Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Kinh Thánh đề cập đến “sách Gia-sa” và “sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 10:13; Dân 21:14). Hai sách này không có trong Kinh Thánh chính điển. Vậy, có phải chúng được Đức Chúa Trời soi dẫn nhưng đã bị thất lạc không?

Không có lý do nào để kết luận rằng hai sách này được viết dưới sự soi dẫn và rồi bị thất lạc. Những người viết Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn đã đề cập đến nhiều văn bản khác. Một số trong những văn bản đó có lẽ thuộc Kinh Thánh nhưng diễn tả bằng những từ cổ, không quen thuộc với độc giả thời hiện đại. Chẳng hạn, 1 Sử-ký 29:29 đề cập đến “sách của Sa-mu-ên, đấng tiên-kiến”, “sách của Na-than, đấng tiên-tri” và “sách của Gát, đấng tiên-kiến”. Cả ba sách này có thể là các sách mà chúng ta biết ngày nay là 1 và 2 Sa-mu-ên hoặc có lẽ Các Quan Xét.

Mặt khác, một số sách được Kinh Thánh đề cập dường như có tên giống tên những sách chính điển nhưng không thật sự thuộc Kinh Thánh. Chúng ta có thể minh họa điều này với bốn sách cổ xưa: “sách sử-ký của các vua Giu-đa”, “sách các vua Giu-đa và Y-sơ-ra-ên”, “sách các vua Y-sơ-ra-ên” và “sách các vua Y-sơ-ra-ên Giu-đa”. Tên của các sách này nghe có vẻ giống như tên hai sách Kinh Thánh là 1 và 2 Các Vua, nhưng bốn sách này không được soi dẫn và cũng không có trong Kinh Thánh chính điển (1 Vua 14:29; 2 Sử 16:11; 20:34; 27:7). Có thể chúng chỉ là những sách sử có trong thời mà nhà tiên tri Giê-rê-mi và E-xơ-ra đã viết các sách trong Kinh Thánh.

Một số người viết Kinh Thánh đề cập hay tham khảo thêm các nguồn tài liệu lịch sử có trong thời của họ nhưng không được Đức Chúa Trời soi dẫn. Ê-xơ-tê 10:2 đề cập “sách sử-ký các vua nước Mê-đi và Phe-rơ-sơ”. Tương tự, để viết sách Phúc Âm mang tên ông, Lu-ca “đã xét kỹ-càng từ đầu mọi sự ấy”. Dường như Lu-ca ám chỉ là ông đã tham khảo thêm các nguồn tài liệu có sẵn khi biên soạn gia phả của Chúa Giê-su mà chúng ta có thể đọc trong sách Phúc Âm Lu-ca (Lu 1:3; 3:23-38). Dù tài liệu Lu-ca tham khảo không được soi dẫn, nhưng sách Phúc Âm mà ông viết chắc chắn được soi dẫn, và sách Phúc Âm này vẫn còn hữu dụng cho chúng ta ngày nay.

Về hai sách được đề cập trong câu hỏi đầu bài—“sách Gia-sa” và “sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va”—dường như hai sách này là các tài liệu có sẵn và không được soi dẫn. Vì thế, Đức Giê-hô-va không bảo tồn những sách này. Qua cách Kinh Thánh đề cập đến hai sách ấy, các học giả kết luận rằng cả hai sách là bộ sưu tập các tác phẩm văn thơ hoặc bài hát liên quan đến sự xung đột giữa dân Y-sơ-ra-ên xưa và kẻ thù của họ (2 Sa 1:17-27 *). Một bách khoa từ điển về Kinh Thánh cho biết nội dung của những sách này có lẽ chứa “các bộ sưu tập thơ và bài hát quen thuộc được các ca sĩ chuyên nghiệp ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa trình bày và bảo tồn”. Thậm chí, một số người Đức Chúa Trời dùng làm nhà tiên tri hay “đấng tiên-kiến” đã viết tài liệu mà Ngài không soi dẫn và không đưa vào Kinh Thánh, là sách “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị” trong thời chúng ta.—2 Ti 3:16; 2 Sử 9:29; 12:15; 13:22.

Chúng ta không nên kết luận rằng những tài liệu hoặc những sách được đề cập trong Kinh Thánh và được dùng làm nguồn tài liệu tham khảo nhất thiết phải là do Đức Chúa Trời soi dẫn. Tuy nhiên, tất cả các “lời của Đức Chúa Trời chúng ta” được Ngài bảo tồn và sẽ “còn mãi đời đời” (Ê-sai 40:8). Thật vậy, các sách mà Đức Giê-hô-va chọn làm 66 sách trong Kinh Thánh là những gì chúng ta cần hầu “được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.—2 Ti 3:16, 17.

[Chú thích]

^ đ. 6 Nơi 2 Sa-mu-ên 1:18, một số bản dịch khác dịch “sách kẻ công-bình” là “sách Gia-sa”.