Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện qua công trình sáng tạo

Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện qua công trình sáng tạo

Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện qua công trình sáng tạo

“Những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được... thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài”.—RÔ 1:20.

1. Sự khôn ngoan của thế gian ảnh hưởng thế nào đến nhiều người ngày nay?

Thế gian nói chung xem những người có nhiều kiến thức là những người khôn ngoan. Nhưng họ có thật sự khôn ngoan không? Không, vì những người trí thức theo quan điểm thế gian không thể đưa ra sự hướng dẫn đáng tin cậy để tìm được ý nghĩa thật sự cho đời sống. Trái lại, những ai để mình bị ảnh hưởng bởi quan điểm của những người được xem là trí thức cuối cùng sẽ “bị mưu-chước dỗ-dành làm cho lầm-lạc, mà day-động và dời-đổi theo chiều gió của đạo lạc”.—Ê-phê 4:14.

2, 3. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va là “khôn-ngoan có một”? (b) Sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời khác với sự khôn ngoan của thế gian như thế nào?

2 Kết quả thật khác biết bao đối với những người có sự khôn ngoan thật đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời! Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va là “khôn-ngoan có một” (Rô 16:27). Ngài biết mọi điều về vũ trụ, gồm cả sự tạo thành và lịch sử của nó. Những định luật vật lý trong thiên nhiên mà con người dựa vào để nghiên cứu đều do Đức Giê-hô-va tạo ra. Vì thế, những phát minh của con người không gây ấn tượng với Ngài, và Ngài cũng không bị thu hút bởi những triết lý mà người ta xem là cao siêu. “Sự khôn-ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại-dột”.—1 Cô 3:19.

3 Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va ‘ban sự khôn-ngoan’ cho tôi tớ Ngài (Châm 2:6). Không như các triết lý loài người, sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời thì không mơ hồ. Thay vì thế, nó giúp chúng ta có quyết định khôn ngoan dựa trên sự hiểu biết chính xác. (Đọc Gia-cơ 3:17). Sứ đồ Phao-lô thán phục sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Ông viết: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô 11:33). Vì Đức Giê-hô-va khôn ngoan tột bực nên chúng ta tin rằng luật pháp của Ngài sẽ giúp chúng ta có lối sống tốt nhất. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va biết rõ hơn ai hết là chúng ta cần gì để được hạnh phúc.—Châm 3:5, 6.

Chúa Giê-su—“Thợ cái”

4. Chúng ta biết về sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va qua cách nào?

4 Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, cùng với những đức tính vô song khác, được thể hiện qua những gì Ngài tạo ra. (Đọc Rô-ma 1:20). Từ vật lớn nhất đến vật nhỏ nhất, công việc Đức Giê-hô-va cho biết về những đức tính của Ngài. Dù ngắm nhìn bất cứ nơi đâu—từ trời cao đến lòng đất—chúng ta đều tìm được vô số bằng chứng là có một Đấng Tạo Hóa khôn ngoan và yêu thương. Chúng ta có thể học được nhiều điều về Ngài qua việc xem xét các tạo vật của Ngài.—Thi 19:1; Ê-sai 40:26.

5, 6. (a) Ngoài Đức Giê-hô-va, ai đã tham gia vào sự sáng tạo? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì và tại sao?

5 Đức Giê-hô-va không đơn độc khi Ngài “dựng nên trời đất” (Sáng 1:1). Kinh Thánh cho biết rằng từ lâu trước khi thế giới vật chất được tạo ra, Ngài đã tạo một con thần linh, qua con ấy “muôn vật đã được dựng nên”. Tạo vật thần linh ấy là Con độc sanh của Đức Chúa Trời—“sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”—sau này sống trên đất và được biết đến là Chúa Giê-su (Cô 1:15-17). Như Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su có sự khôn ngoan. Thật thế, nơi Châm-ngôn chương 8, Chúa Giê-su là hiện thân của sự khôn ngoan được nhân cách hóa. Chương ấy cũng cho biết ngài là “thợ cái” của Đức Chúa Trời.—Châm 8:12, 22-31.

6 Vì vậy, sự sáng tạo thế giới vật chất tiết lộ về sự khôn ngoan của cả Đức Giê-hô-va lẫn Thợ Cái của Ngài, Chúa Giê-su. Chúng ta rút ra được những bài học quý báu từ các tạo vật của Đức Chúa Trời. Hãy xem xét bốn tạo vật được miêu tả nơi Châm-ngôn 30:24-28 là “vốn rất khôn-ngoan” *.

Bài học về tính siêng năng

7, 8. Đặc điểm nào của loài kiến thu hút bạn?

7 Khi xem xét cấu tạo và các hoạt động của những vật được gọi là “nhỏ-mọn trên trái đất”, chúng ta rút ra được những bài học cho chính mình. Chẳng hạn, hãy xem xét sự khôn ngoan vốn có của loài kiến.—Đọc Châm-ngôn 30:24, 25.

8 Một số nhà nghiên cứu tin rằng cứ mỗi một người thì có ít nhất 200.000 con kiến, chúng làm việc rất cần cù ở trên và dưới mặt đất. Loài kiến được tổ chức thành đàn, trong hầu hết các đàn đều có ba loại kiến: kiến chúa, kiến đực và kiến thợ. Mỗi loại đều có vai trò riêng để chăm sóc nhu cầu của đàn. Có một loài kiến trồng nấm ở Nam Mỹ được gọi là “nhà làm vườn tài ba”. Loài côn trùng nhỏ bé này bón phân, cấy và tỉa nấm để đạt được sản lượng cao nhất. Các nhà nghiên cứu phát hiện “nhà làm vườn” tài giỏi này linh động điều chỉnh công việc tùy theo nhu cầu thực phẩm của cả đàn. *

9, 10. Làm thế nào chúng ta bắt chước tính siêng năng của loài kiến?

9 Chúng ta rút ra được bài học từ loài kiến. Đó là cần có tính siêng năng thì mới đạt được kết quả tốt. Kinh Thánh nói: “Hỡi kẻ biếng-nhác, hãy đi đến loài kiến; khá xem-xét cách ăn-ở nó mà học khôn-ngoan. Tuy nó không có hoặc quan-tướng, hoặc quan cai-đốc, hay là quan trấn, thì nó cũng biết sắm-sửa lương-phạn mình trong lúc mùa hè, và thâu-trữ vật-thực nó trong khi mùa gặt” (Châm 6:6-8). Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su cũng có tính siêng năng. Chúa Giê-su nói: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy”.—Giăng 5:17.

10 Là những người theo gương Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su, chúng ta cũng nên tập tính siêng năng. Dù được giao cho bất cứ công việc gì trong tổ chức của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta nên “làm công-việc Chúa cách dư-dật” (1 Cô 15:58). Do đó, chúng ta nên làm theo lời sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma: “Hãy siêng-năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt-sắng; phải hầu việc Chúa” (Rô 12:11). Nỗ lực mà chúng ta dành ra để làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va thì không vô ích, vì Kinh Thánh cam đoan với chúng ta: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”.—Hê 6:10.

Che chở khỏi mối nguy hại về thiêng liêng

11. Hãy mô tả một vài đặc tính của chuột núi.

11 Một con vật khác tương đối nhỏ nhưng lại cho chúng ta những bài học quan trọng. (Đọc Châm-ngôn 30:26). Theo tiếng nguyên thủy, con vật được dịch là “thỏ rừng” trong Châm-ngôn 30:26 là một loài giống như con chuột sống ở vùng núi, có nhiều đá. Nó có tai ngắn, tròn và chân ngắn. Cặp mắt tinh tường giúp nó tự bảo vệ mình, và nó trốn trong hang, khe đá dốc lởm chởm để tránh những loài động vật săn mồi. Chúng sống theo bầy đàn, nhờ đó chúng được bảo vệ và giúp nhau giữ ấm trong mùa đông. *

12, 13. Chúng ta rút ra những bài học nào từ chuột núi?

12 Chúng ta học được gì từ chuột núi? Thứ nhất, hãy lưu ý rằng chúng không dễ bị tấn công. Cặp mắt tinh tường giúp chúng nhìn thấy kẻ thù từ xa, và chúng luôn ở gần hang hay khe đá để dễ dàng ẩn nấp khi gặp nguy hiểm. Tương tự thế, chúng ta cần có “cặp mắt tinh tường” về thiêng liêng để nhận ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong thế gian của Sa-tan. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên tín đồ Đấng Christ: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được” (1 Phi 5:8). Khi còn trên đất, Chúa Giê-su luôn tỉnh thức, chống lại mọi cám dỗ của Sa-tan nhằm đánh đổ lòng trung kiên của ngài (Mat 4:1-11). Chúa Giê-su quả là một gương mẫu xuất sắc cho các môn đồ ngài!

13 Một cách để chúng ta tỉnh thức là tận dụng mọi sự bảo vệ mà Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta. Chúng ta không lơ là trong việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời và tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ (Lu 4:4; Hê 10:24, 25). Như chuột núi được lợi ích nhờ sống theo bầy đàn, chúng ta cần gắn bó với anh em đồng đạo để “cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ” (Rô 1:12). Bằng cách tận dụng sự bảo vệ Đức Giê-hô-va ban, chúng ta cho thấy mình có đồng tâm tình với người viết Thi-thiên là Đa-vít: “Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn-lũy tôi, Đấng giải-cứu tôi; Đức Chúa Trời là hòn đá tôi, nơi Ngài tôi sẽ nương-náu mình”.—Thi 18:2.

Kiên trì dù bị chống đối

14. Dù một con cào cào không có gì đáng sợ, nhưng nói sao về một đàn cào cào?

14 Chúng ta cũng học được bài học từ loài cào cào. Một con cào cào chỉ dài khoảng 5cm thì không có gì đáng sợ, nhưng một đàn cào cào thì thật đáng sợ. (Đọc Châm-ngôn 30:27). Nổi tiếng là loài tham ăn, đàn cào cào có thể nhanh chóng ngốn hết cả cánh đồng lúa đang vào mùa thu hoạch. Kinh Thánh so sánh âm thanh của đàn côn trùng tiến đến, trong đó có cào cào, với tiếng xe cộ và tiếng ngọn lửa cháy rơm (Giô-ên 2:3, 5). Người ta đốt lửa để cố ngăn cản sự tiến đến của đàn cào cào nhưng không hiệu quả. Tại sao thế? Xác những con chết cháy dập tắt ngọn lửa, sau đó đàn cào cào tiếp tục tiến bước. Dù không có vua hay con đầu đàn, đàn cào cào hoạt động như đội quân tinh nhuệ, vượt qua mọi chướng ngại. *Giô-ên 2:25.

15, 16. Những người công bố Nước Trời thời hiện đại giống đàn cào cào như thế nào?

15 Nhà tiên tri Giô-ên so sánh hoạt động của tôi tớ Đức Giê-hô-va với hoạt động của cào cào. Ông viết: “Chúng nó chạy như những người bạo-mạnh; trèo các vách thành như những lính-chiến; mỗi người bước đi trước mặt mình, chẳng hề sai hàng-ngũ mình. Chúng nó chẳng hề đụng-chạm nhau, ai đi đường nấy; xông qua những khí-giới mà chẳng bỏ đường mình”.—Giô-ên 2:7, 8.

16 Lời tiên tri này mô tả thật hay về những người công bố Nước Trời trong thời hiện đại! Không “vách thành” nào của sự chống đối có thể chặn đứng hoạt động rao giảng của họ. Họ noi gương Chúa Giê-su, đấng luôn kiên trì làm theo ý muốn Đức Chúa Trời dù bị nhiều người khinh dể (Ê-sai 53:3). Thật thế, một số tín đồ Đấng Christ đã “xông qua những khí-giới” và hy sinh mạng sống vì đức tin. Tuy nhiên, công việc rao giảng vẫn tiếp tục và số người công bố Nước Trời vẫn gia tăng. Trên thực tế, sự bắt bớ thường làm cho tin mừng đến với những người chưa từng nghe thông điệp Nước Trời (Công 8:1, 4). Trong thánh chức, bạn có thể hiện tính kiên trì như đàn cào cào, ngay cả khi gặp sự thờ ơ và chống đối không?—Hê 10:39.

“Hãy nắm chắc điều khuyên-dạy” của Đức Giê-hô-va

17. Tại sao chân con thằn lằn có khả năng bám vào các mặt phẳng?

17 Con thằn lằn nhỏ bé dường như không bị ảnh hưởng bởi trọng lực. (Đọc Châm-ngôn 30:28 *). Các nhà khoa học thán phục khả năng bò nhanh qua tường của tạo vật nhỏ bé này, thậm chí bò qua trần nhà phẳng mà không bị rơi. Làm thế nào con thằn lằn làm được điều đó? Nó bám được không phải nhờ lực hút hay một loại keo nào đó. Thay vì thế, mỗi ngón chân thằn lằn có một lớp đệm với các đường vân chứa hàng ngàn sợi nhỏ như tóc nhô ra. Trên mỗi sợi này lại có hàng trăm sợi lông cực nhỏ, trên đầu những sợi cực nhỏ này có hình đĩa tròn. Lực liên kết phân tử bắt nguồn từ tất cả các sợi lông cực nhỏ ấy đủ để giữ con thằn lằn không bị rơi, ngay cả khi nó bò nhanh dưới mặt kiếng! Bị thu hút trước khả năng của con thằn lằn, các nhà nghiên cứu nói rằng những chất liệu nhân tạo phỏng theo chân loài vật này có thể được dùng làm chất có độ kết dính cao. *

18. Làm thế nào chúng ta chắc chắn rằng mình luôn “nắm chắc điều khuyên-dạy” của Đức Giê-hô-va?

18 Chúng ta học được gì từ con thằn lằn? Kinh Thánh khuyến khích chúng ta: “Hãy nắm chắc điều khuyên-dạy” của Đức Giê-hô-va (Châm 4:13). Những ảnh hưởng không lành mạnh phổ biến trong thế gian của Sa-tan có thể khiến chúng ta không còn “nắm chắc” các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, kết hợp với những người không theo sát luật pháp Đức Chúa Trời—dù tại trường học hoặc sở làm hay qua hình thức giải trí không hợp với tiêu chuẩn của Ngài—có thể ảnh hưởng đến việc chúng ta cương quyết làm điều đúng. Đừng để điều đó xảy ra cho bạn! Lời Đức Chúa Trời cảnh báo: “Chớ khôn-ngoan theo mắt mình” (Châm 3:7). Thay vì thế, hãy làm theo lời khuyên khôn ngoan mà Môi-se đã nói với dân Đức Chúa Trời vào thời xưa: “Ngươi phải kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, phục-sự Ngài, tríu-mến [“bám chặt vào”, Bản Dịch Mới] Ngài” (Phục 10:20). Bằng cách bám chặt vào Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ noi theo Chúa Giê-su, đấng được miêu tả: “Chúa ưa điều công-bình, ghét điều gian-ác”.—Hê 1:9.

Bài học từ sự sáng tạo

19. (a) Qua công trình sáng tạo, bạn thấy rõ những đức tính nào của Đức Giê-hô-va? (b) Chúng ta được lợi ích như thế nào qua sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời?

19 Như chúng ta đã biết, những đức tính của Đức Giê-hô-va được thể hiện rõ qua những tạo vật của Ngài, và sự sáng tạo cũng cho chúng ta những bài học quý giá. Càng khám phá công việc Đức Giê-hô-va, chúng ta càng thán phục sự khôn ngoan của Ngài. Việc chú ý đến sự khôn ngoan ấy giúp chúng ta có niềm hạnh phúc sâu xa ngay bây giờ và được bảo vệ trong tương lai (Truyền 7:12). Thật vậy, mỗi người chúng ta sẽ cảm nghiệm được tính chân thật của lời bảo đảm nơi Châm-ngôn 3:13, 18: “Người nào tìm đặng sự khôn-ngoan, và được sự thông-sáng, có phước thay! Nó là cây sự sống cho ai nắm lấy nó; người nào cầm-giữ nó đều được phước-hạnh”.

[Chú thích]

^ đ. 6 Đặc biệt, các bạn trẻ và những em nhỏ có thể thích nghiên cứu thêm các tài liệu nơi cước chú trong phần sau của bài, và bình luận về những thông tin đã nghiên cứu khi bài này được thảo luận tại Buổi học Tháp Canh.

^ đ. 8 Để biết thêm thông tin về loài kiến, xin xem sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, trang 173 đoạn 13, Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-3-1997, trang 31 và ngày 22-5-2002, trang 31.

^ đ. 11 Để biết thêm thông tin về chuột núi (rock badger), xin xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-9-1990, trang 15, 16.

^ đ. 14 Để biết thêm thông tin, xin xem Tháp Canh ngày 15-7-1996, trang 23Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-10-1976, trang 11.

^ đ. 17 Châm-ngôn 30:28 (NW): “Con thằn lằn bám chặt bằng chân, và ở trong đền vua”.

^ đ. 17 Để biết thêm thông tin về con thằn lằn, xin xem Tỉnh Thức! tháng 7-9 năm 2008, trang 23.

Bạn có nhớ không?

Chúng ta rút ra được bài học thực tế nào từ:

• loài kiến?

• chuột núi?

• cào cào?

• thằn lằn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Bạn có siêng năng như loài kiến trồng nấm không?

[Hình nơi trang 17]

Chuột núi được bảo vệ nhờ sống theo bầy đàn. Bạn có như thế không?

[Hình nơi trang 18]

Như cào cào, tín đồ Đấng Christ thể hiện tính kiên trì

[Hình nơi trang 18]

Như con thằn lằn bám vào mặt phẳng, tín đồ Đấng Christ “nắm chắc điều khuyên-dạy” của Đức Giê-hô-va

[Nguồn tư liệu]

Stockbyte/​Getty Images