Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Noi gương Chúa Giê-su—Rao giảng với lòng dạn dĩ

Noi gương Chúa Giê-su—Rao giảng với lòng dạn dĩ

Noi gương Chúa Giê-su—Rao giảng với lòng dạn dĩ

‘Chúng tôi cứ rao-truyền tin mừng cách dạn-dĩ’.—1 TÊ 2:2.

1. Tại sao tin mừng về Nước Trời có sức thu hút?

Thật vui thích biết bao khi được nghe tin mừng! Trong tất cả các tin mừng, tin mừng về Nước Trời là tin tốt lành nhất. Tin này đảm bảo với chúng ta rằng đau khổ, bệnh tật, buồn phiền và sự chết sẽ không còn nữa. Nó mang lại hy vọng về sự sống vĩnh cửu, tiết lộ ý định của Đức Chúa Trời và cho thấy làm thế nào chúng ta có được mối quan hệ mật thiết với Ngài. Chắc hẳn, mọi người sẽ vui khi nghe tin tốt lành này mà Chúa Giê-su đã chia sẻ với nhân loại. Tuy nhiên, điều đáng buồn là người ta không phản ứng như thế.

2. Hãy giải thích câu của Chúa Giê-su: “Ta đến để phân-rẽ”.

2 Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình-an cho thế-gian; ta đến, không phải đem sự bình-an, mà là đem gươm giáo. Ta đến để phân-rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù-nghịch, là người nhà mình” (Mat 10:34-36). Thay vì vui vẻ chấp nhận, đa số người ta bác bỏ tin mừng. Một số người trở thành kẻ thù của những ai rao giảng tin mừng, cho dù đó là người thân trong gia đình.

3. Chúng ta cần điều gì để thực hiện công việc rao giảng?

3 Chúng ta công bố cùng một lẽ thật như Chúa Giê-su. Khi nghe lẽ thật ấy, phản ứng của người ta ngày nay đối với chúng ta cũng giống như nhiều người ngày xưa đối với Chúa Giê-su. Điều này không có gì lạ. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Đầy-tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi” (Giăng 15:20). Trong nhiều xứ, dù không đương đầu với sự bắt bớ trực tiếp nhưng chúng ta gặp phải sự khinh thường và thờ ơ. Vì vậy, chúng ta cần có đức tin và can đảm để tiếp tục rao truyền tin mừng với lòng dạn dĩ.—Đọc 2 Phi-e-rơ 1:5-8.

4. Tại sao Phao-lô cần “dạn-dĩ” rao giảng?

4 Đôi lúc, có lẽ bạn thấy khó tham gia thánh chức hoặc một vài khía cạnh của thánh chức có thể khiến bạn e sợ. Nếu thế, bạn không phải là người trung thành duy nhất cảm thấy như vậy. Dù sứ đồ Phao-lô là người rao giảng dạn dĩ và có sự hiểu biết sâu rộng về lẽ thật, thậm chí cũng có lúc ông phải phấn đấu để rao giảng. Ông viết cho các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca: ‘Sau khi bị đau-đớn và sỉ-nhục tại thành Phi-líp, như anh em đã biết, thì chúng tôi trông-cậy Đức Chúa Trời, cứ rao-truyền tin mừng của Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ giữa cơn đại-chiến [“giữa nhiều chống đối”, Bản Dịch Mới]’ (1 Tê 2:2). Tại thành Phi-líp, nhà cầm quyền đã dùng roi đánh Phao-lô và đồng sự của ông là Si-la, ném họ vào ngục và cùm lại (Công 16:16-24). Dù thế, Phao-lô và Si-la tiếp tục rao giảng “cách dạn-dĩ”. Chúng ta có thể noi gương họ như thế nào? Để biết câu trả lời, chúng ta hãy xem xét điều gì đã giúp các tôi tớ Đức Chúa Trời vào thời Kinh Thánh dạn dĩ nói lẽ thật về Đức Giê-hô-va, và làm sao chúng ta có thể noi gương họ.

Cần dạn dĩ để đối mặt với sự thù nghịch

5. Tại sao những người trung thành với Đức Giê-hô-va luôn cần sự dạn dĩ?

5 Dĩ nhiên, Chúa Giê-su là gương xuất sắc nhất về lòng can đảm và dạn dĩ. Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu lịch sử nhân loại, sự dạn dĩ luôn cần thiết cho tất cả những người trung thành với Đức Giê-hô-va. Tại sao thế? Sau sự phản nghịch tại vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va báo trước sẽ có sự thù nghịch giữa những người phụng sự Ngài và những người theo Sa-tan (Sáng 3:15). Không lâu sau, sự thù nghịch này được thấy rõ khi người công bình là A-bên bị anh mình giết. Sau đó, Hê-nóc, một người trung thành khác sống trước thời Nước Lụt, là đối tượng của sự thù nghịch. Ông tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ đến với muôn vàn thiên sứ thánh để thi hành sự phán xét trên những người không tin kính (Giu 14, 15). Chắc chắn, thông điệp này không được người ta ưa chuộng. Họ ghét Hê-nóc và có thể sẽ giết ông nếu Đức Giê-hô-va không tiếp ông đi. Hê-nóc đã thể hiện sự dạn dĩ biết bao!—Sáng 5:21-24.

6. Tại sao Môi-se cần dạn dĩ khi nói với Pha-ra-ôn?

6 Cũng hãy nghĩ đến sự dạn dĩ của Môi-se khi nói chuyện với Pha-ra-ôn. Vị vua này không được xem là người đại diện cho các thần nhưng là một vị thần, con trai của thần mặt trời Ra. Dường như ông, cũng giống với các Pha-ra-ôn khác, thờ hình tượng của chính mình. Lời nói của Pha-ra-ôn là luật pháp. Ra lệnh là cách cai trị của ông. Đầy quyền lực, ngạo mạn và ngoan cố, Pha-ra-ôn không thích người khác bảo ông phải làm gì. Thế mà Môi-se, một người chăn chiên khiêm nhường, không được mời cũng không được hoan nghênh, lại xuất hiện nhiều lần trước mặt vua ấy. Môi-se đã báo trước điều gì? Những tai họa thảm khốc. Môi-se đã yêu cầu điều gì? Để hàng triệu nô lệ của Pha-ra-ôn rời khỏi xứ! Môi-se có cần sự dạn dĩ không? Chắc chắn có!—Dân 12:3; Hê 11:27.

7, 8. (a) Các tôi tớ trung thành thời xưa đương đầu với những thử thách nào? (b) Điều gì đã giúp những người sống trước thời Đấng Christ có sự dạn dĩ trong việc ủng hộ và đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch?

7 Trong nhiều thế kỷ sau, những nhà tiên tri và các tôi tớ trung thành khác của Đức Chúa Trời tiếp tục can đảm bênh vực sự thờ phượng thanh sạch. Thế gian của Sa-tan không nhân từ với họ. Phao-lô nói: “Họ đã bị ném đá, tra-tấn, cưa-xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu-lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu-thốn mọi đường, bị hà-hiếp, ngược-đãi” (Hê 11:37). Điều gì đã giúp những tôi tớ trung thành ấy của Đức Chúa Trời đứng vững? Vài câu trước đó, sứ đồ Phao-lô lưu ý điều gì đã giúp A-bên, Áp-ra-ham, Sa-ra và những người khác có sức mạnh để chịu đựng. Ông nói: “[Họ] chưa nhận-lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy [bằng đức tin] và chào-mừng những điều đó từ đằng xa” (Hê 11:13). Chắc chắn, những người dạn dĩ ủng hộ sự thờ phượng thật như tiên tri Ê-li, Giê-rê-mi và những người trung thành khác trước thời Đấng Christ đã được giúp đỡ để chịu đựng nhờ chú tâm vào những lời hứa của Đức Giê-hô-va.—Tít 1:2.

8 Những người trung thành trước thời Đấng Christ mong chờ một tương lai tươi sáng và tuyệt diệu. Khi được sống lại, dần dần họ sẽ đạt đến sự hoàn toàn và “được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát” nhờ sự giúp đỡ của Chúa Giê-su với tư cách là thầy tế lễ cùng 144.000 thầy tế lễ phó (Rô 8:21). Hơn nữa, Giê-rê-mi và những tôi tớ dạn dĩ khác của Đức Giê-hô-va thời xưa đã can đảm nhờ lời cam đoan của Ngài, như Ngài đã hứa với Giê-rê-mi: “Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi; vì ta ở cùng ngươi đặng giải-cứu ngươi” (Giê 1:19). Ngày nay, khi suy ngẫm các lời hứa của Đức Chúa Trời về tương lai và lời bảo đảm của Ngài là che chở chúng ta về thiêng liêng, chúng ta cũng được vững mạnh.—Châm 2:7; đọc 2 Cô-rinh-tô 4:17, 18.

Tình yêu thương thôi thúc Chúa Giê-su rao giảng với lòng dạn dĩ

9, 10. Chúa Giê-su đã thể hiện sự dạn dĩ qua những cách nào khi đứng trước (a) những nhà lãnh đạo tôn giáo, (b) một toán lính, (c) thầy cả thượng phẩm, (d) Phi-lát?

9 Chúa Giê-su, Đấng Gương Mẫu của chúng ta, đã thể hiện lòng dạn dĩ qua nhiều cách. Chẳng hạn, dù bị những người có quyền lực và ảnh hưởng thù ghét, Chúa Giê-su đã không giảm nhẹ thông điệp mà Đức Chúa Trời muốn người ta biết. Ngài can đảm vạch trần những nhà lãnh đạo tôn giáo đầy quyền lực tự cho mình là công bình và những dạy dỗ sai lầm của họ. Những người ấy đã bị kết án, và Chúa Giê-su cho họ biết điều đó một cách thẳng thắn, rõ ràng. Vào một dịp nọ, ngài nói: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! Vì các ngươi giống như mồ-mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ-dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công-bình, nhưng ở trong thì chan-chứa sự giả-hình và tội-lỗi”.—Mat 23:27, 28.

10 Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, trước một toán lính, Chúa Giê-su đã can đảm cho biết ngài là người họ muốn bắt (Giăng 18:3-8). Sau đó, ngài bị dẫn đến Tòa Công Luận và thầy cả thượng phẩm đã tra hỏi ngài. Dù biết thầy cả thượng phẩm tìm cớ để giết ngài, Chúa Giê-su đã mạnh dạn xác nhận ngài là Đấng Christ và là Con Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói thêm, họ sẽ thấy ngài “ngồi bên hữu quyền-phép Đức Chúa Trời, và ngự giữa đám mây trên trời mà đến” (Mác 14:53, 57-65). Không lâu sau đó, Chúa Giê-su bị trói và đứng trước mặt Phi-lát, người có thể tha ngài. Tuy nhiên, ngài im lặng, không đáp lại những lời buộc tội của kẻ thù (Mác 15:1-5). Tất cả những điều này đòi hỏi phải có nhiều can đảm.

11. Sự dạn dĩ liên hệ thế nào với tình yêu thương?

11 Chúa Giê-su đã nói với Phi-lát: “Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: Ấy là để làm chứng cho lẽ thật” (Giăng 18:37). Đức Giê-hô-va đã giao cho Chúa Giê-su nhiệm vụ rao giảng tin mừng (Lu 4:18, 19). Chúa Giê-su rất vui thích thi hành sứ mạng ấy vì ngài yêu thương Cha trên trời. Chúa Giê-su cũng yêu thương con người. Ngài hiểu đời sống họ có nhiều khó khăn. Tương tự thế, việc làm chứng cách dạn dĩ của chúng ta bắt nguồn từ tình yêu thương với Đức Chúa Trời và người lân cận.—Mat 22:36-40.

Thánh linh giúp chúng ta rao giảng với lòng dạn dĩ

12. Điều gì đã khiến các môn đồ thời ban đầu vui mừng?

12 Trong những tuần sau khi Chúa Giê-su chết, các môn đồ có lý do để vui mừng vì Đức Giê-hô-va đã thêm vào nhiều môn đồ mới. Chỉ trong một ngày, khoảng 3.000 người Do Thái và người cải đạo từ nhiều xứ làm báp têm! Họ đã đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Ngũ Tuần. Hẳn sự kiện này đã gây xôn xao khắp thành Giê-ru-sa-lem! Kinh Thánh cho biết: “Mọi người đều kính-sợ, vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ-đồ”.—Công 2:41, 43.

13. Tại sao các môn đồ thời ban đầu cầu xin sự dạn dĩ, và kết quả thế nào?

13 Vô cùng tức giận, những nhà lãnh đạo tôn giáo đã bắt Phi-e-rơ và Giăng, giam họ qua đêm trong ngục và cấm họ nói về Chúa Giê-su. Khi được thả, hai người tường thuật cho anh em nghe những điều đã xảy ra. Mọi người cầu nguyện về sự chống đối mà họ phải đương đầu: “Xin Chúa [Đức Giê-hô-va]... ban cho các đầy-tớ Ngài rao-giảng đạo Ngài một cách dạn-dĩ”. Kết quả ra sao? ‘Ai nấy đều được đầy-dẫy thánh-linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ’.—Công 4:24-31.

14. Thánh linh giúp chúng ta như thế nào trong việc rao giảng?

14 Hãy lưu ý rằng thánh linh mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va đã giúp các môn đồ nói lời Ngài với lòng dạn dĩ. Sự can đảm để nói lẽ thật với người khác, thậm chí với những người chống đối thông điệp, không tùy thuộc vào chúng ta. Đức Giê-hô-va có thể và sẽ ban thánh linh nếu chúng ta cầu xin Ngài. Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể biểu lộ sự dạn dĩ cần thiết để trung thành chịu đựng bất cứ sự chống đối nào.—Đọc Thi-thiên 138:3.

Tín đồ Đấng Christ thời nay rao giảng với lòng dạn dĩ

15. Ngày nay, lẽ thật phân rẽ người ta như thế nào?

15 Thời nay cũng như thời xưa, lẽ thật vẫn phân rẽ người ta. Một số người hưởng ứng, trong khi những người khác không hiểu cũng không quý trọng sự thờ phượng của chúng ta. Một số người chỉ trích, nhạo báng hoặc ngay cả thù ghét chúng ta, như Chúa Giê-su đã báo trước (Mat 10:22). Đôi khi, qua phương tiện truyền thông, chúng ta là mục tiêu của sự tuyên truyền sai lệch và hiểm độc (Thi 109:1-3). Tuy nhiên, dân sự Đức Giê-hô-va trên khắp đất dạn dĩ rao truyền tin mừng.

16. Kinh nghiệm nào cho thấy sự dạn dĩ có thể thay đổi quan điểm của những người chúng ta rao giảng?

16 Sự dạn dĩ của chúng ta có thể làm cho người ta thay đổi quan điểm về thông điệp Nước Trời. Một chị ở Kyrgyzstan kể lại: “Trong khi đi rao giảng, một chủ nhà nói với tôi: “Tôi tin Thượng Đế nhưng không tin Chúa của Thiên Chúa giáo. Nếu cô bén mảng đến đây một lần nữa, tôi sẽ thả chó ra cắn cô!”. Phía sau ông là một con chó bun lớn đang bị xích. Nhưng trong đợt phân phát tờ Tin Tức Nước Trời số 37, “Ngày tàn của tôn giáo sai lầm nay gần kề!”, tôi quyết định trở lại nhà đó với hy vọng sẽ gặp những người khác trong gia đình ông. Tuy nhiên, chính người đàn ông đó ra mở cửa. Tôi nhanh chóng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và nói: “Chào ông! Tôi nhớ cuộc nói chuyện của chúng ta ba ngày trước, và tôi cũng nhớ ông có con chó. Nhưng tôi không thể đi ngang qua mà không ghé thăm, vì cũng như ông, tôi tin Thượng Đế. Chẳng bao lâu nữa, Ngài sẽ đoán phạt những tôn giáo làm ô danh Ngài. Khi đọc tờ giấy ông sẽ biết thêm về điều này”. Tôi hết sức ngạc nhiên khi ông ấy nhận tờ Tin Tức Nước Trời. Tôi liền đi sang nhà khác. Vài phút sau, ông cầm trên tay tờ Tin Tức Nước Trời và chạy theo tôi. Ông nói: “Tôi đã đọc nó. Tôi phải làm gì để không gánh chịu cơn thạnh nộ của Thượng Đế?””. Thế là ông ấy bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và tham dự các buổi nhóm họp đạo Đấng Christ.

17. Sự dạn dĩ của một chị đã làm vững mạnh một người đang học Kinh Thánh như thế nào?

17 Sự dạn dĩ của chúng ta cũng có thể khích lệ người khác trở nên dạn dĩ. Trên chuyến xe buýt, một chị ở Nga đã mời người khác nhận tạp chí. Lúc ấy, một người đàn ông đứng bật dậy, giật lấy tạp chí trên tay chị, vò nhàu rồi ném xuống sàn. Ông chửi thề lớn tiếng, bảo chị cho ông địa chỉ nhà và cảnh báo chị không được rao giảng trong làng nữa. Chị cầu xin Đức Giê-hô-va trợ giúp và nhớ lại lời của Chúa Giê-su: “Đừng sợ kẻ giết thân-thể” (Mat 10:28). Chị bình tĩnh đứng dậy và nói với ông: “Tôi không cho ông địa chỉ nhà tôi, và tôi sẽ tiếp tục rao giảng trong làng”. Sau đó, chị xuống xe. Chị không biết rằng một học viên Kinh Thánh của chị cũng có mặt trên chuyến xe buýt ấy. Người phụ nữ này vì sợ người ta nên đã không tham dự các buổi nhóm họp. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự dạn dĩ của chị Nhân Chứng, bà quyết định sẽ tham dự nhóm họp.

18. Điều gì sẽ giúp bạn rao giảng với lòng dạn dĩ, như Chúa Giê-su?

18 Trong thế gian xa cách Đức Chúa Trời này, cần phải dạn dĩ để rao giảng, như Chúa Giê-su. Điều gì sẽ giúp bạn làm thế? Hãy nhìn về tương lai. Hãy giữ vững tình yêu thương với Đức Chúa Trời và người lân cận. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban sự can đảm. Hãy luôn nhớ rằng bạn không bao giờ đơn độc, vì Chúa Giê-su ở cùng bạn (Mat 28:20). Thánh linh sẽ giúp bạn vững mạnh. Đức Giê-hô-va sẽ ban ân phước và hỗ trợ bạn. Thế nên, mong sao chúng ta can đảm và nói rằng: “Chúa giúp-đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được?”.—Hê 13:6.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao tôi tớ Đức Chúa Trời cần có sự dạn dĩ?

• Để có sự dạn dĩ, chúng ta học được gì từ...

những người trung thành trước thời Đấng Christ?

Chúa Giê-su?

tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?

tín đồ Đấng Christ thời nay?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Chúa Giê-su can đảm vạch trần những nhà lãnh đạo tôn giáo

[Hình nơi trang 23]

Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta lòng can đảm để rao giảng