Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm hiểu thêm về Môi-se Lớn

Tìm hiểu thêm về Môi-se Lớn

Tìm hiểu thêm về Môi-se Lớn

“Đức Chúa Trời chúng ta sẽ dấy lên trong anh em các ngươi một Đấng tiên-tri như ta; các ngươi phải nghe theo mọi điều Ngài sẽ phán dặn”.—CÔNG 3:22.

1. Chúa Giê-su ảnh hưởng đến lịch sử như thế nào?

Cách đây 2.000 năm, một bé trai ra đời khiến muôn vàn thiên sứ ngợi khen Đức Chúa Trời, và một số người chăn chiên đã nghe được lời ca ngợi ấy (Lu 2:8-14). Ba mươi năm sau, em bé này lớn lên thành một thanh niên và bắt đầu làm thánh chức chỉ trong ba năm rưỡi, nhưng đã làm thay đổi lịch sử. Vào thế kỷ 19, sử gia nổi tiếng là Philip Schaff đã phải phát biểu về thanh niên này: “Dù không viết một tác phẩm nào, nhưng cuộc đời người này là đề tài cho các bài thuyết giáo, diễn văn, bài thảo luận, sách của những nhân vật uyên bác, tác phẩm nghệ thuật và thánh ca, hơn hẳn tất cả những người xuất chúng thời xưa lẫn thời nay”. Thanh niên đặc biệt này không ai khác hơn là Chúa Giê-su.

2. Sứ đồ Giăng đã nói gì về Chúa Giê-su và thánh chức của ngài?

2 Sứ đồ Giăng viết về thánh chức của Chúa Giê-su và kết luận như sau: “Lại còn nhiều việc nữa mà Đức Chúa Jêsus đã làm; ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế-gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy” (Giăng 21:25). Giăng biết rằng ông chỉ có thể ghi lại một phần nhỏ những điều Chúa Giê-su nói và làm trong ba năm rưỡi, những năm có nhiều sự kiện quan trọng. Dù thế, những sự kiện lịch sử mà Giăng ghi lại trong sách Phúc âm mang tên ông thì rất có giá trị.

3. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn về vai trò của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời?

3 Ngoài bốn sách Phúc âm, ghi lại những lời tường thuật quan trọng về cuộc đời Chúa Giê-su, có những đoạn Kinh Thánh khác cho chúng ta biết những chi tiết làm vững mạnh đức tin về đời sống của ngài. Chẳng hạn, lời tường thuật trong Kinh Thánh về những người trung thành sống trước thời Chúa Giê-su có những thông tin giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về vai trò của ngài trong ý định Đức Chúa Trời. Hãy xem xét một vài lời tường thuật này.

Những người trung thành thời xưa làm hình bóng cho Chúa Giê-su

4, 5. Ai là hình bóng cho Chúa Giê-su, và như thế nào?

4 Giăng và ba người khác viết sách Phúc âm cho thấy Môi-se, Đa-vít và Sa-lô-môn là hình bóng cho Chúa Giê-su, Đấng Được Xức Dầu và được Đức Chúa Trời chọn làm Vua. Những tôi tớ thời xưa này của Đức Chúa Trời là hình bóng cho Chúa Giê-su như thế nào, và chúng ta học được gì từ những lời tường thuật này?

5 Kinh Thánh cho chúng ta biết Môi-se là nhà tiên tri, người trung bảo và người giải cứu. Chúa Giê-su cũng vậy. Đa-vít là người chăn chiên và là một vị vua chinh phục kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên. Chúa Giê-su cũng là người chăn chiên, theo nghĩa ngài dẫn dắt dân Đức Chúa Trời, và là một vị vua chiến thắng (Ê-xê 37:24, 25). Khi vẫn còn trung thành, Sa-lô-môn là vị vua khôn ngoan, và dưới triều đại của ông, dân Y-sơ-ra-ên được hưởng thái bình (1 Vua 4:25, 29). Chúa Giê-su cũng vô cùng khôn ngoan và được gọi là “Chúa Bình-an” (Ê-sai 9:5). Rõ ràng, vai trò của Chúa Giê-su Christ rất giống với những người được nói đến ở trên, nhưng vị trí của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời vượt trội hơn hết. Trước tiên, chúng ta hãy so sánh Chúa Giê-su với Môi-se và xem làm thế nào sự so sánh đó giúp chúng ta biết đầy đủ hơn về vai trò của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Chúa Trời.

Môi-se cho thấy trước một số vai trò của Chúa Giê-su

6. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích thế nào về việc cần phải lắng nghe Chúa Giê-su?

6 Không lâu sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ trích một lời tiên tri của Môi-se đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Phi-e-rơ đang đứng trước đám đông những người Do Thái trong đền thờ. Họ “lấy làm lạ” khi thấy Phi-e-rơ và Giăng chữa lành cho một người què từ lúc mới sinh, và chạy đến để xem xét sự việc. Phi-e-rơ giải thích nhờ thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động qua Chúa Giê-su nên hai người mới làm được phép lạ đó. Rồi ông trích một đoạn từ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ: “Môi-se có nói rằng: Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ dấy lên trong anh em các ngươi một Đấng tiên-tri như ta; các ngươi phải nghe theo mọi điều Ngài sẽ phán dặn”.—Công 3:11, 22, 23; đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:15, 18, 19.

7. Tại sao những người nghe Phi-e-rơ nói có thể hiểu lời của ông về đấng tiên tri trội hơn Môi-se?

7 Những lời ấy của Môi-se hẳn quen thuộc với những người đang nghe Phi-e-rơ nói. Là dân Do Thái, họ rất xem trọng Môi-se (Phục 34:10). Họ luôn trông mong một nhà tiên tri trội hơn Môi-se xuất hiện. Nhà tiên tri đó không chỉ được Đức Chúa Trời bổ nhiệm vào vai trò đặc biệt như Môi-se, nhưng còn là Đấng Mê-si đã hứa từ trước, hay “Đấng Christ, Đấng Đức Chúa Trời đã lựa”.—Lu 23:35; Hê 11:26 *.

Những điểm tương đồng giữa Chúa Giê-su và Môi-se

8. Có một số điểm tương đồng nào giữa cuộc đời của Môi-se và Chúa Giê-su?

8 Cuộc đời Chúa Giê-su trên đất có những điểm tương đồng với Môi-se. Chẳng hạn, khi là em bé, cả Môi-se lẫn Chúa Giê-su đều thoát chết khỏi tay của bạo chúa (Xuất 1:22–2:10; Mat 2:7-14). Ngoài ra, cả hai đều được ‘gọi ra khỏi Ê-díp-tô’. Tiên tri Ô-sê nói: “Khi Y-sơ-ra-ên còn thơ-ấu, ta yêu-dấu nó; ta gọi con trai ta ra khỏi Ê-díp-tô” (Ô-sê 11:1). Ô-sê nói về giai đoạn dân Y-sơ-ra-ên, dưới sự lãnh đạo của một người được Đức Chúa Trời chọn là Môi-se, đã ra khỏi xứ Ê-díp-tô (Xuất 4:22, 23; 12:29-37). Tuy nhiên, lời của Ô-sê không chỉ đề cập đến một biến cố trong quá khứ nhưng cũng nói đến một sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Lời tiên tri này được ứng nghiệm khi Giô-sép và Ma-ri cùng với Chúa Giê-su trở về từ xứ Ê-díp-tô sau khi vua Hê-rốt băng hà.—Mat 2:15, 19-23.

9. (a) Môi-se và Chúa Giê-su đã thực hiện những phép lạ nào? (b) Hãy cho biết Chúa Giê-su và Môi-se giống nhau về những điểm nào khác. (Xem khung “Những điểm tương đồng khác giữa Chúa Giê-su và Môi-se” nơi trang 26).

9 Cả Môi-se lẫn Chúa Giê-su đều thực hiện các phép lạ, điều này cho thấy Đức Giê-hô-va ủng hộ họ. Theo lời tường thuật trong Kinh Thánh, Môi-se là người đầu tiên thực hiện phép lạ (Xuất 4:1-9). Chẳng hạn, Môi-se làm những phép lạ có liên quan đến nước khi ông khiến dòng sông Ni-lơ biến thành máu, rẽ Biển Đỏ, và khiến nước tuôn ra từ một hòn đá trong đồng vắng (Xuất 7:19-21; 14:21; 17:5-7). Chúa Giê-su cũng làm những phép lạ liên quan đến nước. Phép lạ đầu tiên của ngài là biến nước thành rượu trong một tiệc cưới (Giăng 2:1-11). Sau đó, ngài làm yên cơn bão trên biển Ga-li-lê. Thậm chí có lần ngài còn đi bộ trên mặt nước! (Mat 8:23-27; 14:23-25). Một số điểm tương đồng khác giữa Môi-se và Môi-se Lớn, tức Chúa Giê-su, được đề cập trong khung nơi trang 26.

Hiểu thêm về Đấng Christ với tư cách nhà tiên tri

10. Thế nào là một nhà tiên tri chân chính? Và tại sao có thể nói Môi-se là một nhà tiên tri như thế?

10 Đa số người ta nghĩ rằng một nhà tiên tri là người nói trước tương lai, nhưng đó chỉ là một phần trách nhiệm của một nhà tiên tri. Một nhà tiên tri chân chính là người đại diện làm phát ngôn cho Đức Giê-hô-va, người tuyên bố “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời” (Công 2:11, 16, 17). Vai trò của nhà tiên tri có thể bao gồm nhiều việc như: báo trước tương lai, tiết lộ những khía cạnh của ý định Đức Giê-hô-va hoặc tuyên bố lời phán xét của Ngài. Môi-se là nhà tiên tri như thế. Ông lần lượt báo trước từng tai ương trong Mười Tai Vạ sẽ xảy ra cho xứ Ê-díp-tô. Ông cho dân Y-sơ-ra-ên biết về giao ước Luật pháp tại núi Si-na-i. Ông cũng truyền cho dân sự biết ý muốn Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một nhà tiên tri lớn hơn Môi-se cuối cùng đã xuất hiện.

11. Làm thế nào Chúa Giê-su hoàn thành vai trò nhà tiên tri lớn hơn Môi-se?

11 Sau đó, vào thế kỷ thứ nhất TCN, Xa-cha-ri tiên tri về ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến con ông là Giăng (Lu 1:76). Người con ấy sau này gọi là Giăng Báp-tít đã cho biết sự xuất hiện của nhà tiên tri lớn hơn Môi-se đã được trông đợi từ lâu, đó là Chúa Giê-su Christ (Giăng 1:23-36). Với tư cách là nhà tiên tri, Chúa Giê-su báo trước nhiều điều. Chẳng hạn, ngài nói trước về cái chết của mình, chết như thế nào, ở đâu và bị ai giết (Mat 20:17-19). Chúa Giê-su khiến những người nghe ngài kinh ngạc khi báo trước về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ (Mác 13:1, 2). Những lời tiên tri của ngài cũng liên quan đến thời chúng ta.—Mat 24:3-41.

12. (a) Chúa Giê-su đã đặt nền tảng cho công việc rao giảng toàn cầu như thế nào? (b) Ngày nay, chúng ta noi theo gương Chúa Giê-su như thế nào?

12 Ngoài vai trò là nhà tiên tri, Chúa Giê-su còn là người truyền giáo và thầy giáo. Ngài giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, và không ai nói năng dạn dĩ như ngài (Lu 4:16-21, 43). Với tư cách là một thầy giáo, không ai sánh bằng ngài. Một số người từng nghe ngài nhận xét: “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy!” (Giăng 7:46). Chúa Giê-su đã sốt sắng trong việc rao giảng tin mừng, và gương của ngài đã thúc đẩy những người theo ngài cũng có lòng sốt sắng như thế cho công việc Nước Trời. Vì vậy, ngài đã đặt nền tảng cho công việc rao giảng và dạy dỗ trên toàn cầu, việc này vẫn tiếp tục cho đến nay (Mat 28:18-20; Công 5:42). Năm ngoái, khoảng bảy triệu môn đồ Chúa Giê-su đã dành ra khoảng 1,5 tỉ giờ cho công việc rao giảng tin mừng Nước Trời và giúp những người chú ý biết lẽ thật trong Kinh Thánh. Bạn có tham gia hết lòng vào công việc này không?

13. Điều gì sẽ giúp chúng ta “tỉnh-thức”?

13 Rõ ràng Đức Giê-hô-va đã làm ứng nghiệm lời được báo trước là sẽ có một nhà tiên tri giống như Môi-se. Điều này ảnh hưởng đến bạn thế nào, và có giúp bạn vững tin hơn vào sự ứng nghiệm các lời tiên tri sẽ xảy ra trong tương lai gần đây không? Thật vậy, việc suy ngẫm về gương của Môi-se Lớn giúp chúng ta “tỉnh-thức và dè-giữ” để nhận biết những điều Đức Chúa Trời sắp thực hiện.—1 Tê 5:2, 6.

Quý trọng Đấng Christ với tư cách là Đấng Trung Bảo

14. Làm thế nào Môi-se là người trung bảo giữa Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên?

14 Như Môi-se, Chúa Giê-su là một đấng trung bảo. Đức Giê-hô-va đã thiết lập giao ước Luật pháp với dân Y-sơ-ra-ên qua trung gian Môi-se. Nếu các con trai của Gia-cốp vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời, họ sẽ tiếp tục là tài sản đặc biệt, tức hội chúng của Ngài (Xuất 19:3-8). Giao ước ấy có hiệu lực kể từ năm 1513 TCN cho đến thế kỷ thứ nhất CN.

15. Chúa Giê-su là đấng trung bảo tốt hơn như thế nào?

15 Vào năm 33 CN, Đức Giê-hô-va thiết lập một giao ước tốt hơn với dân Y-sơ-ra-ên mới, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, dân này hợp thành hội thánh toàn cầu gồm các tín đồ Đấng Christ được xức dầu (Ga 6:16). Trong khi giao ước do Môi-se làm trung bảo gồm các điều luật được Đức Chúa Trời viết trên bảng đá, thì giao ước mà Chúa Giê-su làm trung gian vượt trội hơn. Luật pháp trong giao ước ấy được Đức Chúa Trời khắc ghi vào lòng người ta. (Đọc 1 Ti-mô-thê 2:5; Hê-bơ-rơ 8:10). Vì thế, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” giờ đây là tài sản đặc biệt của Ngài, là ‘dân có kết-quả của nước đó’, Nước Đấng Mê-si (Mat 21:43). Các thành viên của dân tộc thiêng liêng ấy dự phần vào giao ước mới đó. Tuy nhiên, họ không phải là những người duy nhất hưởng được lợi ích của giao ước ấy. Vô số người, thậm chí nhiều người hiện đang ngủ trong sự chết, sẽ nhận được ân phước vĩnh cửu nhờ giao ước tuyệt vời ấy.

Quý trọng Đấng Christ với tư cách là Đấng Giải Cứu

16. (a) Đức Giê-hô-va dùng Môi-se để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên qua những cách nào? (b) Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 14:13, ai thật sự đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên?

16 Vào đêm cuối cùng ở xứ Ê-díp-tô, một số con cháu của người Y-sơ-ra-ên ở trong tình huống vô cùng nguy hiểm. Thiên sứ của Đức Chúa Trời sắp trải qua xứ Ê-díp-tô để giết tất cả con đầu lòng. Đức Giê-hô-va bảo Môi-se rằng con đầu lòng của người Y-sơ-ra-ên sẽ được toàn mạng nếu họ lấy huyết của chiên con dùng trong Lễ Vượt Qua, rồi bôi lên thành trên và hai bên khung cửa (Xuất 12:1-13, 21-23). Mọi việc đã diễn ra như thế. Sau đó, cả nước lại rơi vào tình thế hết sức nguy hiểm. Họ bị kẹt giữa Biển Đỏ và đội quân Ê-díp-tô đang đuổi theo. Một lần nữa, Đức Giê-hô-va đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se, người đã làm phép lạ rẽ nước Biển Đỏ.—Xuất 14:13, 21.

17, 18. Chúa Giê-su là đấng giải cứu lớn hơn Môi-se qua những cách nào?

17 Những hành động giải cứu ấy thật vĩ đại, nhưng sự giải cứu Đức Giê-hô-va thực hiện qua Chúa Giê-su còn vĩ đại hơn. Chúa Giê-su là phương tiện mà Đức Chúa Trời dùng để giải thoát những người biết vâng lời khỏi vòng nô lệ của tội lỗi (Rô 5:12, 18). Sự giải thoát đó là “sự chuộc tội đời đời” (Hê 9:11, 12). Tên của Chúa Giê-su có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Chúa Giê-su, với tư cách là Đấng Giải Cứu, không chỉ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi mà mình đã phạm trong quá khứ, nhưng cũng mở đường cho chúng ta được hưởng một tương lai tốt đẹp hơn. Bằng cách giải thoát các môn đồ ngài khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, Chúa Giê-su cứu họ tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, đồng thời giúp họ có mối quan hệ đầy yêu thương với Đức Giê-hô-va.—Mat 1:21.

18 Đến đúng thời điểm, sự giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi do Chúa Giê-su cung cấp sẽ bao gồm việc thoát khỏi bệnh tật và ngay cả sự chết. Để hình dung điều này, chúng ta hãy xem xét tình huống đã xảy đến khi Chúa Giê-su tới nhà một người tên là Giai-ru. Ông có một con gái 12 tuổi đã qua đời. Chúa Giê-su an ủi ông: “Đừng sợ, hãy tin mà thôi, thì con ngươi sẽ được cứu” (Lu 8:41, 42, 49, 50). Đúng theo lời ngài phán, bé gái ấy đã sống lại. Bạn có tưởng tượng được niềm vui sướng của cha mẹ em ấy không? Nếu có, bạn cũng có thể hình dung được niềm vui mừng khôn xiết của chính mình khi “mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng [Chúa Giê-su] và ra khỏi”, tức được sống lại (Giăng 5:28, 29). Thật vậy, Chúa Giê-su là Đấng Giải Cứu của chúng ta!—Đọc Công-vụ 5:31; Tít 1:4; Khải 7:10.

19, 20. (a) Suy ngẫm về vai trò Chúa Giê-su với tư cách là Môi-se Lớn ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

19 Khi biết chúng ta có thể giúp người khác nhận được lợi ích từ những hành động giải cứu của Chúa Giê-su, chúng ta được thúc đẩy để tham gia vào công việc rao giảng và dạy dỗ (Ê-sai 61:1-3). Hơn nữa, suy ngẫm về vai trò của Chúa Giê-su với tư cách là Môi-se Lớn giúp chúng ta vững tin hơn là ngài sẽ giải cứu các môn đồ khi ngài đến thi hành sự phán xét kẻ ác.—Mat 25:31-34, 41, 46; Khải 7:9, 14.

20 Quả thật, Chúa Giê-su là Môi-se Lớn. Ngài thực hiện nhiều điều tuyệt diệu mà Môi-se chưa từng làm. Những lời Chúa Giê-su đã phán với tư cách là nhà tiên tri và những hành động ngài làm với tư cách là đấng trung bảo đã ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Là Đấng Giải Cứu, Chúa Giê-su không chỉ giải thoát nhân loại một cách tạm thời nhưng đem lại sự giải cứu vĩnh cửu. Tuy nhiên, còn có nhiều điều để học về Chúa Giê-su từ những người trung thành thời xưa. Bài kế tiếp sẽ thảo luận làm thế nào ngài là Đa-vít Lớn và Sa-lô-môn Lớn.

[Chú thích]

^ đ. 7 Từ lúc Môi-se nhận sứ mạng đặc biệt, thì có thể nói rằng ông là Christ vì được Đức Chúa Trời chọn.

Bạn giải thích thế nào?

Chúa Giê-su vượt trội hơn Môi-se thế nào trong vai trò:

• nhà tiên tri?

• đấng trung bảo?

• đấng giải cứu?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 26]

Những điểm tương đồng khác giữa Chúa Giê-su và Môi-se

□ Cả hai bỏ vị thế cao trọng để phục vụ Đức Giê-hô-va và dân Ngài.—2 Cô 8:9; Phi-líp 2:5-8; Hê 11:24-26.

□ Cả hai phụng sự với tư cách người được Đức Chúa Trời chọn, hay “christ”.​—Mác 14:61, 62; Giăng 4:25, 26; Hê 11:26.

□ Cả hai thi hành sứ mạng nhân danh Đức Giê-hô-va.​—Xuất 3:13-16; Giăng 5:43; 17:4, 6, 26.

□ Cả hai thể hiện tính khiêm nhường.​—Dân 12:3; Mat 11:28-30.

□ Môi-se góp phần làm phép lạ cho rất nhiều người ăn; Chúa Giê-su là bánh của sự sống cho vô số người.​—Xuất 16:12; Giăng 6:48-51.

□ Cả hai phụng sự với vai trò xét xử và ban luật.​—Xuất 18:13; Mal 4:4; Giăng 5:22, 23; 15:10.

□ Cả hai được giao phó quản trị nhà Đức Chúa Trời.—Dân 12:7; Hê 3:2-6.

□ Cả hai được miêu tả là nhân chứng trung thành của Đức Giê-hô-va.​—Hê 11:24-29; 12:1; Khải 1:5.

□ Sau khi Môi-se và Chúa Giê-su chết, Đức Chúa Trời làm xác cả hai biến mất.​—Phục 34:5, 6; Lu 24:1-3; Công 2:31; 1 Cô 15:50; Giu 9.