Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao noi theo “Đấng Christ”?

Tại sao noi theo “Đấng Christ”?

Tại sao noi theo “Đấng Christ”?

“Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi... mà theo ta”.—LU 9:23.

1, 2. Tại sao việc chúng ta xem xét lý do để noi theo “Đấng Christ” là quan trọng?

Đức Giê-hô-va hẳn vui mừng biết bao khi thấy trong các hội thánh gồm những người thờ phượng Ngài trên đất có các bạn là những người mới chú ý và người trẻ! Khi tiếp tục học hỏi Kinh Thánh, đều đặn tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ và gia tăng sự hiểu biết về lẽ thật cứu mạng trong Lời Đức Chúa Trời, bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về lời mời của Chúa Giê-su: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác [cây khổ hình] mình mà theo ta” (Lu 9:23). Chúa Giê-su nói rằng việc “tự bỏ mình” hay quên mình và trở thành môn đồ ngài là điều bạn sẽ muốn làm. Vậy, điều quan trọng là xem xét tại sao chúng ta nên noi theo “Đấng Christ”.—Mat 16:13-16

2 Về phần những người trong chúng ta đã bước theo dấu chân Chúa Giê-su thì sao? Chúng ta được khuyến khích làm điều đó “càng ngày càng tới” (1 Tê 4:1, 2). Dù chúng ta theo sự thờ phượng thật mới đây hay nhiều thập niên, suy ngẫm về những lý do để theo Chúa Giê-su sẽ giúp chúng ta áp dụng lời khuyên của Phao-lô và noi gương ngài càng trọn vẹn hơn trong đời sống hằng ngày. Hãy xem xét năm lý do cho thấy tại sao chúng ta muốn noi theo Chúa Giê-su.

Trở nên gần gũi Đức Giê-hô-va hơn

3. Chúng ta có thể biết về Đức Giê-hô-va qua hai cách nào?

3 Sứ đồ Phao-lô “đứng giữa A-rê-ô-ba” và nói với những người ở thành A-thên: “[Đức Chúa Trời] định trước thì giờ đời người ta cùng giới-hạn chỗ ở, hầu cho tìm-kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (Công 17:22, 26, 27). Chúng ta có thể tìm kiếm Đức Chúa Trời và thật sự biết về Ngài. Chẳng hạn, các công trình sáng tạo cho biết nhiều về những đức tính và khả năng của Đấng Tạo Hóa. Việc suy ngẫm với lòng biết ơn về những công trình ấy có thể dạy chúng ta nhiều điều về Ngài (Rô 1:20). Đức Giê-hô-va cũng tiết lộ nhiều chi tiết về Ngài trong Kinh Thánh (2 Ti 3:16, 17). Càng “ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”, chúng ta càng biết về Đức Giê-hô-va nhiều hơn.—Thi 77:12.

4. Làm thế nào việc noi theo Đấng Christ có thể giúp chúng ta gần gũi Đức Giê-hô-va hơn?

4 Một cách rất tốt để đến gần Đức Giê-hô-va hơn đó là noi theo Đấng Christ. Hãy nghĩ đến sự vinh hiển Chúa Giê-su đã có khi ở cạnh Cha ngài “trước khi chưa có thế-gian”! (Giăng 17:5). Ngài là “đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời” (Khải 3:14). Là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”, Chúa Giê-su sống rất lâu ở trên trời cùng Cha ngài, Đức Giê-hô-va. Trước khi xuống đất làm người, Chúa Giê-su đã làm nhiều điều hơn là chỉ dành thời gian cùng Cha ngài. Ngài ở kề cận Đức Chúa Trời, vui vẻ làm việc với Đấng Toàn Năng, tạo mối quan hệ yêu thương chặt chẽ nhất từ trước đến nay. Chúa Giê-su không chỉ quan sát cách Cha ngài làm việc, để ý đến cảm nghĩ và các đức tính của Cha, nhưng ngài cũng tiếp thu noi theo mọi điều từ Cha ngài. Kết quả là người Con biết vâng lời này trở nên giống Cha đến nỗi Kinh Thánh nói ngài là “hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được” (Cô 1:15). Bằng cách theo sát gương mẫu của Đấng Christ, chúng ta có thể gần gũi Đức Chúa Trời hơn.

Noi gương Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn

5. Điều gì sẽ giúp chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn, và tại sao?

5 Vì được ‘làm nên như hình Đức Chúa Trời và theo tượng Ngài’, chúng ta có thể phản ánh những đức tính của Ngài (Sáng 1:26). Sứ đồ Phao-lô khuyến khích tín đồ Đấng Christ “trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài” (Ê-phê 5:1). Noi theo Đấng Christ giúp chúng ta noi gương Cha trên trời. Đó là vì Chúa Giê-su phản ánh suy nghĩ, cảm xúc và đức tính của Đức Chúa Trời tốt hơn và giải thích về Cha ngài đầy đủ hơn bất kỳ ai. Khi sống trên đất, Chúa Giê-su không chỉ làm sáng danh Đức Giê-hô-va, ngài còn tiết lộ về Đấng mang danh đó. (Đọc Ma-thi-ơ 11:27). Chúa Giê-su làm thế qua lời nói và hành động, sự dạy dỗ và gương mẫu của ngài.

6. Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su tiết lộ điều gì về Đức Giê-hô-va?

6 Qua sự dạy dỗ, Chúa Giê-su cho biết Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta và Ngài cảm thấy thế nào về những người thờ phượng Ngài (Mat 22:36-40; Lu 12:6, 7; 15:4-7). Chẳng hạn, sau khi trích một trong Mười Điều Răn: “Ngươi chớ phạm tội tà-dâm”, Chúa Giê-su giải thích quan điểm của Đức Chúa Trời về những gì trong lòng của một người rất lâu trước khi người đó phạm tội. Ngài nói: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi” (Xuất 20:14; Mat 5:27, 28). Người Pha-ri-si đã diễn giải sai một câu trong Luật Pháp Môi-se, họ nói: “Hãy yêu người lân-cận, và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình”, nhưng Chúa Giê-su cho biết quan điểm của Đức Giê-hô-va: “Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi” (Mat 5:43, 44; Xuất 23:4; Lê 19:18). Hiểu biết về lối suy nghĩ, cảm xúc của Đức Chúa Trời và những gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta sẽ giúp chúng ta noi gương Ngài trọn vẹn hơn.

7, 8. Chúng ta có thể học được gì về Đức Giê-hô-va qua gương mẫu của Chúa Giê-su?

7 Chúa Giê-su cũng tiết lộ về Cha ngài qua gương mẫu. Khi đọc các sách Phúc âm, chúng ta biết Chúa Giê-su có lòng trắc ẩn đối với những người thiếu thốn, cảm thông những người đau khổ và giận các môn đồ đã quở trách con trẻ; chẳng phải chúng ta cũng thấy Cha ngài có cùng cảm xúc như thế sao? (Mác 1:40-42; 10:13, 14; Giăng 11:32-35). Hãy nghĩ đến những hành động của Chúa Giê-su cho chúng ta biết các đức tính chính của Đức Chúa Trời. Chẳng phải những phép lạ Chúa Giê-su thực hiện cho thấy quyền năng lớn lao mà ngài có thể sử dụng tùy ý sao? Tuy nhiên, ngài không bao giờ sử dụng quyền năng ấy vì lợi ích riêng hoặc để hại người khác (Lu 4:1-4). Hành động đuổi những nhà buôn tham lam ra khỏi đền thờ cho thấy rõ ràng biết bao về sự công bình của ngài! (Mác 11:15-17; Giăng 2:13-16). Sự dạy dỗ của ngài và những lời đầy ơn lành ngài dùng để động đến lòng người ta cho thấy ngài “hơn vua Sa-lô-môn” về sự khôn ngoan (Mat 12:42). Về tình yêu thương Chúa Giê-su thể hiện qua việc hy sinh mạng sống vì người khác, Kinh Thánh miêu tả: “Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn”.—Giăng 15:13.

8 Chúa Giê-su giống Đức Giê-hô-va trong lời nói và việc làm đến nỗi ngài có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Noi theo Đấng Christ cũng giống như noi gương Đức Giê-hô-va.

Chúa Giê-su là Đấng Được Xức Dầu của Đức Giê-hô-va

9. Chúa Giê-su trở thành Đấng Được Xức Dầu của Đức Chúa Trời khi nào và như thế nào?

9 Hãy xem điều xảy ra vào mùa thu năm 29 CN, lúc ấy Chúa Giê-su được 30 tuổi và ngài đến gặp Giăng Báp-tít. “Vừa khi chịu phép báp-têm rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh-Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ-câu, đậu trên Ngài”. Lúc đó, Chúa Giê-su trở thành Đấng Christ hay Đấng Mê-si, tức Đấng Được Xức Dầu. Cùng lúc đó, Đức Giê-hô-va cho biết Ngài chọn Chúa Giê-su khi nói: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Mat 3:13-17). Quả là lý do chính đáng để chúng ta muốn noi theo Đấng Christ!

10, 11. (a) Tước hiệu “Christ” được dùng cho Chúa Giê-su theo những cách nào? (b) Tại sao chúng ta phải chắc chắn là mình noi theo Chúa Giê-su?

10 Trong Kinh Thánh, tước hiệu “Christ” được dùng cho Chúa Giê-su theo nhiều cách khác nhau như: Giê-su Christ, Christ Giê-su và Đấng Christ. Chúa Giê-su là người đầu tiên dùng từ “Giê-su Christ”—tên đứng trước tước hiệu. Trong lời cầu nguyện với Cha, ngài nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Cách dùng này rõ ràng thu hút sự chú ý tới đấng được Đức Chúa Trời sai đến và trở thành Đấng Được Xức Dầu. Tước hiệu đứng trước tên, như là “Christ-Jêsus”, nhằm nhấn mạnh địa vị hơn là người đó (2 Cô 4:5, Ghi-đê-ôn). Việc dùng từ “Đấng Christ”, chỉ có tước hiệu, là một cách khác để nhấn mạnh địa vị của ngài là Đấng Mê-si.—Công 5:42.

11 Dù tước hiệu “Christ” được dùng theo cách nào để nói về Chúa Giê-su, nó nhấn mạnh sự thật quan trọng này: Dù Con của Đức Chúa Trời xuống đất làm người và cho người khác biết về ý muốn Cha ngài, ngài không chỉ là một người thường hay một nhà tiên tri; ngài đến với tư cách là Đấng Được Xức Dầu của Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng ta phải chắc chắn là mình noi theo Đấng ấy.

Chúa Giê-su là đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi

12. Câu nào Chúa Giê-su nói với sứ đồ Thô-ma có ý nghĩa đối với chúng ta?

12 Lời Chúa Giê-su nói với các sứ đồ trung thành của ngài chỉ vài giờ trước khi chết cho chúng ta biết một lý do quan trọng khác để tiếp tục noi theo Đấng Mê-si. Để trả lời câu hỏi của Thô-ma về lời Chúa Giê-su phán liên quan đến việc ngài ra đi và chuẩn bị cho họ một chỗ, ngài nói: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:1-6). Ngài nói câu này với 11 sứ đồ trung thành và hứa cho họ một chỗ ở trên trời, nhưng lời ngài cũng có ý nghĩa đối với những người có hy vọng sống đời đời trên đất (Khải 7:9, 10; 21:1-4). Tại sao có thể nói như thế?

13. Chúa Giê-su là “đường đi” theo nghĩa nào?

13 Chúa Giê-su là “đường đi”, nghĩa là qua ngài chúng ta mới đến gần Đức Chúa Trời được. Điều này là đúng khi nói về việc cầu nguyện, vì chỉ khi nào cầu nguyện qua Chúa Giê-su chúng ta mới chắc chắn rằng Cha trên trời sẽ ban cho chúng ta bất cứ điều gì mình xin phù hợp với ý muốn của Ngài (Giăng 15:16). Tuy nhiên, Chúa Giê-su là “đường đi” theo một nghĩa khác nữa. Tội lỗi khiến nhân loại xa cách Đức Chúa Trời (Ê-sai 59:2). Chúa Giê-su đã “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mat 20:28). Kinh Thánh cho biết kết quả: “Huyết của Đức Chúa Jêsus... làm sạch mọi tội chúng ta” (1 Giăng 1:7). Nhờ vậy, Con Đức Chúa Trời mở đường để chúng ta hòa thuận lại với Cha ngài (Rô 5:8-10). Qua việc đặt đức tin nơi Chúa Giê-su và vâng lời ngài, chúng ta có được mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời.—Giăng 3:36.

14. Chúa Giê-su là “lẽ thật” như thế nào?

14 Chúa Giê-su là “lẽ thật” không chỉ vì ngài luôn nói và sống theo lẽ thật nhưng vì tất cả lời tiên tri về Đấng Mê-si đều được ứng nghiệm nơi ngài, và có rất nhiều lời tiên tri như thế. Sứ đồ Phao-lô viết: “Các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài cả” (2 Cô 1:20). Ngay cả “bóng của sự tốt-lành ngày sau” trong Luật pháp Môi-se cũng được ứng nghiệm nơi ngài (Hê 10:1; Cô 2:17). Tất cả các lời tiên tri đều tập trung vào Chúa Giê-su và giúp chúng ta hiểu được vai trò chính yếu của ngài trong việc thực hiện ý định Đức Giê-hô-va (Khải 19:10). Để hưởng được những điều Đức Chúa Trời hứa cho mình, chúng ta phải noi theo Đấng Mê-si.

15. Chúa Giê-su là “sự sống” theo nghĩa nào?

15 Chúa Giê-su là “sự sống” vì ngài đã chuộc nhân loại bằng huyết của ngài, và sự sống đời đời là một món quà mà Đức Chúa Trời ban qua “Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta” (Rô 6:23). Chúa Giê-su cũng là “sự sống” cho những người đã qua đời (Giăng 5:28, 29). Hơn nữa, hãy nghĩ về những điều ngài sẽ làm với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Thật vậy, ngài sẽ dùng chính huyết mình để chuộc dân ngài trên đất khỏi tội lỗi và sự chết!—Hê 9:11, 12, 28.

16. Chúng ta có lý do nào để noi theo Chúa Giê-su?

16 Vì vậy, câu trả lời của Chúa Giê-su dành cho Thô-ma có ý nghĩa sâu xa đối với chúng ta. Chúa Giê-su là đường đi, lẽ thật và sự sống. Ngài là đấng Đức Chúa Trời sai xuống thế gian hầu cho thế gian nhờ ngài mà được cứu (Giăng 3:17). Không nhờ ngài thì không ai đến được cùng Cha trên trời. Kinh Thánh nói rõ: “Chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công 4:12). Vì thế, dù trước đây chúng ta tin gì đi nữa, thì điều khôn ngoan là chúng ta tin Chúa Giê-su, noi gương ngài và nhờ thế nhận được sự sống.—Giăng 20:31.

Chúng ta được lệnh phải nghe theo Chúa Giê-su

17. Tại sao nghe theo Con Đức Chúa Trời là quan trọng?

17 Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ đã chứng kiến Chúa Giê-su hóa hình. Lúc ấy, họ nghe một tiếng từ trên trời nói: “Nầy là Con ta, Người được lựa-chọn của ta, hãy nghe Người” (Lu 9:28, 29, 35). Việc chúng ta vâng mệnh lệnh nghe theo Đấng Mê-si là một vấn đề quan trọng.—Đọc Công-vụ 3:22, 23.

18. Chúng ta nghe theo Chúa Giê-su như thế nào?

18 Nghe theo Chúa Giê-su liên quan đến việc ‘nhìn xem và nghĩ đến ngài’ (Hê 12:2, 3). Vậy, chúng ta nên “càng giữ vững lấy” điều mình đọc và nghe về ngài trong Kinh Thánh, các ấn phẩm của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và tại các buổi họp đạo Đấng Christ (Hê 2:1; Mat 24:45). Là chiên của Chúa Giê-su, chúng ta hãy sốt sắng lắng nghe và noi theo ngài.—Giăng 10:27.

19. Điều gì sẽ giúp chúng ta tiếp tục noi theo Đấng Christ?

19 Dù có khó khăn gì đi nữa, chúng ta có thể thành công trong việc tiếp tục noi theo Đấng Christ không? Chắc chắn có, nếu chúng ta “giữ lấy mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” bằng cách áp dụng những điều mình học với “lòng tin và yêu trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.—2 Ti 1:13.

Bạn học được gì?

• Tại sao noi theo “Đấng Christ” có thể giúp chúng ta gần gũi Đức Giê-hô-va hơn?

• Tại sao noi theo Chúa Giê-su cũng giống như noi gương Đức Giê-hô-va?

• Chúa Giê-su là “đường đi, lẽ thật, và sự sống” như thế nào?

• Tại sao chúng ta nên nghe theo Đấng Được Xức Dầu của Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 29]

Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su phản ánh lối suy nghĩ vượt trội của Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 30]

Chúng ta phải trung thành noi theo Đấng Được Xức Dầu của Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 32]

Đức Giê-hô-va đã phán: “Nầy là Con ta... hãy nghe Người”