Tìm kiếm những kho tàng ‘giấu-kín trong Ngài’
Tìm kiếm những kho tàng ‘giấu-kín trong Ngài’
“Trong Ngài đã giấu-kín mọi sự quí-báu [“kho tàng”, Bản Dịch Mới] về khôn-ngoan thông-sáng”.—CÔ 2:3.
1, 2. (a) Vào năm 1922, người ta đã khám phá những cổ vật nào, và hiện nay chúng được giữ ở đâu? (b) Lời Đức Chúa Trời có lời mời gọi nào dành cho mọi người?
Việc khám phá kho báu thường được đăng trên hàng tít của các bản tin. Chẳng hạn, vào năm 1922, sau hàng chục năm làm việc vất vả trong môi trường khắc nghiệt, nhà khảo cổ học người Anh là ông Howard Carter đã có một khám phá gây tiếng vang. Ông đã tìm được ngôi mộ gần như nguyên vẹn của Pha-ra-ôn Tutankhamen, trong đó có gần 5.000 cổ vật.
2 Dù khám phá của ông Carter rất ấn tượng nhưng phần lớn các cổ vật ông tìm thấy hiện nay được giữ trong các viện bảo tàng hoặc trong những bộ sưu tập cá nhân. Những vật này có thể có giá trị về lịch sử hoặc nghệ thuật, nhưng ít có ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta tìm kiếm những điều quí báu thật sự ảnh hưởng đến đời sống mình. Lời mời gọi ấy dành cho mọi người, và phần thưởng thì đáng giá hơn bất kỳ bửu vật hay kho báu nào.—Đọc Châm-ngôn 2:1-6.
3. Các kho tàng mà Đức Giê-hô-va thúc giục những người thờ phượng Ngài tìm kiếm mang lại lợi ích nào?
3 Hãy xem xét giá trị của các kho tàng mà Đức Giê-hô-va thúc giục những người thờ phượng Ngài tìm kiếm. Một trong các kho tàng đó là “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” có thể che chở và bảo vệ chúng ta trong thời kỳ đầy nguy hiểm này (Thi 19:9). Tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời” có thể mang lại vinh dự tột bậc cho một người, đó là mối quan hệ mật thiết với Đấng Chí Cao. Nhờ sự khôn ngoan, tri thức và thông sáng là những kho tàng Đức Chúa Trời ban, chúng ta sẽ thành công khi đối phó với những vấn đề và mối lo trong cuộc sống hằng ngày (Châm 9:10, 11). Làm thế nào chúng ta có thể tìm được những kho tàng ấy?
Tìm kiếm những kho tàng thiêng liêng
4. Chúng ta có sự hướng dẫn nào để tìm những kho tàng thiêng liêng?
4 Không như những nhà khảo cổ và thám hiểm thường phải đi khắp nơi để tìm kho báu, chúng ta biết chính xác các kho tàng thiêng liêng ở đâu. Lời Đức Chúa Trời giống như một bản đồ kho báu, chỉ rõ ràng địa điểm để chúng ta có thể tìm thấy những kho tàng mà Ngài đã hứa. Nói về Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô viết: “Trong Ngài đã giấu-kín mọi sự quí-báu [“kho tàng”, BDM] về khôn-ngoan thông-sáng” (Cô 2:3). Khi đọc những lời trên, chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao chúng ta nên tìm kiếm những kho tàng này? Chúng được “giấu-kín” trong Đấng Christ như thế nào? Làm sao chúng ta có thể tìm được những kho tàng ấy?”. Để trả lời, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn lời của sứ đồ Phao-lô.
5. Tại sao Phao-lô viết về kho tàng thiêng liêng cho anh em ở Cô-lô-se?
5 Phao-lô viết những lời này cho anh em đồng đạo ở Cô-lô-se. Ông cho họ biết rằng ông đã “chiến-tranh”, tức tranh đấu vì họ để ‘lòng họ được yên-ủi, và lấy sự yêu-thương mà liên-hiệp’. (Đọc Cô-lô-se 2:1, 2). Tại sao ông quan tâm như thế? Dường như Phao-lô biết các anh em đã bị ảnh hưởng của một số người trong vòng họ. Những người này ủng hộ một số triết lý Hy Lạp hoặc bào chữa cho việc trở lại giữ Luật pháp Môi-se. Ông mạnh mẽ cảnh báo anh em: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người, sơ-học của thế-gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng”.—Cô 2:8.
6. Tại sao chúng ta nên chú ý đến lời khuyên của Phao-lô?
6 Ngày nay, chúng ta gặp những ảnh hưởng tương tự từ Sa-tan và thế gian độc ác của hắn. Triết lý loài người, bao gồm thuyết tiến hóa cùng các thuyết khác phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, uốn nắn tư tưởng, đạo đức, mục tiêu và lối sống người ta. Tôn giáo sai lầm góp phần chính yếu trong nhiều ngày lễ phổ biến trên thế giới. Công nghệ giải trí cố thỏa mãn khuynh hướng đồi bại của xác thịt bất toàn, và nhiều nội dung trên Internet là mối nguy hiểm thật sự cho người trẻ cũng như người lớn tuổi. Thường xuyên tiếp cận những điều này và các xu hướng khác trong thế gian có thể dễ dàng ảnh hưởng đến cảm xúc và thái độ của chúng ta đối với sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va. Nó có thể khiến chúng ta lơi lỏng việc cầm lấy sự sống thật. (Đọc 1 Ti-mô-thê 6:17-19). Rõ ràng, chúng ta cần hiểu những lời của Phao-lô viết cho anh em ở Cô-lô-se và ghi nhớ lời khuyên của ông để không rơi vào mưu kế xảo quyệt của Sa-tan.
7. Phao-lô nói đến hai điều nào sẽ giúp anh em ở Cô-lô-se?
7 Trở lại những lời Phao-lô đã viết cho anh em ở Cô-lô-se, chúng ta lưu ý rằng sau khi đề cập đến mối lo của ông, Phao-lô nêu lên hai điều sẽ giúp họ được an ủi và hợp nhất trong tình yêu thương. Trước tiên, ông nói đến “sự thông-biết đầy-dẫy chắc chắn”. Họ phải hoàn toàn tin chắc sự hiểu biết của họ về Kinh Thánh là đúng, thế nên đức tin của họ được xây trên nền tảng vững chắc (Hê 11:1). Sau đó, Phao-lô nói đến việc “hiểu sự mầu-nhiệm của Đức Chúa Trời”. Không những họ cần biết các lẽ thật cơ bản mà còn phải nắm rõ lẽ thật sâu sắc của Đức Chúa Trời (Hê 5:13, 14). Thật là lời khuyên khôn ngoan cho tín đồ ở Cô-lô-se và cho chúng ta ngày nay! Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự tin chắc và sự hiểu biết sâu sắc như Phao-lô đã nói đến? Ông đã cung cấp bí quyết trong lời nói đầy ý nghĩa về Chúa Giê-su: ‘Trong Ngài đã giấu-kín mọi kho tàng về khôn-ngoan thông-sáng’.
Những kho tàng ‘giấu-kín trong’ Đấng Christ
8. Hãy giải thích ý nghĩa của từ “giấu-kín” trong Đấng Christ.
8 Khi nói kho tàng về khôn ngoan thông sáng được “giấu-kín” trong Đấng Christ, điều đó không có nghĩa là không ai đạt được. Thay vì thế, nó có nghĩa để tìm được kho tàng, chúng ta phải hết sức cố gắng và hướng sự chú ý đến Chúa Giê-su. Điều này phù hợp với lời của Chúa Giê-su nói về chính mình: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Thật vậy, để tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời, chúng ta cần sự hỗ trợ và hướng dẫn của Chúa Giê-su.
9. Chúa Giê-su được giao những vai trò nào?
9 Ngoài việc là “đường đi”, Chúa Giê-su nói rằng ngài là “lẽ thật, và sự sống”. Điều này cho thấy Chúa Giê-su không chỉ là phương tiện để đến gần Cha mà ngài còn có những vai trò trọng yếu trong việc hiểu lẽ thật Kinh Thánh và đạt đến sự sống vĩnh cửu. Thật thế, điều giấu kín trong Chúa Giê-su là những kho tàng thiêng liêng vô giá, chờ đợi những người nghiêm túc học Kinh Thánh khám phá. Chúng ta hãy xem xét một số kho tàng trực tiếp ảnh hưởng đến triển vọng trong tương lai và mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời.
10. Qua Cô-lô-se 1:19 và 2:9, chúng ta có thể học được gì về Chúa Giê-su?
10 “Sự đầy-dẫy của bổn-tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình” (Cô 1:19; 2:9). Vì ở với Cha hằng hà sa số năm, Chúa Giê-su biết rõ bản tính và ý định của Đức Chúa Trời hơn bất cứ ai. Trong suốt thời gian làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su dạy người ta những gì Cha ngài đã dạy. Qua hành động, ngài cũng phản ánh những đức tính Cha đã rèn luyện cho ngài. Đó là lý do Chúa Giê-su có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời được giấu kín, hoặc ở trong Đấng Christ. Thế nên, không có cách nào tốt hơn để biết về Đức Giê-hô-va là học kỹ mọi điều mà chúng ta có thể học về Chúa Giê-su.
11. Chúa Giê-su và các lời tiên tri trong Kinh Thánh có mối liên hệ nào?
11 “Sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus là đại-ý của lời tiên-tri” (Khải 19:10). Những lời này cho thấy Chúa Giê-su là nhân vật chính trong sự ứng nghiệm của những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Từ khi Đức Giê-hô-va tuyên bố lời tiên tri đầu tiên nơi Sáng-thế Ký 3:15 cho đến những sự hiện thấy vinh hiển trong sách Khải-huyền, các lời tiên tri của Kinh Thánh chỉ có thể hiểu đúng khi chúng ta hiểu biết vai trò của Chúa Giê-su trong Nước của Đấng Mê-si. Điều đó giải thích tại sao nhiều lời tiên tri nơi phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ gây hoang mang cho những người không nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã hứa từ trước. Nó cũng giải thích tại sao Chúa Giê-su chỉ là một bậc vĩ nhân đối với nhiều người không xem trọng phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, phần Kinh Thánh có nhiều lời tiên tri về Đấng Mê-si. Sự hiểu biết về Chúa Giê-su là bí quyết để giúp dân Đức Chúa Trời hiểu ý nghĩa của những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm.—2 Cô 1:20.
12, 13. (a) Chúa Giê-su là “sự sáng đã đến thế-gian” như thế nào? (b) Vì đã được thoát khỏi sự tối tăm về thiêng liêng, môn đồ Chúa Giê-su phải làm gì?
12 “Ta là sự sáng của thế-gian”. (Đọc Giăng 8:12; 9:5). Trước khi Chúa Giê-su được sinh ra trên đất rất lâu, nhà tiên tri Ê-sai đã nói: “Dân đi trong nơi tối-tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết” (Ê-sai 9:1). Sứ đồ Ma-thi-ơ cho biết Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm lời tiên tri ấy khi ngài khởi đầu công việc rao giảng và nói: “Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần” (Mat 4:16, 17). Thánh chức của Chúa Giê-su đã mang lại ánh sáng thiêng liêng và giải thoát người ta khỏi sự kìm kẹp của các giáo lý sai lầm. Chúa Giê-su phán: “Ta là sự sáng đã đến thế-gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối-tăm nữa”.—Giăng 1:3-5; 12:46.
13 Nhiều năm sau, sứ đồ Phao-lô nói với anh em đồng đạo: “Lúc trước anh em đương còn tối-tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng-láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng-láng” (Ê-phê 5:8). Vì đã được thoát khỏi sự tối tăm về thiêng liêng, tín đồ Đấng Christ phải bước đi như các con sáng láng. Điều này phù hợp với những gì Chúa Giê-su nói với các môn đồ trong Bài giảng trên núi: “Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời” (Mat 5:16). Bạn có quí trọng những kho tàng thiêng liêng mình tìm được nơi Chúa Giê-su đến mức đề cao những kho tàng ấy với người khác, qua lời nói và hạnh kiểm của người tín đồ Đấng Christ không?
14, 15. (a) Vào thời Kinh Thánh, con chiên và những thú vật khác là một phần trong sự thờ phượng thật như thế nào? (b) Trong vai trò “Chiên con của Đức Chúa Trời”, tại sao Chúa Giê-su là kho tàng quí giá nhất?
14 Chúa Giê-su là “Chiên con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:29, 36). Xuyên suốt Kinh Thánh, con chiên dùng để giúp người ta được tha tội và đến gần Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, sau khi Áp-ra-ham cho thấy ông sẵn sàng dâng con trai là Y-sác, Đức Chúa Trời bảo ông đừng làm hại con mình và Ngài cung cấp một con chiên đực để thế mạng Y-sác (Sáng 22:12, 13). Khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi xứ Ê-díp-tô, họ phải giết một con chiên và bôi máu nó trên khung cửa trước “lễ Vượt-qua của Đức Giê-hô-va” (Xuất 12:1-13). Hơn nữa, Luật pháp Môi-se qui định nhiều loại thú để làm của lễ, trong đó có chiên và dê.—Xuất 29:38-42; Lê 5:6, 7.
15 Không của lễ nào do con người dâng, kể cả các của lễ bằng thú vật, có thể mang lại sự giải thoát vĩnh viễn khỏi tội lỗi và sự chết (Hê 10:1-4). Trái lại, với tư cách là “Chiên con của Đức Chúa Trời”, Chúa Giê-su là “Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi”. Chỉ sự kiện này thôi cũng cho thấy Chúa Giê-su là kho tàng quí giá hơn hẳn bất kỳ kho báu nào mà người ta từng khám phá. Vì vậy, chúng ta nên dành thời gian để học hỏi thấu đáo về đề tài giá chuộc và thể hiện đức tin nơi sự sắp đặt tuyệt diệu ấy. Khi làm thế, chúng ta có hy vọng nhận được ân phước và phần thưởng cao quí: “bầy nhỏ” được tôn vinh và vinh hiển cùng với Đấng Christ ở trên trời, còn “chiên khác” thì được sống mãi mãi trong Địa Đàng.—Lu 12:32; Giăng 6:40, 47; 10:16.
16, 17. Tại sao việc chúng ta hiểu vai trò của Chúa Giê-su là “cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin” là thiết yếu?
16 Chúa Giê-su là “cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin”. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:1, 2). Nơi Hê-bơ-rơ chương 11, chúng ta tìm thấy lời bàn luận hùng hồn của Phao-lô về đức tin, bao gồm định nghĩa súc tích cùng một danh sách những người nam, nữ là mẫu mực về đức tin như Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra và Ra-háp. Ghi nhớ điều này, Phao-lô thúc giục anh em đồng đạo “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin”. Tại sao thế?
17 Dù những người nam và nữ trung thành được ghi nơi Hê-bơ-rơ chương 11 đã có đức tin mạnh mẽ nơi lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng họ không biết mọi chi tiết về cách Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa của Ngài qua Đấng Mê-si và Nước Trời. Theo nghĩa đó, đức tin của họ đã không trọn vẹn. Thật vậy, ngay cả những người được Đức Giê-hô-va dùng để viết các lời tiên tri về Đấng Mê-si cũng không hiểu hết ý nghĩa của những điều họ viết (1 Phi 1:10-12). Chỉ qua Chúa Giê-su, đức tin mới có thể hoàn hảo, hay trọn vẹn. Vậy, việc hiểu rõ và nhận biết vai trò của Chúa Giê-su là “cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin” thật quan trọng biết bao!
Hãy tìm
18, 19 (a) Hãy kể ra những kho tàng thiêng liêng khác được giấu kín trong Đấng Christ. (b) Tại sao chúng ta nên tiếp tục tìm kiếm những kho tàng thiêng liêng trong Chúa Giê-su?
18 Chúng ta chỉ xem xét một số vai trò cao quí của Chúa Giê-su trong ý định giải cứu nhân loại của Đức Chúa Trời. Còn có những kho tàng thiêng liêng khác được giấu kín trong Đấng Christ. Tìm kiếm những kho tàng ấy sẽ mang lại niềm vui và lợi ích cho chúng ta. Chẳng hạn, sứ đồ Phi-e-rơ gọi Chúa Giê-su là “Chúa của sự sống” và “sao mai” (Công 3:15; 5:31; 2 Phi 1:19). Kinh Thánh cũng áp dụng từ “A-men” cho Chúa Giê-su (Khải 3:14). Bạn có biết ý nghĩa và tầm quan trọng của các vai trò này không? Như Chúa Giê-su đã phán: “Hãy tìm, sẽ gặp”.—Mat 7:7.
19 Không ai trong lịch sử có đời sống đầy ý nghĩa và liên hệ chặt chẽ đến hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta như Chúa Giê-su. Trong ngài ẩn chứa những kho tàng thiêng liêng, và bất cứ người nào hết lòng tìm kiếm sẽ dễ dàng tìm thấy. Mong sao việc tìm kiếm những kho tàng ‘giấu-kín trong Ngài’ là niềm vui và ân phước của bạn.
Bạn còn nhớ không?
• Tín đồ Đấng Christ được khuyến khích tìm kiếm những kho tàng nào?
• Tại sao lời khuyên của Phao-lô dành cho tín đồ ở Cô-lô-se vẫn thích hợp đối với chúng ta ngày nay?
• Hãy kể ra và giải thích một số kho tàng thiêng liêng được ‘giấu-kín trong’ Đấng Christ.
[Câu hỏi thảo luận]
[Các hình nơi trang 5]
Kinh Thánh như một bản đồ kho báu, hướng dẫn chúng ta tìm những kho tàng ‘giấu-kín trong’ Đấng Christ