Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đừng quên Đức Giê-hô-va

Đừng quên Đức Giê-hô-va

Đừng quên Đức Giê-hô-va

Một số người đã làm một điều giống như trước đây. Tuy nhiên, đối với nhiều người đây là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất họ đi bộ qua lòng sông mà không bị ướt. Đức Giê-hô-va vừa mới khiến nước sông Giô-đanh ngừng chảy. Giờ đây hàng triệu người Y-sơ-ra-ên tạo thành một đoàn người rất dài băng qua sông để tiến vào Đất Hứa. Giống như tổ phụ của họ 40 năm về trước tại Biển Đỏ, hẳn nhiều người đang băng qua sông Giô-đanh nghĩ: “Tôi sẽ không bao giờ quên những điều Đức Giê-hô-va làm tại đây”.—Giô-suê 3:13-17.

Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết rằng một số người Y-sơ-ra-ên sẽ “mau quên các công-việc Ngài” (Thi 106:13). Vì thế, Ngài ra lệnh cho người chỉ huy dân Y-sơ-ra-ên là Giô-suê lấy 12 hòn đá từ lòng sông và đặt nơi chỗ đóng trại đầu tiên. Giô-suê giải thích: “Các hòn đá nầy dùng cho dân Y-sơ-ra-ên làm kỷ-niệm” (Giô-suê 4:1-8). Đống đá kỷ niệm ấy sẽ nhắc nhở dân sự về hành động biểu lộ quyền năng của Đức Giê-hô-va, đồng thời ghi khắc vào lòng họ lý do để luôn trung thành phụng sự Ngài.

Lời tường thuật đó có quan trọng đối với dân Đức Chúa Trời ngày nay không? Có. Chúng ta cũng đừng quên Đức Giê-hô-va; chúng ta phải tiếp tục trung thành phụng sự Ngài. Những lời cảnh báo khác dành cho dân Y-sơ-ra-ên cũng áp dụng cho tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay. Hãy xem xét những lời của Môi-se: “Ngươi khá cẩn-thận, e quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, không giữ-gìn những điều-răn, mạng-lịnh, và luật-lệ của Ngài” (Phục 8:11). Lời nói này cho thấy quên Đức Giê-hô-va có thể dẫn đến việc cố tình bất tuân. Ngày nay, chúng ta cũng có thể gặp mối nguy hiểm như thế. Trong thư gửi cho các tín đồ Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô cảnh báo không nên “theo gương bất tuân” của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng.—Hê 4:8-11, Giờ Kinh Phụng Vụ.

Chúng ta hãy xem một số sự kiện trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên cho thấy rõ chúng ta không nên quên Đức Chúa Trời. Hơn nữa, các bài học rút ra từ cuộc đời của hai người Y-sơ-ra-ên trung thành sẽ giúp chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng biết ơn và nhịn nhục chịu đựng.

Lý do để nhớ đến Đức Giê-hô-va

Suốt những năm dân Y-sơ-ra-ên ở nước Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va chưa bao giờ quên họ. Ngài “nhớ đến sự giao-ước mình kết-lập cùng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp” (Xuất 2:23, 24). Điều Ngài đã làm để giải thoát họ khỏi vòng nô lệ rất đáng nhớ.

Đức Giê-hô-va giáng chín tai vạ lên xứ Ê-díp-tô. Các thuật sĩ của Pha-ra-ôn không thể ngăn cản các tai vạ này. Tuy nhiên, Pha-ra-ôn vẫn coi thường Đức Giê-hô-va, không cho dân Y-sơ-ra-ên đi (Xuất 7:14–10:29). Thế nhưng, hậu quả của tai vạ thứ mười buộc vị vua kiêu ngạo ấy phải làm theo ý Đức Chúa Trời (Xuất 11:1-10; 12:12). Môi-se hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên và vô số người ngoại bang, có lẽ lên đến 3.000.000 người, rời Ê-díp-tô (Xuất 12:37, 38). Không lâu sau, Pha-ra-ôn đã thay đổi quyết định. Ông ra lệnh cho đội quân xe ngựa và kỵ binh, quân đội hùng mạnh nhất vào thời ấy, bắt lại những người từng làm nô lệ của mình. Trong khi đó, Đức Giê-hô-va bảo Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến nơi mà một bên là Biển Đỏ và một bên là dãy núi, là nơi dường như không có lối thoát, gọi là Phi-Ha-hi-rốt.—Xuất 14:1-9.

Pha-ra-ôn nghĩ rằng dân Y-sơ-ra-ên đã rơi vào thế kẹt, và quân đội ông sắp tấn công họ. Nhưng Đức Giê-hô-va ngăn người Ê-díp-tô với dân Y-sơ-ra-ên bằng một trụ mây và trụ lửa. Sau đó, Đức Chúa Trời rẽ Biển Đỏ, mở một lối đi giữa hai bước tường nước có lẽ cao đến 15m. Dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu băng qua biển như đi trên đất khô. Không lâu sau, quân Ê-díp-tô ở trên bờ biển thấy dân Y-sơ-ra-ên dần dần tiến về bờ bên kia.—Xuất 13:21; 14:10-22.

Một vị lãnh đạo khôn ngoan hơn hẳn sẽ không đuổi theo nữa, nhưng Pha-ra-ôn thì khác. Đầy lòng tự tin, ông ra lệnh cho đội quân xe ngựa và kỵ binh tiến vào đáy biển. Cứ thế, quân Ê-díp-tô tiếp tục đuổi theo. Nhưng trước khi có thể bắt kịp những người Y-sơ-ra-ên cuối cùng, đạo quân điên cuồng bỗng dưng ngừng lại. Xe của đạo quân Ê-díp-tô không chạy được nữa! Đức Giê-hô-va tháo bánh xe chúng ra.—Xuất 14:23-25; 15:9.

Trong khi quân Ê-díp-tô vật lộn với những cỗ xe bị hư, cả dân Y-sơ-ra-ên đã đến bờ phía đông. Giờ đây, Môi-se giơ tay về phía Biển Đỏ. Lúc đó, Đức Giê-hô-va khiến cho các bước tường nước đổ xuống. Hàng triệu tấn nước ập xuống Pha-ra-ôn cùng quân đội ông và dìm chết họ. Không một ai sống sót. Dân Y-sơ-ra-ên được tự do!—Xuất 14:26-28; Thi 136:13-15.

Sự kiện này khiến các dân tộc xung quanh khiếp sợ trong một thời gian dài (Xuất 15:14-16). Bốn mươi năm sau, bà Ra-háp ở thành Giê-ri-cô nói với hai người Y-sơ-ra-ên: “Sự kinh-khủng vì cớ các ông đã bắt lấy chúng tôi... Vì chúng tôi có hay khi các ông ra khỏi xứ Ê-díp-tô, thì Đức Giê-hô-va đã khiến nước Biển-đỏ bày khô trước mặt các ông” (Giô-suê 2:9, 10). Ngay cả các dân ngoại cũng không quên cách Đức Giê-hô-va giải thoát dân Ngài. Rõ ràng, dân Y-sơ-ra-ên càng có thêm lý do để nhớ đến Ngài.

‘Gìn-giữ họ như con ngươi của mắt Ngài’

Sau khi băng qua Biển Đỏ, dân Y-sơ-ra-ên đi vào “đồng vắng mênh-mông gớm-ghiếc” là Si-na-i. Khi họ vất vả đi qua vùng “đất khô-khan, chẳng có nước” và không có thực phẩm cho cả một đoàn người, Đức Giê-hô-va đã không lìa bỏ họ. Môi-se nhớ lại: “[Đức Giê-hô-va] tìm được [dân Y-sơ-ra-ên] trong một nơi rừng-rú, tại nơi vắng-vẻ, giữa những tiếng hét la của đồng vắng. Ngài bao-phủ người, săn-sóc người, gìn-giữ người như con ngươi của mắt mình” (Phục 8:15; 32:10). Đức Chúa Trời chăm sóc họ như thế nào?

Bằng phép lạ, Đức Giê-hô-va ban cho họ ‘bánh từ trên trời’, gọi là ma-na, khiến bánh này xuất hiện “trên mặt đồng vắng” (Xuất 16:4, 14, 15, 35). Ngài cũng khiến nước chảy ra “từ hòn đá rất cứng”. Nhờ Đức Giê-hô-va ban phước, quần áo họ không mòn, chân không phù lên trong suốt 40 năm nơi đồng vắng (Phục 8:4). Vậy, Đức Giê-hô-va có quyền mong chờ điều gì ở họ? Môi-se phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy giữ lấy ngươi, lo canh cẩn-thận linh-hồn mình, e ngươi quên những điều mà mắt mình đã thấy, hầu cho chẳng một ngày nào của đời ngươi những điều đó lìa khỏi lòng ngươi” (Phục 4:9). Nếu dân Y-sơ-ra-ên biết ơn và ghi nhớ những hành động giải cứu của Đức Giê-hô-va, họ sẽ luôn phụng sự và cố gắng vâng theo luật pháp Ngài. Thế nhưng, họ đã làm gì?

Tính hay quên dẫn đến sự vô ơn

Môi-se tuyên bố: “Ngươi không kể đến Hòn-Đá sanh mình, và quên Đức Chúa Trời” (Phục 32:18). Các hành động của Đức Giê-hô-va tại Biển Đỏ, những điều Ngài cung cấp giúp dân sự sống sót ở đồng vắng, và tất cả những điều tốt lành khác mà Đức Giê-hô-va làm đã nhanh chóng bị lờ đi hoặc lãng quên. Dân Y-sơ-ra-ên trở nên phản nghịch.

Có một lúc dân Y-sơ-ra-ên trách Môi-se vì họ nghĩ không có cách nào tìm được nước uống (Dân 20:2-5). Họ phàn nàn về bánh ma-na, loại thực phẩm giúp nuôi sống họ: “Linh-hồn chúng tôi đã ghê-gớm thứ đồ-ăn đạm-bạc nầy” (Dân 21:5). Họ đặt nghi vấn về các quyết định của Đức Chúa Trời và chối bỏ Môi-se làm vị lãnh đạo. Họ nói: “Chớ chi chúng tôi đã chết trong xứ Ê-díp-tô, hay là đã chết trong đồng vắng nầy!... Chúng ta hãy lập lên một quan-trưởng, và trở về xứ Ê-díp-tô đi”.—Dân 14:2-4.

Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi dân Y-sơ-ra-ên bất tuân? Nhớ lại những sự kiện này, một người viết Thi-thiên cho biết: “Biết mấy lần chúng nó phản-nghịch cùng Ngài nơi đồng vắng, và làm phiền Ngài trong chỗ vắng-vẻ! Chúng nó lại thử Đức Chúa Trời, trêu-chọc Đấng thánh của Y-sơ-ra-ên. Chúng nó không nhớ lại tay của Ngài, hoặc ngày Ngài giải-cứu chúng nó khỏi kẻ hà-hiếp; thể nào Ngài đặt các dấu lạ mình tại Ê-díp-tô” (Thi 78:40-43). Thật vậy, tính hay quên của dân Y-sơ-ra-ên khiến Đức Giê-hô-va rất đau lòng.

Có hai người đã không quên

Tuy nhiên, một số người Y-sơ-ra-ên không quên Đức Giê-hô-va. Trong số đó có Giô-suê và Ca-lép. Họ ở trong số 12 người được phái từ Ca-đe-Ba-nê-a đi do thám Đất Hứa. Mười người đã báo cáo tiêu cực, nhưng Giô-suê và Ca-lép nói với dân sự rằng: “Xứ mà chúng tôi đã đi khắp đặng do-thám thật là một xứ rất tốt; nếu Đức Giê-hô-va đẹp lòng cùng chúng ta, ắt sẽ đem chúng ta vào xứ nầy mà ban cho; ấy là một xứ đượm sữa và mật. Chỉ các ngươi chớ dấy loạn cùng Đức Giê-hô-va”. Khi dân sự nghe những lời này, họ định ném đá Giô-suê và Ca-lép. Nhưng hai người này vẫn vững lòng tin cậy Đức Giê-hô-va.—Dân 14:6-10.

Nhiều năm sau, Ca-lép nói với Giô-suê: “Khi Môi-se, tôi-tớ của Đức Giê-hô-va, ở Ca-đe-Ba-nê-a sai tôi đi do-thám xứ, thì... tôi thuật lại cho người thật tình. Các anh em đồng đi lên với tôi làm cho bá-tánh sờn lòng; còn tôi trung-thành vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tôi” (Giô-suê 14:6-8). Nhờ tin cậy Đức Chúa Trời, Ca-lép và Giô-suê chịu đựng nhiều gian nan thử thách. Họ quyết tâm nhớ đến Đức Giê-hô-va trong suốt cuộc đời.

Ca-lép và Giô-suê cũng tỏ lòng biết ơn, nhận thức rằng Đức Giê-hô-va đã hoàn thành lời hứa là đưa dân sự vào vùng đất màu mỡ. Thật vậy, nhờ Ngài mà dân Y-sơ-ra-ên mới sống sót. Giô-suê viết: “Đức Giê-hô-va ban cho Y-sơ-ra-ên cả xứ mà Ngài đã thề ban cho tổ-phụ họ... Trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng-nghiệm hết” (Giô-suê 21:43, 45). Ngày nay, làm thế nào chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn giống như Ca-lép và Giô-suê?

Hãy biết ơn

Có lần một người kính sợ Đức Chúa Trời đã hỏi: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi?” (Thi 116:12). Đức Chúa Trời ban những ân phước vật chất, sự hướng dẫn và những sắp đặt để giải cứu chúng ta trong tương lai nên chúng ta mang ơn Ngài rất nhiều, và sẽ không bao giờ báo đáp hết các ơn lành của Ngài. Tuy nhiên, tất cả chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn về những gì Ngài làm.

Lời khuyên của Đức Giê-hô-va đã giúp bạn tránh được các vấn đề không? Việc Ngài tha thứ đã giúp bạn có được lương tâm trong sạch trở lại không? Nhờ sự giúp đỡ ấy, bạn nhận được lợi ích lâu dài, do đó bạn nên luôn luôn tỏ lòng biết ơn Ngài. Một em gái 14 tuổi tên Sandra đã gặp những vấn đề nghiêm trọng nhưng vượt qua được nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Em nói: “Em cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, và cách Ngài giúp em khiến em cảm kích. Giờ đây em hiểu tại sao cha em thường nói với em về câu Châm-ngôn 3:5, 6: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Vì Đức Giê-hô-va đã giúp em đến tận bây giờ, nên em tin chắc Ngài sẽ luôn giúp em trong tương lai”.

Hãy cho thấy bạn nhớ Đức Giê-hô-va qua việc chịu đựng

Liên quan đến việc nhớ Đức Giê-hô-va, Kinh Thánh nhấn mạnh đức tính khác, đó là nhịn nhục chịu đựng. “Sự nhịn-nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào” (Gia 1:4). “Trọn-lành toàn-vẹn” bao gồm điều gì? Bao gồm việc vun trồng những đức tính giúp chúng ta đương đầu trước thử thách với lòng tin cậy Đức Giê-hô-va và quyết tâm nhịn nhục chịu đựng, không bỏ cuộc. Sự chịu đựng như thế đem lại niềm thỏa nguyện sâu xa khi vượt qua thử thách về đức tin, và những thử thách không bao giờ kéo dài mãi.—1 Cô 10:13.

Một anh phụng sự Đức Giê-hô-va lâu năm gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho biết điều gì đã giúp anh chịu đựng: “Tôi cố gắng nghĩ về những điều Đức Giê-hô-va đang thực hiện, chứ không phải những điều tôi muốn làm. Đối với tôi, lòng trung thành nghĩa là tập trung vào ý định Đức Chúa Trời, chứ không vào ước muốn của bản thân. Khi đương đầu với khó khăn, tôi không nói: “Đức Giê-hô-va ơi, tại sao điều này xảy đến cho con?”. Tôi tiếp tục phụng sự Ngài, gắn bó với Ngài ngay cả lúc những vấn đề bất ngờ xảy ra”.

Ngày nay, các tín đồ Đấng Christ thờ phượng Đức Giê-hô-va bằng “tâm-thần và lẽ thật” (Giăng 4:23, 24). Với tư cách là một nhóm, tín đồ chân chính sẽ không bao giờ quên Đức Chúa Trời giống như dân Y-sơ-ra-ên xưa đã làm. Tuy nhiên, với tư cách mỗi cá nhân, thì không có điều gì bảo đảm là chúng ta sẽ luôn trung thành đối với Đức Chúa Trời. Như Ca-lép và Giô-suê, mỗi người chúng ta phải chịu đựng và bày tỏ lòng biết ơn khi phụng sự Đức Giê-hô-va. Chúng ta có lý do chính đáng để làm thế, vì Đức Giê-hô-va tiếp tục hướng dẫn và chăm sóc mỗi người chúng ta trong thời kỳ cuối cùng đầy khó khăn này.

Như đống đá kỷ niệm mà Giô-suê đã lập, những lời tường thuật về các hành động giải cứu của Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta là Ngài sẽ không bao giờ bỏ dân Ngài. Vì thế, hãy có cùng cảm nghĩ với người viết Thi-thiên: “Tôi sẽ nhắc lại công-việc của Đức Giê-hô-va, nhớ đến các phép lạ của Ngài khi xưa; cũng sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”.—Thi 77:11, 12.

[Hình nơi trang 7]

Toàn dân Y-sơ-ra-ên phải vất vả đi qua vùng “đất khô-khan, chẳng có nước”

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 8]

Khi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại tại Ca-đe-Ba-nê-a, những người do thám được cử vào Đất Hứa

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 9]

Sau nhiều năm trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên chắc hẳn biết ơn được vào vùng Đất Hứa màu mỡ

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 10]

Tập trung vào ý định của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chịu đựng bất cứ thử thách nào