Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy nói thật với người lân cận

Hãy nói thật với người lân cận

Hãy nói thật với người lân cận

“Mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân-cận mình”.—Ê-PHÊ 4:25.

1, 2. Người ta có quan điểm nào về sự thật?

Từ lâu, sự thật là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Vào thế kỷ thứ sáu TCN, nhà thơ Hy Lạp là Alcaeus đã viết: “Sự thật nằm trong men rượu”. Câu này ngụ ý rằng sự thật chỉ được tiết lộ sau khi một người quá chén và có lẽ nói nhiều hơn. Vào thế kỷ thứ nhất, quan tổng đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát cũng cho thấy ông có quan điểm sai lầm về sự thật khi nêu lên câu hỏi đầy hoài nghi: “Chân lý là gì?”.—Giăng 18:38, Bản Dịch Mới.

2 Thời nay, có nhiều quan điểm mâu thuẫn về sự thật. Nhiều người cho rằng từ “sự thật” có nhiều nghĩa hoặc quan niệm mỗi người mỗi khác. Còn những người khác thì chỉ nói thật khi thuận lợi hoặc đó là cách nhanh chóng để giải quyết vấn đề vì lợi ích cá nhân. Cuốn sách “Tầm quan trọng của việc nói dối” (The Importance of Lying) cho biết: “Sự chân thật có thể là một lý tưởng cao cả, nhưng ít có giá trị trong cuộc đấu tranh để sinh tồn và đảm bảo an toàn. Không có nhiều lựa chọn giữa nói thật hay nói dối, vì phải nói dối mới sống được”.

3. Tại sao Chúa Giê-su là gương nổi bật về việc nói thật?

3 Các môn đồ Chúa Giê-su có quan điểm khác biệt biết bao! Quan điểm của Chúa Giê-su không giống với quan điểm sai lầm của những người nêu trên. Ngài luôn nói sự thật. Ngay cả những kẻ thù của ngài cũng thừa nhận: “Lạy thầy, chúng tôi biết thầy là thật [“người chân thật”, BDM], và theo cách thật mà dạy đạo của Đức Chúa Trời” (Mat 22:16). Ngày nay cũng thế, các tín đồ chân chính của Chúa Giê-su noi gương ngài. Họ không ngần ngại nói sự thật. Họ rất đồng tình với sứ đồ Phao-lô, người đã khuyên các anh em đồng đạo: “Mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân-cận mình” (Ê-phê 4:25). Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh trong lời của Phao-lô. Thứ nhất, ai là người lân cận của chúng ta? Thứ nhì, nói thật nghĩa là gì? Thứ ba, làm thế nào chúng ta áp dụng điều này trong cuộc sống hằng ngày?

Ai là người lân cận của chúng ta?

4. Không như những nhà lãnh đạo Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su đã phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va về người lân cận như thế nào?

4 Vào thế kỷ thứ nhất CN, một số nhà lãnh đạo Do Thái dạy rằng chỉ dân Do Thái hoặc bạn thân của họ mới xứng đáng được gọi là người “lân-cận”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su hoàn toàn phản ánh cá tính và lối suy nghĩ của Cha ngài (Giăng 14:9). Điều đáng chú ý, ngài cho các môn đồ thấy rằng Đức Chúa Trời không xem trọng chủng tộc hay quốc gia nào (Giăng 4:5-26). Hơn nữa, qua thánh linh, Đức Chúa Trời cho sứ đồ Phi-e-rơ biết: “[Ngài] chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công 10:28, 34, 35). Vì thế, chúng ta nên xem mọi người là người lân cận, biểu lộ tình yêu thương ngay cả với những người có hành động như kẻ thù.—Mat 5:43-45.

5. Nói thật với người lân cận có nghĩa gì?

5 Tuy nhiên, Phao-lô có ý gì khi nói rằng chúng ta nên nói thật với người lân cận? Nói thật bao hàm việc chia sẻ thông tin căn cứ trên sự thật, không chút dối trá. Tín đồ Đấng Christ chân chính không bóp méo hay xuyên tạc sự kiện để đánh lừa người khác. Họ “gớm sự dữ” và “mến sự lành” (Rô 12:9). Noi gương “Đức Chúa Trời chân-thật”, chúng ta nên cố gắng thành thật và thẳng thắn trong lời nói cũng như việc làm (Thi 15:1, 2; 31:5). Qua việc khéo chọn từ ngữ, ngay cả trong những tình huống gây bối rối hoặc khó xử, chúng ta có thể khéo léo giải quyết vấn đề mà không nói dối.—Đọc Cô-lô-se 3:9, 10.

6, 7. (a) Nói thật có nghĩa là chúng ta phải cho người đặt câu hỏi biết hết mọi thông tin cá nhân không? Hãy giải thích. (b) Chúng ta tin cậy ai để nói thật?

6 Nói thật với người khác có nghĩa là chúng ta phải cho người đó biết hết mọi chi tiết không? Không nhất thiết như thế. Khi sống trên đất, Chúa Giê-su cho thấy một số người không xứng đáng để nhận câu trả lời trực tiếp hoặc thông tin nào đó. Khi các nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình hỏi nhờ quyền phép nào ngài làm phép lạ, Chúa Giê-su nói: “Ta cũng hỏi các ngươi một câu; hãy trả lời cho ta, thì ta sẽ nói cho các ngươi biết ta làm những điều đó bởi quyền phép nào”. Khi các thầy thông giáo và các trưởng lão không muốn đưa ra câu trả lời, Chúa Giê-su phán: “Ta cũng không nói cho các ngươi biết ta nhờ quyền-phép nào mà làm những điều nầy” (Mác 11:27-33). Ngài cảm thấy không có trách nhiệm trả lời câu hỏi ấy bởi vì họ có những hành động đồi bại và bất trung (Mat 12:10-13; 23:27, 28). Tương tự thế, ngày nay dân của Đức Giê-hô-va cần cảnh giác với những người bội đạo và những người gian ác, họ dùng thủ đoạn gian trá hoặc xảo quyệt vì mục tiêu ích kỷ.—Mat 10:16; Ê-phê 4:14.

7 Tương tự, Phao-lô cho thấy một số người không có quyền được biết tường tận. Ông nói rằng những kẻ “thày-lay thóc-mách” thì “hay nói những việc không đáng nói” (1 Ti 5:13). Thật vậy, những người tọc mạch vào chuyện người khác hoặc những người không đáng tin cậy trong việc giữ bí mật, có thể thấy rằng người khác không muốn chia sẻ thông tin với họ. Tốt hơn là chúng ta nên làm theo lời khuyên được soi dẫn của Phao-lô: “Ráng tập ăn-ở cho yên-lặng, săn-sóc việc riêng mình” (1 Tê 4:11). Tuy nhiên, đôi khi các trưởng lão trong hội thánh có thể cần phải hỏi những câu liên quan đến vấn đề cá nhân để thực hiện trách nhiệm của họ. Trong trường hợp đó, các anh rất cảm kích về sự hợp tác của chúng ta qua việc nói sự thật, điều đó cũng giúp ích cho các anh.—1 Phi 5:2.

Nói thật trong gia đình

8. Làm thế nào việc nói thật giúp các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau?

8 Thông thường, mối liên hệ mật thiết nhất chúng ta có là với những người trong gia đình. Để củng cố mối quan hệ này, điều thiết yếu là chúng ta phải nói thật với nhau. Chúng ta có thể làm giảm hoặc xóa bỏ nhiều vấn đề và sự hiểu lầm qua việc trò chuyện cởi mở, trung thực và tử tế. Chẳng hạn, khi phạm lỗi chúng ta có ngần ngại thừa nhận lỗi lầm với người hôn phối, con cái hoặc với những thành viên khác trong gia đình không? Thành thật xin lỗi giúp phát huy sự bình an và đoàn kết trong gia đình.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:8-10.

9. Tại sao nói thật không có nghĩa là nói thẳng thừng hoặc thô lỗ?

9 Nói thật không có nghĩa là chúng ta nói thẳng thừng, thiếu tế nhị. Nói thật nhưng thô lỗ làm cho lời nói mất giá trị hoặc mất tác dụng. Phao-lô nói: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc, cùng mọi điều hung-ác. Hãy ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha-thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê 4:31, 32). Khi nói một cách tử tế và khéo léo, lời nói của chúng ta có giá trị và cho thấy mình tôn trọng người đối thoại.—Mat 23:12.

Nói thật trong hội thánh

10. Các trưởng lão đạo Đấng Christ có thể học được gì từ gương xuất sắc của Chúa Giê-su trong việc nói sự thật?

10 Chúa Giê-su nói đơn giản và thẳng thắn với các môn đồ. Lời khuyên của ngài luôn cho thấy lòng yêu thương, nhưng ngài không làm giảm hiệu lực của sự thật để vui lòng người nghe (Giăng 15:9-12). Chẳng hạn, khi các sứ đồ nhiều lần cãi nhau về việc ai lớn hơn hết, Chúa Giê-su cương quyết nhưng kiên nhẫn giúp họ hiểu cần phải khiêm nhường (Mác 9:33-37; Lu 9:46-48; 22:24-27; Giăng 13:14). Tương tự thế, dù kiên quyết theo đuổi sự công bình, nhưng các trưởng lão đạo Đấng Christ ngày nay không cai trị bầy của Đức Chúa Trời (Mác 10:42-44). Noi gương Chúa Giê-su, họ đối xử với người khác “cách nhân-từ” và “đầy-dẫy lòng thương-xót”.

11. Tình yêu thương anh em nên thúc đẩy chúng ta làm gì qua việc sử dụng lưỡi?

11 Bằng cách nói thật nhưng không quá thẳng thắn, chúng ta có thể bày tỏ cảm nghĩ mà không khiến anh em khó chịu. Thật thế, chúng ta không bao giờ muốn sử dụng lưỡi như “dao-cạo bén”, gây tổn thương qua những lời sỉ nhục hoặc hạ thấp người khác (Thi 52:2; Châm 12:18). Tình yêu thương đối với anh em sẽ thúc đẩy chúng ta “giữ lưỡi mình khỏi lời ác, và môi mình khỏi nói sự dối-gạt” (Thi 34:13). Khi làm thế, chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời và đẩy mạnh sự hợp nhất trong hội thánh.

12. Khi nào một người nói dối phải bị đưa ra xét xử? Hãy giải thích.

12 Các trưởng lão làm việc cần mẫn để bảo vệ bầy khỏi những người nói dối hiểm độc. (Đọc Gia-cơ 3:14-16). Lời nói dối hiểm độc là nói với mục đích hãm hại người khác, làm cho người đó đau buồn hoặc khốn khổ. Nó không chỉ bao hàm nói những vấn đề vụn vặt, sai sự thật hoặc phóng đại sự việc. Dĩ nhiên, mọi lời nói dối đều sai trái, nhưng không nhất thiết mỗi trường hợp nói dối đều phải đưa ra ủy ban tư pháp xét xử. Vì vậy, các trưởng lão cần thăng bằng, phải lẽ và phán đoán đúng để quyết định một người có thường nói dối cách hiểm độc và cần bị đưa ra xét xử hay không. Nếu không, các trưởng lão chỉ cần cho lời khuyên một cách cương quyết nhưng yêu thương dựa trên Kinh Thánh.

Nói thật trong công việc và trong kinh doanh

13, 14. (a) Một số người tỏ ra không trung thực với chủ qua những cách nào? (b) Tại nơi làm việc, tính lương thiện và chân thật có thể mang lại kết quả nào?

13 Chúng ta đang sống trong thời đại mà tính bất lương lan tràn, vì thế có thể khó cưỡng lại cám dỗ thiếu trung thực với chủ. Khi đi xin việc, nhiều người nói dối một cách trắng trợn. Chẳng hạn, họ có thể thổi phồng kinh nghiệm hoặc trình độ học vấn trong sơ yếu lý lịch để nhận một chức vụ tốt hơn hoặc có lương cao hơn. Mặt khác, nhiều nhân viên lo những việc cá nhân trong giờ làm việc, dù điều đó trái với nội quy công ty. Có lẽ họ đọc những tài liệu không liên quan đến công việc, gọi điện thoại cho việc riêng, lướt Internet, gửi thư điện tử hay nhắn tin cá nhân.

14 Tín đồ Đấng Christ chân chính tin rằng cần phải lương thiện và chân thật. (Đọc Châm-ngôn 6:16-19). Phao-lô nói: “Chúng tôi... muốn ăn-ở trọn-lành [“lương thiện”, Nguyễn Thế Thuấn] trong mọi sự” (Hê 13:18). Vì vậy, tín đồ Đấng Christ làm việc đúng với mức lương và thời gian đã thỏa thuận (Ê-phê 6:5-8). Một người làm việc tận tâm cũng có thể mang lại sự ngợi khen cho Cha trên trời của chúng ta (1 Phi 2:12). Chẳng hạn, anh Roberto ở Tây Ban Nha được chủ khen là một nhân viên lương thiện và đáng tin cậy. Nhờ hạnh kiểm tốt của anh, công ty đã tuyển thêm những Nhân Chứng khác. Họ cũng là những nhân viên tốt. Qua nhiều năm, anh Roberto đã tìm được việc làm cho 23 anh đã báp têm và 8 người đang học Kinh Thánh!

15. Một người chủ là tín đồ Đấng Christ cho thấy mình nói thật qua những cách nào?

15 Nếu tự kinh doanh, chúng ta có chân thật trong mọi việc làm ăn buôn bán không? Hay đôi khi chúng ta không nói thật với người lân cận? Một người chủ là tín đồ Đấng Christ không nên quảng cáo sai lệch về sản phẩm hoặc dịch vụ để bán được nhanh chóng; cũng không đút lót hoặc nhận hối lộ. Chúng ta đối xử với người khác theo cách chúng ta muốn được đối xử.—Châm 11:1; Lu 6:31.

Nói thật với nhà cầm quyền

16. Qua cách nào, tín đồ Đấng Christ cho thấy mình vâng phục (a) nhà cầm quyền? (b) Đức Giê-hô-va?

16 Chúa Giê-su nói: “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Mat 22:21). Thế thì chúng ta nợ Sê-sa, tức nhà cầm quyền, “vật” gì? Khi Chúa Giê-su nói những lời này, đề tài đang thảo luận là việc nộp thuế. Vậy, để duy trì một lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời và người ta, tín đồ Đấng Christ vâng theo luật pháp của nhà cầm quyền, gồm cả những điều liên quan đến việc nộp thuế (Rô 13:5, 6). Thế nhưng, chúng ta nhận biết Đức Giê-hô-va là Đấng Tối Thượng, chỉ mình Ngài là Đức Chúa Trời, là Đấng chúng ta yêu mến hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức (Mác 12:30; Khải 4:11). Vậy, chúng ta hết lòng vâng phục Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Đọc Thi-thiên 86:11, 12.

17. Dân Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về việc nhận trợ cấp?

17 Nhiều nước có những chương trình hoặc dịch vụ xã hội để giúp những người cần được hỗ trợ về vật chất. Nếu đủ điều kiện, một tín đồ Đấng Christ nhận sự giúp đỡ ấy thì không có gì sai. Nói thật với người lân cận có nghĩa là chúng ta không cung cấp cho nhà cầm quyền những thông tin giả dối hoặc sai lệch để nhận trợ cấp.

Tính chân thật mang lại ân phước

18-20. Chân thật với người lân cận mang lại những ân phước nào?

18 Tính chân thật mang lại nhiều ân phước. Chúng ta gìn giữ một lương tâm trong sạch, là điều mang lại bình an nội tâm và lòng bình tịnh (Châm 14:30; Phi-líp 4:6, 7). Một lương tâm trong sạch là điều quý giá trước mắt Đức Chúa Trời. Cũng thế, chúng ta không lo sợ bị người ta phát hiện nếu chân thật trong mọi việc.—1 Ti 5:24.

19 Hãy xem xét một ân phước khác. Phao-lô nói: “Chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời... bởi lời chân-thật” (2 Cô 6:4, 7). Điều này đúng trong trường hợp của một Nhân Chứng sống ở Anh Quốc. Khi định bán chiếc xe cho một người, anh đã nói rõ những ưu và khuyết điểm của chiếc xe, kể cả những điểm không thấy được. Sau khi chạy thử một vòng, người mua xe hỏi có phải anh là Nhân Chứng Giê-hô-va không. Tại sao ông kết luận như thế? Ông đã để ý đến tính lương thiện và ngoại diện chỉnh tề của anh. Ngay sau đó, anh đã có cơ hội làm chứng.

20 Tương tự, chúng ta có mang lại sự ca ngợi cho Đấng Tạo Hóa bằng cách luôn sống lương thiện và chân thật không? Phao-lô nói: “Chúng tôi từ-bỏ mọi điều hổ-thẹn giấu-kín. Chúng tôi chẳng theo sự dối-gạt” (2 Cô 4:2). Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng hết sức để nói thật với người lân cận. Khi làm thế, người ta sẽ tôn vinh Cha trên trời của chúng ta và khen ngợi dân Ngài.

Bạn trả lời thế nào?

• Ai là người lân cận của chúng ta?

• Nói thật với người lân cận có nghĩa gì?

• Làm thế nào tính chân thật tôn vinh Đức Chúa Trời?

• Tính chân thật mang lại những ân phước nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Bạn có sẵn lòng thừa nhận những lỗi nhỏ nhặt không?

[Hình nơi trang 18]

Khi xin việc, bạn có nói thật không?