Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chín mươi năm trước, tôi bắt đầu “tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”

Chín mươi năm trước, tôi bắt đầu “tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”

Chín mươi năm trước, tôi bắt đầu “tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”

Do Edwin Ridgwell kể lại

Vào Ngày đình chiến, ngày 11-11-1918, học sinh chúng tôi thình lình được tập họp để cử hành lễ mừng kết thúc cuộc Đại Chiến, sau này gọi là Thế Chiến I. Bấy giờ tôi mới lên năm và không hiểu rõ người ta ăn mừng điều gì. Tuy nhiên, qua những gì cha mẹ dạy về Đức Chúa Trời, tôi không muốn tham dự buổi lễ này. Tôi cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nhưng vì không kiềm chế được cảm xúc nên tôi bật khóc. Dù vậy, tôi không tham dự buổi lễ. Đó là lần đầu tôi “tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”.—Truyền 12:1.

Vài tháng trước khi sự kiện này xảy ra ở trường, gia đình tôi chuyển đến sống gần thành phố Glasgow, Scotland. Lúc ấy, cha tôi đã nghe bài diễn văn có tựa đề “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết”. Bài diễn văn này đã thay đổi đời sống ông. Cha mẹ tôi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và thường nói chuyện với nhau về Nước Trời cùng những ân phước sắp đến. Tạ ơn Đức Chúa Trời là kể từ đó, cha mẹ dạy tôi yêu thương và đặt tin cậy nơi Ngài.—Châm 22:6.

Bắt đầu phụng sự trọn thời gian

Lúc 15 tuổi, tôi có điều kiện để học lên cao, nhưng thật lòng tôi muốn rao giảng trọn thời gian. Cha cảm thấy tôi còn quá trẻ, thế nên có một giai đoạn tôi phải làm việc văn phòng. Tuy nhiên, ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian mãnh liệt đến mức một ngày kia tôi viết thư cho anh J. F. Rutherford, người giám sát công việc rao giảng trên toàn cầu lúc bấy giờ. Tôi hỏi anh nghĩ gì về dự định của tôi. Anh Rutherford hồi âm: “Nếu anh đã đủ tuổi làm việc thì anh cũng đủ khôn lớn để phụng sự Chúa... Tôi tin rằng Chúa sẽ ban phước nếu anh cố gắng trung thành phụng sự Ngài”. Lá thư ấy viết vào ngày 10-3-1928 và nó đã ảnh hưởng sâu đậm đến gia đình tôi. Không lâu sau, cha, mẹ, chị tôi và tôi bắt đầu phụng sự trọn thời gian.

Tại hội nghị ở Luân Đôn năm 1931, anh Rutherford kêu gọi những người tình nguyện rao truyền tin mừng ở hải ngoại. Tôi xung phong, và cùng anh Andrew Jack được phái đến thành phố Kaunas, bấy giờ là thủ đô của nước Lithuania. Khi ấy, tôi được 18 tuổi.

Rao giảng về Nước Trời ở hải ngoại

Lúc bấy giờ, Lithuania là một nước nông nghiệp nghèo khổ, và việc rao giảng ở vùng nông thôn thật không dễ. Việc tìm chỗ ở cũng khó khăn, và tại một số nhà trọ, chúng tôi đã có những kỷ niệm khó quên. Chẳng hạn, một đêm nọ, tôi và Andrew tỉnh giấc vì cảm thấy khó chịu. Thắp đèn dầu lên, chúng tôi thấy trên giường có hàng trăm con rệp. Chúng tôi bị cắn khắp cả người! Suốt một tuần lễ, mỗi sáng tôi xuống dòng sông gần đấy, ngâm mình dưới nước lạnh cho đến tận cổ để bớt đau. Dù vậy, chúng tôi quyết tâm tiếp tục thánh chức. Không lâu sau, khi gặp một cặp vợ chồng trẻ đã chấp nhận lẽ thật về Kinh Thánh, vấn đề chỗ ở của chúng tôi được giải quyết. Họ mời chúng tôi đến sống chung. Căn nhà của họ tuy nhỏ nhưng sạch sẽ. Dù ngủ trên sàn, chúng tôi cảm thấy vô cùng thoải mái!

Lúc ấy, hàng giáo phẩm Công giáo La Mã và Giáo hội Chính Thống Nga có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Lithuania. Chỉ người giàu mới có thể mua Kinh Thánh. Mục tiêu chính của chúng tôi là rao giảng càng nhiều khu vực càng tốt và cố gắng phân phát nhiều ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh cho những người chú ý. Thoạt tiên, chúng tôi tìm một chỗ trọ trong thị trấn. Sau đó, chúng tôi cẩn thận rao giảng ở những vùng ngoại ô, rồi nhanh chóng rao giảng khắp thị trấn. Bằng cách này, chúng tôi thường kết thúc công việc trước khi các mục sư địa phương gây rắc rối cho chúng tôi.

Gây xôn xao và được nhiều người biết đến

Năm 1934, Andrew được bổ nhiệm đến làm việc tại chi nhánh ở Kaunas, và anh John Sempey trở thành bạn đồng hành của tôi. Chúng tôi đã có một số kinh nghiệm khó quên. Một ngày kia, tôi đến văn phòng của luật sư trong một thị trấn nhỏ. Ông ấy bỗng dưng nổi giận, rút khẩu súng lục từ ngăn kéo, và đuổi tôi đi. Tôi cầu nguyện thầm và nhớ lời Kinh Thánh khuyên: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận” (Châm 15:1). Vì vậy, tôi nói: “Tôi đến đây như một người bạn mang theo thông điệp tốt lành. Tôi cám ơn ông đã tự chủ”. Ông buông lỏng ngón tay trên cò súng và tôi đi thụt lùi ra khỏi văn phòng.

Khi gặp anh John, anh ấy cho biết mình cũng trải qua một kinh nghiệm khá căng thẳng. Anh bị đưa đến đồn cảnh sát, người ta buộc tội anh đã lấy cắp tờ giấy bạc có mệnh giá cao của một phụ nữ mà anh đã gặp. Tại đồn cảnh sát, anh phải cởi quần áo để người ta khám xét. Dĩ nhiên, anh không có tờ giấy bạc. Sau đó, họ bắt được thủ phạm thật sự.

Cả hai sự kiện gây xôn xao trong thị trấn yên tịnh ấy, và nhờ thế nhiều người biết đến công việc rao giảng của chúng tôi!

Bí mật hoạt động

Một nhiệm vụ nguy hiểm mà chúng tôi được giao là đem các ấn phẩm Kinh Thánh đến nước Latvia kế cận, nơi công việc rao giảng bị cấm. Khoảng một tháng một lần, chúng tôi đi chuyến xe lửa đêm đến Latvia. Sau khi giao ấn phẩm, đôi lúc chúng tôi đi tiếp đến Estonia để lấy thêm sách báo rồi trên đường về, chúng tôi giao những sách báo ấy cho anh em ở Latvia.

Vào dịp nọ, một nhân viên hải quan đã nghe nói về hoạt động của chúng tôi. Ông yêu cầu chúng tôi rời xe lửa và mang ấn phẩm ấy đến cấp trên của ông. Tôi và anh John cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Thật lạ, ông ấy không nói cho cấp trên biết chúng tôi đem theo những gì, nhưng chỉ nói: “Hai người này có điều để khai”. Tôi khai rằng các tài liệu này sẽ giúp những người tại các trường phổ thông và đại học hiểu ý nghĩa của những điều đang xảy ra trên thế giới hỗn loạn của chúng ta. Nhân viên hải quan cấp cao cho chúng tôi đi, và chúng tôi trao các ấn phẩm cho anh em một cách an toàn.

Do tình hình chính trị tại vùng Baltic ngày càng tồi tệ, nên người ta chống đối Nhân Chứng Giê-hô-va nhiều hơn và công việc rao giảng của chúng tôi cũng bị cấm tại Lithuania. Anh Andrew và John bị trục xuất. Vì Thế Chiến II sắp bắt đầu nên mọi người có quốc tịch Anh được khuyến khích rời khỏi nước đó. Tôi cũng ra đi với tâm trạng rất buồn.

Đặc ân và ân phước khi phụng sự tại Bắc Ireland

Bấy giờ, cha mẹ tôi đã chuyển đến Bắc Ireland. Năm 1937, tôi đến sống với họ. Trong cơn sốt chiến tranh, các ấn phẩm của chúng ta cũng bị cấm ở Bắc Ireland, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục rao giảng trong suốt thời chiến. Sau Thế Chiến II, các ấn phẩm được phép lưu hành trở lại. Anh Harold King—một tiên phong dày dạn kinh nghiệm, sau là giáo sĩ ở Trung Quốc—dẫn đầu trong việc tổ chức các buổi diễn văn ngoài trời. Anh nói: “Thứ bảy này, tôi sẽ nói bài giảng lần đầu tiên ở ngoài trời”. Nhìn thẳng vào tôi, anh nói: “Thứ bảy tuần sau đến phiên anh”. Tôi choáng váng.

Ký ức về buổi nói bài giảng đầu tiên ấy vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Hàng trăm người đã đến nghe. Tôi đứng trên một cái thùng và trình bày bài giảng mà không có một thiết bị âm thanh nào. Khi bài giảng kết thúc, một người đàn ông đến bắt tay tôi và tự giới thiệu là Bill Smith. Ông cho biết vì thấy đám đông tụ tập nên dừng lại để xem. Hóa ra, trước đây cha tôi đã rao giảng cho ông Bill, nhưng khi cha và mẹ kế dọn đến thành phố Dublin để làm tiên phong thì họ mất liên lạc với nhau. Sau đó, tôi giúp ông tìm hiểu Kinh Thánh. Với thời gian, chín thành viên trong gia đình ông Bill trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va.

Sau này, tôi đến rao giảng tại các biệt thự vùng ngoại ô Belfast và gặp một phụ nữ Nga từng sống ở Lithuania. Khi tôi cho cô xem một số ấn phẩm, cô chỉ một cuốn sách và nói: “Tôi có cuốn này. Chú tôi là giáo sư tại trường đại học ở Kaunas đã cho tôi”. Cô ấy cho tôi xem một cuốn sách dùng để học Kinh Thánh vào thời đó, bằng tiếng Ba Lan. Lề sách đầy những ghi chú. Cô ngạc nhiên xiết bao khi biết rằng tôi là người đã đưa sách đó cho chú của cô khi tôi gặp ông ở Kaunas!—Truyền 11:1.

Khi anh John Sempey nghe nói tôi sẽ đến Bắc Ireland, anh nhờ tôi đến thăm em gái anh là Nellie vì cô chú ý đến Kinh Thánh. Tôi cùng chị của mình là Connie đến học hỏi Kinh Thánh với cô. Nellie tiến bộ rất nhanh và dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Sau đó, chúng tôi tìm hiểu nhau và đi đến hôn nhân.

Tôi và Nellie đã cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va trong 56 năm. Chúng tôi có đặc ân giúp hơn 100 người biết lẽ thật trong Kinh Thánh. Chúng tôi từng hy vọng sẽ cùng nhau sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn để vào thế giới mới của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, kẻ thù độc ác là sự chết đã cướp mất vợ tôi vào năm 1998. Đó là một trong những điều tồi tệ nhất đã xảy đến trong cuộc đời tôi.

Trở lại vùng Baltic

Khoảng một năm sau khi Nellie qua đời, tôi nhận được một ân phước tuyệt vời. Tôi được mời đến thăm chi nhánh ở Tallinn, Estonia. Một lá thư của các anh ở Estonia giải thích: “Trong số mười anh đã được bổ nhiệm đến vùng Baltic vào cuối thập niên 1920 và đầu thập niên 1930, anh là người duy nhất còn sống”. Lá thư ấy cho biết thêm, chi nhánh đang chuẩn bị viết về lịch sử hoạt động ở Estonia, Latvia và Lithuania. Các anh hỏi tôi: “Anh có thể đến không?”.

Thật là một đặc ân để kể lại những kinh nghiệm của tôi và các bạn đồng hành trong những năm đầu tiên ấy! Ở Latvia, tôi có thể chỉ cho các anh xem ngôi nhà đầu tiên được dùng làm chi nhánh và chỗ chúng tôi giấu các ấn phẩm dưới mái nhà, nơi cảnh sát không bao giờ tìm được. Tại Lithuania, tôi được đưa đến thị trấn nhỏ Šiauliai, nơi đây tôi đã từng làm tiên phong. Tại buổi họp mặt ở đấy, một anh nói với tôi rằng: “Nhiều năm trước, mẹ tôi và tôi đã mua một căn nhà trong thị trấn. Trong khi mẹ con tôi dọn dẹp trên gác mái, tôi tìm thấy một số cuốn sách được xuất bản vào thời kỳ đầu của Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi đọc hai sách này, tôi biết mình đã tìm ra lẽ thật. Hẳn anh là người đã để lại những cuốn sách ấy nhiều năm trước đây!”.

Tôi cũng tham dự hội nghị vòng quanh được tổ chức ở một thị trấn mà trước đây tôi đã làm tiên phong. Tôi đã tham dự một hội nghị ở đấy 65 năm trước. Thời đó, chỉ có 35 người tham dự. Thật vui mừng biết bao khi có đến 1.500 người dự hội nghị này! Đức Giê-hô-va quả đã ban phước cho công việc!

‘Đức Giê-hô-va đã không bỏ tôi’

Gần đây, tôi đã nhận được một ân phước ngoài mong đợi. Một chị đáng yêu tên Bee đồng ý làm vợ tôi. Chúng tôi kết hôn vào tháng 11-2006.

Với bất kỳ người trẻ nào đang do dự về mục tiêu trong đời sống, tôi có thể cam đoan rằng điều vô cùng khôn ngoan là làm theo lời được soi dẫn sau: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi”. Giờ đây, tôi có thể vui mừng như người viết Thi-thiên: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa đã dạy tôi từ buổi thơ-ấu; cho đến bây giờ tôi đã rao-truyền các công-việc lạ-lùng của Chúa. Hỡi Đức Chúa Trời, dầu khi tôi đã già và tóc bạc rồi, xin chớ bỏ tôi, cho đến chừng tôi đã truyền ra cho dòng-dõi sau sức-lực của Chúa, và quyền-thế Chúa cho mỗi người sẽ đến”.—Thi 71:17, 18.

[Bản đồ nơi trang 25]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Một nhiệm vụ nguy hiểm là đem các ấn phẩm đến Latvia

ESTONIA

TALLINN

Vịnh Riga

LATVIA

RIGA

LITHUANIA

VILNIUS

Kaunas

[Hình nơi trang 26]

Tôi bắt đầu làm người phân phát sách đạo (tiên phong) lúc 15 tuổi ở Scotland

[Hình nơi trang 26]

Với Nellie trong ngày cưới vào năm 1942