Ủy nhiệm công việc—Tại sao và như thế nào?
Ủy nhiệm công việc—Tại sao và như thế nào?
Việc ủy nhiệm đã có từ lâu, ngay cả trước khi Trái Đất được tạo ra. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã tạo ra Con một, rồi qua Con ấy là “thợ cái”, Ngài tạo ra vũ trụ (Châm 8:22, 23, 30; Giăng 1:3). Khi Đức Chúa Trời tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên, Ngài bảo họ “làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng 1:28). Đấng Tạo Hóa đã giao cho con người nhiệm vụ mở rộng vườn Ê-đen xinh đẹp ra khắp đất. Thật vậy, ngay từ ban đầu, việc ủy nhiệm là một đặc điểm của tổ chức Đức Giê-hô-va.
Ủy nhiệm bao hàm điều gì? Tại sao các trưởng lão đạo Đấng Christ nên ủy nhiệm cho người khác một số việc trong hội thánh? Họ làm điều đó như thế nào?
Ủy nhiệm là gì?
“Ủy nhiệm” là “giao cho người khác làm thay một nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình” (Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học). Việc giao trách nhiệm cho người khác đòi hỏi bạn phải cùng người ấy hoàn thành mục tiêu. Khi làm thế, hiển nhiên bạn phải san sẻ quyền hành.
Những người được giao trách nhiệm trong hội thánh phải hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo tiến độ của công việc và thường bàn
bạc với người giao nhiệm vụ cho mình. Tuy nhiên, anh trưởng lão đã giao nhiệm vụ thì chịu trách nhiệm chính. Anh để ý xem công việc tiến hành đến đâu và cho lời khuyên khi cần thiết. Nhưng, một số người có thể thắc mắc: “Nếu một anh có thể tự làm công việc ấy thì tại sao lại giao cho người khác?”.Tại sao ủy nhiệm?
Hãy nghĩ đến việc Đức Giê-hô-va tạo ra Con một và giao cho Con ấy vai trò trong công việc sáng tạo. Thật thế, “muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được” (Cô 1:16). Đấng Tạo Hóa có thể tự làm mọi việc, nhưng Ngài muốn Con Ngài trải nghiệm được niềm vui trong công việc (Châm 8:31). Điều này giúp Con biết rõ hơn các đức tính của Đức Chúa Trời. Có thể nói rằng Cha đã dùng cơ hội này để huấn luyện Con một của Ngài.
Khi sống trên đất, Chúa Giê-su noi gương Cha ngài về vấn đề này. Ngài dần dần huấn luyện các môn đồ. Thoạt tiên, ngài sai 12 sứ đồ, rồi 70 môn đồ đi trước ngài đến một số nơi để bắt đầu rao giảng (Lu 9:1-6; 10:1-7). Công việc của họ đã đặt nền tảng cho Chúa Giê-su, sau đó ngài đến và rao giảng ở những nơi ấy. Trước khi lên trời, Chúa Giê-su giao cho các môn đồ đã được huấn luyện những trách nhiệm quan trọng hơn, kể cả việc rao giảng trên khắp đất.—Mat 24:45-47; Công 1:8.
Ủy nhiệm và huấn luyện là đặc điểm của hội thánh đạo Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Những điều con đã nghe... hãy giao-phó cho mấy người trung-thành, cũng có tài dạy-dỗ kẻ khác” (2 Ti 2:2). Đúng thế, những người có kinh nghiệm cần huấn luyện người khác, rồi những người này sẽ huấn luyện người khác nữa.
Trưởng lão có thể san sẻ niềm vui của việc dạy dỗ và chăn bầy bằng cách ủy nhiệm một số công việc của mình cho người khác. Nhận thức rằng khả năng con người có giới hạn, các trưởng lão có thêm lý do để mời người khác san sẻ trách nhiệm trong hội thánh. Kinh Thánh cho biết: “Sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng” (Châm 11:2). Một người khiêm nhượng hay khiêm tốn thì nhận thức những giới hạn của mình. Nếu cố làm hết mọi việc, bạn có thể bị kiệt sức và đánh mất thời gian mà lẽ ra bạn phải dành cho gia đình. Vì vậy, san sẻ trách nhiệm với người khác quả là điều khôn ngoan. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp anh giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão. Anh có thể nhờ các trưởng lão khác kiểm tra sổ sách kế toán, như thế các anh trưởng lão ấy hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của hội thánh.
Việc ủy nhiệm không những tạo cơ hội cho người khác có được kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết mà còn giúp người ủy nhiệm thấy rõ khả năng của người được giao việc. Vì thế, qua việc giao những trách nhiệm thích hợp trong hội thánh, các trưởng lão có thể thử xem anh nào có triển vọng trở thành tôi tớ thánh chức.—1 Ti 3:10.
Cuối cùng, qua việc ủy nhiệm, các trưởng lão biểu lộ lòng tin cậy nơi người khác. Sứ đồ Phao-lô đã huấn luyện Ti-mô-thê khi hai người cùng làm công việc giáo sĩ. Mối quan hệ giữa hai người ngày càng khắng khít. Phao-lô đã gọi Ti-mô-thê là “con thật của ta trong đức-tin” (1 Ti 1:2). Tương tự thế, khi cùng tạo dựng mọi vật, mối quan hệ giữa Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su ngày càng mật thiết. Qua việc ủy nhiệm, các trưởng lão có thể phát triển mối quan hệ nồng ấm với người khác.
Tại sao một số người lưỡng lự?
Dù biết có những thuận lợi, một số trưởng lão thấy khó ủy nhiệm công việc cho người khác, có lẽ vì cảm thấy bị mất một số quyền hành. Họ có thể nghĩ rằng mình phải luôn nắm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trước khi lên trời, Chúa Giê-su đã giao cho các môn đồ thực hiện một nhiệm vụ quan trọng, biết rằng công việc của họ sẽ có quy mô rộng lớn hơn công việc của ngài!—Mat 28:19, 20; Giăng 14:12.
Các trưởng lão khác có thể đã ủy nhiệm công việc nhưng không hài lòng với kết quả. Họ có thể nghĩ rằng mình làm công việc ấy tốt hơn và nhanh hơn. Tuy nhiên, hãy xem xét gương của Phao-lô. Ông biết giá trị của việc ủy nhiệm, nhưng ông cũng ý thức rằng những người được huấn luyện không luôn hoàn thành nhiệm vụ đúng như ông mong đợi. Trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ nhất, Phao-lô đã huấn luyện người bạn đồng hành trẻ tuổi là Mác. Ông vô cùng thất vọng vì Mác đã bỏ dở chuyến hành trình và trở về nhà (Công 13:13; 15:37, 38). Thế nhưng, điều đó không ngăn Phao-lô huấn luyện người khác. Như đã đề cập ở trên, ông mời một tín đồ trẻ là Ti-mô-thê làm bạn đồng hành. Khi Ti-mô-thê đã sẵn sàng nhận trách nhiệm quan trọng hơn, Phao-lô đã để Ti-mô-thê ở lại thành Ê-phê-sô, ủy quyền cho Ti-mô-thê bổ nhiệm các giám thị và tôi tớ thánh chức trong hội thánh.—1 Ti 1:3; 3:1-10, 12, 13; 5:22.
Cũng vậy, các trưởng lão thời nay không nên ngưng huấn luyện các anh khác chỉ vì một anh đã không làm tròn trách nhiệm. Điều khôn ngoan và quan trọng là tập tin cậy và huấn luyện người khác. Tuy nhiên, khi ủy nhiệm công việc, các trưởng lão nên nhớ những yếu tố nào?
Ủy nhiệm như thế nào?
Trong việc ủy nhiệm, hãy xem xét năng lực của người mà bạn định giao trách nhiệm. Khi có vấn đề về việc phân phát thực phẩm hằng ngày ở Giê-ru-sa-lem, các sứ đồ chọn ‘bảy người có danh tốt, đầy dẫy thánh-linh và trí-khôn’ (Công 6:3). Nếu nhờ một người không đáng tin cậy làm việc, người đó có thể không hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, hãy giao các việc nhỏ trước. Khi một người chứng tỏ mình đáng tin cậy, người đó có thể nhận thêm trách nhiệm.
Nhưng không chỉ có thế, tính cách và khả năng mỗi người mỗi khác. Mỗi người cũng có kinh nghiệm khác nhau. Một anh thân thiện và dễ đến gần có thể thích hợp với nhiệm vụ hướng dẫn, còn anh khác có tính ngăn nắp và trật tự có thể rất hữu ích trong việc giúp anh thư ký. Một chị có óc thẩm mỹ có thể được giao trách nhiệm cắm hoa trong Lễ Tưởng Niệm.
Khi ủy nhiệm, hãy nói rõ bạn muốn người ấy làm gì. Trước khi Giăng Báp-tít sai người đến với Chúa Giê-su, ông giải thích với họ là ông muốn biết điều gì và họ phải nói gì (Lu 7:18-20). Một trường hợp khác, khi Chúa Giê-su bảo các môn đồ nhặt thức ăn thừa mà ngài đã cung cấp bằng phép lạ, Chúa Giê-su không hướng dẫn cụ thể từng chi tiết (Giăng 6:12, 13). Chỉ thị rõ đến mức nào là tùy vào bản chất của công việc và khả năng của người được ủy nhiệm. Người giao việc lẫn người nhận việc phải hiểu mục tiêu cũng như thời gian để báo cáo tiến trình của công việc, và hiểu người nhận việc có quyền tự do quyết định đến mức nào. Trong trường hợp công việc phải được hoàn thành theo một hạn định nào đó, anh nhận việc có thể cố gắng nhiều hơn để thực hiện nếu hai người đã bàn bạc và đồng ý với nhau về hạn định, thay vì chỉ một người áp đặt.
Người được giao việc cần được cung cấp đầy đủ tiền bạc, dụng cụ và sự hỗ trợ cần thiết. Cho người khác biết về sắp đặt này cũng có ích. Khi Chúa Giê-su giao cho Phi-e-rơ “chìa khóa nước thiên-đàng”, ngài đã nói điều đó trước mặt các môn đồ khác (Mat 16:13-19). Tương tự, trong một số trường hợp, cho hội thánh biết ai là người chịu trách nhiệm về một công việc nào đó cũng hữu ích.
Bạn cũng cần phải thận trọng. Nếu bạn cố kiểm soát công việc đã ủy nhiệm cho một người thì chẳng khác nào bạn nói: “Tôi không tin anh”. Đành rằng, đôi khi kết quả không đúng như ý bạn. Tuy nhiên, nếu thực hiện công việc với một số tự do nào đó, rất có thể anh được ủy nhiệm sẽ có thêm tự tin và kinh nghiệm. Thật ra, điều này không có nghĩa là không nên lưu tâm đến cách anh ấy thực hiện công việc. Dù Chúa Giê-su được giao một vai trò nhất định trong tiến trình sáng tạo, Đức Giê-hô-va cũng tham gia công việc. Đức Chúa Trời nói với Thợ Cái: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta” (Sáng 1:26). Vì thế, bạn hãy hỗ trợ công việc qua lời nói và hành động, cũng như khen về những nỗ lực của người được ủy nhiệm. Anh ấy cũng được lợi ích khi cùng bạn xem sơ qua kết quả công việc. Nếu công việc không tiến hành tốt, đừng ngại cho lời khuyên và sự hỗ trợ cần thiết. Hãy nhớ rằng, bạn là người giao việc thì phải chịu trách nhiệm chính.—Lu 12:48.
Nhiều người trong hội thánh được lợi ích khi trưởng lão thật sự quan tâm và giao việc cho họ. Thật vậy, noi gương Đức Giê-hô-va, tất cả các trưởng lão cần biết tại sao nên ủy nhiệm cho người khác và ủy nhiệm như thế nào.
[Khung nơi trang 29]
ỦY NHIỆM LÀ CÁCH ĐỂ
• san sẻ niềm vui trong công việc
• làm được nhiều hơn
• biểu lộ sự khôn ngoan và khiêm tốn
• huấn luyện người khác
• thể hiện lòng tin cậy nơi người khác
[Khung nơi trang 30]
ỦY NHIỆM NHƯ THẾ NÀO?
• Chọn người thích hợp với công việc
• Giải thích/bàn bạc rõ ràng
• Nói rõ phải hoàn thành những gì
• Cung cấp những điều cần thiết
• Quan tâm đến công việc và biểu lộ lòng tin cậy
• Sẵn sàng chịu trách nhiệm chính
[Các hình nơi trang 31]
Ủy nhiệm bao hàm giao công việc cho người khác và quan tâm đến tiến độ của việc ấy