Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm hiểu thêm về Chúa Giê-su—Đa-vít Lớn và Sa-lô-môn Lớn

Tìm hiểu thêm về Chúa Giê-su—Đa-vít Lớn và Sa-lô-môn Lớn

Tìm hiểu thêm về Chúa Giê-su—Đa-vít Lớn và Sa-lô-môn Lớn

“Đây nầy, có một người tôn-trọng hơn vua Sa-lô-môn!”.—MAT 12:42.

1, 2. Theo quan điểm loài người, tại sao việc Sa-mu-ên được chỉ thị xức dầu cho Đa-vít làm vua là điều đáng ngạc nhiên?

Người này trông không giống như một vị vua. Đối với nhà tiên tri Sa-mu-ên, người này chỉ là một chàng chăn chiên trẻ tuổi. Hơn nữa, quê của chàng trai trẻ này là Bết-lê-hem, một thị trấn bình thường. Nơi này được mô tả ‘là nhỏ lắm trong hàng ngàn Giu-đa’ (Mi 5:1). Tuy nhiên, chàng trai trẻ có vẻ tầm thường và xuất thân từ một thị trấn nhỏ bé sắp được nhà tiên tri Sa-mu-ên xức dầu để làm vua tương lai của nước Y-sơ-ra-ên.

2 Chàng trai Đa-vít không phải là người con đầu tiên mà cha ông là Y-sai đã đưa tới trình diện Sa-mu-ên để được xức dầu. Đa-vít là con út trong tám con trai của người trung thành Y-sai và thậm chí đã không có mặt khi Sa-mu-ên đến nhà để xức dầu cho một người con của gia đình này trở thành vua kế tiếp. Tuy nhiên, Đa-vít lại được Đức Giê-hô-va chọn, và đó mới là điều quan trọng.—1 Sa 16:1-10.

3. (a) Khi xem xét một người, Đức Giê-hô-va xem điều gì là quan trọng nhất? (b) Ngay khi được xức dầu, điều gì bắt đầu tác động trên Đa-vít?

3 Đức Giê-hô-va thấy những điều Sa-mu-ên không thấy. Đức Chúa Trời biết được lòng Đa-vít, và Ngài hài lòng về những gì Ngài nhận thấy nơi chàng trai trẻ ấy. Điều quan trọng đối với Đức Chúa Trời không phải là vẻ bề ngoài nhưng là con người bề trong. (Đọc 1 Sa-mu-ên 16:7). Thế nên, khi biết rằng Đức Giê-hô-va không chọn bất cứ ai trong bảy con trai lớn của Y-sai, Sa-mu-ên xin cho gọi người con trai út đang ở ngoài đồng về nhà. Kinh Thánh nói: “Vậy, Y-sai sai gọi [Đa-vít]. Mặt người hồng-hồng, con mắt xinh-lịch, và hình-dung tốt-đẹp. Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Ấy là nó; hãy đứng dậy xức dầu cho nó. Sa-mu-ên lấy sừng dầu, xức cho người ở giữa các anh người. Từ ngày đó về sau, Thần của Đức Giê-hô-va cảm-động Đa-vít”.—1 Sa 16:12, 13.

Đa-vít làm hình bóng cho Chúa Giê-su

4, 5. (a) Hãy kể những điểm tương đồng giữa Đa-vít và Chúa Giê-su. (b) Tại sao Chúa Giê-su được gọi là Đa-vít Lớn?

4 Giống như Đa-vít, Chúa Giê-su được sinh ra ở Bết-lê-hem khoảng 1.100 năm sau thời Đa-vít. Đối với nhiều người, Chúa Giê-su không có vẻ là một vị vua, theo nghĩa ngài không là vua mà nhiều người Y-sơ-ra-ên mong muốn. Tuy nhiên, như Đa-vít, ngài đã được Đức Giê-hô-va chọn. Ngài cũng được Đức Giê-hô-va yêu quý như Đa-vít * (Lu 3:22). Chúa Giê-su cũng được ‘thần của Đức Giê-hô-va cảm-động’.

5 Giữa Chúa Giê-su và Đa-vít còn có những điểm tương đồng khác. Chẳng hạn, Đa-vít bị người cố vấn của mình là A-hi-tô-phe phản bội, còn Chúa Giê-su bị sứ đồ ngài là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản bội (Thi 41:9; Giăng 13:18). Cả Đa-vít lẫn Chúa Giê-su đã rất sốt sắng về nơi thờ phượng Đức Giê-hô-va (Thi 27:4; 69:9; Giăng 2:17). Chúa Giê-su cũng là người kế tự Đa-vít. Trước khi Chúa Giê-su ra đời, một thiên sứ bảo mẹ ngài: “Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài” (Lu 1:32; Mat 1:1). Tuy nhiên, vì mọi lời hứa về Đấng Mê-si đều được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su nên ngài vượt trội hơn Đa-vít. Ngài là Đa-vít Lớn, Vua Mê-si đã được mong đợi từ lâu.—Giăng 7:42.

Hãy theo Đấng chăn chiên cũng là Vua

6. Đa-vít là người chăn chiên tốt như thế nào?

6 Chúa Giê-su cũng là Đấng chăn chiên. Một người chăn chiên tốt cần có những đặc điểm nào? Người đó cần can đảm, luôn theo sát để chăm sóc, cho chiên ăn và bảo vệ cả bầy (Thi 23:2-4). Khi còn trẻ, Đa-vít là người chăn chiên và chăm sóc bầy chiên của cha mình rất tốt. Khi bầy chiên bị đe dọa, Đa-vít can đảm, sẵn sàng liều mạng để bảo vệ bầy khỏi sư tử và gấu.—1 Sa 17:34, 35.

7. (a) Đa-vít được trang bị thế nào để đảm nhận trách nhiệm làm vua? (b) Chúa Giê-su là Người Chăn Hiền Lành như thế nào?

7 Những năm tháng chăm sóc chiên ngoài đồng hoặc trên những ngọn đồi đã trang bị cho Đa-vít đảm nhận trọng trách chăn dắt nước Y-sơ-ra-ên * (Thi 78:70, 71). Cũng thế, Chúa Giê-su là Đấng chăn chiên gương mẫu. Ngài nhận được sức mạnh và sự hướng dẫn từ Đức Giê-hô-va để chăn “bầy nhỏ” và các “chiên khác” (Lu 12:32; Giăng 10:16). Vì thế, Chúa Giê-su là Người Chăn Hiền Lành. Ngài biết rõ bầy đến nỗi gọi tên từng con chiên. Ngài yêu chiên nhiều đến nỗi khi còn sống trên đất ngài sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của bầy chiên (Giăng 10:3, 11, 14, 15). Là Người Chăn Hiền Lành, Chúa Giê-su thực hiện điều mà Đa-vít không bao giờ làm được. Sự hy sinh làm giá chuộc của ngài mở đường cho nhân loại thoát khỏi sự chết. Sẽ không có điều gì ngăn được Chúa Giê-su dẫn “bầy nhỏ” đến đời sống bất tử ở trên trời và các “chiên khác” đến sự sống đời đời trong thế giới mới công bình, là nơi không có những kẻ thù giống như sói.—Đọc Giăng 10:27-29.

Hãy theo Vua chiến thắng

8. Đa-vít chứng tỏ là vị vua chiến thắng như thế nào?

8 Khi làm vua, Đa-vít cũng là chiến binh can đảm bảo vệ lãnh thổ của dân Đức Chúa Trời, và “Đức Giê-hô-va khiến cho Đa-vít được thắng khắp nơi nào người đi đến”. Dưới sự lãnh đạo của Đa-vít, biên giới của Y-sơ-ra-ên được nới rộng từ khe Ê-díp-tô đến sông Ơ-phơ-rát (2 Sa 8:1-14). Nhờ sức mạnh của Đức Giê-hô-va, ông trở thành nhà cai trị đầy quyền lực. Kinh Thánh nói: “Danh của Đa-vít đồn ra trong khắp các nước; Đức Giê-hô-va khiến cho các dân-tộc đều kính-sợ Đa-vít”.—1 Sử 14:17.

9. Hãy giải thích với tư cách là Vua được Đức Chúa Trời chỉ định trước, Chúa Giê-su đã chiến thắng như thế nào?

9 Như vua Đa-vít, khi sống trên đất, Chúa Giê-su là một người can đảm. Là Vua được Đức Chúa Trời chỉ định trước, ngài cho thấy mình có quyền trên các quỉ, giải cứu các nạn nhân khỏi sự ảnh hưởng của chúng (Mác 5:2, 6-13; Lu 4:36). Ngay cả kẻ thù chính, Sa-tan Ma-quỉ, cũng không có ảnh hưởng gì trên ngài. Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su đã chiến thắng thế gian nằm dưới quyền kiểm soát của Sa-tan.—Giăng 14:30; 16:33; 1 Giăng 5:19.

10, 11. Với tư cách vừa là Vua vừa là Chiến binh, vai trò của Chúa Giê-su ở trên trời là gì?

10 Khoảng 60 năm sau khi Chúa Giê-su chết, được sống lại và lên trời, sứ đồ Giăng nhận được một sự hiện thấy có tính cách tiên tri về Chúa Giê-su trong vai trò vừa là Vua vừa là Chiến binh ở trên trời. Ông viết: “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa bạch. Người cỡi ngựa có một cái cung; có kẻ ban cho người một cái mão triều-thiên, và người đi như kẻ đã thắng lại đến đâu cũng thắng” (Khải 6:2). Đấng cưỡi ngựa bạch là Chúa Giê-su. Ngài được ‘ban cho một cái mão triều-thiên’ vào năm 1914 khi được phong làm vua Nước Trời. Sau đó, ngài “đi như kẻ đã thắng”. Đúng vậy, như Đa-vít, Chúa Giê-su là một vị vua chiến thắng. Không lâu sau khi được làm vua Nước Trời, Chúa Giê-su tranh chiến và thắng Sa-tan, rồi đuổi hắn cùng các quỉ xuống đất (Khải 12:7-9). Ngài sẽ tiếp tục tranh chiến cho đến khi “thắng” trận, hoàn toàn hủy diệt hệ thống gian ác của Sa-tan.—Đọc Khải-huyền 19:11, 19-21.

11 Bên cạnh đó, giống như Đa-vít, Chúa Giê-su là một vị vua có lòng thương xót, ngài sẽ bảo vệ đám đông “vô-số người” qua cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn (Khải 7:9, 14). Hơn nữa, dưới sự cai trị của Chúa Giê-su và 144.000 người đồng kế tự đã lên trời thì sẽ có “sự sống lại của người công-bình và không công-bình” (Công 24:15). Những ai được sống lại trên đất sẽ có triển vọng sống mãi mãi. Đó quả là một tương lai tuyệt diệu! Mong sao tất cả chúng ta quyết tâm tiếp tục “làm điều lành” để được sống trong trái đất đầy những thần dân công bình và hạnh phúc của Đa-vít Lớn.—Thi 37:27-29.

Lời cầu xin sự khôn ngoan của Sa-lô-môn được nhậm

12. Sa-lô-môn cầu xin điều gì?

12 Con của Đa-vít là Sa-lô-môn cũng là hình bóng cho Chúa Giê-su *. Khi Sa-lô-môn lên làm vua, Đức Giê-hô-va hiện ra trong một giấc mơ và Ngài nói sẽ cho bất cứ điều gì ông muốn. Sa-lô-môn có thể xin thêm sự giàu sang, quyền lực hoặc sống lâu hơn. Thế nhưng, ông lại xin Đức Giê-hô-va: “Xin Chúa ban cho tôi sự khôn-ngoan và tri-thức, để tôi ra vào trước mặt dân-sự này; vì ai dễ xét-đoán được dân của Chúa rất đông dường kia?” (2 Sử 1:7-10). Đức Giê-hô-va nhậm lời ông.—Đọc 2 Sử-ký 1:11, 12.

13. Tại sao có thể nói sự khôn ngoan của Sa-lô-môn không ai sánh bằng, và đâu là Nguồn của sự khôn ngoan đó?

13 Khi Sa-lô-môn còn trung thành với Đức Giê-hô-va thì những lời khôn ngoan của ông lúc bấy giờ không ai sánh bằng. Sa-lô-môn nói “ba ngàn câu châm-ngôn” (1 Vua 4:30, 32, 34). Nhiều câu châm ngôn này đã được ghi lại và chúng vẫn là kho báu đối với những ai tìm kiếm sự khôn ngoan. Nữ vương nước Sê-ba đã đi khoảng 2.400km để thử sự khôn ngoan của Sa-lô-môn qua các “câu đố”. Bà ấn tượng trước những gì Sa-lô-môn nói cũng như sự thịnh vượng trong vương quốc ông (1 Vua 10:1-9). Kinh Thánh cho thấy rõ Nguồn của sự khôn ngoan mà Sa-lô-môn có được: “Cả thiên-hạ đều tìm-kiếm mặt Sa-lô-môn đặng nghe sự khôn-ngoan mà Đức Chúa Trời đã để trong lòng người”.—1 Vua 10:24.

Hãy theo Vua khôn ngoan

14. Chúa Giê-su “tôn-trọng hơn vua Sa-lô-môn” theo nghĩa nào?

14 Chỉ có một người khôn ngoan hơn hẳn Sa-lô-môn, đó là Chúa Giê-su, “một người tôn-trọng hơn vua Sa-lô-môn” (Mat 12:42). Chúa Giê-su nói “những lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:68). Chẳng hạn, Bài giảng trên núi khai triển các nguyên tắc trong một số câu châm ngôn của Sa-lô-môn. Sa-lô-môn nói về nhiều điều đem lại hạnh phúc cho người thờ phượng Đức Giê-hô-va (Châm 3:13; 8:32, 33; 14:21; 16:20). Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng hạnh phúc thật đến từ những điều liên quan tới việc thờ phượng Đức Giê-hô-va và sự ứng nghiệm các lời hứa của Ngài. Chúa Giê-su nói: “Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng vì nước thiên đàng thuộc những người đó” (Mat 5:3, NW). Người nào áp dụng các nguyên tắc trong lời dạy của Chúa Giê-su sẽ đến gần hơn với Đức Giê-hô-va, “nguồn sự sống” (Thi 36:9; Châm 22:11; Mat 5:8). Đấng Christ là hiện thân “sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời” (1 Cô 1:24, 30). Là Vua Mê-si, Chúa Giê-su có “thần khôn-ngoan”.—Ê-sai 11:2.

15. Làm thế nào chúng ta được lợi ích từ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời?

15 Là những người theo Sa-lô-môn Lớn, làm thế nào chúng ta có thể được lợi ích từ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời? Vì sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va được tiết lộ trong Lời Ngài, nên chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm qua việc học Kinh Thánh kỹ lưỡng, đặc biệt là những lời của Chúa Giê-su, và suy ngẫm những điều chúng ta đã học (Châm 2:1-5). Hơn nữa, chúng ta cần kiên trì xin Đức Chúa Trời cho chúng ta sự khôn ngoan. Lời Đức Chúa Trời bảo đảm rằng khi chúng ta chân thành cầu xin Ngài giúp đỡ, lời cầu xin ấy sẽ được nhậm (Gia 1:5). Với sự giúp đỡ của thánh linh, chúng ta sẽ tìm được sự khôn ngoan quý giá trong Lời Đức Chúa Trời nhằm giúp mình đương đầu với những thử thách và có quyết định khôn ngoan (Lu 11:13). Sa-lô-môn cũng được gọi là ‘người truyền-đạo’, ông nhóm dân sự để “dạy sự tri-thức” (Truyền 12:9, 10). Chúa Giê-su, Đầu của hội thánh đạo Đấng Christ, cũng thâu nhóm những người theo ngài (Giăng 10:16; Cô 1:18). Vì thế, chúng ta được lợi ích khi nhóm lại tại các buổi họp của hội thánh để được “dạy sự tri-thức”.

16. Có điểm tương đồng nào giữa Chúa Giê-su và Sa-lô-môn?

16 Sa-lô-môn là vị vua năng động. Ông thiết lập một chương trình xây dựng trên toàn quốc, giám sát việc xây cất cung điện, đường xá, hệ thống nước, các thành trữ lương thực, các thành để xe và các thành cho kỵ binh (1 Các Vua 9:17-19). Cả vương quốc được lợi ích từ các công trình xây dựng của ông. Chúa Giê-su cũng làm việc xây cất. Ngài xây dựng hội thánh trên nền “đá nầy”, tức trên chính ngài (Mat 16:18). Ngài cũng sẽ giám sát công việc xây dựng trong thế giới mới.—Ê-sai 65:21, 22.

Hãy theo Vua bình an

17. (a) Sự cai trị của Sa-lô-môn có đặc điểm nổi bật nào? (b) Sa-lô-môn không thể làm được điều gì?

17 Từ gốc của tên Sa-lô-môn có nghĩa là “bình an”. Vua Sa-lô-môn cai trị từ Giê-ru-sa-lem, tên thành phố này có nghĩa “bình an gấp bội”. Triều đại 40 năm của ông nổi bật vì có sự bình an chưa từng thấy trong nước Y-sơ-ra-ên. Liên quan đến những năm này, Kinh Thánh nói: “Trọn đời vua Sa-lô-môn trị-vì, dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn-ở yên-ổn vô-sự từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba, ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình” (1 Vua 4:25). Dù rất khôn ngoan nhưng Sa-lô-môn không thể giải thoát thần dân khỏi vòng bệnh tật, tội lỗi và sự chết. Tuy nhiên, Sa-lô-môn Lớn sẽ giải cứu thần dân khỏi mọi điều đó.—Đọc Rô-ma 8:19-21.

18. Chúng ta được hưởng tình trạng nào trong hội thánh đạo Đấng Christ?

18 Hiện nay, trong hội thánh đạo Đấng Christ, chúng ta có sự bình an. Thật vậy, chúng ta đang hưởng một địa đàng thiêng liêng thật sự. Chúng ta có sự bình an với Đức Chúa Trời và người đồng loại. Hãy lưu ý những gì Ê-sai tiên tri về tình trạng mà chúng ta đang có ngày nay: “Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh” (Ê-sai 2:3, 4). Bằng cách hành động hòa hợp với thánh linh Đức Chúa Trời, chúng ta góp phần tạo sự bình an trong địa đàng thiêng liêng.

19, 20. Chúng ta có những lý do nào để vui mừng?

19 Tuy nhiên, tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Dưới sự cai trị của Chúa Giê-su, nhân loại biết vâng lời hưởng được sự bình an ở mức độ chưa từng thấy, và dần dần họ “sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát” cho đến khi đạt tới sự hoàn toàn (Rô 8:21). Sau khi vượt qua thử thách sau cùng vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi 37:11; Khải 20:7-10). Thật vậy, sự cai trị của Chúa Giê-su vượt trội sự cai trị của Sa-lô-môn theo cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được!

20 Như dân Y-sơ-ra-ên vui mừng sống dưới sự giám sát của Môi-se, Đa-vít và Sa-lô-môn, chúng ta cũng sẽ vui mừng nhiều hơn nữa khi sống dưới sự cai trị của Chúa Giê-su (1 Vua 8:66). Vậy, tất cả chúng ta hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va vì Ngài ban cho chúng ta Con một của Ngài—Môi-se Lớn, Đa-vít Lớn và Sa-lô-môn Lớn!

[Chú thích]

^ đ. 4 Tên của Đa-vít dường như có nghĩa “được yêu quý”. Lúc Chúa Giê-su báp-têm và lúc ngài hóa hình, Đức Giê-hô-va từ trời gọi Chúa Giê-su là “Con yêu dấu của ta”.—Mat 3:17; 17:5.

^ đ. 7 Bên cạnh đó, Đa-vít cũng giống như một chiên con tin cậy người chăn. Ông nhờ cậy Đấng Chăn Chiên vĩ đại, Đức Giê-hô-va, bảo vệ và hướng dẫn. Ông nói với lòng tin cậy tuyệt đối: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì” (Thi 23:1). Cũng thế, Giăng Báp-tít cho biết Chúa Giê-su là “Chiên con của Đức Chúa Trời”.—Giăng 1:29.

^ đ. 12 Điều thú vị, tên khác của Sa-lô-môn là Giê-đi-đia, nghĩa là “Đức Giê-hô-va thương-yêu”.—2 Sa 12:24, 25.

Bạn giải thích thế nào?

• Làm thế nào Chúa Giê-su là Đa-vít Lớn?

• Làm thế nào Chúa Giê-su là Sa-lô-môn Lớn?

• Bạn quý trọng điều gì nơi Đa-vít Lớn cũng là Sa-lô-môn Lớn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 31]

Sự khôn ngoan Đức Chúa Trời ban cho Sa-lô-môn là hình bóng cho sự khôn ngoan của Sa-lô-môn Lớn

[Hình nơi trang 32]

Sự cai trị của Chúa Giê-su vượt trội sự cai trị của Sa-lô-môn và Đa-vít theo cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được!