Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài”

“Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài”

“Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài”

Do Christabel Connell kể lại

Chúng tôi miệt mài trả lời các câu hỏi về Kinh Thánh của ông Christopher đến nỗi không ai để ý là đã khuya rồi và ông Christopher cứ nhìn ra cửa sổ nhiều lần. Cuối cùng, ông quay lại và nói với chúng tôi: “Bây giờ đi được rồi”. Ông đi chung với chúng tôi đến nơi đậu xe và chào tạm biệt. Ông đã thấy có điều gì nguy hiểm đang xảy ra. Vậy điều đó là gì?

Tôi sinh năm 1927 tại thành phố Sheffield, Anh Quốc. Trong Thế Chiến II, nhà của chúng tôi bị trúng bom nên tôi được gửi đến sống với bà ngoại trong khi học trung học. Tôi học trong một trường do các xơ dạy và luôn hỏi các xơ tại sao có quá nhiều điều xấu và bạo động. Không ai trong các xơ hoặc những người khác có đạo trả lời thỏa đáng câu hỏi này.

Sau khi Thế Chiến II kết thúc, tôi được huấn luyện làm y tá. Tôi chuyển đến thành phố London để làm việc tại bệnh viện Paddington General. Sống trong thành phố, tôi càng thấy nhiều cảnh bạo động. Ít lâu sau khi anh trai tôi tham gia chiến tranh Đại Hàn, tôi chứng kiến một trận ẩu đả tàn bạo diễn ra ngay bên ngoài bệnh viện. Không ai giúp đỡ nạn nhân, ông đã mù mắt vì bị đánh. Trong khoảng thời gian đó, mẹ và tôi cùng đi tham dự các buổi họp có nhiều người cố gắng liên lạc với người chết qua thuật đồng bóng, nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao có quá nhiều điều ác.

Được khích lệ tìm hiểu Kinh Thánh

Một ngày nọ, anh hai tôi là John đến thăm tôi, anh là Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh hỏi: “Em có biết tại sao những điều xấu đang xảy ra không?”. Tôi trả lời: “Không”. Anh liền mở Kinh Thánh và đọc Khải-huyền 12:7-12. Bây giờ tôi biết Sa-tan và các quỉ là thủ phạm chính gây ra sự gian ác trên thế giới. Vậy, theo lời khuyên của anh John, không lâu sau tôi đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh. Tuy nhiên, vào lúc đó tôi không dám làm báp têm vì sợ người ta.—Châm 29:25.

Chị tôi tên Dorothy, cũng là Nhân Chứng. Khi chị và vị hôn phu là anh Bill Roberts tham dự hội nghị quốc tế ở New York (1953) trở về, tôi nói với họ rằng tôi đã tìm hiểu Kinh Thánh. Anh Bill hỏi tôi: “Em có xem tất cả các câu Kinh Thánh và gạch dưới câu trả lời trong sách học không?”. Khi tôi trả lời: “Không”, anh đáp: “Như vậy là em chưa học kỹ đâu! Hãy liên lạc với chị hướng dẫn đó và bắt đầu học lại đi!”. Trong khoảng thời gian đó, các quỉ bắt đầu quấy nhiễu tôi. Tôi nhớ là đã cầu xin Đức Giê-hô-va bảo vệ và giúp tôi thoát khỏi ảnh hưởng của các quỉ.

Làm tiên phong ở Scotland và Ireland

Tôi báp têm vào ngày 16-1-1954. Tôi kết thúc hợp đồng y tá vào tháng 5 và bắt đầu làm tiên phong vào tháng 6. Tám tháng sau, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt và được mời phụng sự ở Grangemouth, Scotland. Tại đây, tôi cảm thấy thiên sứ Đức Giê-hô-va “đóng lại chung-quanh” khi tôi rao giảng tại vùng quê hẻo lánh đó.—Thi 34:7.

Năm 1956, tôi được mời phụng sự ở Ireland. Cùng với hai chị khác, tôi được bổ nhiệm đến thành phố Galway. Trong ngày đầu tiên, tôi đã gặp một linh mục. Ít phút sau, một cảnh sát đến dẫn tôi và bạn tôi về đồn. Khi lấy tên và địa chỉ của chúng tôi, ông ấy lập tức đi gọi điện thoại. Chúng tôi nghe: “Vâng Cha, con biết được nơi họ ở rồi”. Bây giờ chúng tôi biết ông linh mục đã gọi cảnh sát! Chủ nhà bị ép phải đuổi chúng tôi. Vì thế, văn phòng chi nhánh đề nghị chúng tôi rời khỏi vùng đó. Chúng tôi đến trạm xe lửa trễ mười phút, nhưng xe lửa vẫn còn ở đó và một người đàn ông đứng đợi để biết chắc là chúng tôi đã lên xe. Vậy là chúng tôi ở Galway chỉ có ba tuần!

Chúng tôi được phái đến Limerick, một thành phố mà Giáo hội Công giáo cũng có ảnh hưởng lớn. Đám đông thường la mắng và chỉ trích chúng tôi. Nhiều người không dám mở cửa nói chuyện với chúng tôi. Năm ngoái, một anh đã bị đánh ở thị trấn Cloonlara gần nơi chúng tôi ở. Chúng tôi vui mừng khi gặp ông Christopher, người được đề cập ở đầu bài. Ông đã mời chúng tôi trở lại để thảo luận các thắc mắc về Kinh Thánh. Khi đang viếng thăm, một linh mục bước vào và ra lệnh ông Christopher đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Ông Christopher không đồng ý và nói: “Những cô này được tôi mời vào và họ gõ cửa trước khi vào nhà. Còn ông không được mời vào, cũng không gõ cửa”. Ông linh mục giận dữ rời khỏi nhà.

Chúng tôi không biết rằng ông linh mục đó đã tụ tập một nhóm đông người đợi chúng tôi bên ngoài nhà ông Christopher. Biết họ căm ghét và giận dữ chúng tôi, ông Christopher đã hành động như được mô tả ở đầu bài. Ông đã giữ chúng tôi ở lại cho đến khi họ giải tán. Sau này chúng tôi mới biết ông và gia đình bị ép phải rời khỏi vùng đó và họ di cư đến nước Anh.

Được mời tham dự trường Ga-la-át

Khi chuẩn bị tham dự Hội nghị Quốc tế “Ý muốn của Đức Chúa Trời” tại New York vào năm 1958, tôi nhận được thư mời học khóa thứ 33 của trường Ga-la-át. Thay vì trở về nhà sau hội nghị, tôi phụng sự tại thị trấn Collingwood, Ontario, Canada và đợi khóa học bắt đầu vào năm 1959. Nhưng trong lần hội nghị này, tôi đã gặp anh Eric Connell. Anh học lẽ thật vào năm 1957 và bắt đầu làm tiên phong năm 1958. Sau hội nghị, anh viết thư cho tôi mỗi ngày trong khoảng thời gian tôi ở Canada cũng như trong suốt khóa học. Tôi không biết chúng tôi sẽ như thế nào sau khi tôi tốt nghiệp.

Được tham dự trường Ga-la-át là một sự kiện vô cùng quan trọng trong đời tôi. Chị Dorothy và chồng chị cũng tham dự lớp học này. Anh chị ấy được bổ nhiệm đến Bồ Đào Nha. Thật bất ngờ, tôi được bổ nhiệm đến Ireland. Tôi thất vọng biết bao vì không được đi chung với chị Dorothy! Tôi đã hỏi một trong những anh điều khiển là liệu tôi có làm điều gì sai không. Anh đáp: “Không, chị cùng chị Eileen Mahoney đã đồng ý đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới rồi mà”. Và chắc chắn Ireland là một trong những nơi đó.

Trở về Ireland

Tôi trở về Ireland vào tháng 8 năm 1959 và được bổ nhiệm đến hội thánh Dun Laoghaire. Trong thời gian này, anh Eric đã trở về nước Anh và rất vui vì tôi ở gần đó. Anh cũng muốn làm giáo sĩ và lý luận rằng vì các giáo sĩ vẫn còn được phái đến rao giảng ở Ireland, nên anh sẽ làm tiên phong ở đó. Anh dọn đến Dun Laoghaire và chúng tôi kết hôn năm 1961.

Sáu tháng sau, anh Eric bị tai nạn xe máy rất nặng, sọ của anh bị nứt và bác sĩ cũng không chắc rằng anh sẽ qua khỏi. Sau khi điều trị ba tuần ở bệnh viện, tôi chăm sóc anh tại nhà trong năm tháng cho đến khi anh bình phục. Tôi cố gắng hết sức để rao giảng.

Vào năm 1965, chúng tôi được bổ nhiệm đến hội thánh gồm tám người công bố ở Sligo, một cảng nằm trên vùng duyên hải tây bắc. Ba năm sau, chúng tôi chuyển đến hội thánh nhỏ khác ở Londonderry, xa hơn về phía bắc. Một ngày nọ, chúng tôi đi rao giảng trở về và thấy một hàng rào kẽm gai nằm giữa đường nơi chúng tôi sống. Thời Kỳ Loạn Lạc ở Bắc Ireland đã bắt đầu. Những đám thanh niên đốt xe hơi. Thành phố đã bị chia cách thành vùng người Tin Lành và vùng người Công giáo. Việc đi lại giữa các vùng này rất nguy hiểm.

Sống và làm chứng trong Thời Kỳ Loạn Lạc

Tuy nhiên, thánh chức đưa chúng tôi đi khắp mọi nơi. Một lần nữa, chúng tôi cảm thấy thiên sứ đóng lại chung quanh chúng tôi. Khi nhận ra đang ở nơi có cuộc nổi loạn, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi đó và quay trở lại khi tình hình lắng dịu. Có một lần, khi cuộc nổi loạn xảy ra gần căn hộ chúng tôi, một tiệm sơn gần đó đã bốc cháy và những đốm lửa nhỏ bay qua thành cửa sổ. Chúng tôi không ngủ được vì sợ cả căn hộ bị cháy. Vào năm 1970, sau khi dọn đến thành phố Belfast, chúng tôi nghe tin một quả bom xăng thiêu cháy tiệm sơn đó lần nữa, và căn hộ nơi trước đây chúng tôi ở bị lửa thiêu rụi hoàn toàn.

Lúc khác, tôi cùng một chị đi rao giảng và thấy một ống dài trông rất kỳ dị trên một thành cửa sổ. Chúng tôi đi tiếp. Vài phút sau, nó phát nổ. Người dân địa phương chạy ra để xem và nghi ngờ chúng tôi đã đặt bom ở đấy! Ngay lúc đó, một chị Nhân Chứng sống ở vùng này mời chúng tôi vào nhà. Những người hàng xóm của chị cảm thấy an tâm và không buộc tội chúng tôi nữa.

Vào năm 1971, chúng tôi trở về Londonderry để thăm một chị đồng đạo. Khi chúng tôi diễn tả chặng đường và chốt kiểm soát mà mình đã đi qua, chị ấy hỏi: “Không có ai ở đó sao?” Chúng tôi trả lời: “Có, nhưng họ không để ý đến chúng tôi”. Chị ấy rất sửng sốt. Tại sao? Vì vài ngày trước, xe hơi của một bác sĩ và xe hơi của một cảnh sát đã bị cướp và bị đốt cháy.

Năm 1972, chúng tôi chuyển đến Cork. Sau đó, chúng tôi ở Naas rồi ở Arklow một thời gian. Cuối cùng vào năm 1987, chúng tôi được bổ nhiệm đến Castlebar, nơi chúng tôi đang ở hiện nay. Tại đây, chúng tôi cảm thấy mình có đặc ân lớn là giúp xây một Phòng Nước Trời. Năm 1999, anh Eric bị bệnh nặng. Nhưng với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va và sự giúp đỡ đầy yêu thương của hội thánh, một lần nữa tôi có thể chịu đựng được và chăm sóc anh cho đến khi anh hồi phục.

Anh Eric và tôi đã hai lần tham dự Trường huấn luyện tiên phong. Anh vẫn còn phụng sự với tư cách là trưởng lão. Tôi bị viêm khớp nặng và bị thay hai khớp hông và hai đầu gối. Mặc dù tôi đã đương đầu với sự chống đối gay gắt về tôn giáo, sống qua thời kỳ bất ổn về chính trị và xã hội, nhưng một trong những trở ngại lớn nhất của tôi là không lái xe hơi được nữa. Đó là một thử thách vì nó làm tôi không đi lại tự do như trước. Hội thánh đã giúp đỡ và hỗ trợ tôi rất nhiều. Bây giờ, tôi đi lại bằng một cây gậy và dùng một xe máy ba bánh chạy bằng pin khi đi đến những nơi xa hơn.

Nếu cộng khoảng thời gian anh Eric và tôi đã làm tiên phong đặc biệt là hơn 100 năm—trong đó 98 năm ở Ireland. Chúng tôi không bao giờ có ý ngừng công việc này. Chúng tôi không trông cậy vào phép lạ, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng thiên sứ mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va luôn “đóng lại chung-quanh” những người kính sợ và trung thành phụng sự Ngài.