Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người công bình sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời mãi mãi

Người công bình sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời mãi mãi

Người công bình sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời mãi mãi

‘Kỷ-niệm người công-bình, sự công-bình người còn đến đời đời’.—THI 112:6, 9.

1. (a) Tương lai tuyệt diệu nào đang chờ đón những người được Đức Chúa Trời xem là công bình? (b) Liên quan đến điều này, câu hỏi nào được nêu lên?

Một tương lai tuyệt diệu biết bao đang chờ đón những người được Đức Chúa Trời xem là công bình! Họ sẽ mãi mãi vui mừng học biết thêm về những đức tính tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Họ nức lòng khen ngợi Đức Chúa Trời khi học biết thêm về các công trình sáng tạo của Ngài. Một điều rất quan trọng để có được tương lai tuyệt diệu đó chính là “sự công-bình”, điều này được nhấn mạnh trong bài Thi-thiên 112. Tuy nhiên, làm sao Giê-hô-va Đức Chúa Trời thánh và công bình có thể xem những người tội lỗi là công bình? Dù cố gắng thế nào đi nữa để làm điều đúng, chúng ta cũng phạm lỗi, thậm chí đôi lúc có những lỗi nghiêm trọng.—Rô 3:23; Gia 3:2.

2. Đức Giê-hô-va yêu thương thực hiện hai phép lạ nào?

2 Đức Giê-hô-va yêu thương đã cung cấp một giải pháp hoàn hảo. Bằng cách nào? Thứ nhất, bằng phép lạ, Ngài đã chuyển sự sống người Con yêu dấu vào bụng của một nữ đồng trinh để Con Ngài có thể sanh ra là một người hoàn toàn (Lu 1:30-35). Thứ hai, sau khi Chúa Giê-su bị kẻ thù xử tử, Đức Giê-hô-va đã thực hiện một phép lạ tuyệt vời khác là làm cho Chúa Giê-su “tác sinh về Thần khí”, tức sống lại với tư cách một tạo vật thần linh vinh hiển.—1 Phi 3:18, Nguyễn Thế Thuấn.

3. Tại sao Đức Chúa Trời sẵn lòng ban thưởng cho Con Ngài sự sống ở trên trời?

3 Đức Giê-hô-va đã ban thưởng cho Chúa Giê-su một điều mà Con Ngài chưa từng có trước khi hiện hữu làm người: đó là sự sống bất tử ở trên trời (Hê 7:15-17, 28). Đức Giê-hô-va sẵn lòng làm điều này vì Chúa Giê-su đã giữ sự trung kiên trọn vẹn trước những thử thách gay go. Vì thế, Chúa Giê-su dâng lên cho Cha ngài câu trả lời trọn vẹn và rõ ràng nhất cho lời nói dối của Sa-tan; hắn nói rằng con người phụng sự Đức Chúa Trời với động cơ ích kỷ chứ không phải vì thật lòng yêu thương Ngài.—Châm 27:11.

4. (a) Khi trở về trời, Chúa Giê-su đã làm gì cho chúng ta, và Đức Giê-hô-va đáp lại thế nào? (b) Bạn cảm thấy thế nào về những gì Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho bạn?

4 Ở trên trời, Chúa Giê-su làm nhiều điều hơn nữa. Ngài “vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời” dâng lên giá trị của “chính huyết mình”. Cha yêu thương trên trời vui lòng chấp nhận điều quý báu mà Chúa Giê-su dâng để làm “của-lễ chuộc tội-lỗi chúng ta”. Do đó, với ‘lương-tâm được làm sạch’, chúng ta có thể “hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống”. Chắc hẳn chúng ta có lý do để đồng ý với lời mở đầu của bài Thi-thiên 112: “Ha-lê-lu-gia!”, nghĩa là “hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va!”.—Hê 9:12-14, 24; 1 Giăng 2:2.

5. (a) Chúng ta phải làm gì để giữ vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời? (b) Bài Thi-thiên 111 và 112 có cấu trúc và nội dung thế nào?

5 Để giữ vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời, chúng ta phải tin nơi giá trị huyết báu của Chúa Giê-su. Vậy, mỗi ngày hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va về tình yêu thương sâu đậm Ngài dành cho chúng ta (Giăng 3:16). Chúng ta cũng cần học hỏi Lời Đức Chúa Trời và cố gắng hết sức sống phù hợp với những gì ghi trong Kinh Thánh. Thi-thiên 112 chứa đựng những lời khuyên hữu ích cho những ai muốn giữ một lương tâm trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời. Bài Thi-thiên này tương tự như bài Thi-thiên 111. Cả hai bài đều mở đầu với từ “Ha-lê-lu-gia!” và sau đó có 22 dòng *.

Nền tảng hạnh phúc

6. Theo Thi-thiên 112, “người” kính sợ Đức Chúa Trời được ban phước như thế nào?

6 “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, rất ưa-thích điều-răn Ngài! Con-cháu người sẽ cường thạnh trên đất... dòng-dõi người ngay-thẳng sẽ được phước” (Thi 112:1, 2). Hãy lưu ý người viết Thi-thiên dùng từ “người” trong câu 1 theo dạng số ít, rồi trong câu 2 theo nguyên ngữ đổi sang số nhiều khi nói về “người ngay-thẳng”. Điều này hàm ý bài Thi-thiên 112 có thể ám chỉ về một nhóm người. Điều thú vị là sứ đồ Phao-lô đã được soi dẫn để trích Thi-thiên 112:9 để áp dụng cho tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 9:8, 9). Những câu Thi-thiên này miêu tả thật hay về cách các môn đồ Chúa Giê-su ngày nay có thể được phước và hạnh phúc!

7. Tại sao các tôi tớ Đức Chúa Trời cần kính sợ Ngài? Bạn nên cảm thấy thế nào về các điều răn của Ngài?

7 Như được đề cập nơi Thi-thiên 112:1, các tín đồ Đấng Christ chân chính này cảm nghiệm niềm hạnh phúc sâu xa khi lối sống của họ cho thấy họ “kính-sợ Đức Giê-hô-va”. Sự kính sợ này giúp họ kháng cự lại tinh thần thế gian của Sa-tan. Hơn nữa, họ “rất ưa-thích” trong việc học Lời Đức Chúa Trời và vâng theo các điều răn Ngài. Một trong các điều răn đó bao gồm mệnh lệnh rao giảng tin mừng về Nước Trời ra khắp đất. Họ nỗ lực giúp người từ mọi nước trở thành môn đồ Chúa Giê-su cũng như cảnh báo người ác về sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời.—Ê-xê 3:17, 18; Mat 28:19, 20.

8. (a) Ngày nay, những người trung thành với Đức Chúa Trời đã được ban thưởng như thế nào cho lòng sốt sắng của họ? (b) Những người có hy vọng sống trên đất sẽ nhận được những ân phước nào?

8 Nhờ vâng theo những điều răn đó, các tôi tớ của Đức Chúa Trời trên đất ngày nay lên đến khoảng bảy triệu người. Ai có thể phủ nhận rằng dân sự Ngài đã trở nên “cường thạnh trên đất”? (Giăng 10:16; Khải 7:9, 14). Họ sẽ “được phước” nhiều hơn nữa khi Đức Chúa Trời thực hiện ý định của Ngài! Với tư cách là một nhóm, những người có hy vọng sống trên đất sẽ được gìn giữ qua “cơn đại-nạn” sắp đến để trở thành “đất mới”, một xã hội có “sự công-bình ăn-ở”. Sau đó, những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn “sẽ được phước” thêm nữa khi chào đón hàng triệu người được sống lại. Thật là một triển vọng hào hứng biết bao! Cuối cùng, những người “rất ưa-thích” điều răn của Đức Chúa Trời sẽ đạt đến tình trạng hoàn toàn và mãi mãi vui hưởng “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”.—2 Phi 3:13; Rô 8:21.

Dùng sự “giàu-có” cách khôn ngoan

9, 10. Các tín đồ chân chính dùng sự giàu có về thiêng liêng như thế nào, và sự công bình của họ “còn đến đời đời” theo nghĩa nào?

9 “Của-cải và giàu-có đều ở trong nhà người, và sự công-bình người còn đến đời đời. Ánh sáng soi nơi tối-tăm cho người ngay-thẳng. Người hay làm ơn, có lòng thương-xót, và là công-bình” (Thi 112:3, 4). Vào thời Kinh Thánh, một số tôi tớ Đức Chúa Trời rất nổi tiếng vì giàu có. Thật ra, những người được Đức Chúa Trời chấp nhận trở nên giàu có, dù không theo nghĩa đen. Như thời Chúa Giê-su, ngày nay phần lớn những người khiêm nhường phụng sự Đức Chúa Trời có lẽ nghèo và bị người khác khinh thường (Lu 4:18, 19; 7:22; Giăng 7:49). Nhưng cho dù có nhiều hay ít của cải, một người vẫn có thể giàu có về thiêng liêng.—Mat 6:20; 1 Ti 6:18, 19; đọc Gia-cơ 2:5.

10 Những tín đồ Đấng Christ được xức dầu cùng bạn đồng hành của họ không giữ cho riêng mình sự giàu có về thiêng liêng. Thay vì thế, trong thế gian tối tăm của Sa-tan, họ là ‘ánh sáng soi cho người ngay-thẳng’. Họ làm thế bằng cách giúp người khác nhận được lợi ích nhờ sự khôn ngoan và hiểu biết quý báu về Đức Chúa Trời. Những người chống đối cố gắng cản trở công việc rao giảng Nước Trời nhưng họ đã thất bại. Thay vào đó, kết quả của việc công bình này sẽ “còn đến đời đời”. Bằng cách giữ theo đường lối công bình, tôi tớ Đức Chúa Trời được bảo đảm rằng họ sẽ “còn đến đời đời”.

11, 12. Dân sự Đức Chúa Trời dùng của cải vật chất qua những cách nào?

11 Dân sự Đức Chúa Trời, cả lớp đầy tớ được xức dầu và đám đông “vô-số người” có lòng rộng lượng về vật chất (Khải 7:9). Thi-thiên 112:9 nói: “Người phân phát bao nhiêu của cải, cứu tế người nghèo khổ bần hàn” (Bản Diễn Ý). Ngày nay, tín đồ Đấng Christ chân chính thường đóng góp vật chất cho các anh em đồng đạo và thậm chí cho người khác khi họ cần sự giúp đỡ. Khi thiên tai xảy ra, họ cũng dùng của cải vật chất để ủng hộ các đợt cứu trợ. Như Chúa Giê-su đã cho biết, đó cũng là nguồn hạnh phúc.—Đọc Công-vụ 20:35; 2 Cô-rinh-tô 9:7.

12 Ngoài ra, hãy nghĩ đến chi phí để xuất bản tạp chí này trong 172 ngôn ngữ. Cũng hãy xem tạp chí này được sản xuất ra nhiều ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính, cũng như chữ nổi dành cho người khiếm thị.

Nhân từ và công bình

13. Ai nêu gương tốt nhất về việc ban cho cách nhân từ? Chúng ta có thể noi gương hai Đấng ấy như thế nào?

13 “Phước cho người nào hay làm ơn [“nhân từ”, NW], và cho mượn!” (Thi 112:5). Chắc hẳn bạn nhận thấy rằng không phải những người giúp đỡ người khác đều là người nhân từ. Một số người giúp đỡ với thái độ trịch thượng và miễn cưỡng. Thái độ đó khiến người nhận sự giúp đỡ cảm thấy mình bị coi thường, làm phiền hoặc làm gánh nặng cho người khác. Nhận sự giúp đỡ từ những người có thái độ đó thì chẳng vui chút nào. Trái lại, nhận sự giúp đỡ từ người nhân từ thì thật ấm lòng. Đức Giê-hô-va là gương nổi bật về tính nhân từ, là Đấng vui vẻ ban cho (1 Ti 1:11; Gia 1:5, 17). Chúa Giê-su phản ánh sự nhân từ của Cha ngài một cách hoàn hảo (Mác 1:40-42). Vì vậy, để được Đức Chúa Trời xem là công bình, chúng ta cần biểu lộ tính nhân từ và vui vẻ khi giúp đỡ người khác, đặc biệt là khi thi hành thánh chức, giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va.

14. Chúng ta thực hiện “công việc mình một cách công bình” qua những cách nào?

14 “Người điều hành công việc mình một cách công bình” (Thi 112:5, Bản Dịch Mới). Như đã được tiên tri, lớp người quản gia ngay thật chăm sóc gia tài của Chủ hòa hợp với sự công bình của Đức Giê-hô-va. (Đọc Lu-ca 12:42-44). Điều này được thể hiện qua sự chỉ dẫn dựa trên Kinh Thánh dành cho các trưởng lão, những người đôi khi phải phân xử trường hợp phạm tội nặng trong hội thánh. Đường lối công bình của lớp đầy tớ cũng được thấy rõ qua sự chỉ dẫn dựa trên Kinh Thánh dành cho hoạt động của các hội thánh, nhà giáo sĩ và nhà Bê-tên. Sự công bình không những cần thiết cho các trưởng lão mà còn cần thiết trong cách cư xử giữa các tín đồ Đấng Christ và với người không cùng tôn giáo, kể cả trong hoạt động thương mại.—Đọc Mi-chê 6:8, 11.

Ân phước cho người công bình

15, 16. (a) Các tin xấu trên thế giới ảnh hưởng thế nào đến người công bình? (b) Tôi tớ Đức Chúa Trời quyết tâm tiếp tục làm gì?

15 “Người cũng chẳng hề bị lay-động; kỷ-niệm người công-bình còn đến đời đời. Người không sợ cái tin hung; lòng người vững-bền, tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va. Lòng người kiên-định, chẳng sợ chi, cho đến khi người thấy các cừu-địch mình bị báo” (Thi 112:6-8). Chưa bao giờ trong lịch sử người ta thấy có nhiều tin xấu như hiện nay, chẳng hạn như chiến tranh, khủng bố, tội ác, đói nghèo, những căn bệnh mới xuất hiện, những bệnh cũ bùng phát trở lại và ô nhiễm làm hủy hoại môi trường. Những ai được Đức Chúa Trời xem là công bình không thể tránh khỏi ảnh hưởng của các tin xấu này, nhưng họ không sợ hãi đến mức phải chùn bước. Thay vì thế, họ có lòng “vững-bền” và “kiên-định” khi nhìn về tương lai, biết rằng thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời đang đến gần. Nếu gặp thảm họa, họ chịu đựng và đối phó với tình thế tốt hơn vì tin cậy nơi sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Ngài không bao giờ để tôi tớ công bình “bị lay-động”, mà còn hỗ trợ và ban thêm sức để họ chịu đựng.—Phi-líp 4:13.

16 Những người công bình của Đức Chúa Trời cũng phải chịu đựng sự căm ghét và lời tuyên truyền dối trá của những người chống đối. Nhưng sự chống đối đó luôn thất bại vì không ngăn được tín đồ Đấng Christ rao giảng. Hơn nữa, tôi tớ Đức Chúa Trời tiếp tục vững bền và kiên quyết thi hành công việc Đức Giê-hô-va giao phó—rao giảng tin mừng về Nước Trời và giúp những người hưởng ứng trở thành môn đồ Chúa Giê-su. Chắc hẳn khi ngày tận thế càng đến gần thì những người công bình càng bị chống đối. Sự chống đối sẽ lên đến đỉnh điểm khi Sa-tan Ma-quỉ trong vai trò là Gót ở đất Ma-gốc tấn công dân Đức Chúa Trời trên khắp đất. Cuối cùng, chúng ta sẽ “thấy các cừu-địch mình” bị thất bại thê thảm. Quả là điều tuyệt vời khi chứng kiến danh Đức Chúa Trời hoàn toàn được nên thánh!—Ê-xê 38:18, 22, 23.

“Ngước lên cách vinh-hiển”

17. Người công bình “sẽ được ngước lên cách vinh-hiển” như thế nào?

17 Thật vui sướng biết bao khi được hợp nhất ngợi khen Đức Giê-hô-va mà không bị Sa-tan Ma-quỉ và thế gian của hắn chống đối! Những người giữ vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời sẽ được hưởng sự vui sướng ấy mãi mãi. Họ sẽ không thất bại, không cúi xuống hổ thẹn vì Đức Giê-hô-va cũng hứa người công bình “sẽ được ngước lên cách vinh-hiển” (Thi 112:9). Những người công bình của Đức Giê-hô-va sẽ hân hoan trong sự chiến thắng khi thấy mọi kẻ thù chống lại quyền tối thượng của Đức Chúa Trời bị thất bại.

18. Những lời kết luận của bài Thi-thiên 112 sẽ được ứng nghiệm như thế nào?

18 “Kẻ ác sẽ thấy, bèn tức giận, nghiến răng, và bị tiêu-tan; sự ước-ao của kẻ ác sẽ hư-mất đi” (Thi 112:10). Tất cả những ai tiếp tục chống lại dân sự Đức Chúa Trời sẽ sớm “bị tiêu-tan” vì sự đố kỵ và căm ghét của họ. “Sự ước-ao” của họ là phá đổ công việc của chúng ta sẽ biến mất theo họ trong “hoạn-nạn lớn” sắp đến.—Mat 24:21.

19. Chúng ta có thể tin chắc điều gì?

19 Bạn sẽ ở trong số những người được vui mừng sống sót qua chiến thắng vĩ đại ấy không? Hoặc nếu bạn qua đời vì bệnh tật hay tuổi già trước khi thế gian của Sa-tan bị kết liễu, bạn sẽ ở trong số ‘những người công-bình’ được sống lại không? (Công 24:15). Bạn có thể trả lời “có” nếu tiếp tục tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su và noi gương Đức Giê-hô-va, như những người được tượng trưng bởi “người” công bình trong bài Thi-thiên 112. (Đọc Ê-phê-sô 5:1, 2). Sự “kỷ-niệm” của những người đó và cả những hành động công bình của họ sẽ không bao giờ bị Đức Giê-hô-va lãng quên. Đức Giê-hô-va sẽ nhớ và yêu thương họ mãi mãi.—Thi 112:3, 6, 9.

[Chú thích]

^ đ. 5 Hai bài Thi-thiên này tương tự nhau về cấu trúc cũng như nội dung. Bài Thi-thiên 111 thì ca ngợi các đức tính của Đức Chúa Trời, còn bài Thi-thiên 112 cho thấy “người” kính sợ Đức Chúa Trời noi theo các đức tính đó. Chúng ta có thể so sánh Thi-thiên 111:3, 4 và Thi-thiên 112:3, 4 để thấy rõ điều này.

Câu hỏi để suy ngẫm

• Chúng ta có những lý do nào để thốt lên “Ha-lê-lu-gia!”?

• Tín đồ Đấng Christ chân chính vui mừng về sự phát triển nào vào thời nay?

• Đức Giê-hô-va yêu thích sự giúp đỡ nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 25]

Để giữ được vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời, chúng ta phải tin nơi giá trị huyết báu của Chúa Giê-su

[Các hình nơi trang 26]

Sẵn lòng đóng góp vật chất có thể ủng hộ công tác cứu trợ, xuất bản và phát hành các ấn phẩm về Kinh Thánh