Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Gióp tôn vinh danh Đức Giê-hô-va

Gióp tôn vinh danh Đức Giê-hô-va

Gióp tôn vinh danh Đức Giê-hô-va

“Đáng ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!”.—GIÓP 1:21.

1. Ai có lẽ đã viết sách Gióp và viết khi nào?

Khi Môi-se khoảng 40 tuổi, ông rời Ê-díp-tô để thoát khỏi cơn thạnh nộ của Pha-ra-ôn và đi đến Ma-đi-an (Công 7:23). Trong khi sống ở đây, có lẽ ông đã nghe về những thử thách của Gióp, người sống ở xứ Út-xơ, gần Ma-đi-an. Nhiều năm sau, vào cuối chuyến hành trình trong đồng vắng, Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên đến gần Út-xơ. Lúc đó, ông có thể đã biết về những năm tháng cuối đời Gióp. Theo tục truyền của người Do Thái, Môi-se đã viết sách Gióp sau khi Gióp qua đời.

2. Sách Gióp làm vững mạnh đức tin của tôi tớ Đức Giê-hô-va trong thời hiện đại như thế nào?

2 Sách Gióp làm vững mạnh đức tin của tôi tớ Đức Chúa Trời trong thời hiện đại. Như thế nào? Lời tường thuật giúp chúng ta hiểu thêm về những sự kiện vô cùng quan trọng diễn ra ở trên trời và nhấn mạnh vấn đề chính yếu về quyền tối thượng hoàn vũ của Đức Chúa Trời. Lời tường thuật trong sách Gióp cũng giúp chúng ta hiểu thêm việc giữ lòng trung kiên bao hàm điều gì và cũng giúp chúng ta hiểu được tại sao đôi khi Đức Giê-hô-va cho phép tôi tớ Ngài gặp nghịch cảnh. Hơn nữa, sách Gióp cho thấy rõ Sa-tan Ma-quỉ là kẻ nghịch thù chính của Đức Giê-hô-va và kẻ thù của nhân loại. Sách này cũng cho biết những người bất toàn như Gióp có thể duy trì lòng trung thành với Đức Giê-hô-va dù gặp thử thách gay go. Chúng ta hãy xem một số sự kiện được kể lại trong sách Gióp.

Sa-tan thử thách Gióp

3. Chúng ta biết gì về Gióp, và tại sao Sa-tan tấn công ông?

3 Gióp là một người giàu sang và có nhiều ảnh hưởng, một tộc trưởng có đạo đức tốt. Dường như ông là người cố vấn được coi trọng và giúp đỡ những người khốn khó. Quan trọng hơn hết, Gióp là người kính sợ Đức Chúa Trời. Ông được miêu tả là “trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác”. Sa-tan tấn công Gióp vì ông là người tin kính chứ không phải vì ông giàu sang và có nhiều ảnh hưởng.—Gióp 1:1; 29:7-16; 31:1.

4. Thế nào là trung kiên?

4 Lời mô tả nơi phần đầu của sách Gióp cho biết có một buổi họp ở trên trời, các thiên sứ ra mắt Đức Giê-hô-va. Sa-tan cũng hiện diện và hắn vu cáo Gióp. (Đọc Gióp 1:6-11). Dù Sa-tan đề cập đến tài sản của Gióp, nhưng hắn chú trọng vào việc thử thách lòng trung kiên của ông. Từ “trung kiên” có ý trọn vẹn, ngay thẳng và công bình. Trong Kinh Thánh, lòng trung kiên của con người bao hàm lòng trung thành trọn vẹn đối với Đức Giê-hô-va.

5. Sa-tan nói gì về Gióp?

5 Sa-tan cho rằng Gióp thờ phượng Đức Chúa Trời vì ích kỷ, chứ không phải vì trung kiên. Hắn tuyên bố chỉ khi nào Đức Giê-hô-va ban thưởng và bảo vệ Gióp thì ông mới trung thành với Ngài. Để đáp lời vu cáo của Sa-tan, Đức Giê-hô-va cho phép hắn tấn công người trung thành ấy. Thế là chỉ trong một ngày, Gióp được tin gia súc của ông bị cướp hoặc bị tiêu hủy, tôi tớ của ông bị giết và mười người con ông bị thiệt mạng (Gióp 1:13-19). Gióp có bị khuất phục trước sự tấn công của Sa-tan không? Kinh Thánh cho biết ông phản ứng thế nào trước các tai họa này: “Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va”.—Gióp 1:21.

6. (a) Trong buổi họp khác ở trên trời, điều gì đã xảy ra? (b) Sa-tan nghĩ đến ai khác khi thách thức lòng trung kiên của Gióp đối với Đức Giê-hô-va?

6 Sau đó, có buổi họp khác ở trên trời. Sa-tan vu cáo Gióp một lần nữa: “Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình. Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt”. Hãy chú ý lời vu cáo của Sa-tan bao hàm nhiều hơn. Bằng cách nói rằng “phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình”, Sa-tan Ma-quỉ đặt nghi vấn về lòng trung kiên không chỉ của Gióp nhưng của bất cứ “người” nào thờ phượng Đức Giê-hô-va. Sau đó, Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan tấn công Gióp bằng một căn bệnh đau đớn (Gióp 2:1-8). Nhưng đó chưa phải là tất cả thử thách mà Gióp chịu đựng.

Xem xét hoàn cảnh của Gióp

7. Vợ Gióp và những người đến thăm gây áp lực cho Gióp như thế nào?

7 Lúc đầu, vợ Gióp cũng chịu những tai họa như chồng. Mất con và tài sản hẳn khiến bà suy sụp tinh thần. Chắc bà cũng đau lòng khi thấy chồng mình bị một căn bệnh đau đớn. Bà trút sự phẫn nộ với Gióp: “Ông hãy còn bền-đỗ trong sự hoàn-toàn mình sao?... Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!”. Sau đó, ba người đàn ông tên là Ê-li-pha, Binh-đát và Sô-pha đến thăm Gióp, dường như để an ủi ông. Thế nhưng, họ dùng những lý luận dối trá và cho thấy họ là “kẻ an-ủi bực-bội”. Chẳng hạn, Binh-đát ám chỉ con Gióp làm điều sai trái và đáng chịu tai họa ấy. Ê-li-pha nói bóng gió là Gióp gặp đau khổ vì tội lỗi ông phạm trong quá khứ. Thậm chí Ê-li-pha còn nêu nghi vấn những người giữ lòng trung kiên có giá trị gì trước mắt Đức Chúa Trời không (Gióp 2:9, 11; 4:8; 8:4; 16:2; 22:2, 3). Trước áp lực nặng nề như thế, Gióp vẫn giữ lòng trung kiên. Đúng là Gióp đã sai khi ‘tự xưng mình công-bình hơn Đức Chúa Trời’ (Gióp 32:2). Tuy nhiên, ông vẫn trung thành trước mọi thử thách.

8. Ê-li-hu đã nêu gương mẫu nào cho những người ngày nay cho lời khuyên?

8 Kế tiếp, chúng ta đọc về Ê-li-hu, người cũng đến thăm Gióp. Trước tiên Ê-li-hu lắng nghe những lý lẽ của Gióp và ba người bạn. Dù trẻ hơn bốn người kia, Ê-li-hu cho thấy ông khôn ngoan hơn. Khi nói với Gióp, ông luôn nói một cách ý tứ và tôn trọng. Ê-li-hu khen Gióp về lối sống ngay thẳng, nhưng ông cũng nói rằng Gióp đã quá chú tâm đến việc chứng tỏ mình không lầm lỗi. Sau đó, Ê-li-hu quả quyết với Gióp rằng trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va luôn đáng công. (Đọc Gióp 36:1, 11). Quả là một gương mẫu tốt đối với những ai ngày nay cho lời khuyên! Ê-li-hu thể hiện sự kiên nhẫn, cẩn thận lắng nghe, khen mỗi khi có dịp và cho lời khuyên xây dựng.—Gióp 32:6; 33:32.

9. Đức Giê-hô-va giúp Gióp như thế nào?

9 Cuối cùng, Gióp nhận được sự viếng thăm đặc biệt và đáng nhớ! Kinh Thánh cho biết: “Từ giữa cơn gió trốt, Đức Chúa Trời đáp cùng Gióp”. Dùng một loạt câu hỏi, Đức Giê-hô-va vừa nhân từ vừa cương quyết giúp điều chỉnh lối suy nghĩ của Gióp. Ông sẵn lòng chấp nhận lời quở trách và thừa nhận: “Tôi vốn là vật không ra gì... và ăn-năn trong tro bụi”. Sau khi Đức Giê-hô-va nói chuyện với Gióp, Ngài tỏ cơn giận của Ngài với ba người bạn của ông vì họ không nói về Ngài “cách xứng-đáng”. Gióp được bảo phải cầu nguyện cho họ. Vậy, “khi Gióp đã cầu-nguyện cho bạn-hữu mình rồi, Đức Giê-hô-va bèn đem người ra khỏi cảnh khốn người, và ban lại cho Gióp gấp bằng hai các tài-sản mà người đã có trước”.—Gióp 38:1; 39:37; 42:6-10.

Chúng ta yêu Đức Giê-hô-va sâu đậm đến mức nào?

10. Tại sao Đức Giê-hô-va không lờ đi hoặc hủy diệt Sa-tan?

10 Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Chúa tể của muôn vật. Tại sao Ngài không lờ đi thách thức của Sa-tan Ma-quỉ? Đức Chúa Trời biết rằng không màng đến Sa-tan hay hủy diệt hắn sẽ không giải quyết được vấn đề hắn nêu lên. Sa-tan Ma-quỉ cho rằng Gióp, một tôi tớ xuất sắc của Đức Giê-hô-va, sẽ không giữ lòng trung thành khi mất của cải. Lòng trung thành của Gióp đứng vững trước thử thách. Sau đó, Sa-tan tuyên bố bất cứ người nào cũng sẽ lìa bỏ Đức Chúa Trời khi bị đau đớn về thể xác. Gióp đã bị đau đớn nhưng lòng trung kiên của ông không hề lung lay. Vì thế, trường hợp của người bất toàn nhưng trung thành này chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối. Còn những người khác thờ phượng Đức Chúa Trời thì sao?

11. Chúa Giê-su cung cấp câu trả lời trọn vẹn cho thách thức của Sa-tan như thế nào?

11 Mỗi tôi tớ của Đức Chúa Trời giữ lòng trung kiên trước bất cứ thử thách nào của Sa-tan đều chứng tỏ những lời vu cáo của kẻ thù độc ác đó là dối trá. Chúa Giê-su đã xuống đất và cung cấp câu trả lời trọn vẹn cho thách thức mà Sa-tan nêu lên. Ngài là người hoàn toàn, như tổ phụ đầu tiên của chúng ta là A-đam. Việc Chúa Giê-su trung thành cho đến chết rõ ràng chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối và lời vu cáo của hắn là sai lầm.—Khải 12:10.

12. Mỗi tôi tớ Đức Giê-hô-va có cơ hội và trách nhiệm nào?

12 Tuy nhiên, Sa-tan vẫn thử thách những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Mỗi người chúng ta có cơ hội và trách nhiệm chứng tỏ qua lòng trung kiên là mình phụng sự Đức Giê-hô-va vì yêu mến Ngài, chứ không phải vì những lý do ích kỷ. Chúng ta xem trách nhiệm ấy như thế nào? Chúng ta xem việc giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va là một đặc ân. Chúng ta cũng được an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va ban sức mạnh để giúp chúng ta chịu đựng và như trường hợp của Gióp, Ngài đặt giới hạn cho các thử thách.—1 Cô 10:13.

Sa-tan—Kẻ thù xấc xược và kẻ bội đạo

13. Sách Gióp tiết lộ những chi tiết nào về Sa-tan?

13 Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ cho biết chi tiết về vai trò đáng xấu hổ của Sa-tan trong việc thách thức Đức Giê-hô-va và hướng nhân loại đi sai đường. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, chúng ta tìm thấy nhiều thông tin hơn về việc Sa-tan chống lại Đức Giê-hô-va, và qua sách Khải-huyền, chúng ta biết quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va sẽ được biện minh và Sa-tan sẽ bị hủy diệt. Sách Gióp cho chúng ta biết thêm về đường lối phản nghịch của Sa-tan. Khi Sa-tan tham dự buổi họp ở trên trời, hắn không có ý định ca ngợi Đức Giê-hô-va. Sa-tan Ma-quỉ có thái độ hiểm độc và mục tiêu gian ác. Sau khi vu cáo Gióp và được phép thử thách ông, “Sa-tan bèn lui ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va”.—Gióp 1:12; 2:7.

14. Sa-tan có thái độ nào đối với Gióp?

14 Vì thế, sách Gióp cho thấy rõ Sa-tan là kẻ thù độc ác của nhân loại. Giữa hai buổi họp ở trên trời được nói đến nơi Gióp 1:6 và Gióp 2:1, có khoảng thời gian không xác định. Trong thời gian đó, Gióp bị thử thách một cách tàn nhẫn. Qua lòng trung thành của Gióp, Đức Giê-hô-va có thể nói với Sa-tan: “Người bền-đỗ trong sự hoàn-toàn mình, mặc dầu ngươi có giục ta phá-hủy người vô-cớ”. Tuy nhiên, Sa-tan không thừa nhận lời vu cáo của mình là sai. Trái lại, hắn đề nghị để Gióp chịu một thử thách cam go khác. Như thế, Sa-tan Ma-quỉ thử thách Gióp lúc ông giàu có lẫn nghèo hèn. Rõ ràng, Sa-tan không có lòng thương xót đối với người nghèo hoặc với nạn nhân của tai ương. Hắn ghét những người có lòng trung kiên (Gióp 2:3-5). Tuy nhiên, lòng trung thành của Gióp cho thấy Sa-tan là kẻ nói dối.

15. Những kẻ bội đạo thời nay giống Sa-tan như thế nào?

15 Sa-tan là kẻ bội đạo đầu tiên. Những kẻ bội đạo ngày nay có những tính giống hắn. Họ có thể bắt đầu có thái độ chỉ trích một số người trong hội thánh, trưởng lão hoặc Hội đồng lãnh đạo và thái độ này đầu độc tâm trí họ. Một số kẻ bội đạo phản đối việc dùng danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Họ không quan tâm đến việc tìm hiểu về Đức Giê-hô-va hoặc phụng sự Ngài. Như cha họ là Sa-tan, những kẻ bội đạo nhắm vào những người có lòng trung kiên (Giăng 8:44). Không lạ gì khi tôi tớ của Đức Giê-hô-va hoàn toàn tránh tiếp xúc với những kẻ đó!—2 Giăng 10, 11.

Gióp tôn vinh danh Đức Giê-hô-va

16. Gióp thể hiện thái độ nào đối với Đức Giê-hô-va?

16 Gióp ca ngợi và dùng danh Đức Giê-hô-va. Ngay cả lúc Gióp vô cùng đau lòng khi hay tin các con mình bị thiệt mạng, ông không nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời. Mặc dù Gióp đã sai khi cho rằng những mất mát ấy là do Đức Chúa Trời gây ra, nhưng ông vẫn tôn vinh danh Ngài. Sau đó, Gióp tuyên bố: “Kính-sợ Chúa, ấy là sự khôn-ngoan; tránh khỏi điều ác, ấy là sự thông-sáng”.—Gióp 28:28.

17. Điều gì giúp Gióp duy trì lòng trung kiên?

17 Điều gì giúp Gióp duy trì lòng trung kiên? Rõ ràng, trước khi tai họa ập đến, ông đã vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Dù không có bằng chứng cho thấy Gióp biết Sa-tan đã thách thức Đức Giê-hô-va, tuy nhiên ông đã quyết tâm trung thành. Ông nói: “Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả-quyết rằng tôi trọn-vẹn” (Gióp 27:5). Làm thế nào Gióp phát triển được mối quan hệ mật thiết ấy? Chắc hẳn, ông rất quý những điều ông nghe về cách Đức Chúa Trời đối xử với những người bà con xa của ông là Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Qua việc quan sát công trình sáng tạo, Gióp cũng thấy được nhiều đức tính của Đức Giê-hô-va.—Đọc Gióp 12:7-9, 13, 16.

18. (a) Gióp đã thể hiện sự tin kính đối với Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Làm thế nào chúng ta noi gương Gióp?

18 Những điều Gióp đã thu thập được khiến ông muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Ông thường xuyên dâng của lễ vì sợ rằng các thành viên trong gia đình có thể làm những điều khiến Đức Giê-hô-va buồn lòng hoặc “trong lòng [họ] từ-chối Đức Chúa Trời” (Gióp 1:5). Thậm chí khi bị thử thách cam go, Gióp vẫn nói những điều tích cực về Đức Giê-hô-va (Gióp 10:12). Quả là một gương mẫu tuyệt vời! Chúng ta cũng phải thường xuyên tiếp thu sự hiểu biết chính xác về Đức Giê-hô-va và ý định Ngài. Chúng ta cần có thói quen tốt đối với các hoạt động thiêng liêng như học hỏi, tham dự nhóm họp, cầu nguyện và rao giảng tin mừng. Hơn nữa, chúng ta cố gắng hết sức để cho người khác biết đến danh Đức Giê-hô-va. Như lòng trung kiên của Gióp làm hài lòng Đức Giê-hô-va, lòng trung kiên của tôi tớ Đức Chúa Trời thời nay cũng làm vui lòng Ngài. Chúng ta sẽ xem xét đề tài này trong bài kế tiếp.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao Sa-tan Ma-quỉ tấn công Gióp?

• Gióp chịu đựng những thử thách nào, và ông phản ứng ra sao?

• Điều gì sẽ giúp chúng ta giữ vững lòng trung kiên như Gióp?

• Chúng ta biết gì về Sa-tan qua sách Gióp?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 4]

Lời tường thuật về Gióp giúp chúng ta thấy vấn đề chính yếu về quyền tối thượng hoàn vũ của Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 6]

Lòng trung kiên của bạn có thể bị thử thách trong những hoàn cảnh nào?