Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Noi gương trung thành của Y-tai

Noi gương trung thành của Y-tai

Noi gương trung thành của Y-tai

“Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn-năng, công-việc Chúa lớn-lao và lạ-lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường-lối Ngài là công-bình và chân-thật! Lạy Chúa, ai là kẻ không kính-sợ và không ngợi-khen danh Ngài? Vì một mình Ngài là thánh [“trung tín”, NW]”. Bài hát này, do “những kẻ đã thắng con thú và hình-tượng nó” hát từ trời, thu hút sự chú ý đến sự trung tín của Đức Chúa Trời (Khải 15:2-4). Đức Giê-hô-va muốn những người thờ phượng Ngài noi gương Ngài trong việc biểu lộ đức tính đáng quý này.

Trái lại, Sa-tan Ma-quỉ làm bất cứ điều gì để chia rẽ tôi tớ trên đất của Đức Chúa Trời khỏi tình yêu thương của Ngài, là Đấng họ thờ phượng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời thậm chí dưới những hoàn cảnh gay go. Chúng ta thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va rất quý trọng tấm lòng trọn vẹn với Ngài như thế! Thật vậy, chúng ta được bảo đảm: “Chúa mến yêu sự công chính và không bỏ các tôi trung của Chúa” (Thi 37:28, Trịnh Văn Căn). Để giúp chúng ta giữ lòng trung thành, Đức Chúa Trời đã cho ghi lại trong Lời Ngài những hoạt động của nhiều tôi tớ trung thành. Một trong những nhân vật đó là Y-tai người Ghi-tít.

“Một người ngoại-bang đã lìa xứ”

Dường như Y-tai là một người dân của thành phố Gát danh tiếng của xứ Phi-li-tin, quê hương của tên khổng lồ Gô-li-át và những kẻ thù tàn bạo khác của dân Y-sơ-ra-ên. Lần đầu tiên Kinh Thánh cho chúng ta biết về chiến binh đầy kinh nghiệm tên Y-tai là lúc Áp-sa-lôm nổi loạn chống lại vua Đa-vít. Y-tai và 600 người Phi-li-tin theo ông đang sống lưu vong ở vùng phụ cận Giê-ru-sa-lem.

Hoàn cảnh của Y-tai và những người theo ông hẳn khiến Đa-vít nhớ lại những tháng ngày ông và 600 chiến binh Y-sơ-ra-ên phải chạy trốn sang Phi-li-tin và vào lãnh thổ của A-kích, vua Gát (1 Sa 27:2, 3). Vậy, Y-tai và những người theo ông sẽ làm gì khi Đa-vít đối mặt với cuộc nổi loạn của Áp-sa-lôm? Liệu họ sẽ đứng về phía Áp-sa-lôm, đứng trung lập, hay chọn theo Đa-vít và những người theo ông?

Hãy hình dung Đa-vít đang chạy khỏi Giê-ru-sa-lem và dừng chân tại “nhà ở cuối chót thành”. Có lẽ đó là căn nhà cuối cùng ở Giê-ru-sa-lem trước khi băng qua khe Xết-rôn về phía núi Ô-li-ve (2 Sa 15:17). Tại đây, Đa-vít duyệt binh khi họ đi qua trước mặt ông. Nhưng kìa, không chỉ có những người Y-sơ-ra-ên trung thành mà còn có người Kê-rê-thít và người Phê-lê-thít đi theo Đa-vít. Ngoài ra, còn có người Ghi-tít—Y-tai và 600 chiến sĩ của ông.—2 Sa 15:18.

Với lòng cảm thông chân thành, Đa-vít nói với Y-tai: “Cớ sao ngươi cũng muốn đến cùng chúng ta? Hãy trở lại, ở với vua [chắc hẳn là Áp-sa-lôm], bởi vì ngươi là một người ngoại-bang đã lìa xứ của ngươi. Ngươi mới đến hôm qua, và hôm nay ta há sẽ cho ngươi lạc-lài đây đó với chúng ta sao? Còn ta, ta đi đâu không rõ. Vậy, hãy trở về và dẫn các anh em ngươi theo ngươi. Nguyện sự thương-xót và sự thành-tín [của Đức Giê-hô-va] ở cùng ngươi!”.—2 Sa 15:19, 20.

Y-tai tuyên bố lòng trung thành không lay chuyển của ông: “Tôi chỉ Đức Giê-hô-va hằng-sống, và chỉ mạng-sống của vua-chúa tôi mà thề, hễ vua-chúa tôi ở đâu, hoặc trong sự chết, hoặc trong sự sống, thì kẻ tôi-tớ vua cũng sẽ ở đó” (2 Sa 15:21). Điều này có lẽ đã nhắc Đa-vít nhớ lại những lời tương tự của tổ mẫu ông là Ru-tơ (Ru 1:16, 17). Vì rất cảm động khi nghe Y-tai nói như thế nên Đa-vít bảo Y-tai: “Hãy đến đi trước” qua khe Xết-rôn. Khi đó “Y-tai người Ghi-tít cùng hết thảy con trẻ theo mình, và cả bọn người đều đi tới trước”.—2 Sa 15:22.

“Để dạy-dỗ chúng ta”

Rô-ma 15:4 nói: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta”. Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: “Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ gương của Y-tai?”. Hãy xem xét điều gì có lẽ đã thúc đẩy Y-tai trung thành với Đa-vít. Dù là người ngoại bang và sống lưu vong khỏi xứ Phi-li-tin, Y-tai biết Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hằng sống và Ngài đã chọn Đa-vít làm vua. Y-tai không để sự hận thù giữa dân Y-sơ-ra-ên và Phi-li-tin ảnh hưởng đến ông. Ông chú trọng vào một điểm khác nơi Đa-vít hơn là chỉ xem Đa-vít là người đã giết kẻ vô địch của xứ Phi-li-tin là Gô-li-át và nhiều người đồng hương của ông (1 Sa 18:6, 7). Y-tai xem Đa-vít là người yêu mến Đức Giê-hô-va và chắc chắn chú ý đến những đức tính nổi bật của Đa-vít. Về phần Đa-vít, ông rất quý trọng Y-tai. Thậm chí Đa-vít giao cho Y-tai lãnh đạo một phần ba binh lính của ông trong trận chiến quyết định chống lại lực lượng Áp-sa-lôm.—2 Sa 18:2.

Chúng ta cũng cố gắng không để sự khác biệt về văn hóa, chủng tộc hay sắc tộc—bất kỳ sự thành kiến và hận thù dai dẳng nào—ảnh hưởng đến mình, mà hãy nhận ra những đức tính tốt nơi người khác. Tình cảm gắn bó giữa Đa-vít và Y-tai cho thấy rằng việc chúng ta học biết và yêu mến Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta vượt qua những rào cản như thế.

Khi suy ngẫm về gương của Y-tai, chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi có thể hiện lòng trung thành tương tự với Đa-vít Lớn, tức Chúa Giê-su không? Tôi có biểu lộ lòng trung thành qua việc sốt sắng tham gia công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ không? (Mat 24:14; 28:19, 20). Tôi chấp nhận chịu đựng đến mức nào để chứng tỏ lòng trung thành của mình?”.

Những người chủ gia đình cũng được lợi ích khi suy ngẫm gương trung thành của Y-tai. Lòng trung thành của ông đối với Đa-vít và việc Y-tai quyết định đi theo vị vua được Đức Chúa Trời chọn đã ảnh hưởng đến những người theo ông. Tương tự thế, những quyết định ủng hộ sự thờ phượng thật của người chủ gia đình ảnh hưởng đến những thành viên khác, ngay cả điều này có thể đem lại những thử thách tạm thời. Tuy nhiên, chúng ta được bảo đảm: “Với người trung tín, [Đức Giê-hô-va] là Đấng trung tín”.—Thi 18:25, Bản Dịch Mới.

Sau trận chiến giữa Đa-vít và Áp-sa-lôm, Kinh Thánh không cho biết thêm về Y-tai. Tuy nhiên, lời Kinh Thánh tường thuật ngắn gọn về ông trong giai đoạn đầy gian truân này của cuộc đời Đa-vít cho chúng ta biết Y-tai là người như thế nào. Việc Kinh Thánh ghi lại trường hợp của Y-tai cho thấy Đức Giê-hô-va biết và ban thưởng cho những người trung thành như thế.—Hê 6:10.