Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có “đâm rễ vững nền” không?

Bạn có “đâm rễ vững nền” không?

Bạn có “đâm rễ vững nền” không?

Có bao giờ bạn thấy một cây to hứng chịu những cơn gió mạnh không? Dù cây hứng chịu lực mạnh mẽ ấy, nhưng nó vẫn trụ được. Tại sao? Vì nó có bộ rễ bám sâu vào lòng đất. Chúng ta có thể giống như cây ấy. Khi gặp bão tố trong đời sống, chúng ta cũng có thể chịu đựng nếu vẫn “đâm rễ vững nền” (Ê-phê 3:14-18). Vậy, nền đó là gì?

Lời Đức Chúa Trời nói rằng trong hội thánh đạo Đấng Christ “chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus-Christ” (1 Cô 3:11). Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta được khuyến khích “hãy bước đi trong Ngài... hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức-tin làm cho bền-vững”. Nếu làm thế, chúng ta sẽ đứng vững trước mọi sự tấn công về đức tin, kể cả những hình thức đến từ “lời dỗ-dành” dựa trên “lời hư-không” của loài người.—Cô 2:4-8.

“Bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu”

Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể “châm rễ” và “lấy đức-tin làm cho bền-vững”? Một cách để chúng ta cắm rễ vào đất, theo nghĩa bóng, là siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta “được hiệp cùng các thánh-đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của lẽ thật (Ê-phê 3:18). Do đó, tín đồ Đấng Christ không nên bằng lòng với chút hiểu biết sơ sài, thỏa mãn với “những điều sơ-học” trong Lời Đức Chúa Trời (Hê 5:12; 6:1). Trái lại, mỗi người chúng ta nên cố gắng đào sâu sự hiểu biết về lẽ thật trong Kinh Thánh.—Châm 2:1-5.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa có sự hiểu biết sâu rộng là đủ để “đâm rễ vững nền” trong lẽ thật. Suy cho cùng, Sa-tan cũng biết nội dung Kinh Thánh. Thế nhưng, chỉ có điều đó thôi thì không đủ. Chúng ta cần “biết sự yêu-thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông-biết” (Ê-phê 3:19). Tuy nhiên, khi gia tăng sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời vì yêu mến Ngài và lẽ thật, đức tin của chúng ta sẽ được củng cố.—Cô 2:2.

Kiểm tra sự hiểu biết của bạn

Ngay bây giờ, sao không tự kiểm tra sự hiểu biết của bạn về vài lẽ thật quan trọng trong Kinh Thánh? Khi làm thế, bạn có thể được khuyến khích siêng năng học hỏi Kinh Thánh nhiều hơn. Chẳng hạn, hãy đọc những câu đầu của lá thư sứ đồ Phao-lô gởi cho anh em ở Ê-phê-sô. (Xem khung “Thơ của Phao-lô gởi cho người Ê-phê-sô”). Sau khi đọc những câu đó, bạn hãy tự hỏi: “Tôi có hiểu những cụm từ được in nghiêng của đoạn Kinh Thánh trong khung này không?”. Chúng ta hãy xem xét từng cụm từ trong đoạn đó.

Đã được định “trước khi sáng-thế”

Phao-lô viết cho anh em cùng đức tin: “[Đức Chúa Trời] đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus-Christ”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va quyết định sẽ nhận một số người vào gia đình hoàn toàn trên trời của Ngài. Những người con này của Đức Chúa Trời sẽ đồng cai trị với Chúa Giê-su với tư cách là vua và thầy tế lễ (Rô 8:19-23; Khải 5:9, 10). Trong cuộc thách thức lúc ban đầu về quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, Sa-tan ám chỉ rằng loài người mà Đức Chúa Trời tạo là không hoàn hảo. Vậy, thật thích hợp làm sao khi Đức Giê-hô-va chọn những thành viên trong gia đình nhân loại để thực hiện một vai trò mà sau này loại bỏ khỏi vũ trụ mọi điều xấu xa, gồm nguồn của sự gian ác là Sa-tan Ma-quỉ! Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã không định trước những ai sẽ được Ngài nhận làm con. Thay vì thế, Đức Chúa Trời định rõ sẽ có một nhóm, hay một lớp người đồng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời.—Khải 14:3, 4.

Khi viết thư cho anh em đồng đạo là họ, với tư cách một nhóm, được chọn “trước khi sáng-thế”, Phao-lô muốn nói đến thế gian nào? Ông không ám chỉ giai đoạn trước khi Đức Chúa Trời tạo ra trái đất hoặc con người. Điều đó trái với nguyên tắc cơ bản về công lý. Nếu Đức Chúa Trời đã định A-đam và Ê-va sẽ bất tuân trước khi họ được tạo ra, làm sao họ có thể chịu trách nhiệm về hành động của mình? Vậy, khi nào Đức Chúa Trời chọn biện pháp cứu vãn tình thế mà A-đam và Ê-va đã gây ra lúc theo phe Sa-tan nghịch lại quyền tối thượng của Ngài? Đức Giê-hô-va chỉ làm thế sau khi thủy tổ chúng ta phản nghịch và trước khi thế gian bất toàn nhưng có thể cứu chuộc xuất hiện.

“Theo sự dư-dật của ân-điển Ngài”

Tại sao Phao-lô nói rằng những sắp đặt nơi các câu đầu của thư gửi anh em ở Ê-phê-sô là “theo sự dư-dật của ân-điển [Đức Chúa Trời]”? Ông muốn nhấn mạnh rằng Đức Giê-hô-va không buộc phải cứu nhân loại bất toàn.

Theo bản chất, không ai trong chúng ta xứng đáng được cứu chuộc. Tuy nhiên, tình yêu thương sâu đậm với gia đình nhân loại đã thôi thúc Đức Giê-hô-va có những sắp đặt đặc biệt để giải cứu chúng ta. Xét về sự bất toàn và tội lỗi, sự cứu chuộc của chúng ta là một ân điển của Đức Chúa Trời, như Phao-lô đã nói.

Sự mầu nhiệm của ý định Đức Chúa Trời

Ban đầu, Đức Chúa Trời không tiết lộ cách Ngài sẽ khắc phục những tổn hại do Sa-tan gây ra. Đó là “lẽ mầu-nhiệm” (Ê-phê 3:4, 5). Sau này, khi hội thánh đạo Đấng Christ được thành lập, Đức Giê-hô-va tiết lộ thêm chi tiết về cách Ngài sẽ hoàn thành ý định ban đầu đối với nhân loại và trái đất. Phao-lô giải thích “trong khi kỳ mãn” Đức Chúa Trời sẽ dùng “một sự quản trị”, tức một hệ thống quản lý các vấn đề sẽ mang lại sự hợp nhất cho mọi tạo vật thông minh.

Bước đầu tiên của sự hợp nhất ấy đã bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi Đức Giê-hô-va khởi sự thu nhóm những người sẽ cùng Đấng Christ cai trị ở trên trời (Công 1:13-15; 2:1-4). Bước thứ nhì là thu nhóm những người sẽ sống trong địa đàng dưới sự cai trị của Nước Đấng Mê-si (Khải 7:14-17; 21:1-5). Cụm từ “sự quản trị” không ám chỉ Nước của Đấng Mê-si, vì Nước ấy chỉ được thành lập vào năm 1914. Thay vì thế, cụm từ này nói về việc Đức Chúa Trời giải quyết, hay quản lý, các vấn đề nhằm hoàn thành ý định khôi phục sự hợp nhất trong vũ trụ.

“Về sự khôn-sáng, hãy nên như kẻ thành-nhân”

Chắc chắn, thói quen học hỏi tốt sẽ giúp bạn hiểu rõ “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của lẽ thật. Tuy nhiên, lối sống vội vã hiện nay khiến Sa-tan dễ làm suy yếu hoặc ngay cả hủy hoại thói quen đó. Đừng để điều đó xảy ra. Hãy dùng “trí-khôn” mà Đức Chúa Trời ban để được ‘khôn-sáng như kẻ thành-nhân’ (1 Giăng 5:20; 1 Cô 14:20). Hãy chắc chắn bạn hiểu mình tin điều gì và tại sao mình tin. Cũng hãy chắc chắn rằng bạn có thể luôn ‘trả lời mọi người hỏi lẽ về sự trông-cậy của mình’.—1 Phi 3:15.

Hãy tưởng tượng bạn có mặt ở Ê-phê-sô khi lá thư của Phao-lô được đọc lần đầu. Chẳng phải những lời ấy thôi thúc bạn muốn gia tăng “sự hiểu-biết Con Đức Chúa Trời” sao? (Ê-phê 4:13, 14). Chắc chắn có! Thế nên, ngày nay, hãy để những lời được soi dẫn của Phao-lô cũng tác động như thế đến bạn. Tình yêu thương sâu đậm với Đức Giê-hô-va và sự hiểu biết chính xác về Lời Ngài sẽ giúp bạn tiếp tục “đâm rễ vững nền” trong Đấng Christ. Bằng cách này, bạn có thể chịu đựng bất kỳ cơn bão nào mà Sa-tan dấy lên nghịch cùng bạn trước khi hệ thống gian ác hiện tại bị hủy diệt hoàn toàn.—Thi 1:1-3; Giê 17:7, 8.

[Khung/​Hình nơi trang 27]

“Thơ của Phao-lô gởi cho người Ê-phê-sô”

“Ngợi-khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng-liêng ở các nơi trên trời, trước khi sáng-thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, bởi sự thương-yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus-Christ, theo ý tốt của Ngài, để khen-ngợi sự vinh-hiển của ân-điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng-không trong Con yêu-dấu của Ngài! Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu-chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư-dật của ân-điển Ngài, mà Ngài đã rải ra đầy-dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn-ngoan thông-sáng, khiến chúng ta biết sự mầu-nhiệm của ý-muốn Ngài, theo ý định mà Ngài đã tự lập-thành trước trong lòng nhân-từ Ngài—để làm sự định trước đó [“một sự quản trị”, NW] trong khi kỳ mãn—hội-hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất”.—Ê-phê 1:3-10.