cho thân nhân đang đau buồn phải lo liệu vấn đề này, tốt hơn là một tín đồ nên tự sắp xếp, vì lúc ấy người thân tin đạo có lẽ bị áp lực làm theo những tập tục trái với Kinh Thánh mà người quá cố không tin và không chấp nhận.
Giữ đám tang đơn giản
Tại nhiều nơi ở châu Phi, nhiều người tin rằng tang lễ phải được tổ chức trọng thể để người chết không nổi giận. Những người khác lợi dụng tang lễ với mục đích thể hiện “sự kiêu-ngạo của đời”, khoe khoang địa vị xã hội và của cải (1 Giăng 2:16). Để người chết được “chôn cất tử tế”, người ta phải tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Ảnh của người quá cố được phóng lớn và treo nhiều nơi để người ta chú ý đến tang lễ. Những người đưa tang được phát và mặc áo thun có in hình người quá cố. Người ta mua quan tài đắt tiền và cầu kỳ để gây ấn tượng với người xung quanh. Ở một xứ thuộc châu Phi, thậm chí có người làm quan tài có hình dạng xe hơi, máy bay, thuyền... nhằm phô trương lối sống xa hoa phú quý. Thi hài có thể được đưa ra khỏi quan tài và để nằm trên một cái giường với kiểu trang trí đặc biệt. Nếu là phụ nữ, thi hài có thể được trang điểm, mặc áo cưới trắng và đeo rất nhiều nữ trang. Việc tham gia những tập tục như thế có thật sự thích hợp cho dân Đức Chúa Trời không?
Những tín đồ thành thục thấy rằng điều khôn ngoan là tránh tham gia các tập tục thái quá của những người không biết hoặc không quan tâm đến nguyên tắc Kinh Thánh. Chúng ta biết rằng các tập tục phức tạp và trái với nguyên tắc Kinh Thánh ‘chẳng đến từ Đức Chúa Trời, nhưng từ thế gian sắp qua đi’ (1 Giăng 2:15-17). Chúng ta phải cẩn thận để không bị ảnh hưởng bởi tinh thần ganh đua, cố làm hơn người khác—điều không phù hợp với tín đồ Đấng Christ (Ga 5:26). Kinh nghiệm cho thấy rằng khi nỗi sợ người chết ăn sâu vào đời sống xã hội và văn hóa địa phương, các buổi tang lễ thường rất qui mô và khó kiểm soát. Lòng tôn sùng người chết có thể dễ dàng thôi thúc người không tin đạo làm những điều trái với Kinh Thánh. Trong những tang lễ như thế, thường có cảnh khóc lóc thảm thiết, ôm xác và để tiền cùng những vật khác trên thi hài, nói chuyện với người chết như thể họ còn sống. Nếu cảnh này diễn ra trong tang lễ của một tín đồ Đấng Christ, danh Đức Giê-hô-va và dân Ngài sẽ bị tai tiếng.—1 Phi 1:14-16.
Khi biết về tình trạng thật của người chết, chắc chắn chúng ta có đủ can đảm để tổ chức tang lễ sao cho không bị ảnh hưởng bởi tinh thần thế gian (Ê-phê 4:17-19). Dù là người vĩ đại và quan trọng nhất đã từng sống, Chúa Giê-su được chôn cất một cách khiêm tốn và đơn giản (Giăng 19:40-42). Đối với những người có “ý của Đấng Christ”, được chôn cất như thế không có gì đáng xấu hổ (1 Cô 2:16). Chắc chắn, việc giữ đám tang đơn giản, khiêm tốn là cách tốt nhất để tín đồ Đấng Christ tránh vi phạm các nguyên tắc Kinh Thánh, đồng thời giữ bầu không khí trang nghiêm, có ý nghĩa và phù hợp cho những người yêu mến Đức Chúa Trời.
Có nên tiệc tùng linh đình?
Sau khi chôn cất, có lẽ họ hàng, xóm giềng và những người khác có tục lệ họp mặt đông đảo để tiệc tùng và nhảy múa trong tiếng nhạc ầm ĩ. Những đám tiệc này thường kèm theo cảnh say sưa và vô luân. Một số người lý luận rằng vui chơi như thế là để quên đi nỗi buồn mất người thân. Những người khác cho đó chỉ là một phần của nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng những cuộc chè chén say sưa như thế là nghi lễ cần thiết để tôn vinh, ca ngợi và để người chết yên lòng về với tổ tiên.
Tín đồ thật của Đấng Christ thấy lời khuyên sau đây trong Kinh Thánh là khôn ngoan: “Buồn-rầu hơn vui-vẻ; vì nhờ mặt buồn, lòng được vui” (Truyền 7:3). Ngoài ra, họ cũng biết lợi ích của việc suy ngẫm về tính chất ngắn ngủi của đời sống và niềm hy vọng về sự sống lại. Thật vậy, đối với những người có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, ‘ngày chết hơn ngày sanh’ (Truyền 7:1). Vì thế, khi đã biết việc ăn uống vui chơi trong tang lễ có liên quan đến niềm tin trái với Kinh Thánh và hành vi vô luân, tín đồ Đấng Christ tuyệt đối không tổ chức hoặc ngay cả có mặt tại những tang lễ như thế. Việc ăn uống chung với những người chè chén say sưa cho thấy chúng ta thiếu lòng tôn kính đối với Đức Giê-hô-va, và thiếu lòng quan tâm đến lương tâm của anh em đồng đạo.
Cho thấy sự khác biệt
Chúng ta thật biết ơn khi thoát khỏi nỗi sợ hãi người chết, một niềm tin phổ biến nơi những người ở trong sự tối tăm về thiêng liêng! (Giăng 8:32). Là “các con sáng-láng”, chúng ta phải biểu lộ nỗi đau buồn theo sự hiểu biết về thiêng liêng, thể hiện sự khiêm tốn, lòng tôn trọng và hy vọng chắc chắn về sự sống lại (Ê-phê 5:8; Giăng 5:28, 29). Hy vọng đó sẽ giúp chúng ta tránh đau buồn thái quá, khác với những ‘người không có sự trông-cậy’ (1 Tê 4:13). Hy vọng ấy cũng giúp chúng ta giữ vững lập trường dành cho sự thờ phượng thanh sạch, không khuất phục trước nỗi sợ loài người.—1 Phi 3:13, 14.
Trung thành làm theo nguyên tắc Kinh Thánh sẽ cho người khác cơ hội “phân-biệt... giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài” (Mal 3:18). Một ngày gần đây, sự chết sẽ không còn nữa (Khải 21:4). Trong khi chờ đợi lời hứa tuyệt diệu ấy thành hiện thực, mong sao Đức Giê-hô-va luôn thấy chúng ta không dấu vết, chẳng chỗ trách được, hoàn toàn tách biệt khỏi thế gian hung ác cùng những thực hành không tôn vinh Ngài.—2 Phi 3:14.
[Hình nơi trang 30]
Điều khôn ngoan là nên viết di nguyện về cách tổ chức tang lễ của mình
[Hình nơi trang 31]
Đám tang của tín đồ Đấng Christ nên đơn giản và trang nghiêm