Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tình yêu của Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta yêu anh em

Tình yêu của Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta yêu anh em

Tình yêu của Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta yêu anh em

“Đức Chúa Jêsus... đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế-gian, thì cứ yêu cho đến cuối-cùng”.—GIĂNG 13:1.

1, 2. (a) Tại sao tình yêu thương của Chúa Giê-su nổi bật? (b) Trong bài này, chúng ta sẽ bàn về những khía cạnh nào để thể hiện tình yêu thương?

Chúa Giê-su đã nêu gương tuyệt hảo về tình yêu thương. Mọi điều về Chúa Giê-su—lời nói, hạnh kiểm, sự dạy dỗ và cái chết hy sinh—chứng tỏ tình yêu thương của ngài. Cho đến giây phút cuối của đời sống trên đất, Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu thương với những người ngài gặp, đặc biệt là với các môn đồ.

2 Gương nổi bật của Chúa Giê-su về tình yêu thương đã đặt ra tiêu chuẩn cao để các môn đồ noi theo. Gương của ngài cũng thôi thúc chúng ta tỏ tình yêu thương như thế với các anh chị đồng đức tin cũng như với mọi người. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét các trưởng lão có thể học được gì từ Chúa Giê-su về cách biểu lộ tình yêu thương với những người phạm tội, thậm chí phạm tội trọng. Chúng ta cũng sẽ bàn về cách tình yêu thương của Chúa Giê-su thôi thúc tín đồ Đấng Christ có hành động tích cực trong những lúc khó khăn, gặp tai ương và bệnh tật.

3. Dù Phi-e-rơ đã phạm tội trọng, Chúa Giê-su đối xử với ông như thế nào?

3 Vào đêm trước khi Chúa Giê-su chịu chết, chính sứ đồ mà ngài đã chọn là Phi-e-rơ chối ngài ba lần (Mác 14:66-72). Thế nhưng, khi Phi-e-rơ đã hối cải, như Chúa Giê-su báo trước, ngài tha thứ cho ông. Ngài giao cho Phi-e-rơ nhiều trọng trách (Lu 22:32; Công 2:14; 8:14-17; 10:44, 45). Chúng ta học được gì từ thái độ của Chúa Giê-su đối với người phạm tội trọng?

Biểu lộ tâm tình như Chúa Giê-su đối với người phạm tội

4. Trường hợp nào đặc biệt đòi hỏi phải thể hiện tâm tình của Chúa Giê-su?

4 Trong nhiều tình huống đòi hỏi phải biểu lộ tâm tình như Chúa Giê-su, có một tình huống có thể rất đau lòng. Đó là khi người thân hay một anh chị trong hội thánh phạm tội nặng. Đáng buồn thay, khi ngày cuối cùng của hệ thống Sa-tan tiến tới đỉnh điểm, tinh thần thế gian ngày càng gây ảnh hưởng tai hại về đạo đức. Quan điểm xấu hoặc bàng quan của thế gian về đạo đức ảnh hưởng đến cả người già lẫn người trẻ, làm giảm quyết tâm của họ đi theo đường hẹp. Vào thế kỷ thứ nhất, một số người đã bị khai trừ khỏi hội thánh đạo Đấng Christ, còn những người khác bị khiển trách. Ngày nay cũng thế (1 Cô 5:11-13; 1 Ti 5:20). Tuy nhiên, khi các trưởng lão giải quyết những vấn đề này và thể hiện tình yêu thương như Chúa Giê-su, điều đó có thể tác động sâu xa đến người phạm tội.

5. Trưởng lão nên noi theo thái độ của Chúa Giê-su với người phạm tội như thế nào?

5 Như Chúa Giê-su, trưởng lão phải luôn ủng hộ các tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va. Làm thế, họ phản ánh tính mềm mại, nhân từ và yêu thương của Đức Giê-hô-va. Khi một người thật lòng ăn năn, “có lòng đau-thương” và “có tâm-hồn thống-hối” vì lỗi lầm của mình, có lẽ không khó để trưởng lão “lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại” (Thi 34:18; Ga 6:1). Nhưng nói sao với người ngang ngạnh và chỉ hối hận chút ít hoặc không ăn năn?

6. Khi đối xử với người phạm tội, trưởng lão phải tránh điều gì, và tại sao?

6 Khi người phạm tội chối bỏ lời khuyên dựa trên Kinh Thánh hoặc cố đổ lỗi cho người khác về hành vi sai trái của mình, trưởng lão và các anh chị khác có thể giận. Biết được sự tai hại mà người phạm tội đã gây ra, họ có thể muốn bày tỏ cảm nghĩ về hành động và thái độ của người đó. Tuy nhiên, tức giận là tai hại và không phản ánh “ý của Đấng Christ” (1 Cô 2:16; đọc Gia-cơ 1:19, 20). Chúa Giê-su cảnh báo một số người vào thời ngài bằng những lời rõ ràng, nhưng không lần nào ngài dùng lời lẽ độc ác hoặc cố ý gây tổn thương (1 Phi 2:23). Thay vì thế, ngài cho người phạm tội có cơ hội ăn năn và quay trở lại để được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Thật vậy, một trong những lý do chính để Chúa Giê-su đến thế gian là “cứu-vớt kẻ có tội”.—1 Ti 1:15.

7, 8. Điều gì hướng dẫn trưởng lão trong việc xử lý những vấn đề tư pháp?

7 Về phương diện này, gương của Chúa Giê-su nên ảnh hưởng thế nào đến thái độ của chúng ta với người bị kỷ luật trong hội thánh? Hãy nhớ rằng những hướng dẫn của Kinh Thánh về các quyết định tư pháp nhằm bảo vệ bầy và có thể thôi thúc người phạm tội ấy ăn năn (2 Cô 2:6-8). Đáng buồn là một số người không hối cải và phải bị khai trừ. Tuy nhiên, thật ấm lòng khi biết phần lớn những người như thế sau này trở lại với Đức Giê-hô-va và hội thánh Ngài. Khi trưởng lão biểu lộ thái độ như Chúa Giê-su, họ giúp người phạm tội dễ dàng thay đổi thái độ hơn và cuối cùng quay trở về. Trong tương lai, một số người phạm tội đã bị khai trừ có thể không nhớ tất cả những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh mà trưởng lão đã nói với họ, nhưng chắc chắn họ sẽ nhớ trưởng lão đã tôn trọng và đối xử với họ bằng tình yêu thương. Điều này thúc đẩy họ trở lại với hội thánh.

8 Vì vậy, trưởng lão phải thể hiện “trái của Thánh-Linh”, chủ yếu là tình yêu thương như Chúa Giê-su, ngay cả trong trường hợp người phạm tội không chấp nhận lời khuyên (Ga 5:22). Trưởng lão không nên vội vã khai trừ người phạm tội khỏi hội thánh. Họ phải cho thấy là họ muốn người đó quay trở lại với Đức Giê-hô-va. Vậy sau này, khi người phạm tội ăn năn, như nhiều người đã làm, người đó vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va và trưởng lão, tức “món quà dưới hình thức người”, đã giúp họ trở lại hội thánh dễ dàng hơn.—Ê-phê 4:8, 11, 12, NW.

Biểu lộ tình yêu thương như Chúa Giê-su trong thời kỳ cuối cùng

9. Hãy nêu một trường hợp cho thấy tình yêu thương thiết thực của Chúa Giê-su với các môn đồ.

9 Lời tường thuật của sách Lu-ca nói đến một trường hợp nổi bật về tình yêu thương thiết thực mà Chúa Giê-su đã thể hiện. Biết sau này quân La Mã sẽ vây thành Giê-ru-sa-lem, không để người nào trốn thoát, Chúa Giê-su đã yêu thương cảnh báo môn đồ: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến”. Họ nên làm gì? Ngài chỉ dẫn trước cách rõ ràng và cụ thể: “Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành. Vì những ngày đó là ngày báo thù, hầu cho mọi lời đã chép được ứng-nghiệm” (Lu 21:20-22). Sau khi quân La Mã vây thành Giê-ru-sa-lem vào năm 66 CN rồi rút lui, những người vâng lời đã làm theo sự chỉ dẫn ấy.

10, 11. Xem xét việc tín đồ Đấng Christ thời ban đầu trốn khỏi thành Giê-ru-sa-lem giúp chúng ta chuẩn bị cho “hoạn-nạn lớn” như thế nào?

10 Trong thời gian trốn khỏi Giê-ru-sa-lem, tín đồ Đấng Christ cần biểu lộ với nhau tình yêu thương như Chúa Giê-su, cũng như chính ngài đã biểu lộ với họ. Chắc chắn, họ đã chia sẻ những gì mình có. Nhưng, lời tiên tri của Chúa Giê-su không chỉ ứng nghiệm khi thành cổ này bị hủy diệt mà còn có sự ứng nghiệm lớn hơn. Ngài báo trước: “Sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Mat 24:17, 18, 21). Trước và trong thời kỳ “hoạn-nạn lớn” ấy, có thể chúng ta cũng gặp khó khăn và thiếu thốn. Có tâm tình như Đấng Christ sẽ giúp chúng ta vượt qua.

11 Lúc ấy, chúng ta cần noi gương Chúa Giê-su, biểu lộ tình yêu thương bất vị kỷ. Liên quan đến điều này, Phao-lô khuyên: “Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân-cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt. Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình... Xin Đức Chúa Trời hay nhịn-nhục và yên-ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo [“tâm tình của”, Trịnh Văn Căn] Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Rô 15:2, 3, 5.

12. Ngày nay, chúng ta cần vun trồng tình yêu thương nào, và tại sao?

12 Phi-e-rơ, người nhận được tình yêu thương của Chúa Giê-su, cũng thúc giục tín đồ Đấng Christ vun trồng “lòng yêu-thương anh em cách thật-thà” và “vâng theo lẽ thật”. Họ cũng nên “yêu nhau sốt-sắng hết lòng” (1 Phi 1:22). Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần vun trồng những đức tính như thế của Chúa Giê-su. Hiện nay, những áp lực trên dân sự Đức Chúa Trời ngày càng mãnh liệt. Không ai nên tin cậy vào bất cứ lĩnh vực nào của thế gian này, như được thấy rõ qua sự bất ổn trong hệ thống tài chính toàn cầu gần đây. (Đọc 1 Giăng 2:15-17). Vì sự kết liễu của hệ thống này ngày càng gần kề, chúng ta cần đến gần Đức Giê-hô-va và anh em cùng đức tin, vun trồng tình bạn chân thật trong hội thánh. Phao-lô khuyên: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô 12:10). Phi-e-rơ nhấn mạnh thêm: “Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu-thương sốt-sắng; vì sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi”.—1 Phi 4:8.

13-15. Sau thảm họa, một số anh chị biểu lộ tình yêu thương như Chúa Giê-su qua cách nào?

13 Trên thế giới, Nhân Chứng Giê-hô-va được biết đến qua việc thể hiện tình yêu thương như Chúa Giê-su. Hãy xem trường hợp các Nhân Chứng đã đáp ứng lời kêu gọi cứu trợ sau các cơn bão lớn quét qua những vùng rộng lớn ở miền nam Hoa Kỳ vào năm 2005. Được thôi thúc theo gương Chúa Giê-su, hơn 20.000 người tình nguyện đến giúp các anh em gặp nạn, trong đó, nhiều người đã rời nhà cửa tiện nghi và việc làm ổn định.

14 Tại một vùng, cơn bão kèm theo sóng lớn đẩy một bức tường nước cao 10m vào đất liền hơn 80km. Khi nước rút, một phần ba nhà cửa trên đường nó đi qua hoàn toàn bị hủy phá. Những Nhân Chứng tình nguyện từ một số quốc gia mang dụng cụ và vật liệu xây dựng đến đấy, dùng kỹ năng để sẵn sàng làm bất cứ việc gì cần thiết. Chẳng hạn, hai chị em góa chồng thu xếp vật dụng cá nhân vào một xe tải nhỏ và đi hơn 3.000km đến vùng này để giúp đỡ. Sau đó, người em tiếp tục ở lại giúp ủy ban cứu trợ địa phương và làm tiên phong đều đều.

15 Hơn 5.600 căn nhà của các Nhân Chứng và những người trong vùng được sửa chữa hoặc xây lại. Nhân Chứng địa phương cảm thấy thế nào khi đón nhận tình yêu thương bao la này? Một chị đã bị mất nhà nên phải dọn đến sống trong căn hộ lưu động nhỏ bé với mái dột và bếp lò bị hư. Các anh đã xây cho chị một căn nhà nhỏ nhưng tiện nghi. Đứng trước ngôi nhà mới ngăn nắp, chị bật khóc vì biết ơn Đức Giê-hô-va và anh em. Trong nhiều trường hợp, các Nhân Chứng tiếp tục tạm trú ở nơi khác thêm một năm hay hơn nữa, dù nhà của họ đã được xây lại. Tại sao? Để các anh chị làm việc cứu trợ sống ở đấy. Quả là một gương về việc biểu lộ tâm tình của Đấng Christ!

Biểu lộ thái độ như Chúa Giê-su với người bệnh

16, 17. Chúng ta có thể phản ánh tâm tình của Đấng Christ đối với người bệnh như thế nào?

16 Tương đối ít người trong chúng ta từng đương đầu với thảm họa thiên nhiên. Nhưng thường thì mỗi người phải đối phó với vấn đề sức khỏe của mình hoặc của người thân trong gia đình. Tâm tình của Chúa Giê-su đối với người bệnh là gương mẫu cho chúng ta. Tình yêu thương thôi thúc ngài thương xót họ. Khi người ta mang người bệnh đến, ngài “chữa được hết thảy”.—Mat 8:16; 14:14.

17 Ngày nay, tín đồ Đấng Christ không thể làm phép lạ để chữa bệnh như Chúa Giê-su, nhưng họ có lòng thương xót giống như ngài. Họ biểu lộ như thế nào? Chẳng hạn, các trưởng lão cho thấy họ có tâm tình như Đấng Christ bằng cách đề ra và để ý đến các sắp đặt giúp anh chị bị bệnh trong hội thánh theo tinh thần được đề cập nơi Ma-thi-ơ 25:39, 40. (Đọc). *

18. Hai chị đã thể hiện tình yêu thương chân thật với một chị đồng đạo như thế nào, và kết quả ra sao?

18 Dĩ nhiên, không phải chỉ trưởng lão mới có thể làm điều tốt cho người khác. Hãy xem trường hợp chị Charlene 44 tuổi, mắc bệnh ung thư và theo lời bác sĩ chị chỉ sống được mười ngày thôi. Biết được nhu cầu của chị và thấy việc chăm sóc cho vợ khiến người chồng tận tụy bị mệt mỏi và kiệt sức, hai chị trong hội thánh là Sharon và Nicolette tình nguyện dành trọn thời gian đến giúp chị Charlene trong những ngày cuối đời. Những ngày này kéo dài đến sáu tuần, nhưng hai chị đã thể hiện tình yêu thương cho đến phút cuối. Chị Sharon thổ lộ: “Thật là khó khi biết một người không thể hồi phục. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã giúp chúng tôi mạnh mẽ. Kinh nghiệm này kéo chúng tôi đến gần Đức Giê-hô-va và thân thiết với nhau hơn”. Chồng của chị Charlene cho biết: “Tôi sẽ không bao giờ quên lòng tử tế và sự giúp đỡ thiết thực của hai chị thân yêu ấy. Động cơ trong sáng cùng thái độ tích cực của các chị đã làm cho thử thách cuối cùng của Charlene yêu dấu dễ chịu hơn, đồng thời giảm bớt sự mệt mỏi về thể chất và cảm xúc của tôi. Tôi sẽ mãi nhớ ơn họ. Tinh thần hy sinh của họ làm vững mạnh đức tin của tôi nơi Đức Giê-hô-va và tình yêu thương với đoàn thể anh em”.

19, 20. (a) Chúng ta đã xem xét năm khía cạnh nào của tâm tình Chúa Giê-su? (b) Bạn quyết tâm làm gì?

19 Trong ba bài này, chúng ta đã xem xét năm khía cạnh của tâm tình Chúa Giê-su, và làm thế nào có thể noi theo lối suy nghĩ cũng như hành động của ngài. Chúng ta hãy “nhu-mì, khiêm-nhường” như Chúa Giê-su (Mat 11:29). Mong sao chúng ta cũng cố gắng đối xử với người khác cách nhân từ, ngay cả khi thấy rõ sự bất toàn và yếu đuối của họ. Hãy can đảm vâng theo mọi đòi hỏi của Đức Giê-hô-va, ngay cả khi đương đầu với thử thách.

20 Rốt cuộc, giống như Chúa Giê-su, chúng ta hãy thể hiện tình yêu thương đối với anh em “cho đến cuối-cùng”. Tình yêu thương thể ấy giúp người khác nhận diện chúng ta là môn đồ chân chính của ngài (Giăng 13:1, 34, 35). Vậy, “hãy hằng có tình yêu-thương anh em” (Hê 13:1). Đừng do dự! Hãy dùng đời sống bạn ngợi khen Đức Giê-hô-va và giúp đỡ người khác! Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho các nỗ lực chân thành của bạn.

[Chú thích]

^ đ. 17 Xin xem bài “Thực hành hơn là nói suông: “Hãy sưởi cho ấm và ăn cho no”” trong Tháp Canh ngày 1-7-1987; hoặc Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-10-1986.

Bạn giải thích thế nào?

• Làm thế nào các trưởng lão có thể biểu lộ tâm tình của Chúa Giê-su đối với người phạm tội?

• Tại sao noi theo tình yêu thương của Chúa Giê-su là đặc biệt quan trọng trong thời kỳ cuối cùng?

• Làm thế nào chúng ta có thể phản ánh tâm tình của Chúa Giê-su với người bệnh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Các trưởng lão muốn người phạm tội quay về với Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 18]

Làm thế nào tín đồ Đấng Christ phản ánh tâm tình của Chúa Giê-su khi trốn khỏi Giê-ru-sa-lem?

[Hình nơi trang 19]

Nhân Chứng Giê-hô-va được biết đến qua việc thể hiện tình yêu thương như Chúa Giê-su